Truy cập hiện tại

Đang có 82 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

Nghề giáo không chỉ là nghề mà còn phải là nghiệp

(TGAG)- Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Nghề thầy không chỉ là nghề mà còn là một nghiệp, chữ nghiệp cao hơn chữ nghề rất nhiều, nếu như chữ nghề của người thầy là những người chở đò lý tưởng, những người để lại mãi mãi dấu ấn cho các thế hệ học sinh của mình những điều tốt đẹp nhất, hay nhất, là trí tuệ, là tri thức của nhân loại thì chữ nghiệp mà người thầy đã mang sẽ rất nặng nề vì bản thân họ phải góp phần đào tạo ra những trí thức vừa có tài, vừa có đức, người thầy phải nỗ lực quên mình vì “sự nghiệp trồng người”.  
 

Người thầy không đơn thuần chỉ truyền đạt kiến thức mà quan trọng hơn là phải tạo ra những người học có khả năng sáng tạo, khả năng tự thích nghi với mọi hoàn cảnh. Người thầy, phải là một điển hình tốt về tinh thần tự học, tự vươn lên, một tấm gương sáng ngời về đạo đức, về nhân cách. Sự gương mẫu của các thầy cô luôn là vũ khí mạnh nhất chống lại sự băng hoại, tha hóa và tiêu cực của xã hội, là sự phản chiếu trong sáng nhất trong môi trường tu dưỡng của sự phát triển. Đối với người thầy, cần sống và làm việc sao cho xứng với sự vinh danh ấy cũng là một đòi hỏi lớn, đặc biệt trong xã hội hiện nay.

Thế kỷ XXI chúng ta đang sống là thể kỷ phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên phạm vi toàn cầu đã và đang tác động đến đội ngũ trí thức, đặc biệt là những người thầy hiện đang đứng trên bục giảng hôm nay. Nghề giáo ngày nay thật không hề đơn giản, bản thân người thầy khi đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức cho người học sẽ không thể thành công khi “luôn đổ khuôn” cho mọi học sinh trong một lớp học. Nguyên nhân cơ bản vì đối tượng học sinh ngày nay, do được tiếp xúc với nhiều thông tin, khả năng tiếp thu tri thức của mỗi em là khác nhau, tâm lý, điều kiện, hoàn cảnh, mỗi học sinh đều khác nhau. Do vậy, để truyền tải lượng kiến thức đến với học sinh và mang lại hiệu quả, đồng thời dạy học trò của mình nên người, người giáo viên ngày nay cần xem học trò như những đứa con ruột thịt của mình mà theo ông bà ta thường nói “mỗi đứa một tính nết” phải hiểu những đứa con của mình, để rồi có hướng truyền tải kiến thức, hướng dạy dỗ sao cho phù hợp nhất. Và điều này càng đúng với giai đoạn hiện nay, khi mà xu thế phát triển của thời đại đòi hỏi phải đổi mới giáo dục một cách toàn diện, giáo dục cả tri thức lẫn nhân cách. Đi cùng là xu hướng chuyển từ kiểu dạy học “lấy giáo viên làm trung tâm” sang kiểu “dạy học lấy học sinh làm trung tâm”, nói cụ thể hơn là dạy học phải hướng vào người học, đặt người học vào vị trí trung tâm của quá trình giáo dục – dạy học. Phương pháp dạy và học này làm cho vai trò người giáo viên trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, và cũng đòi hỏi yêu cầu giáo viên càng phải có trình độ về nghiệp vụ chuyên môn, có đạo đức, mới có thể đóng vai trò là người cố vấn, hướng dẫn. Đồng thời, phát triển những cảm xúc, thái độ, hành vi ứng xử của học sinh, đảm bảo cho học sinh làm chủ và biết ứng dụng hợp lý những tri thức, những ứng xử với xã hội bên ngoài. Để làm được điều này, người thầy phải luôn trăn trở, day dứt những gì mình chưa làm được cho học trò của mình.
 
Người thầy cần xem nghề mình là nghiệp, còn bởi vì một lý do, trong xã hội hiện đại người thầy phải đối mặt với nhiều áp lực của nghề. Đôi khi chỉ vì ít trường hợp cá biệt mà như “con sâu làm rầu nồi canh”, làm cho xã hội có cái nhìn không đúng về người thầy. Không xem nghề là nghiệp người thầy sẽ không thể luyện cho mình tinh thần thép và ý chí vượt khó, quyết tâm với nghề.

Chọn nghề giáo, chính là chọn hy sinh, phụng sự người khác, mỗi giáo viên sẽ vượt qua khó khăn, thấy thành công, trưởng thành của học trò là hạnh phúc của mình, là đích đến của mình. Vào nghề với động cơ đó, không khó cho mỗi nhà giáo trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Đối với xã hội, Nghề dạy học và Nhà giáo trong bất kỳ giai đoạn nào, luôn cần được nhân dân quí trọng, cần được xã hội tôn vinh. Ở thời đại nào cũng thế, những câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của thầy cô giáo dường như không bao giờ đến trang cuối. Không phải ngẫu nhiên, ta trìu mến gọi thầy giáo, cô giáo như người cha, người mẹ thứ hai của mình. Câu tục ngữ “ không thầy đố mày làm nên”, là một câu hỏi, lời khẳng định mang một giá trị, ý nghĩa trường tồn với thời gian./.

Ngọc Hân
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37016484