Truy cập hiện tại

Đang có 48 khách và không thành viên đang online

Công tác kiểm tra

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm tra, giám sát trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”

(TGAG)- Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đã nêu rõ tư tưởng về kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng, vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, khi mà toàn Đảng, toàn dân đang đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.

Sau 2 năm nước nhà giành độc lập (tháng 10-1947), dù còn muôn vàn khó khăn gian khổ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ tới việc “chỉnh đốn Đảng”. Ngay chương đầu  tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có đề mục “Phải sửa đổi lề lối làm việc của Đảng”. Người viết: “Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang. Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa… Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”.

Ngoài việc tự phê bình và phê bình, khắc phục sửa chữa những khuyết điểm của các bộ, đảng viên, trong đề mục “Lãnh đạo và kiểm soát”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”.

Như vậy, tư tưởng về kiểm tra, giám sát đối với đảng viên, tổ chức đảng và nhất là trong việc kiểm tra thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã được Người chỉ rõ. Đó là, chỉ thị, nghị quyết đó có được thi hành không? thi hành có đúng không? Đây chính là nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng trong việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước khi được triển khai đến các địa phương và các tổ chức quần chúng.

Đối với đảng viên, Người viết “kiểm soát” để biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, “kiểm tra khéo” nhất định khuyết điểm bớt đi. Mặc dùng trong tác phẩm này Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dùng nhiều từ “kiểm soát”, song đó chính là công tác kiểm tra, giám sát đối với đảng viên, tổ chức đảng, để từ đó thấy được những khuyết điểm, hạn chế để sửa chữa và thấy được những ưu điểm để phát huy sau các cuộc kiểm tra.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng tới phẩm chất đạo đức và năng lực, trình độ của người cán bộ kiểm tra; phương pháp trong công tác kiểm tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Muốn kiểm soát có kết quả tốt phải có hai điều: Một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là người rất có uy tín”. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhấn mạnh và coi trọng phẩm chất đạo đức của cán bộ kiểm tra. “Kiểm soát phải có hệ thống”, rõ ràng khi làm công tác kiểm tra phải phải xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, có nội dung rõ ràng, cụ thể; đồng thời thực hiện đúng quy trình, các bước trong kiểm tra, giám sát. Hơn nữa, Người nhắc nhở “phải thường làm”, như vậy, công tác kiểm tra, giám sát phải được thực hiện thường xuyên. Đối với “người đi kiểm soát phải là người rất có uy tín”. Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhấn mạnh về phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ của cán bộ kiểm tra. Người cán bộ kiểm tra phải có phẩm chất đạo đức trong sáng “người rất có uy tín”, đó không chỉ là sự trung thực, công tâm, khách quan mà phải có năng lực, trình độ, có bản lĩnh chính trị vững vàng của người cán bộ kiểm tra. Như vậy, việc kiểm tra mới hiệu quả.

Tư tưởng của Người về phương pháp kiểm tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Kiểm soát bằng cách nào?

Cố nhiên, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà chờ người ta báo cáo, mà phải đi tận nơi, xem tận chỗ… Có kiểm soát như thế mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”.

Đây chính là phương pháp trong kiểm tra, giám sát, phải đi cơ sở nắm thông tin, tình hình; thẩm tra, xác minh, phân tích, đánh giá để kết luận vụ việc khách quan, chính xác. Chủ thể kiểm tra phải sử dụng các phương pháp cả kiểm tra trực tiếp và kiểm tra gián tiếp, nó vừa đảm bảo tính tập trung và đảm bảo tính dân chủ, để đưa ra những quyết định và các biện pháp xử lý đúng tính chất vụ việc. Có kiểm tra thì mới biết chỉ thị, nghị quyết của Đảng được thực thi đến đâu, có những ưu, khuyết điểm gì để sửa chữa, nếu có vướng mắc thì phải vướng mắc ở đâu, tại sao? Có vậy, thì chỉ thị, nghị quyết của Đảng mới có hiệu quả khi đi vào các tổ chức quần chúng.
 
Qua kiểm tra, phải đánh giá rõ điểm mạnh, điểm yếu, từ đó khích lệ đảng viên, tổ chức đảng phát huy những ưu điểm và khắc phục những khuyết điểm sau kiểm tra. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Mọi người phải nhớ rằng: cộng nhiều khuyết điểm nhỏ thành một khuyết điểm to, sẽ rất có hại. Cộng nhiều ưu điểm nhỏ thành một ưu điểm lớn, rất có lợi cho Đảng”. Qua đây, càng thấy rõ tư tưởng của Người nhắc nhở phải thường xuyên kiểm tra, không để từ những khuyết điểm nhỏ trở thành khuyết điểm lớn, từ vi phạm cá nhân thành vi phạm của tập thể. Khi kiểm tra phải xuống tận nơi, tận chỗ, nắm bắt nhiều nguồn tin để xem những khuyết điểm ấy bắt nguồn từ đâu, do đâu mà có những khuyết điểm đó, có như vậy mới biết rõ nguyên nhân để sửa chữa; cũng như người thầy thuốc phải bắt đúng bệnh mới bốc thuốc được.

Qua tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, nhất là trong công tác chỉnh đốn Đảng, ngoài việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn coi trọng tới công tác “kiểm soát”, mà Người thường dùng “kiểm soát khéo”. Nhiệm vụ này, chính là công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Bởi kiểm tra, giám sát, đó là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của các tổ chức đảng, nó có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Kiểm tra là công cụ hữu hiệu để thấy rõ những ưu, khuyết điểm ở mỗi tổ chức đảng và mỗi đảng viên, để từ đó đưa ra những biện pháp khắc phục, sửa chữa kịp thời; đồng thời phát huy những ưu điểm, thế mạnh của các tổ chức đảng và đảng viên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Hơn nữa, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chú trọng tới phẩm chất đạo đức cách mạnh của “đội ngũ lãnh đạo chủ chốt”. Người nhấn mạnh: “Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt phải thực sự có đức, có tài, đại diện cho sức mạnh trí tuệ, đạo đức của Đảng”. Việc giáo dục, nâng cao tư cách, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên như là công việc gốc của Đảng. Bởi theo Người “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. “Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình”, để từ đó nhìn nhận rõ khuyết điểm để sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa.

Đặc biệt, khi Người nhận thấy một số cán bộ, đảng viên suy thoái có biểu hiện là “quan cách mạng”, Người chỉ rõ: “Đảng không phải là tổ chức làm quan phát tài. Có những cán bộ ham danh vọng và địa vị. Chúng ta phải kiên quyết chữa ngay bệnh ấy, mỗi một đảng viên, mỗi một bộ phận, mỗi một lời nói, việc làm, tuyệt đối phải nhằm vào lợi ích của toàn cuộc, lợi ích của toàn Đảng”.

Tư tưởng chủ đạo và xuyên suốt tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến trách nhiệm và tư cách của cán bộ, đảng viên; luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết và mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức phấn đấu tu dưỡng rèn luyện, học tập để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tư tưởng và những lời dăn dạy của Người đến nay vẫn mang tính thời sự, cấp thiết, có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và công tác kiểm tra, giám sát nói riêng, khi mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, về đấu tranh “ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ”./.

T.N
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39934116