Truy cập hiện tại

Đang có 109 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Học Bác Hồ nói đi đôi với làm

(TUAG)- Nhận thấy môn Giáo dục công dân (GDCD) có vai trò quan trọng trong giáo dục đạo đức, hình thành lối sống cho học sinh (HS), góp phần hoàn thiện nhân cách con người. Tuy nhiên từ trước đến nay HS vẫn chưa có nhiều cơ hội để trải nghiệm những điều các em đã học vào thực tiễn đời sống hằng ngày, chưa gắn “học với hành”. Với những trăn trở như thế, mô hình “Trải nghiệm thực tế” của Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, huyện Chợ Mới do cô Nguyễn Thị Kim Đào, giáo viên dạy môn GDCD xây dựng, với mục đích giúp HS áp dụng lý thuyết vào ngay thực tế cuộc sống đã mang lại tín hiệu tích cực, thu hút HS tham gia.

Cô Đào bày tỏ: “Bản thân mình là giáo viên, cũng là một đảng viên, trong việc học và làm theo Bác Hồ mình tâm đắc nhất ở Bác về tư tưởng “Nói đi đôi với làm”, “Lý thuyết phải gắn liền với thực tiễn”. Cho nên mình đã đưa những kiến thức từ sách giáo khoa vào thực tế cuộc sống thông qua các hoạt động tình nguyện nhân đạo, chăm sóc di tích lịch sử ở địa phương, lao động công ích, bảo vệ môi trường, tuyên truyền nhận thức trong xã hội. Nhờ đó đã biến những lý thuyết trên lớp thành những hành động cụ thể và phát triển hơn nữa thành thói quen đạo đức trong cuộc sống hằng ngày”.
 

Để thực hiện tốt hoạt động, cô Đào sẽ hướng dẫn cho HS thực hiện theo 5 bước. Đầu tiên qua nội dung tiết học, tùy vào từng chủ đề để HS lựa chọn nội dung phù hợp năng lực, sở trường, sở thích bản thân. Sau khi được gợi ý những nội dung, các em sẽ cụ thể hóa thành những vấn đề sát với khả năng mình có thể thực hiện. Sau đó, tiến hành xây dựng kế hoạch; tiếp theo là triển khai thực hiện như đã phân công, bước 4 là báo cáo lại sản phẩm đã thực hiện trong giờ học. Cuối cùng là nhận xét, đánh giá rút kinh nghiệm cho hoạt động lần sau làm tốt hơn. Sản phẩm hoàn thành hình ảnh được ghi lại và đăng lên trang Youtube của Đoàn Thanh niên nhà trường để lan tỏa các việc làm thiết thực đến tất cả các bạn về nội dung thực hiện.

Có mặt tại một tiết học thực tế với chủ đề “Công dân với những vấn đề của đất nước và nhân loại” nói lên mối quan hệ của mình với nhà trường, gia đình và xã hội. Từ các mối quan hệ này thì các em có 3 trách nhiệm sống đó là: nhân nghĩa, hòa nhập và hợp tác. Từ 3 trách nhiệm của mình trong cộng đồng, các em xây dựng một hoạt động thể hiện được trách nhiệm của mình là sống nhân nghĩa, yêu thương con người. Lớp học sẽ được chia thành nhiều nhóm nhỏ từ 7 – 10 thành viên. Theo đó, mỗi nhóm vạch ra kế hoạch thực hiện hoạt động, thể hiện sự đồng cảm với khó khăn của người khác trong cuộc sống. Thể hiện sự hòa nhập và tinh thần hợp tác của mình với người dân và các tổ chức xã hội.

Cô Đào nói thêm: “Thực hiện kế hoạch vào thời gian nào? Địa điểm, nội dung cụ thể các em đăng ký sẽ làm gì. Nếu cần nguồn tài chính để thực hiện thì sẽ vận động hay kêu gọi tài trợ. Sau đó, sẽ phân công cụ thể cho từng thành viên trong nhóm. Trong quá trình thực hiện, giáo viên sẽ tham gia cùng để theo dõi hỗ trợ cho học sinh. Thời gian thực hiện khoảng 1 tuần”.
 

Theo chân 2 nhóm thực hiện hoạt động: Hỗ trợ công ích các em phụ tiếp các cô, chú ở bếp ăn từ thiện của Hội Chữ thập đỏ TT. Chợ Mới và làm vệ sinh môi trường nơi công cộng, thu gom, quét rác và tưới cây xanh tại công viên TT. Chợ Mới, mỗi người một việc, với tinh thần chia sẻ, tương trợ nhau. Có những em được phụ huynh ở nhà tận tay chăm bẵm từng miếng ăn, ly nước, mong cho các em tập trung cho việc học. Đây là một cách yêu thương dành cho con mình, nhưng có khi vô tình để các em quên đi trách nhiệm của bản thân với gia đình và những người xung quanh. Nhưng khi tham gia hoạt động, các em đều có nhiệm vụ, đều tham gia hết mình, từ nhặt rau, nấu ăn, sắp xếp củi, cho đến đội nắng quét rác, tưới cây,… Nhưng trên khuôn mặt các em lúc nào cũng không ngơi tiếng cười, nói, sự hào hứng với từng phần việc mình tham gia.

Em Trần Mỹ Duyên, lớp 10C13 vui vẻ bày tỏ: “Với em, các hoạt động này nó rất ý nghĩa và vô cùng thiết thực. Bằng một việc làm nhỏ, nhưng các em đã giúp được một phần nào đó cho gia đình và mọi người. Khi tham gia hoạt động này còn là một cơ hội để các em có thể hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau thực hiện kế hoạch để có được hiệu quả công việc tốt nhất”.

Em Nguyễn Bảo Duy - lớp 10C13, tiếp lời: “Qua hoạt động này, em mới thấy được bộ môn Giáo dục công dân, thật sự có ý nghĩa nhân văn vô cùng. Nó góp phần khẳng định, môn Giáo dục công dân không đơn thuần là những dòng lý thuyết suôn trên sách vở nữa! Mà còn là một phần của đời sống xã hội. Kết nối tri thức với cuộc sống. Em xin cảm ơn thầy, cô đã tạo một môi trường giáo dục lành mạnh, tất cả vì học sinh thân yêu, để chúng em có thể học tập hiệu quả”.

Mô hình “Trải nghiệm thực tế”, ở bộ môn Giáo dục công dân của cô Kim Đào đã được triển khai khoảng 2 năm nay. Ban đầu những việc làm của các em chỉ gói gọn trong khuôn viên trường như: Làm cỏ, vệ sinh sân trường, hỗ trợ bạn học kém, giúp đỡ bạn khó khăn,… Nhưng sau khi thấy ý nghĩa và hiệu quả mang lại đối với nhận thức và sự cảm thụ của các em về nội dung bài học qua việc làm thực tế, nhà trường đã cho tiến hành mở rộng phạm vi ra toàn địa bàn thị trấn. Thông tin phản hồi từ các bậc phụ huynh cho biết, các em về nhà là hỏi cha, mẹ có cần phụ tiếp việc nhà? hay gặp ba, mẹ làm việc nhà liền bắt tay vào phụ tiếp. Nhiều phụ huynh bảo, do thấy con đi học về mệt, muốn để các em nghỉ ngơi, nhưng con nó vẫn muốn phụ giúp. Hỏi ra mới biết nhờ mô hình trải nghiệm thực tế của trường, mà các em đã ý thức hơn với việc quan tâm đến mọi người. Còn với các cô, chú tại những điểm các em đã từng tham gia tiếp giúp thì không khỏi khuyến khích tinh thần này.

Chú Lê Văn An, người phụ trách bếp ăn từ thiện của Hội Chữ thập đỏ TT. Chợ Mới, chia sẻ: “Tại vì nó còn nhỏ, mà nó biết vấn đề đạo đức, đến đây cùng chung lo, ở đây rất hoan nghênh”.

Thầy Trương Trọng Hiếu - Bí thư chi bộ 4 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh nhận xét: Chúng ta thấy những hình ảnh các em ở lứa tuổi THPT như thế này mà đi đến làm từ thiện trong bếp ăn của Bệnh viện Đa khoa Chợ Mới, rồi làm vệ sinh môi trường, khu di tích lịch sử, dinh thờ Nguyễn Hữu Cảnh,… Thì đó là những hình ảnh rất đẹp, nên cần được biểu dương và khuyến khích. Với mô hình trải nghiệm của đồng chí Kim Đào đã giúp cho học sinh tiếp thu tốt hơn bài học. Có điều kiện vận dụng kiến thức trên lớp vào thực tiễn giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Đặc biệt là giúp cho các em bồi dưỡng thêm phẩm chất đạo đức và rèn luyện thêm một số kỹ năng sống. Đây là điều quan trọng mà trong chương trình giáo dục phổ thông mới đang chú trọng hướng đến”.
 

Qua mô hình “Trải nghiệm thực tế”, không chỉ giúp HS phấn khởi, hoạt động năng nổ hơn, những kiến thức trên sách vở giờ đây không còn khô khan, máy móc. Và qua đây, môn học còn giúp các em đến gần hơn việc học và làm theo Bác như lời của em Trần Mỹ Duyên, lớp 10C13: “Thông qua hoạt động trên cũng đã phần nào thể hiện phương pháp học tập và theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ, nhất là ở tấm lòng tương thân, tương ái, yêu nước, thương dân của Bác. Là một học sinh, em không làm được những điều quá lớn, nhưng với các em luôn tự nhủ sẽ cố gắng hết sức trong khả năng có thể”.

Nói phải đi đôi với làm và lý thuyết phải gắn liền với thực tiễn, đó là lời dạy của Bác và phương pháp dạy học của cô Kim Đào đã thật sự cụ thể hóa việc làm đó. Theo nhận định từ Ban Giám hiệu nhà trường, với phương pháp dạy của cô Đào đã góp phần chung vào việc nâng cao thành tích học tập khá, giỏi và hạnh kiểm tốt của HS, nhiều năm liền trường không còn trường hợp HS cá biệt và hạnh kiểm yếu, kém. Học sinh toàn trường đạt điểm số trung bình là 7,5 điểm, đứng vị trí thứ nhì so với các trường trong tỉnh An Giang. Là đơn vị xuất sắc nhận cờ thi đua của UBND tỉnh An Giang trao tặng./.

Kiều Tiên, Bảo Dinh
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36711508