Truy cập hiện tại

Đang có 91 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Cán bộ, đảng viên phải nêu gương!

(TUAG)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “nêu gương” trước quần chúng. Người quan niệm: “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền; trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến; quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức; muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước; đảng viên đi trước, làng nước theo sau…”



Và vấn đề “nêu gương” của cán bộ, đảng viên đã được đề cập rất nhiều lần trong các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng: Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Kết luận số 01-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương: “Trong quá trình tổ chức thực hiện, phải đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng thời, khẳng định nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người cán bộ, đảng viên trước Nhân dân. Từ việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên hướng tới việc xây dựng tập thể nêu gương, đơn vị nêu gương để từng bước lan tỏa giá trị của người cán bộ, đảng viên và của tổ chức đến với quần chúng nhân dân.

Vì vậy, trong thời gian tới, để phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần:

Một là, cán bộ, đảng viên phải nêu gương về đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định “Muôn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”. Vì vậy, trong tiến trình phát huy ý chí tự lực, tự cường dân tộc, thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vai trò của cán bộ, đảng viên càng trở nên quan trọng. Cán bộ là gốc của mọi công việc, cán bộ chính là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ với Nhân dân. Để làm tốt vai trò nêu gương, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải có đức, có tài, có phương pháp và phong cách. Đặc biệt, cán bộ phải thực sự gương mẫu, là “mực thước” để quần chúng nhân dân noi theo. Cán bộ, đảng viên phải giữ vững đạo đức cách mạng: Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải thật sự là tấm gương sáng để Nhân dân noi theo, khắc phục tình trạng, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chưa thật sự gương mẫu…

Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế thị trường ngày càng phát triển, mỗi cán bộ, đảng viên dễ bị cám dỗ vật chất, nếu không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, giữ vững bản lĩnh sẽ dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân. Bởi chủ nghĩa cá nhân vừa là nguyên nhân vừa là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nêu rõ: “Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”. Để không sa vào chủ nghĩa cá nhân, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đặc biệt trong thực tiễn. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên cần phải học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng.

Hai là, cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Dám đổi mới sáng tạo, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện cho mình phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Đồng thời phải luôn thực hiện tốt nói đi đôi với làm. Cán bộ, đảng viên “dám nghĩ, dám làm” là những người không ngại khó, ngại khổ; dám thể hiện bản lĩnh, luôn trách nhiệm với công việc; dám “mở đường” ở những lĩnh vực mới, khó và sẵn sàng tìm giải pháp tạo đột phá, vì lợi ích của cơ quan, đơn vị, vì lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân...

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đi liền với dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động và dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Nhân dân, của Tổ quốc, của Đảng là những phẩm chất cần và đủ, đồng thời là một chỉnh thể trong nhân cách của người cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay và giai đoạn sắp tới.

Ba là, cán bộ, đảng viên phải nêu gương gần dân, sát dân, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân. Mỗi cán bộ, đảng viên biết gần dân, sát Nhân dân sẽ là nhân tố quyết định góp phần tạo nên sức mạnh của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, để hoàn thành trách nhiệm của mình, mỗi cán bộ, đảng viên phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn vậy, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải biết yêu dân, kính dân, phải thân dân, gần dân để hiểu dân; phải gắn bó với cơ sở, với thực tiễn, phải gương mẫu làm trước để dân hiểu và làm sau. Gần dân, sát dân, hiểu dân bằng những hành động thiết thực, những việc làm cụ thể có lợi cho dân. Và những hành động đó cũng phải được xuất phát từ sự hết lòng quan tâm, chăm lo đời sống cho dân. Muốn đạt điều đó, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải có phong cách làm việc quần chúng, phong cách làm việc dân chủ, tập thể.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò nêu gương trong xây dựng ý chí, khát vọng phát triển đối với bản thân và của cơ quan, đơn vị. Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, tự giác nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mỗi cán bộ, đảng viên tự nêu gương sáng, hàng triệu đảng viên là những tấm gương sáng, toàn Đảng ta sẽ thực sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với Nhân dân. Đây là điều kiện tiên quyết để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong Đảng và xã hội.

Trúc Linh
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37206281