Truy cập hiện tại

Đang có 115 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Khảo sát, điều tra di tích Óc Eo trên địa bàn thị xã Tân Châu

(TGAG)- Ngày 26-5, Đoàn khảo sát Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh đến khảo sát, điều tra di tích Óc Eo trên địa bàn thị xã Tân Châu.
 
Theo nhận định của nhiều nhà khoa học Việt Nam, tại tỉnh An Giang là trung tâm Văn hóa Óc Eo, di tích Óc Eo tập trung nhiều nhất tại huyện Thoại Sơn và nằm rải rác ở nhiều huyện, thị, thành. Sau nhiều năm phát hiện và nghiên cứu, nhiều loại hình di tích, di vật đặc sắc thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo tại An Giang đã từng bước được tìm thấy, góp phần quan trọng vào việc nhận thức về sự phát triển của một trung tâm Kinh tế - Văn hóa - Tôn giáo lớn của văn hóa Óc Eo, ở Đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỷ I đến thế kỷ VII sau Công nguyên. Các nhà khoa học khẳng định trong những thời điểm nhất định, đây còn là một trung tâm quyền lực quan trọng của Vương quốc Phù Nam - quốc gia cổ đại hình thành và phát triển sớm nhất ở khu vực Đông Nam Á. Gần đây, việc nghiên cứu khảo cổ học tại các di tích Óc Eo tỉnh nhà, đã tiếp tục phát hiện một số di tích mới như Tháp cổ An Lợi, Hố thờ An Lợi huyện Tri Tôn; Gò Cây Tung huyện Tịnh Biên; Đá nổi huyện Thoại Sơn;... hầu hết đã được xếp di tích cấp tỉnh hoặc quốc gia.

Trên địa bàn thị xã Tân Châu, cũng có nhiều di tích thuộc nền văn hóa Óc Eo, đã được các nhà khoa học phát hiện và tiến hành nghiên cứu. Tại xã Vĩnh Hòa, Di tích Đìa Hòm được phát hiện vào năm 1972, sau đó được đào thám sát vào năm 1988, di tích này nằm ở phía nam của xã, trên khu đất nhà ông Nguyễn Văn Đặc, diện tích khoảng 3.000 mét vuông; Qua nghiên cứu cho thấy Di tích Đìa Hòm là di tích lần đầu tiên được phát hiện có thể có niên đại khá sớm, trước văn hóa Óc Eo nên việc nghiên cứu kỹ di tích này rất đáng được lưu ý, đặc trưng là di chỉ mộ táng. Di tích Núi Nổi (xã Tân Thạnh) được phát hiện vào năm 1988, thuộc địa phận ấp Tân Phú với diện tích hơn 3 ha, nằm cách địa điểm Đìa Hòm khoảng 5km theo đường chim bay, di tích này có đặc trưng là di chỉ cư trú. Di tích Nền Chùa xã Phú Lộc cũng được phát hiện vào năm 1988, thuộc địa phận ấp Phú Yên, di tích nằm trên khu đất của gia đình ông Chín Hánh, rộng cỡ 1 hecta; di tích có đặc trưng là di chỉ kiến trúc lẫn cư trú.

Trên tinh thần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, việc triển khai công tác khoa học và quản lý chuyên môn tại khu di tích là rất cần thiết, vừa bảo vệ các di tích tại đây, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học phục vụ cho việc xác lập kế hoạch nghiên cứu một cách đúng đắn trong thời gian trước mắt và lâu dài đối với các di tích đồn trú trong tỉnh và trên địa bàn thị xã. Đoàn khảo sát Ban quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo sẽ khảo sát Tân Châu trong 02 ngày, từ ngày 26/5 đến ngày 28/5/2017.

Với mục tiêu khảo sát, điều tra, phát hiện thêm di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh, phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, đào thám sát, khai quật sau này để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích văn hóa Óc Eo một cách tốt nhất. Đoàn sẽ lập mẫu phiếu điều tra, chụp ảnh hiện trạng và đánh giá hiện trạng cũng như đặc điểm loại hình của các di tích, tính chất, quy mô, phạm vi phân bố làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng kế hoạch khai quật tiếp theo. Đợt khảo sát sẽ được tiến hành một cách khoa học, tiếp cận hiện trường, đào thám sát di tích, nắm đầy đủ thông tin, cập nhật đầy đủ các số liệu qua nhân dân và chính quyền sở tại cung cấp. Tiến hành xây dựng bản đồ hệ thống di tích Óc Eo trên địa bàn tỉnh, báo cáo cho UBND tỉnh, thông báo cho địa phương về bước tiến kết quả khảo sát, điều tra khi kết thúc. Đoàn cũng mong muốn trong quá trình khảo sát, điều tra tại các địa điểm trên địa bàn thị xã, sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục được tiếp nhận thông tin của nhân dân khi có phát hiện những di tích có liên quan đến văn hóa Óc Eo trên địa bàn thị xã.
Tin, ảnh: Lệ Quân


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37167102