Truy cập hiện tại

Đang có 85 khách và không thành viên đang online

Công tác tổ chức

Một năm triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

(TGAG)- Thực hiện các nghị quyết, quan điểm, chủ trương của Trung ương Đảng, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động thành lập Ban soạn thảo và xúc tiến việc nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh” trên tinh thần chặt chẽ từng bước, đảm bảo tính khoa học, khả thi, lấy chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy và yêu cầu thực tế của địa phương để làm mục tiêu mà Đề án cần hướng tới.

Ngay khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoàn chỉnh Đề án “Một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên địa bàn tỉnh” (có điều chỉnh tên gọi so với dự thảo ban đầu) để đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở những địa phương, đơn vị có điều kiện theo tinh thần Nghị quyết. Qua 01 năm triển khai thực hiện, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố, kiện toàn một cách có hiệu quả, cụ thể:

(1) Mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khóm, ấp đã triển khai thực hiện thành công ở 888/888 khóm, ấp trên địa bàn tỉnh (đạt 100%).

(2) Mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã thực hiện 84/156 xã, phường, thị trấn. Trong đó, huyện Châu Phú và thành phố Long Xuyên là 02 đơn vị đi đầu về thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã với 100% xã, phường, thị trấn; cùng với đó là triển khai sắp xếp kiêm nhiệm một số chức danh ở cấp xã.

(3) Mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đã triển khai thực hiện ở 02/11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh (Long Xuyên và Châu Phú; đồng thời với việc hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp), chuẩn bị thực hiện thêm 01 đơn vị là huyện Tri Tôn.

(4) Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua các đề án và ban hành quyết định để triển khai thực hiện từ ngày 01/01/2019:

- Hợp nhất 2 Đảng bộ Khối Dân Chính Đảng và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh.

- Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh. Theo đó, giữ nguyên cơ cấu Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh và Hội đồng chuyên môn hiện có; chuyển trang thiết bị và nhân sự của Phòng Khám và quản lý sức khỏe cán bộ tỉnh về Bệnh viện Đa Khoa trung tâm An Giang (đơn vị tự chủ chi thường xuyên) để tổ chức lại thành Khoa Nội A.

 (5) Về nhất thể hóa chức danh, hợp nhất các cơ quan của Đảng với Mặt trận Tổ quốc và cơ quan Đảng với Nhà nước có chức năng tương đồng:

- Đối với cấp tỉnh: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ, phụ trách Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

- Đối với cấp huyện:

+ Mô hình Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thực hiện ở 08/11 huyện, thị, thành phố;

+ Mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc có 05/11 đơn vị thực hiện (tăng 3 đơn vị);

+ Mô hình Trưởng ban Tổ chức huyện ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ đã thực hiện ở 02/11 đơn vị;

+ Mô hình Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra huyện ủy đồng thời là Chánh Thanh tra đã thực hiện ở 01/11 đơn vị.

Ngày 22/12/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương thực hiện các mô hình nhất thể hóa chức danh nêu trên ở 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Riêng việc hợp nhất tổ chức thì tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh đề án để khi có hướng dẫn của Trung ương thì triển khai thực hiện ngay.

(6) Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ nghiên cứu, lên phương án sắp xếp 100 ban chỉ đạo do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, dự kiến duy trì ổn định 36, giải thể 20, sáp nhập 44 ban thành 15 ban (tổng cộng giảm 49 ban). Trên tinh thần đó, các huyện sẽ tiến hành sắp xếp lại các ban chỉ đạo do cấp mình thành lập.

Sau 01 năm triển khai, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự quan tâm thực hiện nghiêm túc của các ngành, các địa phương, tỉnh An Giang đã đạt được kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, thể hiện được tinh thần chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện thận trọng, từng bước vững chắc, không cầu toàn, nóng vội. Dần dần sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng giảm đầu mối, cấp trung gian, giảm số lượng cấp trưởng và cấp phó.

Ở những địa phương thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp đã tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, giảm được khâu trung gian và phát huy tính hiệu quả, kịp thời trong giải quyết công việc ở cơ sở. Việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương kịp thời hơn trước đây nhờ khắc phục được tình trạng trông chờ, ỷ lại; giảm tình trạng báo cáo, xin ý kiến qua trung gian; khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, thiếu thống nhất, thậm chí thiếu đoàn kết giữa bí thư cấp ủy và chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Việc sắp xếp, kiêm nhiệm các chức danh, hợp nhất, sáp nhập tổ chức có nhiệm vụ tương đồng đã giúp giảm biên chế một cách hợp lý, sử dụng biên chế có hiệu quả, làm cho bộ máy tinh gọn, tập trung đầu mối giải quyết công việc nhanh và hiệu quả hơn.

Từ một số kết quả bước đầu cho thấy, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, đã đạt sự thống nhất và đồng tình của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Năm 2019, Tỉnh ủy tiếp tục triển khai thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 156/156 đơn vị cấp xã thực hiện mô hình này. Tiếp tục thực hiện hợp nhất chức danh bí thư cấp ủy với chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ở nơi có điều kiện. Theo đó, hợp nhất văn phòng cấp uỷ với văn phòng hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân cấp huyện thành văn phòng cấp uỷ, hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân ở những địa phương thực hiện chủ trương thí điểm bí thư đồng thời chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện. Tiếp tục triển khai mô hình Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Trưởng ban Tổ chức đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra đồng thời là Chánh Thanh tra cấp huyện. Tỉnh triển khai thành lập văn phòng chung của cấp uỷ trên cơ sở giải thể văn phòng thuộc các ban đảng tỉnh để sáp nhập về Văn phòng Tỉnh uỷ.

Tóm lại, việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhưng có tác động rất lớn đến cả hệ thống chính trị, liên quan tới con người và nhiều vấn đề của đời sống xã hội. Do đó, quan điểm của Tỉnh ủy là quyết tâm thực hiện trên cơ sở thận trọng, khách quan, khoa học; làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong nội bộ và xã hội; giải quyết chính sách cho cán bộ dôi dư khi tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là ở cấp cơ sở… nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, khắc phục những “nút thắt” trong lãnh đạo, quản lý, củng cố lòng tin và sự đồng thuận của nhân dân đối với cấp ủy và chính quyền, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tỉnh./.

Thái Hữu Phép
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40318142