Truy cập hiện tại

Đang có 221 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Sự phát triển của phong trào đờn ca tài tử ở huyện Thoại Sơn

Từ phong trào đờn ca tài tử…

Đờn ca tài tử là một thú vui tao nhã, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ nói chung và ở Thoại Sơn nói riêng.


Như một lẽ tự nhiên, loại hình đờn ca tài tử đã xuất hiện từ lâu đời ở vùng đất Thoại Sơn và luôn được duy trì, phát triển cùng với những phong tục, tập quán của người dân nơi đây.

Trên địa bàn các xã, thị trấn đều hình thành những nhóm đờn ca tài tử theo đúng nghĩa của nó. Đó là những người yêu thích loại hình nghệ thuật này, muốn nối nghiệp những người đi trước, còn giữ được hay mua sắm đờn kìm, đờn sến, đờn cò (đờn nhị), đờn ghi ta Việt Nam (phím lõm), rồi học đờn, học ca từ sách vở, từ bạn bè hoặc theo kiểu “cha truyền con nối”. Cứ thế, mỗi khi có đám tiệc hoặc những lúc rảnh rang cần người “đối ẩm”, tiếng đờn, giọng ca lại vang lên réo rắt, nỉ non mà thấm sâu vào lòng người. Mặc dù thời hiện đại, những ban “nhạc sống” có vẻ lấn át trong các tiệc vui, nhưng đờn ca tài tử vẫn có một không gian tồn tại riêng của nó.

 

Thoại Sơn, các Câu lạc bộ được hình thành từ các nhóm đờn ca tài tử. Địa điểm tổ chức được đặt tại nhà của những người có tâm huyết, thường mỗi tháng sinh hoạt 1 lần. Từ đó, các Câu lạc bộ ngày càng thu hút được nhiều thành viên, từ 5 – 7 người đến 20 – 30 người tham gia sinh hoạt thường xuyên. Các thành viên có thâm điều kiện để trao đổi nâng cao tay nghề. Chính vì vậy năm 2011, 2013, Thoại Sơn tham gia Hội thi giải đờn ca tài tử tỉnh An Giang đều đạt thứ hạng cao.
Trong phong trào đờn ca tài tử ở các địa phương còn xuất hiện những người đam mê sáng tác. Ở xã Vĩnh Trạch có ông Trần Văn Hùng (thường gọi là Mù Lem, vì ông bị mù cả 2 mắt từ nhỏ) đã sáng tác 1 tập bài ca cổ để phục vụ cho những buổi giao lưu của Câu lạc bộ. Có những tác giả đã thành công và trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật huyện như ông Huỳnh Văn Hay ở xã Vọng Đông; hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang như: Trương Kỉnh Nhơn, Quang Chính, Lê Quang…
… đến Câu lạc bộ Hoa Phượng.


Để đáp ứng nhu cầu của những người yêu thích đờn ca tài tử và tạo ra một sân chơi lành mạnh, được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân huyện, sau thời gian chuẩn bị, Câu lạc bộ Hoa Phượng ra đời đã tập hợp được trên 30 thành viên là những “cây gạo cội” của các nhóm đờn ca tài tử trên địa bàn huyện. Với sự chủ trì của Hội Văn học Nghệ thuật kết hợp với Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Thoại Sơn, ngày 22-10-2011, Câu lạc bộ ra mắt nhân lễ giỗ Hoa Phượng, một soạn giả tài hoa xuất thân từ vùng quê Núi Sập. Sau phần nghi thức của lễ giỗ, một chương trình gồm những bài ca cổ và trích đoạn tuồng cải lương được ra mắt khán giả, đặc biệt là có những bài ca, trích đoạn tuồng cải lương của soạn giả Hoa Phượng.


Đầu năm 2013, Hội thi giọng ca cải lương trên sóng phát thanh do Đài phát thanh huyện Thoại Sơn tổ chức có khoảng 70 tiết mục được tuyển chọn từ những giọng ca nổi bật của các thành viên Câu lạc bộ Hoa Phượng. Ban Giám khảo (có nghệ sĩ ưu tú Phượng Loan, nghệ sĩ Lê Tứ và Thiện Vũ) đã chấm chọn từ 11 tiết mục vòng chung kết để trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 5 giải khuyến khích. Qua Hội thi, Ban Giám khảo cho rằng, mặc dù xuất phát từ phong trào đờn ca tài tử, nhưng đã xuất hiện những giọng ca khá “chuyên nghiệp”. Những giọng ca này nếu được bồi dưỡng thêm sẽ có khả năng đạt giải ở những hội thi có tầm cỡ hơn.
Mùng một tết Giáp Ngọ 2014 vừa qua, phối hợp với Ban quản lý du lịch huyện, Câu lạc bộ Hoa Phượng đã xây dựng một chương trình ca cổ mừng Đảng mừng Xuân với 13 tiết mục ca cổ và trích đoạn tuồng cải lương phục vụ cho hơn 100 người đến xem tại khu vực hồ Ông Thoại, góp phần làm phong phú thêm cho các hoạt động vui chơi giải trí trên địa bàn huyện.


Từ khi Câu lạc bộ Hoa Phượng ra đời, những sân chơi của đờn ca tài tử cũng trở nên sôi động hơn. Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ đờn ca tài tử ở 17 xã, thị trấn được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Câu lạc bộ của hầu hết các xã thường xuyên tổ chức giao lưu, biểu diễn vào những ngày cuối tuần và mở rộng giao lưu với các xã bạn trong các kỳ lễ hội. Đồng thời, phong cách của đờn ca tài tử và ca cổ, cải lương cũng có sự hòa trộn vào nhau.


Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cũng kết hợp chặt chẽ với Câu lạc bộ đờn ca tài tử ở các xã, thị trấn để lồng ghép vào các chương trình tuyên truyền về công tác này, đã tạo được sự hấp dẫn và mang lại hiệu quả cao. Những năm gần đây, Trung tâm thường xuyên tổ chức tuyên truyền trong các dịp kỷ niệm Ngày dân số thế giới (1/7), Ngày dân số Việt Nam (26/12) tại Nhà Văn hóa ở một số xã, thị trấn, hoặc tổ chức sinh hoạt nhóm, các tụ điểm hát với nhau. Đặc biệt, hình thức sinh hoạt này còn được đưa vào các đối tượng khó tiếp cận như công nhân của Công ty xuất nhập khẩu thủy sản An Mỹ.


Ngoài ra, Câu lạc bộ Hoa Phượng còn tham gia chương trình văn nghệ vào dịp lễ Kỳ yên của các đình hoặc phục vụ cho các đám cưới theo nhu cầu. Những hoạt động này vừa nhằm nuôi dưỡng phong trào, vừa có kinh phí cho Câu lạc bộ hoạt động.


Như vậy, việc hình thành các Câu lạc bộ của những người yêu thích đờn ca tài tử chính là nhu cầu tự thân về mặt văn hóa tinh thần của người dân địa phương. Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đến nay phong trào này ở Thoại Sơn đã được mở rộng về quy mô, tổ chức và chất lượng cũng nâng cao, có định hướng hoạt động hàng năm nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đồng thời cũng nhằm duy trì và phát triển một loại hình nghệ thuật đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
                                                                                       

Nguyễn Quốc Khánh

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36723608