Truy cập hiện tại

Đang có 111 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Thầy thuốc Việt Nam học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ

(TGAG)- Nhìn lại 61 năm qua, kể từ ngày 27/02/1955 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho hội nghị cán bộ ngành y tế đến nay, công việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân cả nước không ngừng phát triển lớn mạnh, các cấp đã phấn đấu thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ:

Xây dựng một nền y học Việt nam tiên tiến hiện đại, làm biến đổi một cách sâu sắc, toàn diện từ nhận thức tư tưởng đến phương thức hoạt động: về y tâm, y thuật đến y đức và đã tạo cho nhân dân niềm tin tưởng sâu sắc vào chế độ xã hội chủ nghĩa, một chế độ luôn coi trọng chất lượng con người với 3 chuẩn mực quan trọng: tâm lực, năng lực và thể lực. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, công chức, viên chức y tế, các lương y, những người có tâm quyết với sự nghiệp chăm lo sức khỏe con người, đều có quyền tự hào về những đóng góp của mình vào truyền thống vẻ vang của ngành y tế.

Trong những năm qua, toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục ra sức thi đua thực hiện việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về việc gắn việc học tập với việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người thầy thuốc, hết lòng hết sức phục vụ người bệnh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh đến ý thức trách nhiệm của cán bộ và đảng viên. Khi nói ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên của ngành y tế. Chúng ta hãy cùng nhau làm rõ nội hàm về ý thức trách nhiệm của người thầy thuốc. Trong công việc hàng ngày, ngoài quan hệ với bản thân và những người cùng máu mủ ruột thịt, người thầy thuốc còn có nhiều mối quan hệ thường xuyên với các đối tác của mình: Trước hết là với người bệnh đây được xem là đối tác chính  của thầy thuốc, sau đó là đồng nghiệp, rồi đến cộng đồng sống xung quanh mình. Trong con mắt nhìn của người bệnh, thầy thuốc là những ân nhân cứu chữa bệnh tật cho mình. Nếu người bệnh bị bệnh nặng “Thập tử nhất sinh” thì trong con mắt của họ, người thầy thuốc là vị cứu tinh, sinh mạng của họ có được cứu sống hay không đó là nhờ vào bàn tay và khối óc của người thầy thuốc. Những ai đã chăm sóc người bệnh bị cơn khó thở do tắc nghẽn khí phế quản cấp tính, khi nhìn vào mắt họ lúc khó thở, chúng ta thấy những ánh mắt khát khao được sống, những ánh mắt trông chờ, cầu mong, gửi hy vọng vào người thầy thuốc lớn biết chừng nào! Với đồng nghiệp đi trước, thầy thuốc là những người học trò được thầy dạy tin tưởng và truyền nghề; với đồng nghiệp cùng lứa, thầy thuốc là những người đồng chí trên cùng mặt trận vì sự sống của người bệnh; với đồng nghiệp lớp sau, thầy thuốc là người mẫu mực thị phạm và sẵn lòng truyền đạt kinh nghiệm nghề nghiệp của họ để tiếp tục sự nghiệp cứu người. Với cộng đồng xung quanh thầy thuốc được nhân dân xem như một người “có trình độ” và hành nghề cao quý. Hơn thế nửa, thầy thuốc là một người mà cộng đồng tin tưởng, coi là chỗ dựa cả về học vấn lẫn xử thế; vì vậy, Nhân dân luôn tôn vinh họ là Thầy, là mẹ hiền - “Lương y như từ mẫu”.

Do đó, đã là người thầy thuốc thì phải có tấm lòng sẵn sàng cứu giúp người bệnh. Sự sẵn lòng cứu giúp người bệnh phải được tu luyện và trở thành một bản năng thực thụ của người làm nghề thầy thuốc. Người thầy thuốc cần nhớ rằng người bệnh là người đang bị khủng hoảng không những về thể chất mà còn khủng hoảng cả tinh thần do đang đứng giữa cái sống và cái chết, người bệnh là người không am hiểu về những kỹ thuật y học mang tính chuyên sâu về khoa học, người thầy thuốc bảo gì, chỉ định thế nào, họ đều nghe và tuân theo một cách nghiêm ngặt.

Ý thức trách nhiệm của người thầy thuốc trước người bệnh còn được biểu hiện ở sự tận tụy, hết lòng vì công việc cứu chữa bệnh nhân, luôn xem người bệnh là người thân của mình. Sự tận tụy của người thầy thuốc được biểu hiện bằng rất nhiều khía cạnh trong công việc. Ví dụ: khi theo dõi người bệnh, chúng ta ai cũng biết cơ thể con người là bộ máy hết sức tinh vi, diễn biến của bệnh tật thường là rất phức tạp và nhanh chóng khó lường trước được, nên chỉ một sơ suất trong theo dõi, chỉ một sai lệch trong xử trí, tính mạng người bệnh có thể lâm nguy thêm, trái lại cũng vì một phát hiện kịp thời mà có thể cứu sống một sinh mạng. Ý thức trách nhiệm của người thầy thuốc còn và phải được thể hiện ở chỗ có năng lực cứu chữa người bệnh đến mức tinh thông nghề nghiệp. Điều này không phải diễn tả nhiều. Mỗi người thầy thuốc phải luôn luôn ghi nhớ lời dạy của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Ít có nghề nghiệp nào mà xã hội đòi hỏi về phẩm chất và tài năng cao như đối với người làm công tác y tế. Đó là một nghề đặc biệt, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, từng trãi và kinh nghiệm nghề nghiệp mà mọi công việc dù nhỏ đến đâu đều liên quan đến tính mạng con người và hạnh phúc của mỗi gia đình”.

Ý thức trách nhiệm của người thầy thuốc còn phải được biểu hiện bằng sự gương mẫu trước cộng đồng và quan tâm đến cộng đồng xung quanh. Trước hết, người thầy thuốc phải là tấm gương cho người bệnh noi theo. Dưới con mắt của người bệnh, người thầy thuốc được kính trọng không chỉ đơn thuần do thầy thuốc là người cứu mạng sống của họ mà còn được họ xem là người có học thức, lao động sáng tạo, có đạo đức trong đời sống hàng ngày hay nói đúng hơn là một trí thức thực thụ. Bởi vậy, từ cách ăn mặc, đi đứng, lời ăn tiếng nói đều in đậm vào trí nhớ của bệnh nhân. Bởi vậy, người thầy thuốc càng phải luôn phấn đấu, tu dưỡng, giữ gìn thanh danh nghề nghiệp và không để người đời chê trách.

Nhân kỷ niệm 225 năm ngày mất của Đại danh y Hải Thượng Lãng Ông - Lê Hữu Trác, cũng là dịp để chúng ta đọc lại những lời y huấn, chúng ta mới thấm thía sâu sắc những lời dạy của các bậc tiền bối về nghề nghiệp cao quý này. Hải Thượng Lãng Ông đã dạy: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người. Phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công” và Hải Thượng Lãng Ông đã lên án những hành vi sai trái của một số thầy thuốc: “Thường thấy kẻ làm thuốc, hoặc nhân bệnh cha mẹ người ta ngặt nghèo, hoặc bắt bí người ta lúc đêm tối, trời mưa, có bệnh nguy cấp; bệnh dễ chữa bảo là khó chữa, bệnh khó chữa bảo là không chữa được, giở lối quỷ quyệt ấy nhằm thỏa mãn yêu cầu, rắp tâm như thế là bất lương. Chữa cho nhà giàu sang thì tỏ tính sốt sắng, mong được lợi nhiều, chữa cho nhà nghèo hèn thì ra ý lạnh nhạt, sống chết mặc bây. Than ôi, đem nhân thuật ra làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn không thể tha thứ được …”. Để răn đe những thế hệ thầy thuốc đời sau, Cụ đã quy những biểu hiện thiếu ý thức trách nhiệm mà người thầy thuốc dễ mắc phải thành 8 tội: tội lười, tội bủn xỉn, tội tham lam, tội lừa dối, tội bất nhân, tội hẹp hòi, tội thất đức, tội dối nát.

Do đó, việc ôn luyện và nhắc nhở nhau về y đức phải là một việc làm thường xuyên. Nhất là khi sống và hành nghề trong cơ chế thị trường hiện nay, chúng ta đừng quên việc học tập y đức ngay từ khi những việc nhỏ nhất và tu luyện để những tinh thần ấy trở thành bản chất thực thụ của mỗi người thầy thuốc. Nhân dịp chúng ta thực hiện đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, dựa theo những tư tưởng của Người về trách nhiệm trước Tổ quốc và Nhân dân, chúng ta lại càng nguyện phấn đấu để làm trọn và giữ vững thanh danh của người Thầy thuốc Việt Nam./.
NGUYỄN THANH SƠN
Trung tâm BDCT PHÚ TÂN

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36722553