Truy cập hiện tại

Đang có 58 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

"Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng"

(TGAG)- Chăm lo, phát triển thanh niên là nhiệm vụ phải được tiến hành trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, sự quan tâm đến nâng cao chí khí cách mạng bao giờ cũng là ưu tiên hàng đầu. Không phải ngẫu nhiên mà lời dạy đầu tiên trong năm điều Bác Hồ dạy thanh niên yêu cầu: "Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng "trung với nước hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành khó khăn nào cũng vượt qua kẻ thù nào cũng đánh thắng". Không sợ gian khổ hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước".

Chí khí là chí lớn và sự khẳng khái, không chịu khuất phục trước sức mạnh và sự trở ngại. Chí khí chỉ được hình thành thông qua quá trình rèn luyện mà ở đó các yếu tố chủ quan thuộc về phẩm chất cá nhân được "nhào nặn", kết hợp trong môi trường khách quan (gia đình, nhà trường, xã hội). Thực tiễn cho thấy, môi trường khách quan càng đặt ra yêu cầu, càng có nhiều khó khăn, thách thức, thì các cá nhân - vốn đã ẩn chứa yếu tố nội tại thuận lợi - lại càng có nhiều cơ hội để rèn giũa và khẳng định chí khí của mình. Nói cách khác, chỉ trong môi trường hoạt động thực tiễn, chí khí mới được trau luyện và hiển lộ. Khi đã hiển lộ và không ngừng được làm cho gia tăng, chí khí trở thành một yếu tố vô cùng quan trọng để một người khẳng định vị thế của mình đối với xã hội. Quan niệm truyền thống thậm chí còn cho rằng có chí khí mới xứng đáng sống ở đời và làm người.

Hồ Chí Minh quan niệm "Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt" và tiêu chí để có cái mới, cái tốt thay thế cho cái cũ, cái xấu là mục tiêu vì lợi ích và sự phát triển của đại đa số người trong xã hội, tức là nhân dân. Mọi sự thay thế, kể cả sự thay thế mang danh nghĩa cách mạng, nếu không đáp ứng được tiêu chí này thì không thể là cách mạng.

Như vậy, chí khí cách mạng là chí khí của người làm cách mạng. Chí khí ấy phải được thể hiện ở chí lớn và sự khẳng khái, không chịu khuất phục trước mọi trở ngại trên con đường thực hiện mục tiêu "phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt" vì lợi ích và sự phát triển của nhân dân, của đất nước. Hồ Chí Minh thường xem chí khí cách mạng thuộc phạm trù đạo đức cách mạng – gốc của người cách mạng. Hơn nữa, Hồ Chí Minh đặt chí khí cách mạng lên hàng đầu bởi tư tưởng có thông thì hành động mới thông, tư tưởng thông thể hiện rõ nhất qua chí khí.

Thanh niên là độ tuổi bắt đầu bước vào đời, bắt đầu gánh vác trách nhiệm với gia đình, xã hội, đất nước. Hành trang tiên quyết để thanh niên tự giác thực hiện tốt trách nhiệm của mình chính là chí khí. Không có hoài bão lớn và đặt hoài bão riêng của mình hòa trong hoài bão chung của toàn dân tộc, không có sự khẳng khái trước cái đúng, cái sai, thanh niên trở thành những người không có chủ kiến, mất phương hướng, phó mặc mình trong vòng xoáy cuộc đời. Thiếu vốn sống, nếu thiếu luôn chí khí, thanh niên rất dễ sa ngã vào đầy rẫy cạm bẫy, đưa cuộc đời mình đi vào ngõ cụt. Với thanh niên, chí khí không chỉ là yếu tố mang tính động lực để "dấn thân" mà còn là yếu tố mang tính "phòng vệ" để ngăn chặn, đẩy lùi các tác động tiêu cực. Nó không chỉ giúp thanh niên có sự khởi đầu tốt mà còn đi theo thúc đẩy thanh niên phát triển trên đường đời. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh được đông đảo các tầng lớp trong nước và trên thế giới ca ngợi là người "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất" (Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, quyền uy không thể khuất phục). Hồ Chí Minh xác định "Tôi hiến cuộc đời tôi cho dân tộc tôi". Mục tiêu, lý tưởng cao đẹp đó được Người ra sức thực hiện trong suốt cuộc đời mặc cho giàu sang quyến rũ, nghèo khó lay chuyển, quyền uy (quyền uy tiêu cực) áp chế. Đó là điển hình nhất của chí khí cách mạng Việt Nam. Cuộc đời Hồ Chí Minh, trong từng dòng chảy thời gian, chí khí cách mạng luôn hiển lộ một cách mạnh mẽ, trở thành nguồn động viên to lớn, mang lại bài học vô cùng cao quý cho nhân dân ta.

Ngày nay, sự hấp dẫn của đồng tiền thời mở cửa không khó để tha hóa thanh niên vốn năng động trong tiếp thu văn hóa thế giới, nhưng chưa đủ chín chắn trong nhận thức. Chúng ta không quên tuyên bố của Hitle rằng muốn xâm lược một đất nước, trước hết hãy nhuộm đen thế hệ trẻ. Kẻ thù cũng luôn nhớ điều đó khi mà chúng đưa vào chiến lược “Diễn biến hòa bình” chủ trương “phi chính trị hóa thanh niên”. Hơn lúc nào hết, Đảng cần nâng cao nhận thức và quán triệt sâu rộng tư tưởng, tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao chí khí cách mạng, soi đường cho sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ cách mạng vừa hồng vừa chuyên cho đời sau./.


Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Chí Bảo (2009), Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Trần Văn Bính (2011), Xây dựng văn hóa, đạo đức, lối sống của người Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội.
3. Trần Hậu Kiêm (Chủ biên) (1997), Giáo trình Đạo đức học, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Nguyễn Phương An
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng



Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40114116