Truy cập hiện tại

Đang có 93 khách và không thành viên đang online

Tháng 5 đến An Giang dự Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam

(TGAG)- Núi Sam cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 5 km, cao 237 m, có chu vi 5 km, là nơi có quần thể di tích lịch sử văn hóa với chùa cổ Tây An, miếu Bà Chúa Xứ, chùa Hang, lăng Thoại Ngọc Hầu... chính là nơi diễn ra Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam hàng năm.
 
Tượng đài cá basa tại thành phố Châu Đốc

Được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là "Lễ hội cấp quốc gia" vào năm 2001; “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” vào năm 2015. Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam từ lâu đã trở thành một trong những lễ hội được tổ chức quy mô và thu hút hàng triệu du khách và là điểm đến tiêu biểu trong tháng 5.


Toàn bộ khu miếu Bà Chúa Xứ là một quần thể kiến trúc cổ kính kết hợp với lối kiến trúc hiện đại, nhưng vẫn mang màu sắc dân tộc, với bốn tầng mái cao cong vút, các cánh cửa bằng gỗ được chạm trổ công phu: ghi lại hình ảnh hoa lá cây cành, chim muông, long - lân - quy - phượng và các vị tiên trong thần thoại cổ tích. Những đường nét văn hoa khắc họa tinh vi và sinh động, cùng với một khoảng sân rộng, hoa và cây cổ thụ bao quanh đã phảng phất trong lòng người xem hình ảnh của một thời đại xa xưa - thời tổ tiên ta cần cù khai hoang lập ấp chống chọi với thú dữ, với thiên nhiên khắc nghiệt, biến những cánh đồng hoang vu thành mảnh đất phì nhiêu, đầy sức sống.
 

Truyện xưa kể lại rằng: Những năm 1820 - 1825, Quân Xiêm thường sang nước ta quấy nhiễu, cướp bóc. Mỗi khi giặc đến, người dân quanh vùng lại phải bồng bế nhau chốn chạy lên núi lánh nạn. Có lần quân giặc đuổi theo lên đến đỉnh núi Lam thì gặp tượng Bà. Chúng hì hục cậy ra, lấy dây buộc lại dùng đòn khiêng xuống núi để mang về xứ. Nhưng khi bọn chúng mới khiêng đi được một đoạn đường ngắn, lạ thay tượng Bà bỗng dưng nặng trĩu không thể nào nhấc lên được nữa. Khi đó, một tên trong bọn tức giận đập vào cốt tượng làm gãy một phần cánh tay bên trái và ngay tức khắc hắn bị trừng phạt hộc máu, chết tại chỗ, bọn cướp hoảng sợ kéo nhau bỏ chạy tán loạn.

 

"Tháng 9/1828, tại Núi Sam vua Minh Mạng cho dựng bia Vĩnh Tế Sơn. Giả thuyết cho rằng gọi núi Sam vì hình thù của núi giống như con sam đầu quay về phía huyện Tịnh Biên. Cũng có cách giải thích cho rằng vì trên núi có rất nhiều cây sam, một loại cây cho gỗ để đóng xuồng (ghe sam bảng), ngày nay vẫn còn nhưng ít. Núi Sam còn được gọi là Học Lãnh (Học: con sam, Lãnh: núi). Trước đây, núi Sam có nhiều cây phượng vĩ và huỳnh mai mọc từ các hốc núi. Vào mùa trổ bông, cảnh núi toàn một màu đỏ thắm rất tươi đẹp và rực rỡ. Có giả thiết cho rằng núi Sam là một trong 7 núi tiêu biểu của rừng núi Thất Sơn. Núi Sam có nhiều di tích nổi tiếng như Tây An Tự, miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu… là một thắng cảnh, hằng năm thu hút hàng triệu người đến tham quan" (*).

Thời gian sau, Bà đạp đồng lên và tự xưng là Bà Chúa Xứ, dạy dân làng khiêng xuống núi lập miếu thờ cúng. Bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp quấy phá, thoát khỏi dịch bệnh hoành hành. Thấy vậy, dân làng họp nhau lên núi khiêng tượng về thờ cúng. Nhưng lạ thay, dù mấy chục thanh niên trai tráng hò nhau gắng sức vẫn không lay chuyến nổi tượng Bà. Trong lúc mọi người đang rất thất vọng, có ý định bỏ dở thì một cô gái trong làng bỗng dưng lên đồng cho biết : "Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng". Dân làng làm theo lời dạy ấy và quả đúng thật 9 cô gái đồng trinh khiêng tượng Bà đi xuống một cách nhẹ nhàng.

Bỗng nhiên khi đi đến chân núi thì tượng Bà trở nên nặng, không thể khiêng nổi thêm một bước nào nữa. Khi đó mọi người đã hiểu rằng, Bà đã chọn nơi đây để an vị nên đã không cố gắng di chuyển đi nữa mà lập miếu thờ cúng chỗ đó.

Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam gồm 5 lễ chính: Lễ tắm Bà, Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, Lễ Túc Yết, Lễ Xây chầu và Lễ Chánh tế.
 

Miếu Bà Chúa Xứ là một trong những danh thắng của núi Sam được nhà nước xếp hạng. Nơi đây đã mang dấu ấn của cả một thời đại hào hùng, thời đại chống giặc ngoại xâm. Và ngày nay miếu Bà Chúa Xứ vẫn thật sự là điểm đến của du khách bốn phương, là nơi mà con người cầu mong về những điều thiêng liêng, tốt đẹp nhất...
 
_________
(*) Theo Địa chí An Giang, xuất bản năm 2015.

Tuyết Ngọc


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36573995