Công tác Lý luận chính trị
Dựa vào Dân - bài học vô cùng thấm thía
- Được đăng: Thứ năm, 12 Tháng 1 2017 15:58
- Lượt xem: 5275
Đổi mới chứ không đổi màu
- Là một trong những người trực tiếp tham gia vào quá trình chuẩn bị Văn kiện Đại hội VI của Đảng, ấn tượng sâu sắc nhất của ông về 30 năm Đổi mới vừa qua là gì?
|
Xuất phát từ thực trạng kinh tế - xã hội trước hết là thực trạng phân phối, lưu thông hiện nay, Hội nghị lần thứ Hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VI) xác định: Việc giải quyết những vấn đề cấp bách về phân phối, lưu thông nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ bội chi ngân sách, giảm nhịp độ tăng giá, giảm tốc độ lạm phát, giảm khó khăn về đời sống của nhân dân lao động. Hội nghị Trung ương cũng đã chỉ rõ rằng, mục tiêu “4 giảm” đó chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh XHCN, nâng cao vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế và phát huy khả năng tích cực của các thành phần kinh tế khác, mở rộng giao lưu hàng hóa, giải phóng sức sản xuất.
Cách đặt ra và giải quyết vấn đề như trên cho thấy, Hội nghị Trung ương, trong khi quyết định các vấn đề có tầm quan trọng trước mắt và lâu dài trên lĩnh vực phân phối, lưu thông, đã không chia tách mà còn gắn kết các vấn đề này với toàn bộ quá trình tái sản xuất nói chung, trong đó có khâu then chốt là quá trình sản xuất trực tiếp. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chỉ rõ: “Trong lĩnh vực phân phối, lưu thông chúng ta không dừng lại ở việc giải quyết các vấn đề định lượng, tương quan giữa các mức giá, tỷ giá, mức lương, chi tiêu ngân sách và tiền tệ mà còn hết sức chú ý giải quyết các vấn đề rất quan trọng về chính sách, cơ chế và tổ chức. Kinh nghiệm đã chứng tỏ, bỏ qua hoặc xem nhẹ các mặt này chúng ta sẽ không giải quyết được vấn đề phân phối, lưu thông, với tính cách là những đòn bẩy kinh tế mạnh mẽ với sản xuất”.
Thực tế cho thấy, câu chuyện phổ biến lúc bấy giờ là Tài chính - Tiền tệ - Giá cả - Tiền lương. Sau đó, đến tháng 8.1987, Quốc hội họp mới công khai câu chuyện giá - lương - tiền để thấy rõ tình hình rất khó khăn. Khi đó, dưới địa phương, cơ sở chỉ muốn làm thế nào để “phóng bung” ra, chứ cứ giữ mãi cách thức sản xuất theo kế hoạch từ trên xuống, phân phối theo định suất, định lượng, bán hàng theo giá Nhà nước đề ra thì sản xuất không thể lưu thông, phát triển.
- Nhắc đến bối cảnh ra đời của công cuộc Đổi mới, có lẽ không thể không nhắc đến sự kiện Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, thưa ông?
- Thời điểm Đảng ta bàn về Đổi mới cũng là lúc việc xây dựng XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu nảy sinh nhiều vấn đề. Họ cũng phải đặt vấn đề cải tổ, cải cách. Nhưng rồi, định hướng cải tổ, cải cách của họ cứ chệch ra khỏi con đường đi lên CNXH. Đến cuối năm 1988, có thể nói, công cuộc cải tổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu ngày càng chao đảo. Các nước Đông Âu thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Liên Xô chưa phải đa đảng nhưng đã manh nha. Chính vì thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập đã dẫn đến câu chuyện phủ nhận sạch trơn giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga cũng như thành tựu xây dựng chính quyền Xô Viết, chĩa mũi nhọn công kích vào Đảng Cộng sản và chủ nghĩa Mác - Lênin, gieo rắc hoài nghi về CNXH. Và từ năm 1988 trở đi, các nước XHCN ở Đông Âu lần lượt sụp đổ. Năm 1991 bắt đầu đến Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, CNXH trên phạm vi toàn thế giới lui vào thoái trào. Trên thế giới chỉ còn Việt Nam, Triều Tiên, Cuba… đi theo con đường XHCN.
Trong bối cảnh ngặt nghèo đó, tại Hội nghị Trung ương 6, Khóa VI (tháng 3.1989), Đảng ta đã nêu ra 6 nguyên tắc của Đổi mới, trong đó vấn đề giữ ổn định XHCN để đổi mới, chứ không đổi màu là nguyên tắc đầu tiên.
Thực tế, quá trình đề ra được đường lối Đổi mới của chúng ta vô cùng vất vả lắm, đi từ dưới lên trên, từ thực tiễn đến lý luận. Đó là cuộc đấu tranh gian khổ, gay gắt. Tuy nhiên, vượt lên tất cả khó khăn, thử thách ấy, chúng ta đã kiên định con đường Đổi mới, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đảng Cộng sản Nhật Bản, khi đến Việt Nam vào thời điểm đó, đã khẳng định, “xây dựng CNXH với nhiều thành phần kinh tế khác nhau” là sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhân dân - người thực hiện và chủ thể sáng tạo của Đổi mới
- Thành tựu đạt được sau 30 năm Đổi mới được Đại hội XII của Đảng khẳng định là to lớn và có ý nghĩa lịch sử, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm. Ông tâm đắc nhất với bài học kinh nghiệm nào và bài học ấy có thể vận dụng ra sao trong giai đoạn hiện nay?
- Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã rút ra 5 bài học lớn. Trong đó có bài học thứ ba, đó là phải dựa vào dân, xuất phát từ lợi ích của nhân dân, giữ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Dân. Đây là bài học luôn luôn đúng, có ý nghĩa sâu sắc và vô cùng thấm thía. Vì rằng, cán bộ nào sa vào quan liêu tức là anh đã xa dân; cán bộ nào tham nhũng tức là anh vơ vét của dân. Đây chính là bài học lớn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Đảng lãnh đạo làm cuộc cách mạng về Đổi mới cũng vì Tổ quốc, vì Nhân dân. Mọi hành động, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trước hết đều phục vụ lợi ích của Nhân dân, của Tổ quốc. Cho nên, phải nhận thức sâu sắc rằng, Nhân dân chính là người sáng tạo nên những giá trị và thành công của sự nghiệp cách mạng. Nhân dân là người thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, và cũng là chủ thể sáng tạo trong thực hiện đường lối của Đảng - bài học này chớ bao giờ được quên. Hiện nay, có hiện tượng, cứ có chức, có quyền thì một bộ phận cán bộ lại xa dân; có chức, có quyền lại phát sinh đầu óc tư lợi, làm gì cũng nghĩ đến lợi ích của mình, hoặc nhóm mình trước - như vậy sao có thể nghĩ trước đến lợi ích của dân (?).
- Với những thành tựu đạt được, ông kỳ vọng gì về sự phát triển của đất nước trong thời gian tới?
- Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu rất rõ định hướng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong những thập kỷ tới. Người cộng sản phải tin vào Cương lĩnh chính trị của Đảng. Vừa qua, do nguyên nhân khách quan và chủ quan, chúng ta chưa đạt một số mục tiêu, tiêu chí đề ra. Nhưng cần nhìn nhận rằng, từ năm 2006 trở lại đây, thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế. Nhiều quốc gia hiện vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng, thậm chí có cả những anh tư bản đầu sỏ, có nền kinh tế phát triển. Vậy nên, khi bàn về hạn chế, yếu kém trong quá trình phát triển đi lên của đất nước cần phải thấy rõ những yếu tố khách quan này. Và mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng chúng ta cũng làm được nhiều việc. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế dù chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng chưa bao giờ xuống dưới 5% - đây là nỗ lực không phải dễ dàng thực hiện.
Tất nhiên, để thực hiện nhiệm vụ xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên CNXH không những chỉ tập trung phát triển kinh tế, mà còn phải xây dựng lực lượng sản xuất. Nói cách khác, về mô hình phải rất năng động, theo sát tình hình thực tiễn. Chúng ta không thể lấy những tư tưởng từ mấy chục năm trước để áp dụng cho hôm nay. Thực tiễn cho thấy, có những tư tưởng vẫn đúng, còn nguyên giá trị với hôm nay, song cũng có tư tưởng phải thay đổi do tình hình thực tế đã có nhiều chuyển biến mới. Đây là câu chuyện lâu dài, nhưng tôi cho rằng, đã là người cộng sản, chúng ta phải luôn giữ vững niềm tin, để vững bước đi tới tương lai.
- Xin cảm ơn ông!./.