Truy cập hiện tại

Đang có 80 khách và không thành viên đang online

Triệu phú trẻ tuổi luôn học và làm theo Bác

(TGAG)- Anh Nguyễn Phước Thanh mà mọi người thường gọi là anh ba Thạnh năm nay 42 tuổi, ở tổ 3 ấp Đông, xã Mỹ Hiệp. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh, chị em. Gia đình cũng không khá giả lắm, nhưng bằng nghị lực quyết tâm của bản thân, hôm nay gia đình anh có nhà cửa khang trang, có của dư của để, con cái học hành đàng hoàng. Hằng năm gia đình anh thu nhập từ trái xoài và trái nhãn số tiền trung bình 400 - 500 triệu đồng.

 
Nguyễn Phước Thanh là con thứ 3 trong gia đình mà cha mẹ đều làm nghề nông, từ nhỏ được gia đình dạy dỗ rất tỉ mỉ từ cách ăn cách nói, đến tác phong lễ phép với mọi người, biết kính trên nhường dưới là đứa trẻ ai cũng cảm mến. Khi học hết lớp 9, anh phải rời xa mái trường vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Năm 23 tuổi (tức vào năm 2000) anh có vợ được cha mẹ cho 3 công đất ruộng, lúc đầu hai vợ chồng mới ra ở riêng hoàn cảnh rất khó khăn, thu nhập từ mảnh đất ấy chừng 20 triệu đồng/năm. Do vậy, ngoài việc làm đồng áng, rảnh rổi hễ ai mướn gì anh làm nấy như làm cỏ, cuốc đất, bốc vác,… Rồi hai vợ chồng bàn tính chuyển qua làm khoai cao, kiệu cũng không mấy khá hơn. Cứ hằng đêm về đến nhà là anh cứ trăn trở không biết trồng cái gì để thoát cảnh nghèo này? Rồi một ngày anh được người cậu ở Cồn Lân thuộc xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh lên chơi và mách bảo nên chuyển 3 công đất này qua trồng xoài 3 màu (Đài Loan). Thế là anh đành liều một phen, nhưng cũng chính bản thân “dám làm dám chịu” lúc đầu hai vợ chồng cũng lo lắng, vì khi trồng xoài phải mất những  3 năm mới lấy trái cuộc sống sẽ khó khăn, lấy tiền đâu tiêu xài.

Với sự nhạy bén và học hỏi người đi trước, anh quyết trồng xoài xen cốc Thái, đu đủ và ớt trên liếp để lấy ngắn nuôi dài. Nhờ đó mà thu nhập cứ đều đều, tuy giá cả các loại cây này không cao nhưng có một ít tiền để phân bón, thuốc sâu,… vun bón cho vườn xoài. Gần 7 năm hai vợ chồng tích góp được một số tiền và vay vốn Ngân hàng mua thêm 1 hecta đất để mở rộng diện tích trồng xoài cũng với hình thức “lấy ngắn nuôi dài”. Làm chơi mà ăn thiệt, xoài trúng mùa được giá, thu nhập hằng năm cứ tăng dần từ vài chục lên đến vài trăm và bây giờ thu nhập từ 400 - 500 triệu/năm, trả dứt nợ Ngân hàng, cuộc sống thoải mái gấp cả chục lần hơn trước. Một điều đáng khen ở anh tuy là nông dân nhưng luôn học tập và làm theo Bác ngoài được dự các buổi họp dân do Ban ấp mời để tuyên truyền, anh còn thường xuyên xem trên tivi, sách báo về đức tính của Bác Hồ, từ đó mà bản thân đút rút ra bài học cho bản thân, gia đình trong cuộc sống.

Anh Nguyễn Phước Thanh, bộc bạch: “Bản thân thì thường xuyên được Ban ấp tuyên truyền học tập và làm theo Bác, khi về gia đình thì cũng nói lại với vợ chi tiêu cũng nên tiết kiệm, con cái thì dạy cho học hành tốt không ham chơi, đối với tình làng nghĩa xóm thì sống hòa nhã, nhường nhịn; trong sản xuất thì không lười biếng, không chùn bước trước những khó khăn, mà phải cố gắng vươn lên”.

Vườn xoài của nhà hôm nào làm theo kiểu truyền thống, nay anh mạnh dạn áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, làm thí điểm mô hình tưới nhỏ giọt với diện tích 1 hecta, anh cho biết: Khi áp dụng hệ thống này thấy rất hiệu quả tiết kiệm được 50% lượng phân bón, thuốc trừ sâu, cũng như công chăm sóc, mà năng suất rất cao so với tưới thông thường, kinh phí để lắp đặt đường ống trung bình 5 triệu/công. Như Bác Hồ từng dạy “không có việc gì khó chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lắp biển quyết chí sẽ làm nên”. Có chí học hỏi cộng thêm đam mê sản xuất, Anh nghĩ thị trường xoài hiện nay có lúc thăng, lúc trầm làm cho nhà vườn hơi lo lắng, anh mạnh dạn thuê thêm 5 công đất để trồng nhãn Ido, vì thấy công chăm sóc cũng rất dễ, phân bón thuốc sâu cũng ít hơn xoài, đặc biệt là rất dễ đậu trái cũng như tiêu thụ. Mới đây anh bán hai đợt lợi nhuận gần 40 triệu đồng.

Khi kinh tế ổn định, nhà cửa khang trang, lúc này anh tính chuyện làm từ thiện, đúng như Bác Hồ đã dạy phải yêu thương đùm bộc lẫn nhau, thế là cứ mấy anh, em trong ấp vận động làm đường, bắc cầu thì gia đình anh sẵn sàng đóng góp và trực tiếp cùng anh em làm, khi thì góp 4-5 triệu, có lúc 20 triệu đồng. Không những vậy anh còn ra sức tham gia hăng hái cùng mọi người như: Chặt mé cây xanh che khuất tầm nhìn, chiến dịch diệt lăng quăng, gia cố đê bao phòng chống lụt bão,… Đối với xóm làng anh là người dễ gần gũi, tế nhị, khiêm tốn, mẫu mực nên mọi người cảm mến, gia đình thì giữ vững gia đình văn hóa nhiều năm liền, riêng bản thân anh cũng được Chi bộ ấp giới thiệu học lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng cho nông dân tiêu biểu. Anh còn được tỉnh, huyện, xã khen tặng nông dân sản xuất giỏi.

Ông Trần Văn Thay, Trưởng ấp Đông, xã Mỹ Hiệp nhận xét: “Đối với gia đình cũng như bản thân anh Thanh ở đây thuộc thành phần tiêu biểu; luôn thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà nước ở địa phương. Bản thân thì luôn thể hiện người sản xuất giỏi, tiêu biểu, bên cạnh cũng hỗ trợ chia sẻ rất nhiều những mảnh cơm manh áo cho người dân nghèo ở đây, như gạo, tiền bạc. Đặc biệt là thường xuyên đóng góp hỗ trợ ban ấp làm công tác từ thiện như bắt cầu, làm đường vừa ra sức làm vừa hỗ trợ tiền”.

Anh Nguyễn Phước Thanh chính là tấm gương sống đầy nghị lực của một nông dân nghèo khó vươn lên trong cuộc sống, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bằng ý chí, lòng quyết tâm và sự kiên nhẫn để có cuộc sống khấm khá hơn, bà con trong xóm gọi anh là “Triệu phú trẻ tuổi”. Mà xứng đáng thật, bởi lẽ anh không chỉ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi mà còn là một người luôn vì cộng đồng xã hội.

Nhật Nam
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40604844