Truy cập hiện tại

Đang có 130 khách và không thành viên đang online

Hoạt động khoa giáo

Chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng

(TGAG)- Do thời tiết nắng, mưa thất thường nên bệnh sốt xuất huyết và tay-chân-miệng trên địa bàn An Giang thời gian qua tăng mạnh. Trong đó, bệnh tay-chân-miệng bùng phát ở nhiều nơi, có huyện ghi nhận tăng đến 513% so cùng kỳ năm 2018. An Giang đang nằm trong 7 tỉnh khu vực phía Nam có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều nhất.

2 dịch bệnh đều tăng cao

Bác sĩ Huỳnh Mộng Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang cho biết: “Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 1.961 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 28% so cùng kỳ năm 2018 (không có tử vong, năm ngoái  có 1 trường hợp tử vong), trong đó có 72 ca sốc nặng (tăng 36% so cùng kỳ năm 2018). Địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất là: huyện Chợ Mới 641 ca (tăng 44% so cùng kỳ năm 2018), Tịnh Biên 279 ca (tăng 123%), Tri Tôn 100 ca (33% so cùng kỳ)... 2 điểm nóng Chợ Mới và Tịnh Biên tỉnh, huyện đang tập trung khống chế, dập dịch.
    

Bác sĩ Bệnh viện Sản -Nhi An Giang khám, điều trị ca bệnh sốt xuất huyết

Đối với bệnh tay chân miệng, đầu năm đến nay toàn tỉnh có 583 ca mắc (tăng 68% so cùng kỳ), không có trường hợp tử vong. TP. Châu Đốc là địa phương có số ca mắc tăng cao nhất với 49 ca, trong khi cùng kỳ chỉ 8 ca (tăng 513% ), huyện An Phú 34 ca mắc (cùng kỳ 6 ca, tăng 467%), Châu Phú 84 ca mắc (cùng kỳ 27 ca, tăng 211%), Tri Tôn 28 ca mắc (cùng kỳ 9 ca, tăng 211%)...

Bác sĩ CKI Phạm Thế Mỹ, Phó Trưởng Khoa Nội nhi-Bệnh viện Sản-Nhi An Giang cho biết: “Hiện số bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tại bệnh viện liên tục tăng cao. Trung bình mỗi ngày Khoa Nội nhi tiếp nhận điều trị từ 8-9 ca, cao điểm tiếp nhận từ 10-12 ca bệnh/ngày.

Hiện An Giang có số ca mắc sốt xuất huyết đứng thứ 7 khu vực phía Nam, sau TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An và Bình Phước.

Có mặt tại Khoa Nội nhi Bệnh viện Sản-Nhi An Giang, hiện đang điều trị 54 ca sốt xuất huyết trong đó có ca khá nặng. Đó là bệnh nhân Phan Vũ Gia Khánh, 12 tuổi, ngụ phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên). Bệnh nhân nhập viện điều trị từ ngày 4-7, toàn thân phát ban nổi đỏ trông rất tội. Chị Vũ Thị Kim Ngân, mẹ bé Khánh cho biết: “Bé bị sốt 3 ngày, nôn ói, tiêu lỏng 4-5 lần/ngày, sợ quá nên tôi đưa bé vô bệnh viện điều trị”. Bé được bác sĩ chẩn đoán sốt xuất huyết nặng, tiểu cầu giảm thấp, tình trạng cô đặc máu cao. Với sự tích cực điều trị của các bác sĩ, hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, hiện đang phục hồi tốt... “Những bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, nếu không nhập viện điều trị kịp thời, khả năng tử vong cao”-thạc sĩ-bác sĩ Trang Thanh Minh Châu cho biết.

Bác sĩ Huỳnh Mộng Hùng cho biết: “Nguyên nhân bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng cao do có sự thay đổi của thời tiết bất thường, nắng nóng kéo dài và mưa xảy ra đột ngột khiến bệnh bùng phát, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển”.

“Tuy nhiên, vấn đề hiện nay, người dân còn chủ quan, chưa tích cực phòng, chống bệnh. Tình trạng người lao động di cư đi từ vùng xảy ra bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng cao như: Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh về địa phương, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, lây lan ra cộng đồng”- bác sĩ Hùng băn khoăn.


Bệnh nhân tay chân miệng đang điều trị tại bệnh viện

Đi về các địa phương, nghe câu chuyện cán bộ, nhân viên y tế, các đoàn thể... đi phòng, chống dịch sốt xuất huyết nhiều câu chuyện "dở khóc, dở cười". Như ở huyện Chợ Mới, một nhân viên y tế chia sẻ: "Tại xã Long Điền B, đoàn vận động đến nhà dân kiểm tra các vật dụng chứa lăng quăng, thấy lu nước sau nhà bỏ không sử dụng chứa đầy lăng quăng, nên đổ đi để lăng quăng không thành muỗi truyền bệnh, thì bị chủ nhà chưởi té tát từ nhà ra tới đường. Cán bộ phải hết sức chịu đựng, nhẫn nhịn, mời chủ nhà ngồi lại, vừa năn nỉ vừa giải thích cho dân hiểu, phải đổ lăng quăng để phòng, chống bệnh cho con cháu và bà con xung quanh".   

Giải pháp phòng, chống

Để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, Ngành Y tế tỉnh An Giang đang tích cực vận động cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phát hiện sớm ca bệnh và xử lý hiệu quả từng ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng; thực hiện chất lượng các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, phun hóa chất dập dịch diện rộng và khuyến cáo các huyện có bệnh tăng cao thực hiện chống dịch bệnh chủ động tại các điểm có chỉ số nguy cơ cao về véc-tơ truyền bệnh...

Thời gian tới, ngành y tế An Giang phối hợp ngành giáo dục tuyên truyền cho học sinh tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà bông để phòng, chống tay-chân-miệng; vận động nhà trường tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết trong nhà trường. Tại cộng đồng vận động nhân dân tích cực tham gia tiêm ngừa vắc-xin để phòng, chống chủ động các dịch bệnh truyền nhiễm.

Bác sĩ Hùng cho biết, điểm mới trong công tác phòng, chống: tỉnh báo cáo, cập nhật ca bệnh trên phần mềm hệ thống, để ngành Y tế và các địa phương kịp thời phát hiện ổ dịch, ca bệnh mới, nhanh chóng xử lý, hạn chế lây lan.

Biện pháp phòng, chống hiệu quả cần nâng cao ý thức người dân chủ động phòng bệnh; phát hiện sớm ca bệnh và xử lý hiệu quả từng ổ dịch. Khuyến cáo các huyện trọng điểm chống dịch chủ động tại các điểm có chỉ số nguy cơ cao về véc-tơ truyền bệnh. Cộng đồng thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay bằng xà bông, giữ gìn đồ chơi sạch để phòng bệnh tay chân miệng. Lãnh đạo một số địa phương quan tâm theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh, từ đó có chỉ đạo kịp thời trong công tác phòng, chống, tuyên truyền, vận động, xử lý ổ dịch tại cộng đồng.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36995437