Truy cập hiện tại

Đang có 160 khách và không thành viên đang online

Chung tay bảo vệ môi trường

Vì sao biến đổi khí hậu là vấn đề nóng nhưng chưa được giải quyết triệt để?

Vấn đề biến đổi khí hậu đang trở nên nóng hơn bao giờ hết trong bối cảnh diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc (COP26) tại Anh.

Những thỏa thuận quan trọng đầu tiên tại COP26

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) đã đạt được những thỏa thuận quan trọng đầu tiên. Hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra cam kết chấm dứt việc chặt phá rừng vào năm 2030. Các quốc gia tham gia vào thỏa thuận này có Canada, Nga, Brazil, Colombia… vốn là những nước có diện tích rừng lớn, chiếm khoảng 85% diện tích rừng thế giới. Trong đó, Brazil đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích do tình trạng phá rừng Amazon gia tăng trong những năm gần đây. Các nhà lãnh đạo đã cam kết đóng góp 19 tỷ USD trong các quỹ công và tư để bảo vệ và phục hồi rừng. Các giám đốc điều hành từ hơn hàng chục tổ chức tài chính cũng cam kết chấm dứt đầu tư vào các hoạt động dẫn đến phá rừng.



Khoảng 100 nước cũng đã cam kết giảm thải khí mê tan, tác nhân gây hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên. Theo đó, các nước đặt mục tiêu cắt giảm 30% lượng phát thải khí mê tan vào năm 2030 so với mức phát thải vào năm 2020. Mê tan là loại khí gây hiệu ứng nhà kính chỉ đứng sau khí carbonic. Theo Liên hợp quốc, việc cắt giảm đáng kể lượng khí thải mê tan có thể tránh được tình trạng trái đất nóng lên gần 0,3 độ C trong 20 năm nữa, cũng như ngăn chặn biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng.

Khí thải carbon - vấn đề trọng tâm của biến đổi khí hậu

Tác hại của việc thải CO2 vào khí quyển đã tồn tại hàng trăm năm, và các nước giàu đã thừa nhận rằng họ có trách nhiệm chính trong việc giải quyết biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học nhận định, thật không công bằng khi đổ hết lỗi cho các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc về phần lớn lượng khí thải carbon, mặc dù Trung Quốc là quốc gia phát thải carbon dioxide lớn nhất trên thế giới hiện nay còn Ấn Độ xếp thứ ba. Trung Quốc và Ấn Độ có dân số khổng lồ nhưng thực chất lượng khí thải trên đầu người thấp hơn nhiều so với các nước phát triển hơn. Dân số quá đông không phải là nguyên nhân gốc rễ của biến đổi khí hậu. Đúng hơn, đó là sự phát thải quá nhiều khí nhà kính đang làm hành tinh này nóng lên. Và 1% dân số giàu nhất thế giới chịu trách nhiệm về lượng khí thải carbon nhiều hơn so với 50% dân số nghèo nhất.

Các quốc gia đã lên kế hoạch đầu tư vào công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CSS). Tuy nhiên, rắc rối là công nghệ này sẽ không được triển khai đủ nhanh để tạo ra bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào trong thập kỷ này, khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cần phải giảm đáng kể. Ví dụ, Anh đã phân bổ 1 tỷ bảng cho một quỹ cơ sở hạ tầng CCS, với tham vọng tới năm 2030 sẽ thu giữ được tương đương 10 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm. Tuy nhiên, cần phải làm rõ rằng, Anh đã thải ra hơn 450 triệu tấn CO2 vào năm 2019.

Nông nghiệp góp phần gia tăng khí CO2 như thế nào?

Hầu hết các hình thức nông nghiệp đều tạo ra khí CO2 theo cách này hay cách khác. Theo Liên hợp quốc, chăn nuôi chiếm khoảng 14,5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và đất được sử dụng cho nông nghiệp là nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng. Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan khác như thức ăn gia súc, năng lượng được sử dụng trong chế biến và vận chuyển, cũng như đóng gói. Quá trình tạo ra thịt bò được cho là nguồn thải khí carbon lớn nhất trong nông nghiệp, nhưng không thể không kể đến đường và gạo.

Một nghiên cứu ước tính rằng, để sản xuất ra 1kg gạo, 4kg khí CO2 sẽ được thải ra khí quyển. Nhìn vào con số 755 triệu tấn gạo được sản xuất hàng năm trên khắp thế giới, có thể thấy lượng CO2 thải ra lớn đến chừng nào. Tuy nhiên, gạo lại là loại lương thực thiết yếu cung cấp bữa ăn cho hàng tỷ người trên thế giới. Các nhà khoa học cho rằng, cách tốt nhất để giúp giảm lượng khí thải là cố gắng đảm bảo bạn ăn thực phẩm được sản xuất bền vững nhất có thể mặc dù nhiều người có thể không thích lựa chọn đó.

Thịt nhân tạo - tại sao không?

Câu hỏi đặt ra là: Vậy để cứu môi trường, chúng ta có sẵn sàng chuyển sang các giải pháp thay thế bền vững hay không, ví dụ như ăn thịt nhân tạo?

Nhật Bản vốn nối tiếng với thịt bò wagyu, thế nhưng các nhà khoa học nhiều năm nay đã tìm kiếm một sự thay thế bền vững cho món thịt này. Các nhà khoa học Đại học Osaka đã chiết xuất tế bào từ bò đen Nhật Bản, sau đó sử dụng máy in sinh học 3D để tạo ra từng sợi cơ, mạch máu và mỡ. Họ tự tay ghép các sợi lại với nhau để tạo ra thịt. Quá trình này có một vấn đề khó khăn. Đó là làm sao tạo ra những vân mỡ vốn khiến thịt bò wagyu khác biệt với các loại thịt bò khác.

Giáo sư Michiya Matsusaki, Đại học Osaka, Nhật Bản, cho biết: "Nếu có thể nhanh chóng sản xuất ra nhiều thịt từ chỉ một số ít tế bào, chúng ta sẽ có khả năng ứng phó với các vấn đề thiếu hụt thực phẩm và protein trong tương lai".

Hiện phải mất tới 4 tuần để tạo ra 1 centimet khối thịt bò wagyu nhân tạo, với chi phí khoảng 90 USD (tương đương 2 triệu đồng)/gram. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, một khi quy trình được tinh chế và tự động hóa, thịt có thể được sản xuất hàng loạt trong vòng 5 năm. Khi ấy giá thành sẽ giảm. Thịt nhân tạo đang được xem là lựa chọn đáng cân nhắc cho tương lai. Ước tính, thị trường thịt nhân tạo có thể tăng trưởng lên 2,79 tỷ USD vào năm 2030.

Con người có thể làm gì để chống biến đổi khí hậu?

Các chuyên gia nhận định, ăn thịt (đặc biệt là thịt bò) và di chuyển bằng đường hàng không đều có tác động đáng kể đến môi trường. Ăn một hoặc hai chiếc bánh mì kẹp thịt mỗi tuần trong một năm sẽ tạo ra cùng một lượng khí nhà kính để sưởi ấm một ngôi nhà ở Anh trong 95 ngày. Và nếu chia đều ra thì mỗi hành khách trên một chuyến bay hạng phổ thông khứ hồi từ London đến New York thải ra khoảng 0,67 tấn CO2, tương đương với 11% lượng khí CO2 mà một người ở Anh thải ra trong cả một năm.

Về lý thuyết, hạn ngạch được thực thi đối với việc tiêu thụ thịt hoặc đi máy bay sẽ tạo ra sự khác biệt, nhưng việc này dường như bất khả thi. Thay vào đó, trọng tâm chuyển thành khuyến khích thay đổi hành vi. Ủy ban Biến đổi Khí hậu Vương quốc Anh, cơ quan tư vấn cho chính phủ, đã khuyến cáo rằng mọi người nên tiêu thụ thịt và sữa ít hơn 20% vào năm 2030 và giảm 35% vào năm 2050. Mọi người cũng đang được khuyến khích suy nghĩ về việc đi máy bay ít hơn. Tăng thuế để các sản phẩm, dịch vụ đắt đỏ hơn có lẽ sẽ là một giải pháp thực tế hơn là cố gắng thực thi hạn ngạch.

Xét trên quy mô quốc gia, chỉ có một số nước thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu có ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, các nhà môi trường học hy vọng, những tác động tích cực sẽ tạo ra một làn sóng lan tỏa để dần dần các nước khác cùng làm theo. Về lý thuyết, có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt khác đối với các quốc gia trì trệ trong việc thực hiện cam kết, nhưng điều đó có thể phản tác dụng. Trọng tâm của các cuộc họp như COP26 là cố gắng khuyến khích hợp tác quốc tế.

An Ngọc (VTV)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39929852