Truy cập hiện tại

Đang có 69 khách và không thành viên đang online

Hoạt động khoa giáo

Mùng 3 Tết thầy - truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

(TGAG)- Dân gian có câu “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam. Nó gợi nhắc đến truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, "Tôn sư trọng đạo" tốt đẹp của dân tộc ta như nhắc nhở về một giá trị truyền thống tốt đẹp trong dịp Tết của mỗi người dân Việt Nam.

Chính vì lẽ đó, dù tốt nghiệp ra trường đã lâu thế nhưng tết năm nào cũng vậy cứ đến mùng 3 tết là các bạn học sinh lớp 12 trường THPT Chu Văn An (huyện Phú Tân), các năm học của trường hiện là sinh viên các trường Đại học, hay có những bạn đã đi làm nhưng vẫn hẹn chờ nhau để đi chúc tết người đã đem con chữ, tri thức để tiến xa hơn trên con đường học vấn của mình. Em Nguyễn Thị Kỳ Hoa, hiện là sinh viên năm 4, khoa báo chí truyền thông, trường Đại Học Khoa học - Xã hội nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẽ: Mọi năm đến mùng 3 tết tụi em hẹn nhau trước đi thăm thầy cô giáo cũ, những người đã dìu dắt, dạy dỗ mình nên người, ôn lại những kỷ niệm thời học sinh. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta mình cần giữ gìn.


Không quà cáp chi cao sang mà đó chỉ là những cái ôm nhau thắm thiết giữa thầy và trò, những nụ cười vui vẻ của trò khi được về thăm thầy cô cũ. Và những câu chuyện đầu xuân trong tình thầy trò. Những câu chúc tết thầy, cô thể hiện tình cảm biết ơn đến thầy cô trong những năm tháng qua đã dày công dạy dỗ mình thành nhân. Em Quế Trân, học sinh cũ của trường THPT Chu Văn An chia sẽ: Tết thầy, chúng em thường đến thăm thầy cô cũ, gửi những lời chúc tốt đẹp đến thầy cô đã giảng dạy cho mình thể hiện sự tôn sư trọng đạo, truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần tết đến, xuân về cô Phạm Thị Bích Thủy - Giáo viên dạy môn ngữ văn trường THPT Chu Văn An lại dâng lên một niềm vui vô bờ, niềm vui ấy không phải bởi do sắc trời mùa xuân mang lại và cũng không chỉ bởi tết là dịp đoàn viên, sum họp gia đình mà còn là vì dịp tết cô Thủy được gặp lại những người học trò cũ kể về những thăng trầm trong cuộc sống. Thấy được sự trưởng thành của học trò mình dạy năm xưa, qua đó nhớ lại hình ảnh của mình với bao năm tháng gắn bó với nghề giáo. Cô Phạm Thị Bích Thủy - Giáo viên dạy môn ngữ văn trường THPT Chu Văn An cho biết: Ngày này, học sinh cũ thường về thăm, tôi rất hạnh phúc và xúc động khi thấy học trò về trình bày tình hình các em cố gắng học tập như thế nào, công việc ra sao, giúp đỡ người khác,v.v… điều đó làm cho người giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm như tôi thấy rất tự hào vì mình đã từng chủ nhiệm các em.
 
Còn thầy Phan Văn Trọng, nguyên là giáo viên trường THPT Chu Văn An, mặc dù thầy đã về hưu hơn 8 năm, nhưng mỗi dịp Tết đến, ngôi nhà của thầy vẫn đầy ắp tiếng cười của các thế hệ học trò về thăm. Trong đó, có cả những học trò thầy dạy cách đây 30 năm đã thành đạt cùng rủ nhau về. Thầy xúc động chia sẽ: Mặc dù các em học sinh đã ra trường, có công ăn việc làm thành đạt, có gia đình nhưng đến mùng 3 tết các em đều về thăm, tôi thấy rất vui, hạnh phúc, bởi thế hệ học trò mình đào tạo giờ đã trưởng thành, thành đạt.

Mùng 3 Tết thầy là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đã được lưu truyền từ ngàn đời nay, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam và được các thế hệ học trò kế tiếp nhau giữ gìn và phát huy. Mặc dù cuộc sống và việc học ngày nay có nhiều thay đổi nhưng mỗi dịp xuân về, tết đến các thế hệ học trò vẫn nhắc nhau nhớ ơn thầy cô, giữ trọn đạo thầy trò, làm cho nét đẹp văn hóa ấy mãi mãi lưu truyền, lan rộng trong xã hội./.

Kim Sang
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
43550532