Truy cập hiện tại

Đang có 97 khách và không thành viên đang online

Báo động tình trạng trẻ em tự tử

(TUAG)- Chưa bao giờ, dư luận xã hội lại hết sức quan ngại trước tình trạng trẻ em tự tử như hiện nay, trong đó có cả trường hợp tự tử nhiều người cùng lúc. Đơn cử như ngày 29/3/2021, em T.V.H học sinh lớp 10 ngụ tỉnh Bắc Kạn đã treo cổ tự tử tại KTX của trường. Trước đó ngày 22/3/2021, hai em học sinh nữ tại TPHCM đã cùng tử vong sau khi nhảy từ tầng 20 của một chung cư để lại sự bàng hoàng và đau xót cho người thân. Đây chỉ là 2 trong nhiều vụ trẻ em tự tử mới vừa xảy ra để gióng lên hồi chuông báo động cho người lớn lẫn cho nhà trường, xã hội.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý phân tích: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như: Áp lực cuộc sống, học tập, bị bạo hành thể xác lẫn tinh thần, mẫu thuẫn trong gia đình, có suy nghĩ và lối sống không lành mạnh, trầm cảm... Đáng lo ngại là đã có những nguyên nhân rất đơn giản nhưng lại dẫn đến việc tự đi tìm cái chết trong giới trẻ.



Con đường dẫn đến sự tiêu cực đi tìm cái chết thường là: Nhảy lầu, nhảy cầu, uống thuốc ngủ, thuốc trừ sâu, thắt cổ, phá hủy các mạch máu... và nhiều tác nhân khác. Nhiều nạn nhân tuy thoát khỏi lưỡi hái thần chết nhưng đã nhận lấy những thương tật suốt đời về thể xác lẫn tinh thần mà có khi cả đời không thể phục hồi tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Vậy làm thế nào để ngăn chăn tình trạng nầy một cái tốt nhất, hiệu quả nhất? Trước hết nói về gia đình, nhiều bậc phụ huynh do tập trung vào cuộc mưu sinh nên giành rất ít thời gian, thậm chí không hề quan tâm đến tâm, sinh lý của các em. Nhiều người phó mặc các em tự lập hay giao phó trách nhiệm quản lý cho nhà trường. Đáng buồn là có nhiều em tuy có cuộc sống kinh tế đầy đủ nhưng hụt hẫng về sự quan tâm của gia đình dẫn đến cô đơn, trầm cảm và đã có nhiều trường hợp đau lòng đã xảy đến. Nhìn từ góc độ giáo dục, nhiều người lớn sẵn sàng bạo hành các cháu khi xảy ra trường hợp phạm lỗi nhưng không tìm hiểu nguyên nhân phạm lỗi ấy xuất phát từ đâu; không tạo điều kiện để các em nhận ra sai lầm để khắc phục, sửa chữa một cách tốt nhất, nhẹ nhàng nhất.

Nhìn về góc độ nhà trường, đã có một số trường hợp thầy cô giáo cư xử với học sinh thiếu tế nhị, gây sốc tinh thần khi phê phán các em trước đám đông, có thái độ và lời nói chưa hợp lý khiến các em mặc cảm, tự ti và dẫn đến tự tử. Đây cũng là trường hợp đã từng xảy ra tại một trường THPT từng gây xôn xao dư luận. Nhiều giáo viên, học sinh chưa thực sự quan tâm đến các trường hợp cá biệt dẫn đến sự trầm cảm ngày một gia tăng và “tức nước thì phải vỡ bờ” là chuyện tất nhiên. Đáng lo hơn là tình trạng bạo lực trong học đường đang có chiều hướng tăng nhanh, minh chứng là các vụ đánh nhau trong nhà trường (đa phần là học sinh nữ) dẫn đến những cú “sốc” tinh thần đặc biệt nguy hiểm dẫn đến vấn nạn tự tử do hoang sợ, trầm cảm, không tìm được cách giải quyết. Một vấn nạn khác cũng đang gióng lên hồi chuông báo động là tình trạng “yêu” nhau cùng giới (giới nữ lẫn nam) đang là mối lo ngại đang đe dọa bởi đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tự tử trong giới trẻ hiện nay khi bị gia đình ngăn cấm, xã hội phản đối, bất đồng trong quan hệ cùng giới...

Về trách nhiệm của xã hội, phải nói rằng những hình thức tuyên truyền, giáo dục trong giới trẻ ở một số nơi để ngăn ngừa nạn tự tử còn quá hạn chế, chủ yếu chỉ phó thác cho gia đình và nhà trường, vai trò của chính quyền, các ban ngành đoàn thể trong công tác nầy hầu như không thực hiện hay còn rất ít.

Vấn nạn đã, đang và sẽ xảy ra tình trạng tự tử đó là điều ai cũng thấy, cũng hiểu nhưng làm thế nào để ngăn chặn trong lúc nầy đó mới là điều quan trọng. Hơn lúc nào hết người lớn cần xem lại thái độ, suy nghĩ, nhận thức, sự quan tâm của mình với các em trong thời gian qua để có bước hiệu chỉnh tốt và đầy đủ nhất. Nhà trường, thầy cô giáo cần là môi trường thân thiện nhất để các em phát huy trí tuệ, sức khỏe, giải quyết những ức chế về tâm lý, tránh tình trạng các em bị cô lập, mặc cảm, tự ti trước đám đông. Cùng với đó các địa phương cũng cần tăng cường khâu tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người lớn lẫn trẻ em để hạn chế tối đa vấn nạn nầy.

Người xưa từng dạy “không lo xa ắt có buồn gần”. Và trên thực tế đã có nhiều câu chuyện “buồn gần” đã xảy ra mang đến nhiều nỗi đau cho nhiều gia đình mà khi nhận ra thì tất cả đã quá muộn màng.

Phan Thị Anh Thư
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
43457216