Truy cập hiện tại

Đang có 193 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Học phong cách công tác của Hồ Chí Minh

(TGAG)- Trong hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ, đảng viên, vấn đề phong cách công tác của cán bộ luôn được Người quan tâm sâu sắc. Người nhấn mạnh tới các phong cách chủ yếu: sửa cách lãnh đạo về công tác cán bộ; biết chọn trình tự ưu tiên công việc; thường xuyên tổng kết công tác; phải luôn luôn có sáng kiến; sâu sát, gần gũi nhân dân, có tinh thần phụ trách trước dân; phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ; có lãnh đạo chung, nhưng cũng cần có chỉ đạo điểm.
 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn có phong cách công tác tốt, phải phòng và chống tác phong chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái, ham chuộng hình thức, phô trương cho oai, làm đại khái, qua loa. Phải sâu sát, tỉ mỉ, nắm việc lớn. Phải giải quyết bắt đầu từ những việc cơ  bản, không cận thị (cận thị là chỉ nhìn gần mà không nhìn xa trông rộng được), phải có đầu óc quan sát. Phải chân đi, miệng nói, tay làm, không như thế thì “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo công văn” nhưng công việc không chạy.

Phong cách công tác tốt của cán bộ, đảng viên trước hết phải có tinh thần trách nhiệm cao khi thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Bất kể làm một việc gì mà có trách nhiệm cao thì cán bộ, đảng viên đều có khả năng tạo ra hiệu quả công tác tốt. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, do đó, là một phong cách cơ bản chủ yếu nhất và quan trọng nhất, có tính chất tiên quyết trong việc rèn luyện phong cách công tác của cán bộ, đảng viên. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác sẽ làm cho cán bộ biết sắp xếp công việc một cách khoa học, hợp lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: bất kỳ việc gì, “phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc”.

Quan điểm sau đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy cách nay nhiều năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự: “Bất kỳ địa phương nào, cơ quan nào, thường trong một lúc có nhiều công việc trọng yếu. Trong một thời gian đó, lại có một việc trọng yếu nhất và vài ba việc trọng yếu vừa. Người lãnh đạo trong địa phương hoặc cơ quan đó phải xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp”.

Tính ngăn nắp, gọn gàng đi liền với nhìn xa trông rộng, giúp cán bộ, đảng viên chủ động trong công việc, không ôm đồm, không bỏ sót việc và công việc sẽ có hiệu quả từng bước một để giành thắng lợi trong tổng thể. Muốn thế, phải đề ra được kế hoạch công tác của cá nhân phù hợp với yêu cầu và hoàn cảnh cụ thể, phù hợp với từng cơ quan, địa phương, đơn vị.
 
Nêu cao tinh thần trách nhiệm sẽ làm cho cán bộ, đảng viên có phong cách lãnh đạo tốt trong việc kết hợp lãnh đạo chung với chỉ đạo riêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu thí dụ cụ thể: trong công tác chỉnh đốn Đảng, ngoài những kế hoạch chung, mỗi cơ quan và mỗi cán bộ, đảng viên phải chọn vài ba bộ phận trong cơ quan, đơn vị để nghiên cứu rõ ràng và xem xét kỹ lưỡng; trong vài ba bộ phận đó, cán bộ lãnh đạo lại chọn năm ba người cán bộ kiểu mẫu, nghiên cứu lịch sử của họ, kinh nghiệm, tư tưởng, tính nết của họ, sự học tập và công tác của họ để giúp họ giải quyết công việc thực tế. Vì vậy, khi nêu cao tinh thần trách nhiệm, cán bộ, đảng viên sẽ có quyết tâm thực hiện tốt kế hoạch công tác của mình.

Phong cách công tác của cán bộ, đảng viên phải luôn luôn được đổi mới trên cơ sở có nhiều sáng kiến, thường xuyên tổng kết công tác, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Đề cập vấn đề sáng kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: sáng kiến là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất bình thường, rất phổ thông, rất thiết thực. Người quan niệm: sáng kiến không có gì là cao xa, mà là “bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến”.

Sáng kiến là hệ quả của phong cách công tác của cán bộ, đảng viên chú trọng đến việc thường xuyên tổng kết công tác. Có tổng kết công tác thì mới thấy rõ những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm của bản thân và của tổ chức Đảng để tiếp tục phát huy những ưu điểm, khắc phục khuyết điểm.

Phong cách công tác của cán bộ đảng viên không tách rời việc chú trọng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công việc. Thật có lý khi trong công tác xây dựng đảng, nhiều người cho rằng, nếu lãnh đạo mà không kiểm tra, kiểm soát thì cũng như không lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát”. Cho nên công tác kiểm soát, nếu được thực hiện tốt, thì sẽ biết được ưu điểm, khuyết điểm của từng cá nhân và tập thể.

Học phong cách công tác của Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, từ đó quyết tâm vượt qua khó khăn, trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ; luôn năng động, hăng hái, trở thành đầu tàu của phong trào thi đua yêu nước, đạt hiệu quả, không chạy theo thành tích, không “đánh trống bỏ dùi”, không “có ít xuýt ra nhiều”. Phải thấy rõ những ưu, khuyết điểm của bản thân và tổ chức đảng của mình để tự hoàn thiện bản thân và phát triển tổ chức ngày một lớn mạnh./.

Lê Hân
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40007632