Truy cập hiện tại

Đang có 248 khách và không thành viên đang online

Kết quả điều tra xã hội học về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016

(TGAG)- Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển doanh nghiệp (DN) tư nhân. Sau 3 năm bị giảm thứ hạng PCI (2013, 2014, 2015), từ năm 2015 và 2016, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện cụ thể với nhiều giải pháp tích cực nhằm cải thiện chỉ số PCI của tỉnh. Qua điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, năm 2016 tỉnh đã tạo bước chuyển biến khá tích cực.

Kết quả đánh giá các chỉ số PCI năm 2016 so với năm 2015

- Các chỉ số được cải thiện tốt (có tỷ lệ đánh giá mức độ tốt hơn và khá hơn cao từ 75,5% - 73,4%), tuần tự là: Chỉ số về tính minh bạch và tiếp cận thông tin 75%; Chỉ số tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh 74,1%; Chỉ số chi phí thời gian việc thực hiện các quy định của Nhà nước 73,4%;  Chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN 73,4%.

- Các chỉ số có mức độ tốt hơn và khá hơn có tỷ lệ từ 67,1% - 57,3% là: Chỉ số hạn chế chi phí không chính thức 67,1%; Chỉ số thiết chế pháp lý 66,4%; Chỉ số cạnh tranh bình đẳng 63,8%; Chỉ số đào tạo lao động 63,2%; Chỉ số chi phí gia nhập thị trường 60,5%; Chỉ số tiếp cận đất đai 57,3%.

Ở cấp huyện, các địa phương được đánh giá thực hiện tốt việc nâng cao các chỉ số PCI là: Châu Đốc, Tri Tôn, Châu Phú, Tịnh Biên...

- So sánh với 6 chỉ số thấp điểm, giảm thứ hạng của năm 2015 (Chi phí gia nhập thị trường; Chi phí thời gian; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; Hạn chế chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Tiếp cận đất đai) thì năm 2016 các chỉ số này có tỷ lệ đánh giá tốt hơn và khá hơn đều khá cao so với năm 2015 (từ 77,1% -  57,3%). Trong đó có 2 chỉ số có chuyển biến tích cực là: Tính năng động, tiên phong của lãnh đạo tỉnh và Chi phí thời gian.

- Đối với 4 chỉ số mà tỉnh đã có thế mạnh và có trọng số cao (Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Dịch vụ hỗ trợ DN; Đào tạo lao động; Chi phí không chính thức) tiếp tục được đánh giá tốt hơn và khá hơn với tỷ lệ cao từ 75% - 63,2%.

- Các chỉ tiêu trong 10 chỉ số PCI được đánh giá đã có sự cải thiện và chuyển biến đạt tỷ cao (từ 89,9% - 62,4% %) là: Thời gian hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh; công tác giải quyết các thủ tục hành chính; việc tiếp cận đất đai và sử dụng ổn định đất; việc tiếp cận các thông tin có liên quan đến DN; hạn chế chi phí không chính thức; các dịch vụ cung cấp hỗ trợ cho DN; việc ban hành và thực hiện các thiết chế pháp lý; các chính sách thanh, kiểm tra; sự linh hoạt, năng động, sáng tạo và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến các DN của lãnh đạo tỉnh...

Những tồn tại, hạn chế

Nhận thức về PCI của một số sở, ngành, cấp ủy, chính quyền cấp huyện và cơ sở còn hạn chế. Đặc biệt là sự nhận thức, hiểu biết về PCI của cộng đồng, doanh nghiệp, chỉ riêng trong các doanh nghiệp tỷ lệ chưa biết và chỉ biết chút ít lên đến 87,7%.

Một số chỉ số thành phần chưa có chuyển biến tích cực, như: Chỉ số tiếp cận đất đai; Chi phí gia nhập thị trường; Hạn chế chi phí không chính thức, Đào tạo lao động; Cạnh tranh bình đẳng (tỷ lệ đánh giá vẫn như cũ và kém hơn còn cao, từ 42,8% -  25%). Các đơn vị có tỷ lệ đánh giá vẫn như cũ và kém hơn ở những chỉ số này khá cao là: Tân Châu, Chợ Mới, Long Xuyên, Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Thành, An Phú.

Đồng thời, nhiều chỉ tiêu trong từng chỉ số PCI còn đánh giá chuyển biến thấp; sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với DN còn hạn chế nhất là ở cấp huyện và cơ sở; còn nhiều vấn đề gây bức xúc, khó khăn, trở ngại của doanh nghiệp chưa được tháo gỡ...

Nguyên nhân hạn chế

Ngoài những nguyên nhân khách quan, những nguyên nhân chủ quan chính là: việc triển khai tổ chức thực hiện chưa tốt, mặc dù Tỉnh ủy đã có Chỉ thị từ 3 năm nay, UBND tỉnh có Chương trình hành động, các kế hoạch và phân công cụ thể, thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh để thực hiện và lộ trình cụ thể, nhưng sự chuyển biến ở cấp huyện và cơ sở (là nơi trực tiếp với DN) chưa nhiều. Sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của một số cấp ủy địa phương, đơn vị chưa tập trung đúng mức, nhất là ở cấp huyện và cơ sở. Nhận thức trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân còn nhiều hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả.

Giải pháp

Qua kết quả điều tra, tổng hợp những đề xuất của nội bộ và các DN được trưng cầu ý kiến, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kiến nghị Tỉnh tập trung thực hiện 04 nhóm giải pháp sau: 1- Nâng cao năng lực lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp; 2- Cải thiện, nâng cao các chỉ số và các chỉ tiêu chuyển biến chậm; 3-Nâng cao nhận thức hệ thống chính trị, doanh nghiệp và Nhân dân; 4- Tăng cường thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát từ tỉnh đến cơ sở.

Đồng thời, thực hiện tốt các giải pháp trước mắt là: Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh tổ chức sơ kết Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện nâng cao PCI của UBND tỉnh năm 2016 và triển khai kế hoạch 2017; tổ chức sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị 27-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 11/07/2014 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” và định hướng, chỉ đạo trong giai đoạn tới.

THANH KHOA
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37029973