Truy cập hiện tại

Đang có 290 khách và không thành viên đang online

Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền Nghị quyết ở cơ sở

(TGAG)- Cơ sở là cấp cuối cùng trong quản lý Nhà nước xét theo cấp độ của hệ thống chính trị, nhưng là cấp đầu tiên và trực tiếp nhất, là nơi diễn ra mọi hoạt động và cuộc sống của Nhân dân, nơi chính quyền gần dân nhất. Nơi tổ chức và triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Mọi đường lối, chủ trương có được thực hiện tốt hay không phụ thuộc vào chất lượng hoạt động của cấp cơ sở, mà nhất là phụ thuộc vào phẩm chất, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên trong các tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở. Vì vậy, cơ sở có vị trí và vai trò cự kỳ quan trọng trong sự nghiệp cách mạng nói chung và trong quá trình đổi mới, hội nhập, phát triển hiện nay. Việc tuyên truyền nghị quyết ở cơ sở được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tuyên truyền, là một bộ phận trong công tác tư tưởng của Đảng.

Cấp ủy, chính quyền cơ sở thời gian qua đã chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập, triển khai, quán triệt Nghị quyết đến toàn thể đảng viên, cán bộ, quần chúng nhân dân. Hình thức, nội dung tuyên truyền một số nơi được quan tâm đổi mới từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cách thức trao đổi, viết bài thu hoạch đã đảm bảo hơn. Sự đồng thuận, niềm tin của đảng viên, quần chúng nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của đảng được tăng cường, hiệu quả kinh tế-xã hội ở cơ sở thông qua công tác tuyên truyền đã có sự phát triển tốt hơn, đúng hướng.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền ở cơ sở vẫn còn những hạn chế nhất định. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu. Nội dung tuyên truyền (tuyên truyền miệng và trên các phương tiện thông tin đại chúng - đài truyền thanh) chưa thật phong phú, sinh động và một số nội dung chưa phù hợp với nhu cầu về thông tin và lợi ích của các nhóm đối tượng khác nhau ở cơ sở. Tâm thế một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong học tập nghị quyết chưa nghiêm túc, trong quá trình học tập còn hiện tượng đến cho có để điểm danh, làm bài thu hoạch hình thức… Việc triển khai, vận dụng Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống chưa nhiều.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên có nhiều, nhưng chủ yếu là do sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy chưa sâu sát; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế, nhất là khả năng biên soạn tài liệu và kỹ năng thuyết trình; chưa gắn tuyên truyền với vận động, hướng dẫn quần chúng nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội; cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyên truyền nhiều nơi còn hạn chế; ý thức, trình độ nhận thức và khả năng lĩnh hội nghị quyết của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân chưa cao, công tác tổ chức, quản lý cán bộ, đảng viên, hội viên trong các hội nghị tuyên truyền nghị quyết chưa khoa học, chặt chẽ v.v…

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền nghị quyết của Đảng ở cơ sở được thuyết phục, hiệu quả. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các hội cơ sở, trong quá trình học tập, nghiên cứu, triển khai, tuyên truyền nghị quyết của Đảng cần phải vừa đảm bảo giữ vững quan điểm tuyên truyền của Đảng, vừa phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, đồng thời quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy trong chỉ đạo tuyên truyền nghị quyết: tập trung xây dựng kế hoạch, hướng dẫn quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết phải sát hợp, chỉ rõ nội dung, công việc cụ thể trong tuyên truyền nghị quyết; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về chất lượng, tiến độ thực hiện và sơ tổng kết rút kinh nghiệm. Trong đó, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng thành viên cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội cùng cấp và cấp dưới triển khai, phụ trách từng chi bộ, khu dân cư.

Thứ hai, củng cố, nâng cao chất lượng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đồng thời thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các cấp ủy đảng, các đoàn thể chính trị, các cơ quan thông tin đại chúng, văn hóa văn nghệ, các ngành kinh tế; quan tâm phát hiện, đạo tạo, bồi dưỡng những người có trình độ, có năng lực diễn đạt và khả năng thuyết phục, gần gũi quần chúng, có ý thức tổ chức kỷ luật, sáng tạo trong công việc để tạo nguồn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở. Cần chú ý bồi dưỡng, phát huy vai trò tuyên truyền viên của các chi ủy viên khóm, ấp, khu phố, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo.

Thứ ba, cụ thể hóa nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền. Ban Tuyên giáo cấp huyện, cấp xã phối hợp Mặt trận, các ngành đoàn thể cùng cấp, các báo cáo viên, tuyên truyền viên nghiên cứu, chắt lọc, biên soạn lại nội dung tuyên truyền sao cho cô đọng, ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, giúp người nghe dễ nhớ, dễ vận dụng. Cần lưu ý, đối với những thông tin liên quan đến lợi ích của đối tượng thì cần phải được tập trung khai thác. Tùy điều kiện, cần có sự vận dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp (sinh hoạt chi bộ, họp dân, trong sinh hoạt các hội, truyền thanh, lồng vào nội dung các chương trình văn hóa - văn nghệ, trang thông tin điện tử v.v…); quan tâm thực hiện việc đối thoại trong quá trình tuyên truyền, giúp người nghe hiểu vấn đề, biết cách triển khai vào cuộc sống. Nếu có điều kiện, phô-tô tài liệu gửi đảng viên, cán bộ, hội viên, thậm chí đến cho từng hộ gia đình.

Thứ tư, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động tuyên truyền. Cấp ủy, chính quyền cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền ở cơ sở, nhất là hội trường, nhà văn hóa, các phương tiện phục vụ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên, hệ thống loa truyền thanh, loa cầm tay, nước uống v.v…, đảm bảo thực hiện tốt một buổi tuyên truyền.

Hòa Bình
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40066948