Truy cập hiện tại

Đang có 78 khách và không thành viên đang online

Công tác dân vận - mặt trận - đoàn thể

Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

(TGAG)- Phong trào “Dân vận khéo” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng và tầng lớp nhân dân. BĐBP tỉnh thường xuyên đổi mới nội dung và biện pháp công tác phù hợp với thực tiễn tình hình địa bàn. Chính vì vậy, tình hình chính trị luôn ổn định, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng biên đã có nhiều khởi sắc, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

“Dân vận khéo” với phương châm “Hướng về cơ sở”

Khu vực biên giới tỉnh An Giang bao gồm 18 xã, phường, thị trấn thuộc 05 huyện, thị xã, thành phố biên giới, có 02 cửa khẩu quốc tế, 02 cửa khẩu quốc gia. Tổng dân số khu vực biên giới 50.500 hộ/214.281 nhân khẩu (chiếm 9,7% dân số toàn tỉnh), có 04 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer cùng sinh sống; là địa bàn đa tôn giáo, với trên 81% dân số là tín đồ theo các tôn giáo.


Quân y BĐBP tỉnh An Giang tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn xã Nhơn Hội.

Trong năm 2019, tình hình chủ quyền lãnh thổ được giữ vững, an ninh biên giới ổn định; phối hợp tốt với các lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia đối diện duy trì thực hiện nghiêm Hiệp định, Quy chế biên giới, giải quyết các vụ việc xảy ra có liên quan đến hai bên biên giới. Tình hình kinh tế xã hội trên khu vực biên giới tiếp tục phát triển, được đầu tư phát triển về mọi mặt. Đa số Nhân dân khu vực biên giới an tâm sản xuất phát triển kinh tế, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, luôn có mối quan hệ đoàn kết gắn bó với lực lượng BĐBP, tích cực tham gia cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Tuy nhiên, đời sống cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ và nhân dân ở khu vực biên giới, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thấp, các loại tội phạm ngày càng phức tạp; những vấn đề trên đang đặt ra những yêu cầu và thách thức đối với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh An Giang.

Đại tá Phạm Văn Phong, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: “Với phương châm thực hiện công tác dân vận “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tập trung thực hiện tốt phong trào “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”, chú trọng hướng về cơ sở. Cán bộ, chiến sỹ BĐBP tích cực tham gia giúp giúp bà con nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, phòng tránh, khắc phục hậu qua thiên tai, bão lụt, thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở địa phương, và Trung ương”.

Kế thừa và phát huy truyền thống của lực lượng BĐBP, trong năm 2019, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh An Giang đã phát huy bản chất truyền thống tốt đẹp "Bộ đội Cụ Hồ", bám sát phong trào quần chúng, luôn xác định “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào trên khu vực biên giới là anh em ruột thịt” và “Cùng ăn, cùng ở, cùng bàn và cùng làm việc với nhân dân”. Hình ảnh “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Chiến sĩ tuyên truyền văn hóa quân hàm xanh”… đã thật sự dành được tình cảm, sự tin yêu và quý mến của nhân dân, tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ đổi mới.


Cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang giúp dân gặt lúa bị ngập úng.


Nét nổi bật nhất trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng khu vực biên giới của BĐBP tỉnh năm qua là đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình, công trình, phần việc giúp dân phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xoá đói giảm nghèo, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định cuộc sống cho nhân dân trên khu vực biên giới biên giới của tỉnh; duy trì, giữ vững và phát huy mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với lực lượng bảo vệ biên giới, chính quyền, nhân dân Campuchia phía ngoại biên, đối diện.

“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc dân vận là rất quan trọng… dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang đã thường xuyên xây dựng Nghị quyết lãnh đạo và Kế hoạch công tác Đảng, công tác chính trị, trong đó xác định vận động quần chúng, dân vận là một nội dung công tác quan trọng, một biện pháp nghiệp vụ cơ bản trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh An Giang còn tích cực thực hiện các mô hình hưởng ứng phong trào “Dân vận khéo”, “BĐBP tỉnh An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” phát huy hiệu quả thiết thực như: “Phân công đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách Hộ gia đình khu vực biên giới”, “Mái ấm biên cương”, “Hũ gạo tình thương”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi Đồn Biên phòng”, “Camera an ninh nơi biên giới”, “Phòng đọc biên giới”,...; các hoạt động “đển ơn, đáp nghĩa”, chung tay xoá nhà tranh tre dột nát; làm đường giao thông nông thôn; phổ cập giáo dục; trạm xá Quân dân y kết hợp ở 03 xã biên giới. Hiện nay, tuyến biên giới An Giang có 04 xã được công nhận là xã đạt chuẩn “Nông thôn mới”, gồm xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc; xã Khánh An, huyện An Phú, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên.

Được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Vĩnh Hội Đông nhận phụng dưỡng với mức 500.000 đồng mỗi tháng, bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Anh cảm nhận được sống trong tình thương yêu của những người con, bá xúc động chia sẻ: “Có các chú biên phòng giúp đỡ cả vật chất, tinh thần, nhất là khi đau yếu, tôi cảm thấy yên tâm hơn, vơi bớt cô đơn, sống khỏe hơn”. Được biết ngoài mức phụng dưỡng trên, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn hỗ trợ bà 10 kg gạo mỗi quý, trích từ “Hũ gạo tình thương” do cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiết kiệm khẩu phần gạo mỗi bữa ăn.

Trên lĩnh vực văn hoá, xã hội, phong trào thi đua “dân vận khéo” đã được triển khai thực hiện gắn với phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng địa phương, đơn vị, vùng biên giới lành mạnh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”... Trên địa bàn biên giới toàn tỉnh có 42.350 hộ/50.500 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa và 67/73 ấp văn hóa, 05 xã đạt chuẩn văn hóa; 32 khóm, ấp đạt chuẩn “Điểm sáng văn hóa biên giới” gắn với 11 Đồn Biên phòng; 14/14 cơ quan, đơn vị thuộc BĐBP đạt chuẩn văn hóa.


Cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang thực hiện mô hình “Hũ gạo tình thương” giúp người nghèo nơi biên giới.


Thực hiện phong trào “Dân vận khéo” có tác động tích cực trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chính quyền địa phương. Trong năm, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP với 05 huyện, thị, thành ủy biên giới và giữa các chi, đảng bộ các Đồn BP với Đảng ủy 18 xã, phường, thị trấn biên giới; theo định kỳ hàng tháng, quý thông tin, trao đổi và 06 tháng 01 năm tổ chức sơ, tổng kết và bổ sung nội dung sát với từng địa bàn, từ đó sự gắn bó giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với các đơn vị biên phòng ngày càng tốt hơn. Thực hiện Quyết định 814/QĐTU ngày 19/12/2014 của Tỉnh ủy An Giang về việc “Quy định tạm thời về trách nhiệm, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của Đảng viên Đồn BP tham gia sinh hoạt tại Chi bộ khóm, ấp các xã, phường, thị trấn biên giới”, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã tiếp tục phân công giao nhiệm vụ cho 73 đồng chí Đảng viên ở các Đồn BP tham gia sinh hoạt tại 73/73 Chi bộ khóm, ấp biên giới, 04 cán bộ tăng cường xã tích cực bám địa bàn. Thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU ngày 08/10/2018 của Đảng ủy BĐBP về việc “Phân công đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”, Đảng ủy BĐBP tỉnh An Giang phân công 230 Đảng viên, phụ trách 1.158 hộ gia đình ở khu vực biên giới, đã phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên được phân công.

Trên lĩnh vực an ninh quốc phòng, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, bám sát tình hình quần chúng, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, khéo tuyên truyền, vận động, khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh trật tự, tăng cường nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, với các mô hình hoạt động hiệu quả, được nhân rộng như:“Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”, “Tổ phụ nữ cùng với BĐBP bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”, “Tổ tự quản an ninh trật tự khóm, ấp”, “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”,... Các  huyện, thị xã, thành phố thường xuyên duy trì được 98 tổ/73 khóm, ấp giáp biên về tự quản đường biên, cột mốc và 855/855 hộ dân có đất sản xuất giáp biên giới ký kết với BĐBP và chính quyền địa phương tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới. Qua đó, quần chúng nhân dân đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị cho cấp ủy, chính quyền địa phương và BĐBP giải quyết, làm thất bại mọi âm mưu và các thủ đoạn của các thế lực thù địch; từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội trên khu vực biên giới.

Đánh giá việc thực hiện phong trào “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” năm 2019, Đại tá Phạm Văn Phong nêu rõ: “Với những việc làm nêu trên, thời gian qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới cơ bản ổn định, nhân dân trên địa bàn biên giới của tỉnh yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền địa phương; góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị, củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương”.

Có thể khẳng định, quần chúng nhân dân tại biên giới tỉnh nhà là lực lượng to lớn góp phần nhân sức mạnh của BĐBP lên gấp nhiều lần, làm cho BĐBP có “hàng triệu tai, hàng triệu mắt, hàng triệu tay chân”, là yếu tố quan trọng bảo đảm giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới Quốc gia trong mọi tình huống.

Bài, ảnh: CHIẾN KHU
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40099068