Truy cập hiện tại

Đang có 34 khách và không thành viên đang online

An Giang qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị

(TUAG)- Những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đẩy mạnh xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với những âm mưu ngày càng thâm độc, những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do đó, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (Nghị quyết 35). Qua 3 năm triển khai thực hiện, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc, thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc của các ngành, các cấp, địa phương trong toàn tỉnh, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.


Những kết quả nổi bật


Ngay sau khi Nghị quyết 35 ban hành, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp; chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết; tổ chức triển khai, quán triệt trong toàn Đảng bộ. Thành lập Ban Chỉ đạo các cấp trong tỉnh; ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; hình thành các lực lượng. Tổ chức nhiều lớp tập huấn trên địa bàn nhằm nâng cao kỹ năng nhận diện, nắm bắt và triển khai các hoạt động đấu tranh phản bác trên không gian mạng.

Lĩnh vực giáo dục lý luận chính trị được quan tâm chú trọng, chất lượng công tác nghiên cứu, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng ngày một nâng cao; hoạt động giảng dạy, cập nhật kiến thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh… cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên được đổi mới, nâng chất.

Xác định văn học nghệ thuật giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng văn hóa, con người, tôn vinh giá trị đạo đức xã hội… tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp văn nghệ sỹ phát huy tối đa sức sáng tạo. Trân trọng những đóng góp quan trọng của văn nghệ sỹ cho quê hương, đất nước, lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp mặt văn nghệ sỹ tiêu biểu, thăm hỏi, biểu dương; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất kiến nghị của văn nghệ sỹ cho sự phát triển của tỉnh.

Phát huy tốt vai trò xung kích của báo chí. Với phương châm: “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” báo chí trong tỉnh đã xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục như:  “Thi đua yêu nước"; “Ống kính phóng viên”, “Gương sáng quanh ta”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt, những giá trị nhân văn trong xã hội. Giới thiệu những mô hình hay, cách làm hiệu quả cho các cơ quan báo chí của Trung ương, góp phần lan tỏa sâu rộng hình ảnh quê hương, con người An Giang trên phạm vi cả nước.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh, phản bác, các lực lượng tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo 35 cấp tỉnh đã viết, chia sẻ, lan toả trên báo chí, trên không gian mạng, thông qua các trang Facebook: “An Giang ngày mới”; “Dân An Giang”; “Dòng An Giang”, “Quê hương An Giang” (hơn 11 ngàn thành viên) hàng trăm ngàn thông tin tích cực, chính thống; hàng trăm bài viết, phóng sự phát thanh, truyền hình, đấu tranh, phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch. Phát hành Sổ tay “Chống diễn biến hòa bình”; “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”  với số lượng 13.500 quyển tới các chi, đảng bộ cơ sở, làm tài liệu giúp cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng các vấn đề thời sự, thời cuộc.

Công tác dư luận xã hội tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Tỉnh ủy ban hành Đề án 07-ĐA/TU ngày 12/8/2020 về "Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2020 - 2025". Công tác quản lý thông tin trên Internet, mạng xã hội từng bước được tăng cường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý các hành vi lan truyền thông tin xấu độc  trên không gian mạng,v.v..

Mặc dù còn một số mặt hạn chế nhất định như: Công tác quản lý thông tin trên Internet, mạng xã hội đôi lúc chưa theo kịp diễn biến tình hình; chất lượng tin bài đấu tranh, phản bác chưa đồng đều, tính chiến đấu, sức thuyết phục chưa cao... Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, thành quả sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 35 trên địa bàn tỉnh là rất tích cực. Nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được nâng lên rõ nét. Các ngành, các cấp bước đầu đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong tham mưu cấp uỷ triển khai thực hiện Nghị quyết 35 với nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo.

Một số kinh nghiệm

Thứ nhất, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp; sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; sự tham gia của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện Nghị quyết.

Thứ hai, chú trọng việc đổi mới nội dung, hình thức hoạt động. Trong “xây” phát huy tốt phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Trong “chống” chủ động phối hợp quản lý tốt thông tin, nhất là trên Internet, mạng xã hội.

Thứ ba, quá trình thực hiện phải gắn chặt với tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị; chăm lo tốt đời sống Nhân dân, phát hiện và giải quyết sớm, triệt để các vấn đề nóng phát sinh, vấn đề bức xúc trong cộng đồng.

Thứ tư, trong đấu tranh, cần chủ động phối hợp quản lý tốt thông tin, nhất là trên Internet, mạng xã hội nhằm nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình, dự báo trước tình huống có thể xảy ra để có giải pháp xử lý một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Giải pháp thời gian tới

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 35 trên địa bàn, các cấp, các ngành tiếp tục bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm đã được đề cập trong Kế hoạch số 90-KH/TU, ngày 27/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để cụ thể hóa trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Trong đó cần đặc biệt quan tâm một số vấn đề sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức trong nội bộ và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới.

- Triển khai toàn diện các mặt công tác. Chú trọng lan tỏa gương người tốt việc tốt, thông tin tích cực, theo phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, định hướng, cung cấp thông tin kịp thời, nhất là những vấn đề nóng, phức tạp, nhạy cảm. Chủ động nắm tình hình, phát hiện, dự báo sớm hoạt động chống phá của các đối tượng; xây dựng phương án, huy động lực lượng đấu tranh phù hợp.

- Thường xuyên củng cố, kiện toàn các lực lượng, tổ chức tập huấn, giao ban, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng cho đội ngũ làm công tác này từ tỉnh đến cơ sở./.

NGUYỄN MẠNH HÀ
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40557105