Truy cập hiện tại

Đang có 115 khách và không thành viên đang online

Hội nghị triển khai Quy định 208-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện

(TGAG)- Chiều ngày 17/12, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai Quy định 208-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện và Kết luận 66-KL/TW của Ban Bí thư về tổng kết việc thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW” bằng hình thức trực tuyến, đồng chí Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu An Giang, đồng chí Trần Thị Thanh Hương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.



Qua 10 năm thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW, hoạt động của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bố trí kinh phí bảo đảm hoạt động của trung tâm; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; quy định rõ ràng hơn về tiêu chuẩn cán bộ, giảng viên; thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo… Tuy nhiên, hoạt động của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Sự quan tâm của một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự đầy đủ, đúng tầm. Do tổ chức của trung tâm trực thuộc hai đầu mối khác nhau, dẫn đến chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu thống nhất trong tổ chức và hoạt động. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ hiện nay. Cơ sở vật chất của một số trung tâm xuống cấp…

Hội nghị cũng đã nghe triển khai Quy định 208-QĐ/TW,  ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện. Theo đó, Ban Bí thư quy định trung tâm chính trị cấp huyện (trước đây là trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ cấp ủy cấp huyện.

Trung tâm có nhiệm vụ: Đào tạo sơ cấp lý luận chính trị - hành chính; bồi dưỡng các chương trình lý luận chính trị cho các đối tượng theo quy định; chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ công tác xây dựng Ðảng, quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và một số lĩnh vực khác cho cán bộ đảng (là cấp ủy viên cơ sở), cán bộ chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở. Bồi dưỡng chính trị cho đối tượng phát triển đảng; lý luận chính trị cho đảng viên mới; nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên cơ sở. Tuyên truyền, giáo dục lịch sử Ðảng và lịch sử đảng bộ địa phương. Tổ chức thông tin về tình hình thời sự, chính sách… cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở. Tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học…


Về tổ chức bộ máy, Trung tâm chính trị cấp huyện có đội ngũ cán bộ gồm giám đốc (trưởng ban tuyên giáo cấp ủy cấp huyện là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện theo chế độ kiêm nhiệm), một số phó giám đốc và giảng viên chuyên trách; biên chế từ 4 đến 6 người, thuộc biên chế của các cơ quan đảng; của cấp ủy cấp huyện, do ban thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét, quyết định trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, tổng số dân và cán bộ, đảng viên trên địa bàn.

Kết luận 66-KL/TW đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp huyện đối với tổ chức và hoạt động của trung tâm. Để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đổi tên “trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện” thành “trung tâm chính trị cấp huyện”. Kiện toàn tổ chức và hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện, bảo đảm sự thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, đồng bộ về cơ cấu tổ chức bộ máy; có chế độ, chính sách đãi ngộ tốt để thu hút cán bộ, giảng viên giỏi. Đổi mới cơ chế hoạt động của trung tâm, tăng cường sự gắn kết với ban tuyên giáo, trường chính trị tỉnh; xây dựng quy chế phối hợp giữa trung tâm với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cấp huyện. Chuẩn hóa trung tâm chính trị cấp huyện, trước hết là chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên. Rà soát, đánh giá các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác tại trung tâm, kịp thời bổ sung kiến thức mới. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm theo hướng gắn với thực tiễn, thực hành, giải đáp những vấn đề đặt ra ở cơ sở. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; bảo đảm kinh phí theo yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng; phấn đấu đến năm 2025 về cơ bản các trung tâm trong cả nước đều đạt chuẩn…/.                                                                       

Ngọc Hân

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36710050