Truy cập hiện tại

Đang có 66 khách và không thành viên đang online

Công tác dân vận - mặt trận - đoàn thể

Quan tâm công tác Dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số

(TGAG)- Lần đầu tiên, trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, công tác dân vận được đề cập riêng một mục “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân” trong phần XV - Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Việc văn kiện Đại hội XII của Đảng đề cập một mục riêng về công tác dân vận cho thấy: Công tác dân vận được nhìn nhận đúng với ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của nó, thực sự "là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta”, là một lĩnh vực quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Theo đó, vai trò của công tác dân vận được thể hiện rõ ở các quan điểm:

Một là, cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Nhân dân là chủ, Nhân dân làm chủ.

Hai là, động lực thúc đẩy phong trào Nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của Nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh.

Ba là, đổi mới phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật, của Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của Nhân dân, do Nhận dân, vì Nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để Nhân dân tin tưởng, noi theo. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và thể chế hóa phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra", các hình thức tập hợp Nhân dân phải phong phú, đa dạng, khoa học, hiệu quả.

Thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước qua 30 năm đổi mới đã cho chúng ta nhiều bài học quý giá, trong đó có bài học: Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là sự kế thừa, phát triển nhất quán tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh và các nghị quyết của Đảng qua các nhiệm kỳ, nhất là Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong thời kỳ mới; Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong những năm đổi mới vừa qua, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đoàn thể nhân dân ở các cấp nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đã tạo được chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Công tác tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của các địa phương đã có chuyển biến tích cực và có hiệu quả. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Các chương trình, dự án của Chính phủ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường, giữ vững lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước.

Các địa phương đã phát huy tinh thần phối hợp, đoàn kết, gắn bó, tham mưu cố hiệu quả việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương, góp phần củng cố hệ thống chính trị, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống làm cho bộ mặt nông thôn miền núi có sự phát triển tích cực khẳng định tính đúng đắn của Đảng trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đáng ghi nhận, công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn những khó khăn, hạn chế. Việc quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng ở nhiều nơi chưa kịp thời hiệu quả thấp; thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở nhiều nơi còn hình thức; giải quyết những bức xúc trong đồng bào còn chận chưa thỏa đáng. Chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng và các dân tộc ngày càng lớn. Một số “đạo lạ” xâm nhập ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và diễn biến ngày càng phức tạp. Cán bộ người dân tộc thiểu số nhìn chung thiếu và yếu. Công tác giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về lĩnh vực này chưa được chú trọng.

Nguyên nhân của hạn chế nêu trên trước hết là do các cấp ủy, tổ chức đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo công tác này. Phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng, điều hành của chính quyền còn chậm đổi mới. Phương pháp vận động, tập hợp đồng bào của Mặt trận và các đoàn thể Nhân dân chưa phù hợp với từng đối tượng, từng dân tộc, từng vùng, miền. Việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng cơ chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ dân vận, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số chưa được đầu tư đúng mức.

Trong tình hình hiện nay, công tác dân vận cần chú trọng giải quyết những vấn đề bức thiết mà thực tiễn cách mạng Việt Nam đang đặt ra: Xây dựng chính sách và thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, ưu tiên chiến lược đối với đồng bào dân tộc thiểu số; nghiên cứu đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể gần gũi, phù họp với thực tiễn cuộc sống, huy động các nguồn lực tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số, nhất là ở các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; ưu tiên chăm lo giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ người tiêu biểu có uy tín; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ở các cấp, chống kỳ thị dân tộc, nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Mặt khác, trong thời gian tới, các cơ quan liên quan cần phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; vận động nhân dân tham gia “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, vận động đồng bào các dân tộc đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên quê hương mình; nâng cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá đất nước. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, kịp thời tham gia giải quyết các vụ việc phát sinh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó tăng cường sự đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới./.

Hòa Bình

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40122193