Truy cập hiện tại

Đang có 89 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

(TUAG)- Nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và truyền thống cách mạng địa phương là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhằm tái hiện lịch sử đấu tranh cách mạng ở địa phương qua các thời kỳ lịch sử, góp phần tổng kết thực tiễn công tác tư tưởng, lý luận và xây dựng Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra ở địa phương.


Tân Châu tổ chức Hội thi tìm hiểu cội nguồn dân tộc Việt Nam

Nhận thức rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và truyền thống cách mạng địa phương đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Ngay sau khi Trung ương ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 63-KH/TU, ngày 31/8/2018 về việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW và Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 09/9/2019 về sưu tầm, khai thác tư liệu; nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và truyền thống cách mạng địa phương đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc phân bổ kinh phí thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử cấp tỉnh; đồng thời, cấp huyện đều có kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho cấp xã nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ xã.

Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đưa nội dung nghiên cứu, biên soạn và giáo dục lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng địa phương làm tiêu chí đánh giá hằng năm; quan tâm bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn, nhiệt tình và năng lực phụ trách công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương; chỉ đạo phối hợp với cán bộ nghỉ hưu, có trình độ và kinh nghiệm nghiên cứu, biên soạn lịch sử để cộng tác… góp phần thúc đẩy công tác sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ, truyền thống cách mạng; xây dựng nhà truyền thống ở các xã, thị trấn trưng bày hình ảnh trực quan, sinh động các thời kỳ lịch sử oanh liệt, các gương điển hình, các thành tựu kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng bia lưu niệm, nhà bia liệt sỹ, trùng tu các di tích lịch sử cách mạng hiện có trên địa bàn… Tính đến tháng 9/2020 toàn tỉnh 111/156 xã, phường, thị trấn đã xuất bản lịch sử đảng bộ đạt tỷ lệ 71,15%.

Công tác tuyên truyền, giáo dục và giảng dạy lịch sử, truyền thống cách mạng ở địa phương được quan tâm tổ chức với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Hằng năm, nhân dịp các ngày lễ, kỷ niệm lớn trong năm, các cơ quan thông tin đại chúng, văn hóa văn nghệ trong tỉnh đều có những hoạt động thiết thực góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống địa phương. Các cơ quan, ban, ngành thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về những sự kiện, con người tiêu biểu của địa phương; trưng bày hiện vật, hình ảnh liên quan lịch sử địa phương; giao lưu các thế hệ, kể chuyện lịch sử...; các trường học thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ địa phương như: thi viết, tìm hiểu, đố em, kính vạn hoa, hái hoa dân chủ...; Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đưa nội dung tóm lược lịch sử Đảng bộ An Giang và lịch sử đảng bộ địa phương vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Qua đó, góp phần thiết thực bồi dưỡng kiến thức lịch sử về Đảng, lịch sử địa phương cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong cán bộ, đảng viên và thanh niên, học sinh.

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, công tác lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng còn nhiều hạn chế nhất định như: Một vài địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo công tác lịch sử Đảng, còn “khoán trắng” cho ban tuyên giáo và cán bộ chuyên môn; việc đầu tư trang thiết bị, kinh phí cho công tác lịch sử Đảng các cấp chưa đáp ứng theo yêu cầu; chế độ, chính sách về sưu tầm tư liệu, biên soạn, biên tập, thẩm định lịch sử Đảng chưa được quy định thống nhất, chủ yếu do các nơi vận dụng, gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình, không khuyến khích được người có khả năng nghiên cứu, biên soạn tham gia; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng có mặt còn hạn chế; đa số cán bộ cấp huyện, cấp xã chưa có trình độ chuyên ngành lịch sử. Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác lịch sử Đảng ở cấp huyện còn thiếu, thường kiêm nhiệm và hay thay đổi nên công tác nghiên cứu lịch sử Đảng chưa được tập trung và đảm bảo chiều sâu.

Khó khăn nhất là công tác sưu tầm tư liệu, do nhiều tài liệu lưu trữ bị hư hỏng, thất lạc nhiều (nguyên nhân là cơ sở vật chất phục vụ công tác bảo quản chưa đáp ứng yêu cầu và ý thức trách nhiệm lưu trữ tài liệu ở một số đơn vị chưa cao); nhân chứng lịch sử còn sống rất ít, đa số tuổi cao, sức khỏe yếu, trí nhớ giảm.

Từ thực trạng trên, để tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng công tác lịch sử Đảng, thiết nghĩ các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Trước hết, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch công tác và đảm bảo kinh phí để đáp ứng tốt các yêu cầu nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền và giáo dục lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng ở địa phương.

Thứ hai, quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, đào tạo chuyên sâu ngành Lịch sử Đảng.

Thứ ba, các địa phương cơ sở, ban, ngành chưa biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cần khẩn trương tổ chức các buổi gặp mặt các nhân chứng lịch sử (nếu không kịp thời, các nhân chứng lịch sử ngày càng già yếu rất khó khăn trong việc trao đổi để thu thập thông tin được đảm bảo…) ; thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả nhằm thu thập các hồ sơ tài liệu liên quan./.

Hoài Trường
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37042893