Truy cập hiện tại

Đang có 269 khách và không thành viên đang online

Nâng cao chất lượng công tác dư luận xã hội, chủ động xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội

(TG)- Cuộc cách mạng công nghệ thông tin phát triển bùng nổ; xu hướng cá nhân hoá thông tin ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội; các thế lực thù địch không ngừng chống phá quyết liệt, bằng mọi hình thức, thủ đoạn. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu, đòi hỏi đối với công tác dư luận xã hội (DLXH) ) phải dự báo sớm, chính xác, làm chủ tình hình, định hướng DLXH để tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Nắm bắt tốt dư luận xã hội sẽ phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. (Ảnh minh họa - Báo Vĩnh Long)

ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC CÔNG TÁC DƯ LUẬN XÃ HỘI

Kết luận số 100/KL-TW Ban Bí thư khóa XI đặt ra yêu cầu “Công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội phải bám sát thực tiễn xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện theo yêu cầu, đề nghị của các cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc về những vấn đề Nhân dân quan tâm để phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền các cấp. Đối với các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng, trước khi xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và sau một thời gian tổ chức thực hiện phải tiến hành điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”. Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh “Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”. Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII[1]đã đặt ra yêu cầu “Nâng cao chất lượng công tác dư luận xã hội và đánh giá sự hài lòng của người dân; chủ động dự báo tình hình, xử lý kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội”.

Trong bối cảnh hiện nay, Đảng ta, đất nước ta, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức với công tác tuyên giáo nói chung và công tác nghiên cứu dư luận xã hội nói riêng. Công nghệ truyền thông mới như Internet, mạng xã hội, smartphone... đã đem đến cho hệ sinh thái thông tin những thay đổi chưa từng có. Một trong những vấn đề công tác tuyên giáo đang phải đối mặt là tình trạng ô nhiễm thông tin, một đặc trưng cho xã hội hiện đại. Lợi dụng ưu thế vượt trội của Internet, mạng xã hội, các thế lực thù địch đã tạo ra các chiến dịch lan truyền thông tin xuyên tạc, gieo rắc sự hoài nghi, hoang mang, nhằm khoét sâu mâu thuẫn, gây mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Thực trạng này có tác động không nhỏ tới tình hình tư tưởng và các ý kiến đánh giá của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng của các vấn đề xã hội, đặc biệt là về sự cấp bách để giải quyết chúng. Trước tình hình đó, phương thức nắm bắt dư luận xã hội truyền thống đang dần dần mất đi tính hiệu quả, thiếu kịp thời; việc dự báo và đề xuất các giải pháp định hướng dư luận xã hội, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không còn tính chính xác cao.

Từ thực tiễn nêu trên đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải đổi mới nội dung, phương thức công tác dư luận xã hội với các yêu cầu cụ thể sau đây: 1) Công tác DLXH phải góp phần tham mưu cho cấp ủy Đảng các cấp ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng; là kênh thông tin tham khảo quan trọng về tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội và niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; 2) Công tác DLXH phải bám sát “hơi thở” của thực tiễn cuộc sống, xuất phát từ thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, bài học từ thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; 3) Công tác DLXH phải đặc biệt coi trọng yêu cầu về mặt khoa học, nhất là tính chính xác, khách quan, toàn diện.

Để đáp ứng yêu cầu đó, các đầu mối nghiên cứu, nắm bắt DLXH ở các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương cần phải làm tốt hai nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, chủ động nghiên cứu, nắm bắt tâm trạng, tư tưởng và dư luận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân: Kịp thời phát hiện những vấn đề bức xúc trong đời sống, phối hợp giải quyết đúng và có hiệu quả, đáp ứng được lòng tin, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân đồng thời đề xuất những kiến nghị, giải pháp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là việc làm vô cùng quan trọng, cần phải được tiến hành thường xuyên, khách quan, khoa học ở mọi cấp, mọi ngành. Nội dung các cuộc thăm dò dư luận xã hội phải phục vụ quá trình hình thành, hoàn thiện và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng của cấp ủy đảng, chính quyền ngành, địa phương; định kỳ điều tra dư luận xã hội về hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị của địa phương

Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự báo, xử lý kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội: Đề xuất các biện pháp định hướng, hình thành dư luận xã hội tích cực, tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong xã hội, thúc đẩy quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và của ngành, địa phương; tham gia đấu tranh chống thông tin và quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

ĐỊNH HƯỚNG DƯ LUẬN XÃ HỘI - NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG CỦA CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG

Công tác định hướng DLXH ở nước ta hiện nay đang có nhiều thuận lợi căn bản. Sự nghiệp đổi mới đã mang lại nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Những thành tựu đó tạo ra cho người dân điều kiện, cơ hội tham gia ngày càng nhiều hơn vào đời sống chính trị đất nước, tính tích cực chính trị - xã hội của nhân dân ngày càng cao. Nhân dân ngày càng được biết, được bàn bạc công khai những vấn đề liên quan đến nhu cầu, lợi ích của họ.

Hệ thống chính trị của đất nước ngày càng phát triển, hoàn thiện. Các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng phát huy vai trò to lớn trong đời sống xã hội, uy tín của các tổ chức này về cơ bản ngày càng tăng trước nhân dân. Các tổ chức chính trị - xã hội thực sự trở thành một kênh quan trọng để nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, quan điểm của mình.

Dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng được nâng cao. Nhân dân ngày càng được tham gia rộng rãi hơn vào quá trình hình thành các quyết sách có liên quan đến nhu cầu, lợi ích của họ. Trình độ văn hóa nhất là văn hóa chính trị của nhân dân được nâng cao, các ý kiến, quan điểm, sự đánh giá, phán xét của nhân dân ngày càng sâu và chất lượng hơn.

Các phương tiện truyền thông, nhất là các phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng phát triển và đưa thông tin đến hầu hết các đối tượng công chúng kể cả công chúng ở vùng sâu, vùng xa. Thông tin do các phương tiện truyền thông mang đến cho công chúng ngày càng đa dạng, phong phú, cập nhật và mang tính khách quan.

Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác DLXH nói chung và công tác định hướng DLXH nói riêng. Trong nhiều văn bản, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng vai trò của DLXH, coi việc định hướng DLXH là một nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng, nhất là của công tác báo chí - truyền thông.

Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu làm cho cơ cấu xã hội ngày càng đa dạng. Sự phân hóa về giai tầng xã hội, về thu nhập và mức sống ngày càng gia tăng, theo đó sự phân hóa về lợi ích, sự đa dạng về tư tưởng, quan điểm cũng ngày một phát triển hơn. Sự khác biệt trong nhận thức, nhất là trong đánh giá phán xét về các sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội của các giai tầng, các nhóm xã hội, các tổ chức xã hội sẽ có xu hướng gia tăng và phát triển như một xu hướng tất yếu.

Trong điều kiện bùng nổ thông tin, công chúng tiếp xúc với nhiều luồng thông tin đa dạng, đa chiều. Trong số đó có một số luồng thông tin trái chiều, thất thiệt từ các thế lực thù địch nhưng một bộ phận không nhỏ công chúng chưa được “miễn dịch” trước sự tấn công của chúng, chưa đủ bản lĩnh để chiến thắng sự cám dỗ, chưa có nhãn quan sáng suốt để đánh giá sự đúng - sai, thật - giả vốn có trong các luồng thông tin ấy.

Do chưa được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin, tuyên truyền chưa đủ năng lực định hướng thông tin. Đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, định hướng DLXH chưa đủ trình độ nghiên cứu, nắm bắt, phân tích, dự báo xu hướng vận động của DLXH, thiếu khả năng, đặc biệt là khả năng phối hợp với những người làm công tác truyền thông trong việc định hướng DLXH.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả định hướng DLXH trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp như sau:

Một là, đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác định hướng DLXH.

Đảng lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội cho nên Đảng lãnh đạo công tác tư tưởng và công tác định hướng DLXH -một nội dung quan trọng của công tác tư tưởng, công tác lãnh đạo và quản lý xã hội. Định hướng DLXH trước hết và chủ yếu bằng việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời và có định hướng cho DLXH thông qua tất cả các phương tiện truyền thông, phương tiện công tác tư tưởng. Để đảm bảo cho việc đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác định hướng DLXH cần quan tâm đến các vấn đề sau:

Thứ nhất, lãnh đạo, chỉ đạo phải kịp thời.

Để các phương tiện truyền thông, trước hết là báo chí thông tin đầy đủ, chính xác về sự kiện, hiện tượng, các cấp ủy Đảng thông qua các cơ quan chuyên môn, cần sớm đưa ra quan điểm chỉ đạo chính thức để các phương tiện truyền thông có phương hướng thông tin thống nhất, kịp thời. Nếu lãnh đạo, chỉ đạo chậm, quan điểm chính thức, chính thống của cơ quan lãnh đạo thiếu kịp thời thì hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo sẽ hạn chế, theo đó hiệu quả định hướng DLXH cũng bị hạn chế.

Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo phải rõ ràng, chính xác và có tính thống nhất cao để định hướng DLXH theo mục đích đặt ra, thông tin mà các phương tiện truyền thông cung cấp phải rõ ràng, thể hiện công khai, nhất quán quan điểm, chính kiến. Để có thông tin đạt yêu cầu đó, các cơ quan thông tin, tuyên truyền của Đảng rất cần nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, khoa học, chính xác, đặc biệt là phải có tính thống nhất, nhât quán cao từ phía các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm của Đảng. Nếu sự chỉ đạo thiếu thống nhất, diễn ra theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, các cơ quan truyền thông, nhất là truyền thông đại chúng rất khó khăn trong việc đưa tin và trong một số trường hợp buộc phải dừng việc thông tin, tác động định hướng DLXH sẽ giảm, thậm chí không có.

Hai là, tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội.

Việc nghiên cứu, nắm bắt DLXH cần tuân thủ nghiêm ngặt các công đoạn, các khâu, các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu, đảm bảo kết quả nghiên cứu mang tính khách quan, chân thực.

Các cuộc điều tra phục vụ công tác định hướng DLXH cần được tổ chức theo các định hướng chủ yếu sau: 1) Các cuộc điều tra thăm dò dư luận do các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước tiến hành định kỳ nhằm giúp các cơ quan truyền thông nắm bắt DLXH về những vấn đề, sự kiện thời sự, nóng bỏng trong từng giai đoạn. Kết quả nghiên cứu, nắm bắt DLXH theo hướng này giúp các cơ quan truyền thông những căn cứ cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch thông tin - truyền thông. Để chủ đề nghiên cứu phục vụ đắc lực công tác định hướng DLXH của cơ quan truyền thông trước khi tiến hành điều tra, cơ quan chức năng có thể trưng cầu, tham khảo ý kiến của cơ quan truyền thông về nội dung nghiên cứu. 2) Các cuộc điều tra xuất phát từ yêu cầu của cơ quan truyền thông. Theo hướng nghiên cứu này, một cơ quan truyền thông có thể độc lập nghiên cứu hoặc các cơ quan truyền thông liên kết, phối hợp với nhau cùng nghiên cứu hay “đặt hàng” các cơ quan chuyên nghiên cứu DLXH thực hiện.

Ngoài hai hướng nghiên cứu, nắm bắt DLXH nêu trên, tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cần chủ động, kịp thời nắm bắt DLXH về các sự kiện, hiện tượng mang tính thời sự, liên quan đến lợi ích của cơ quan, tổ chức mình và lợi ích của quốc gia - dân tộc. Những thông tin DLXH được nắm bắt qua kênh này là cơ sở rất quan trọng để định hướng DLXH trong nội bộ cơ quan, tổ chức đó và định hướng DLXH trên qui mô toàn xã hội.

Chất lượng nghiên cứu, nắm bắt DLXH là vấn đề rất quan trọng. Nó là căn cứ của việc định hướng DLXH, là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả định hướng DLXH. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng nghiên cứu, nắm bắt DLXH còn nhiều hạn chế do trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác DLXH cũng như công tác tổ chức, quản lý, chỉ đạo hoạt động nghiên cứu DLXH còn nhiều bất cập. Các phương pháp nghiên cứu, nắm bắt DLXH mà bộ phận nghiên cứu DLXH tại Ban Tuyên giáo các địa phương, nhất là ở cấp huyện và cấp cơ sở sử dụng thường là các phương pháp truyền thống. Các phương pháp hiện đại, phương pháp xã hội học như quan sát, phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm tập trung, phương pháp liên tưởng, phương pháp bổ khuyết, phương pháp người thứ ba và phương pháp phân tích nội dung, phương pháp điều tra bằng bảng hỏi… ít được sử dụng. Lý do của tình trạng này có nhiều nhưng chủ yếu là ở kinh phí và năng lực cán bộ. Do kinh phí được cấp không có hoặc rất ít ỏi, sự hiểu biết về phương pháp hiện đại không nhiều, cho nên ở cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, cán bộ làm công tác DLXH, cộng tác viên DLXH thường sử dụng phương pháp truyền thống đề thu thập thông tin. Mặc dù phương pháp này có ưu điểm là nhanh, ít tốn kém nhưng hạn chế là thông tin thiếu tính khách quan và không được định lượng. Để cán bộ làm công tác DLXH sử dụng đa dạng các phương pháp, biết phối hợp nhiều loại phương pháp trong một cuộc nghiên cứu điều tra,cần thiết phải bồi dưỡng các năng lực nghiên cứu, nắm bắt DLXH bằng các phương pháp xã hội học hiện đại.

Ba là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực định hướng DLXH cho cán bộ truyền thông và cán bộ làm công tác DLXH.

Những kiến thức và kỹ năng công tác DLXH nói chung và kỹ năng định hướng DLXH nói riêng cần được đào tạo, bồi dưỡng cho cộng tác viên DLXH và cán bộ truyền thông bao gồm: kiến thức lý luận và nghiệp vụ công tác tư tưởng, kiến thức về tâm lý học xã hội, xã hội học, khoa học chính trị, những hiểu biết cơ bản và chuyên sâu về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, họ cần được đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức lý luận về DLXH, các kỹ năng điều tra, nghiên cứu, nắm bắt DLXH, kỹ năng tổng hợp, phân tích, dự báo DLXH. Biết xây dựng kế hoạch và am hiểu sâu sắc các bước tiến hành một cuộc điều tra DLXH…

Hình thức đào tạo, bồi dưỡng có thể là: đào tạo dài hạn các ngành xã hội học, tâm lý học, chính trị học -công tác tư tưởng, hoặc có thể tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn, bồi dưỡng chuyên đề, bồi dưỡng nâng cao…

Để các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, đáp ứng nhu cầu công tác cần tổ chức các cuộc thăm dò về nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu, rút kinh nghiệm về nghiệp vụ của các cộng tác viên DLXH là một hình thức bồi dưỡng vì qua đây các cộng tác viên có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác của mình. Đồng thời cũng là một kênh để phát hiện, nắm bắt nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng các cộng tác viên DLXH hiện nay.

Bốn là, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ các phương tiện truyền thông trong định hướng DLXH, phát huy vai trò tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra của ban Tuyên giáo các cấp trong phối hợp các lực lượng, các phương tiện định hướng DLXH.

Tham gia định hướng DLXH là tất cả các lực lượng, phương tiện truyền thông bao gồm các phương tiện truyền thông trực tiếp (truyền thông cá nhân, truyền thông nhóm) và truyền thông gián tiếp (truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng). Trong các phương tiện truyền thông trên đây, vai trò to lớn thuộc về các phương tiện truyền thông đại chúng, tuyên truyền miệng và hoạt động của báo cáo viên cũng như vai trò của các thủ lĩnh dư luận (những người lãnh đạo, quản lý, những người có uy tín trong cộng đồng).

Do có nhiều cá nhân, nhiều tổ chức, nhiều lực lượng, nhiều phương tiện cùng tham gia định hướng DLXH nên việc phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thông suốt là một nguyên tắc bắt buộc và là giải pháp rất quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả định hướng DLXH. Trong quá trình phối hợp, mỗi phương tiện căn cứ tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ của mình phải kịp thời đưa những thông tin khách quan, chân thực đến công chúng. Tránh việc đưa các thông tin sai phạm về chính trị - tư tưởng, thiếu khách quan hoặc những thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang trong dư luận.

Đối với các sự kiện, vấn đề nhạy cảm, DLXH lan tỏa nhanh, tác động mạnh mẽ, sâu sắc trong đời sống xã hội, nếu thiếu sự phối hợp, thống nhất, chia sẻ quan điểm vì lợi ích chung sẽ dẫn đến hỗn loạn, mất định hướng, công chúng hoang mang vì không biết tin vào ai, chủ thể, phương tiện truyền thông nào.

Ban Tuyên giáo các cấp có vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho cấp ủy cùng cấp chỉ đạo, kiểm tra công tác định hướng DLXH. Trong việc phối hợp các kênh truyền thông để định hướng DLXH, Ban Tuyên giáo các cấp cần phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy chủ động xây dựng chủ trương định hướng DLXH về những sự kiện, hiện tượng phức tạp, nhạy cảm; thể hiện rõ vai trò của mình trong hoạt động chỉ đạo sự phối hợp này.


Gặp mặt cộng tác viên dư luận xã hội cấp Trung ương tháng 3/2021. (Ảnh: TT)

Năm là, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, hạn chế nhận thức sai lệch và loại bỏ các tin đồn nhảm, kích động, chia rẽ.

Trong công tác định hướng dư luận xã hội, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên Internet và mạng xã hội, cần phải nghiên cứu các lý thuyết tâm lý học, xã hội học có ảnh hưởng đến việc hình thành dư luận xã hội. Bám sát những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; chủ động xây dựng các đề tài, kịch bản cung cấp thông tin định hướng dư luận xã hội. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các lý thuyết truyền thông; sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để cung cấp thông tin định hướng dư luận xã hội. Trong đó, cung cấp các kiến thức giúp cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân phân biệt được đâu là nguồn thông tin thật, đâu là nguồn thông tin giả mạo để có thể “tự miễn dịch” với các quan điểm sai trái, thù địch là điều vô cùng cần thiết. Cần sớm xây dựng một bộ tiêu chí giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân xác định đâu là nội dung đáng tin cậy. Các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí sẽ như một liều vắc-xin “tiêm chủng” giúp cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân có khả năng nhận biết thông tin sai trái thù địch, thay vì chúng ta chỉ tập trung cho các bài phản bác các thông tin sai trái, thù địch đó.

Đồng thời cần minh bạch hóa các nguồn thông tin, phân biệt rõ DLXH và tin đồn, loại bỏ tin đồn thất thiệt, các luận điệu kích động, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ủng hộ các luồng DLXH đúng đắn, tích cực.

Trong các ý kiến, quan điểm của DLXH có nhiều ý kiến, quan điểm đúng đắn, khách quan nhưng cũng có nhiều luồng ý kiến, quan điểm sai lầm, chủ quan, thiên lệch mà những ý kiến, quan điểm này có nguyên nhân từ việc thiếu thông tin hoặc có thông tin nhưng bị bóp méo, bị biến dạng bởi lợi ích cá nhân cực đoan hoặc “lợi ích nhóm” cục bộ. Trong điều kiện ấy cần cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan và quan trọng hơn là phải phân tích rõ các mối quan hệ về lợi ích để trên cơ sở đó hạn chế, chấn chỉnh các nhận thức sai lệch, tạo môi trường cho DLXH đúng đắn, lành mạnh phát triển và phát huy tác dụng trong đời sống xã hội./.

TS. Đỗ Thị Thanh Hà
Ban Tuyên giáo Trung ương
_______________
[1]Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36712798