Truy cập hiện tại

Đang có 98 khách và không thành viên đang online

Nâng cao “sức đề kháng” cho thanh thiếu niên trước thông tin xấu, độc trên không gian mạng

(TUAG)- Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã và đang xâm nhập sâu rộng vào mọi mặt của đời sống xã hội, mọi người trên toàn cầu cũng được “xích lại gần nhau” hơn, hàng triệu cuộc gặp gỡ, giao lưu mỗi ngày, thông tin được trao đổi, chia sẻ hàng tỷ bytes mỗi phút trên môi trường mạng… các thế lực thù địch, phản động, cơ hội và cả một bộ phận người dân kém hiểu biết cũng lợi dụng tiện ích này để đăng tải những thông tin giả, tin xấu độc nhằm làm xáo trộn, phức tạp hóa các vấn đề hay xuyên tạc, bóp méo sự thật. Những thông tin giả, tin xấu độc ấy giống như vi-rút có tốc độ lây lan rất nhanh và tác động tiêu cực không nhỏ đến xã hội, cuộc sống của nhiều người. Trong đó, thanh thiếu niên là đối tượng sử dụng Internet, mạng xã hội nhiều nhất (theo UNICEF có 71% người từ 15-24 tuổi đang trực tuyến) và cũng là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nếu không được định hướng đúng đắn.

Theo báo cáo Việt Nam Digital 2021 do We Are Social và Hootsuite thống kê, Việt Nam có khoảng 68,17/97,8 triệu người dân đang sử dụng Internet, với thời lượng trung bình là 6 giờ 47 phút, người dùng Internet Việt Nam đang dành rất nhiều thời gian để xem TV Streaming và dùng các nền tảng mạng xã hội. Các mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất là Youtube (92%), Facebook (91,7%), Zalo (76,5%), Instagram (53,5%), Tiktok (47,6%)… Chỉ tính riêng số liệu thống kê của Facebook, cho thấy ở Việt Nam có hơn 73 triệu tài khoản truy cập hàng ngày vào mạng xã hội này thông qua thiết bị di động, đa số là thanh thiếu niên.

Việc phân tích những số liệu trên để thấy rằng, thanh thiếu niên Việt Nam là lực lượng đông đảo, có khả năng tiếp cận nhanh và làm chủ thành tựu khoa học công nghệ mới, có nhiều cơ hội tham gia vào thế giới thông tin, tiếp cận với nhiều hệ tư tưởng và giá trị sống khác nhau thông qua môi trường mạng. Nếu biết khai thác, sử dụng hợp lý thì nó mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống xã hội cho thanh thiếu niên, ngược lại nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt. Đặc điểm nổi trội của các trang mạng xã hội là thông tin nhanh, nhiều, nhưng bị trộn lẫn giữa những thông tin tốt với thông tin xấu, nếu không có khả năng chọn lọc và xử lý thông tin dẫn đến nhiễu loạn, nhận thức sai trái; bị lừa gạt, bị bắt nạt trên mạng; có khi bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào lối sống trụy lạc, vô văn hóa, kích động bạo lực, gây mất an ninh trật tự, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo… Năm 2021, lực lượng công an tiếp tục phát hiện các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chúng tạo lập, điều hành 40 trang mạng, hơn 1.000 tài khoản, fanpage, nhóm Facebook và 70 kênh Youtube đăng tải hơn 2,3 triệu tin, bài viết gốc, qua đó đã thu hút hơn 90 triệu lượt tương tác.

Thời gian tới, Internet và mạng xã hội chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển, tác động mạnh mẽ lên xã hội về mọi mặt. Trong đó, không loại trừ những hành vi bóp méo sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Yêu cầu đặt ra hiện nay, bên cạnh việc tạo dựng hành lang pháp lý; các biện pháp bằng khoa học - kỹ thuật trong quản lý; chúng ta cần có giải pháp căn cơ, lâu dài để tạo “sức đề kháng” cho thanh thiếu niên chủ động sàng lọc, nhận diện được các thông tin xấu, độc, tiếp nhận thông tin tích cực trên không gian mạng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã xây dựng Đề án “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030”. Dự thảo đề án đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng, trong đó: kiểm soát, xử lý, ngăn chặn thông tin xấu độc, bịa đặt, xuyên tạc trên không gian mạng ảnh hưởng tiêu cực đến thanh thiếu nhi; triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên không gian mạng; xây dựng các sản phẩm truyền thông hiện đại phục vụ công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng. Đề án đang được lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ ban hành.

Bên cạnh đó, mỗi gia đình, nhà trường, cơ quan, đơn vị, địa phương cần làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng cho thanh thiếu niên nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng và những bất cập khi sử dụng Internet, mạng xã hội; định hướng giá trị nhân cách và lối sống tốt đẹp của con người, nâng cao “sức đề kháng” trước tác động tiêu cực. Quan trọng hơn hết, gia đình cần dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ con cái, định hướng con cái sử dụng điện thoại, mạng xã hội đúng mục đích, phù hợp góp phần xây dựng không gian mạng lành mạnh, an toàn và hữu ích.

Thiết nghĩ, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi nói chung và trên không gian mạng nói riêng là nhiệm vụ của toàn Đảng, của các cấp, các ngành, đoàn thể, xã hội và gia đình trong đó Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có vai trò đặc biệt quan trọng. Bản thân mỗi thanh thiếu niên cần phải luôn tự trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, cầu tiến; “dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn”; ra sức đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, lối sống thực dụng, ích kỷ, có như thế thanh thiếu niên mới đủ “sức đề kháng” để miễn nhiễm với những tác động tiêu cực từ Internet, mạng xã hội, mới đủ sức kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc./.

Sự thật
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40461714