Truy cập hiện tại

Đang có 100 khách và không thành viên đang online

Công tác dân vận - mặt trận - đoàn thể

Quan điểm, mục tiêu, các khâu đột phá của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2015-2020

Hướng tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020”

(TGAG)- Nhìn lại nhiệm kỳ 2010-2015, bên cạnh những thuận lợi cơ bản từ tiến trình đổi mới và hội nhập, An Giang cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với 5 năm trước; các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: lúa gạo, cá, rau màu... có sức cạnh tranh kém, chưa xây dựng được thương hiệu, khoa học công nghệ chưa được ứng dụng mạnh mẽ vào các lĩnh vực sản xuất; công nghiệp chậm phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, chưa huy động có hiệu quả các nguồn vốn.

Từ thực tế nhiệm kỳ qua, yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập ngày càng sâu rộng đòi hỏi phải có sự thay đổi về tư duy trong quy hoạch và phát triển, trong đó mục tiêu trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền, phát huy dân chủ, kỷ cương, khai thác mạnh mẽ lợi thế trong liên kết vùng và lợi thế so sánh của địa phương, huy động nguồn lực xã hội, tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu tạo nền tảng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của An Giang bằng mức trung bình của cả nước, đến năm 2020 quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm dẫn đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đảng bộ tỉnh thống nhất quan điểm phát triển trong 5 năm tới là: Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, mục tiêu của phát triển. Phát triển kinh tế phải gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định biên giới, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững. Trong đó, nông nghiệp và du lịch là hai mũi nhọn, phát triển theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh và xây dựng nền kinh tế xanh tạo nền tảng để phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp chế biến và xây dựng. Kết hợp tốt giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn với quá trình đô thị hóa, mở rộng các khu đô thị, các khu công nghiệp, dịch vụ năng động; bảo đảm cho mọi người dân có cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả của sự phát triển. Phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân và doanh nghiệp trong đầu tư phát triển và thực thi chính sách. Cơ cấu lại vốn đầu tư theo hướng giảm vốn nhà nước, tăng vốn xã hội. Cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tự chủ phù hợp, từng bước hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp; chuyển các dịch vụ công sang tư nhân ở lĩnh vực mà hoạt động tư nhân có hiệu quả. Phát triển kinh tế - xã hội của An Giang được đặt trong sự tương tác với các nước, vùng miền và nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, việc phối hợp và liên kết với các địa phương trong vùng trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu nhằm tạo thế liên hoàn và chủ động hội nhập quốc tế là một nhu cầu tất yếu để phát triển bền vững.

Phát huy kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ tỉnh tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ đột phá nhằm xây dựng An Giang trở thành vùng kinh tế trọng điểm của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung khâu giảm thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa liên thông hiện đại cấp tỉnh, nhằm tạo môi trường thu hút đầu tư; đẩy mạnh phân công, phân cấp, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; thiết lập kỷ cương hành chính nhà nước.

Thứ hai, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt là nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo quản lý và các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; đổi mới mạnh mẽ khâu tuyển chọn, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ chủ chốt các cấp.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng cho chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, thương mại, du lịch và một số công trình trọng điểm về giao thông, đô thị.

Thứ tư, đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến; xây dựng chiến lược thị trường nội địa và xuất khẩu cho hai sản phẩm chủ lực và các sản phẩm lợi thế của tỉnh.

Tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân An Giang quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách đưa tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY

_____________
Biên soạn theo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang khóa IX, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40481204