Truy cập hiện tại

Đang có 44 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Hội thảo khoa học nhân vật lịch sử “Tấm gương chiến đấu và hy sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang Neáng Nghés thời chống Mỹ”

(TUAG)- Ngày 11/12/2020 tại Hội trường UBND Tri Tôn, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang phối hợp với Huyện ủy - UBND huyện Tri Tôn tổ chức Hội thảo khoa học nhân vật lịch sử “Tấm gương chiến đấu và hy sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Neáng Nghés thời chống Mỹ”.

Chủ tọa hội thảo gồm các ông Đặng Hoài Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh; Tiến sĩ Ngô Quang Láng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, Cao Quang Liêm - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn.



Tham dự hội thảo có các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đến từ TP.HCM, Học viện Chính trị khu vực 4, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sóc Trăng, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng…, các nhà nghiên cứu trong tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo Huyện ủy Tri Tôn qua các thời kỳ, các ngành có liên quan, Đảng ủy xã, thị trấn trong huyện.

Để tổ chức được cuộc hội thảo này, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh và Huyện ủy - UBND huyện Tri Tôn phối hợp xây dựng kế hoạch hội thảo, thư mời. Kết quả đã biên tập vào kỷ yếu hội thảo 32 bài tham luận.

Anh hùng lực lượng vũ trang Neáng Nghés (01/01/1942) sinh ra trên mảnh đất nghèo khó nhưng giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, chứng kiến quân thù giày xéo quê hương, gây bao cảnh đau thương cho đồng bào đã khơi dậy tinh yêu quê hương và chí căm thù giặc cướp nước, chị đã sớm được giác ngộ, tham gia cách mạng 02/01/1960. Trong những ngày đầu dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai, gian khổ và nguy hiểm, mặc dù tuổi đời chỉ mới 18 nhưng chị đã bộc lộ tinh thần trách nhiệm, hoạt bát, dũng cảm đi đầu trong các phong trào đấu tranh vũ trang cũng như chính trị, được đồng bào, đồng đội tin yêu, cảm phục.

Trong những năm 1960 - 1962, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng ở Ô Lâm nói riêng và Tri Tôn nói chung dâng cao và giành được thắng lợi to lớn, góp phần làm cho chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ngày càng đi vào ngõ cụt, khủng hoảng.

Giữa lúc tình yêu và nhiệt huyết giành cho cách mạng đang dâng trào, lúc đang thực hiện nhiệm vụ, chị bị đích bắt. Trong xiềng xích lao tù của giặc, mặc cho những lời dụ dỗ mua chuộc đến những màn tra tấn tàn khốc vượt quá sức chịu đựng của con người, chị vẫn nêu cao bản lĩnh kiên cường không thể lay chuyển của người cách mạng kiên trung. Trước lúc hy sinh chị vẫn khẳng khái “tao không sợ chết, tao chết nhưng đồng chí tao còn, nhất định sẽ tiêu diệt bọn bay”.



Cuộc đời hoạt động cách mạng của chị tuy ngắn ngủi, hy sinh khi tuổi đời mới tròn 20, thân thể không còn nguyên vẹn bởi sự tàn độc của kẻ thù nhưng tinh thần, ý chí chiến đấu và tấm gương hy sinh của chị vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim của đồng chí, đồng bào, với sông núi quê hương, vang vọng mãi đến hôm nay. Trở thành hình tượng, tấm gương tiêu biểu về lòng quả cảm, kiên cường của người phụ nữ Khmer nói riêng và phụ nữ An Giang nói chung, làm rạng rỡ thêm truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Tri ân sự đóng góp, cống hiến và hy sinh của chị, Huyện ủy Tri Tôn đã công nhận chị là đảng viên chính thức; năm 2005 Nhà nước truy tặng chị danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cao quý. Trong niềm cảm mến dành cho người nữ chiến sĩ Khmer kiên trung, nhạc sĩ Trình Minh đã hóa thân chị vào hình tượng chiếc áo nàng Sa Rết, âm hưởng vẫn còn in đậm trong lòng người xem, người nghe qua bao thế hệ.

Tiếp nối tấm gương chiến đấu, hy sinh oanh liệt của chị và con đường cách mạng hào hùng của cha anh. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tri Tôn đang phát huy tinh thần chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết vượt qua khó khăn, giành được những kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII. Tri Tôn đang chuyển mình từng ngày, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế trở thành điểm sáng trong công cuộc đổi mới, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.

Hội thảo khoa học lần này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp chúng ta tiếp tục bổ sung tư liệu liên quan đến thân thế và sự nghiệp của nữ AHLLVTND Neáng Nghés trong lịch sử kháng chiến huyện Tri Tôn; đánh giá những công lao đóng góp của chị trong lịch sử dân tộc, làm phong phú thêm tên tuổi của chị, làm tư liệu giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Qua hơn 1 buổi làm việc tích cực, Hội thảo đã đạt được mục tiêu đề ra là đã bổ sung thêm nhiều tư liệu liên quan đến đồng chí, là cơ sở khoa học để huyện tuyên truyền, giáo dục, đặt tên những công trình công cộng, trường học, tên đường trong thời gian tới./.

Trần Văn Hợp
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40556587