Truy cập hiện tại

Đang có 86 khách và không thành viên đang online

Chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ sau Đại hội XX đến nay

(TUAG)- Đại hội XX đã trở thành tiền đề thúc đẩy ngoại giao Trung Quốc thêm phần tự tin với vai trò của nước lớn trên trường quốc tế.

Đại hội XX là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, trên cơ sở tổng kết 10 năm cầm quyền của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình (Trung Quốc gọi là “thời đại mới”) và bài học kinh nghiệm trong lịch sử 100 năm thành lập Đảng (được đúc rút tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIX, năm 2021) để xác định những mục tiêu, lộ trình phát triển, quan điểm và biện pháp lớn trên các mặt đối nội, đối ngoại của Trung Quốc không chỉ cho nhiệm kỳ 05 năm tới, mà mang ý nghĩa chiến lược cho cả một giai đoạn phát triển dài hạn đến năm 2035 và giữa thế kỷ XXI (Mục tiêu 100 năm thứ hai nhân dịp 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa).


Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình (giữa, hàng đầu) cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại lễ khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh, ngày 16/10/2022. (Ảnh: THX/TTXVN).

Đại hội XX diễn ra vào thời điểm Trung Quốc ở tâm thế và vị thế cao hơn so với thời điểm trước Đại hội XVIII (năm 2012) dựa trên nhận định Trung Quốc đã bước vào thời đại mới “mạnh lên” (hàm ý chỉ thời đại Tập Cận Bình, cùng với hai thời đại khác trong lịch sử nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là thời đại Mao Trạch Đông và thời đại Đặng Tiểu Bình), thực hiện đúng thời hạn mục tiêu 100 năm thứ nhất, song Trung Quốc cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là môi trường bên ngoài phức tạp, khó lường như Trung Quốc nhận định là “sự biến đổi 100 năm chưa từng có”. Trong bối cảnh đó, những quan điểm, phương hướng lớn, bao gồm cả sự kế thừa và điều chỉnh về chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội XX có tác động đa chiều và lâu dài đến cục diện thế giới, khu vực.

Năm 2023 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của Trung Quốc khi chính thức bước vào giai đoạn thực hiện mục tiêu 100 năm thứ hai, đề ra yêu cầu phát triển chất lượng cao và hiện thực hóa mô hình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc như văn kiện Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định. Sau Đại hội XX và Kỳ họp thứ nhất Lưỡng hội khóa XIV , Trung Quốc kiện toàn các vị trí lãnh đạo Đảng và Nhà nước khóa mới, Tổng Bí thư Tập Cận Bình tái cử Chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba với số phiếu tuyệt đối, các nhân sự chủ chốt của ngành đối ngoại được kiện toàn . Đây là những tiền đề quan trọng để Trung Quốc chủ động đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao cấp cao, nhất là ngoại giao nguyên thủ để kết nối từ lục địa Á - Âu đến Vùng Vịnh, tích cực tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề “điểm nóng” trên thế giới nhằm thể hiện vai trò nước lớn có trách nhiệm.


Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, ngày 20/3/2023. Ảnh: Tân Hoa Xã/Shen Hong

Qua 6 tháng triển khai chính sách đối ngoại của Đại hội XX, có thể thấy dấu ấn ngoại giao Trung Quốc thể hiện trên ba phương diện chính sau:

- Trung Quốc chủ động đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại song phương, tranh thủ tối đa kênh ngoại giao nguyên thủ để mở rộng, tăng cường hoặc điều chỉnh, cải thiện các cặp quan hệ song phương quan trọng. Ngay từ sau Đại hội XX, với việc đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Trung Quốc sau Đại hội, đối ngoại Trung Quốc chứng kiến sự “bùng nổ” về số lượng các chuyến thăm cấp cao trong và ngoài khu vực. Trong đó có thể thấy trọng tâm của Trung Quốc như văn kiện Đại hội XX đã khẳng định, là tập trung vào các nước láng giềng (như đón lãnh đạo Việt Nam, Lào, Campuchia, Philippines, Singapore), các đối tác chiến lược quan trọng (Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga đầu tiên sau khi tái cử, đón Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp, các lãnh đạo chủ chốt của EU), cũng như bạn bè truyền thống (như Tổng thống Tanzania, Tổng thống Belarus).

Bên cạnh đó, các quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tích cực triển khai các chuyến thăm, tham dự các hoạt động đa phương quan trọng tại một số địa bàn trọng điểm, như chuyến thăm châu Âu và dự Hội nghị An ninh Munich của Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Vương Nghị, hay việc dự Hội nghị Ngoại trưởng các nước G20 và các chuyến thăm Myanmar, Nam Á, châu Phi của Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương. Các hoạt động này nhằm mục tiêu thắt chặt quan hệ song phương của Trung Quốc với các đối tác, nhất là triển khai mạnh mẽ chính sách ngoại giao láng giềng, tái khởi động các dự án thuộc khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), tuyên truyền về các sáng kiến mang tầm toàn cầu mới nhất của Trung Quốc, cải thiện quan hệ với các nước châu Âu, qua đó tạo dư địa và không gian lớn hơn cho đối ngoại Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ ngày càng diễn biến gay gắt, phức tạp.

- Trung Quốc chủ động phát huy vai trò trung gian hòa giải trên một số “điểm nóng” của quốc tế, điển hình như xung đột Nga - Ukraine, quan hệ giữa Iran - Saudi Arabia. Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, Trung Quốc công bố văn bản “Lập trường về giải quyết chính trị khủng hoảng Nga - Ukraine” với 12 điểm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm Nga với quan điểm đây là chuyến thăm của hòa bình, hữu nghị và hợp tác không chỉ nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ song phương với Nga mà còn góp phần vào tiến trình thúc đẩy hòa bình tại khu vực này. Sau chuyển thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp và Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Tập Cận Bình cũng có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Ukraine.

Theo một số chuyên gia, các đề xuất của Trung Quốc có giá trị nhất định với cả hai bên, bởi Trung Quốc đã xây dựng được quan hệ mật thiết với Nga trong bối cảnh nước này bị cô lập trên trường quốc tế, trong khi đó Ukraine cũng cần tính toán đến giải pháp hòa bình được dẫn dắt bởi một bên thứ ba trong khi các thủ tục gia nhập NATO chưa thể đạt đột phá trong thời gian ngắn và những tổn thất to lớn nếu cuộc khủng hoảng kéo dài. Một trong những điểm sáng của ngoại giao trung gian là Trung Quốc thúc đẩy thành công việc khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia, qua đó nâng cao vị thế, uy tín của mình ở cả cấp độ khu vực và quốc tế, đồng thời tiếp tục tạo thế cho Trung Quốc trong việc phát huy “vai trò mang tính xây dựng cho bảo vệ hòa bình thế giới” như văn kiện Đại hội XX đã khẳng định, trong các vấn đề điểm nóng khác.

- Trung Quốc chủ động thúc đẩy đề xuất các sáng kiến quản trị toàn cầu. Ngoài việc tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến đã được nêu ra từ giai đoạn trước như “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI), Trung Quốc vừa qua đã đưa ra văn kiện khái niệm về GSI làm rõ hơn 6 nguyên tắc và 20 lĩnh vực hợp tác trọng điểm của sáng kiến này.
Ông Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới (15/3/2023). Ảnh: Tân Hoa Xã.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới (15/3/2023), Trung Quốc lần đầu tiên nêu ra Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI), với nội hàm gồm 04 điểm : (i) Cùng đề xướng tôn trọng tính đa dạng của văn minh thế giới; kiên trì các nền văn minh bình đẳng, tham khảo, đối thoại, bao dung lẫn nhau; lấy giao lưu văn minh để vượt qua khoảng cách văn minh, lấy tham khảo văn minh để vượt qua xung đột văn minh, lấy bao dung văn minh để vượt qua ưu việt văn minh. (ii) Cùng đề xướng phát huy giá trị chung toàn nhân loại. Hòa bình, phát triển, công bằng, chính nghĩa, dân chủ, tự do là sự theo đuổi chung của nhân dân các nước, phải lấy tấm lòng rộng mở để hiểu được nhận thức khác nhau về nội hàm giá trị của các nền văn minh khác nhau, không lấy giá trị quan và mô hình của mình áp đặt cho người khác, không đối kháng ý thức hệ. (iii) Cùng đề xướng kế thừa và sáng tạo văn minh, khai thác những giá trị thời đại của văn hóa lịch sử các nước, thúc đẩy nền văn hóa truyền thống ưu tú chuyển đổi sáng tạo và đổi mới phát triển trong tiến trình hiện đại hóa. (iv) Cùng đề xướng tăng cường hợp tác giao lưu nhân văn quốc tế, xây dựng mạng lưới hợp tác đối thoại văn minh toàn cầu, làm phong phú nội dung giao lưu, mở rộng kênh hợp tác, thúc đẩy nhân dân các nước quen biết nhau, thân nhau, cùng thúc đẩy văn minh nhân loại phát triển tiến bộ.

Như vậy, với ba sáng kiến GDI, GSI, GCI, Trung Quốc đã hình thành sự tập hợp lực lượng toàn diện hơn, bao gồm cả “phát triển”, “an ninh” và “văn minh”, tạo tiền đề từng bước dẫn dắt ở cả “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm”, đồng thời góp phần hóa giải cạnh tranh giữa Mỹ, phương Tây với Trung Quốc.

P.TT
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37486140