Truy cập hiện tại

Đang có 133 khách và không thành viên đang online

Làng tro Trà Thôn

(TGAG)- Nhắc tới Làng trò Trà Thôn người ta còn gọi làng nghề này bằng một cái tên thật nổi là “Thương cảng tro” để nói về thời kỳ huy hoàng của nó. Làng tro nép mình bên lòng sông Ông Chưởng xã Long Điền B, đoạn từ ấp Long Quới 1 đến Long Quới 2, dưới bến sông có hàng trăm chiếc ghe neo đậu san sát nhau, người mua kẻ bán nhộn nhịp một thứ mặt hàng duy nhất, tro!


Chưa ai có thể khẳng định chính xác làng tro ra đời từ khi nào, người dân làm nghề cũng không nhớ rõ, chỉ biết rằng tro đã gắn bó với của người Trà Thôn suốt mấy chục năm qua. Những bậc cao niên lớn tuổi thì bảo, khoảng những năm 1960, 1970 thì nghề đi tro đã xuất hiện ở đây. Lúc đầu chỉ có vài hộ làm nghề, chủ yếu đi xin tro trong xóm về gom lại phục vụ nhu cầu trồng hoa màu tại địa phương. Tuy nhiên, cái mốc tạo nên sự phát triển huy hoàng của làng nghề là từ khi một số người nhận ra nông dân ở Tây Ninh, Bình Phước, Long An và một số tỉnh khác ở miền Đông thường sử dụng tro để trồng đậu phộng, mía, khoai mì..v.v.

Thế là người Trà Thôn chở tro lên miền Đông Nam bộ bán, tro đem lên bán vừa tốt lại vừa rẻ nên được nhiều người ưa chuộng, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, làng tro Trà Thôn ngày càng phát triển lớn mạnh, người làm nghề ngày càng nhiều, đến nay làng tro có hơn 300 hộ làm nghề chuyên nghiệp, nhiều người mạnh dạn đóng ghe lớn, mỗi nhà cũng có từ 1-2 ghe lớn tầm 30-90 tấn chở tro từ Chợ Mới lên thẳng miền Đông sang lại cho thương lái và chủ vườn, rồi chở đồ góp sứ, lu hũ, bột… từ miền Đông về bỏ mối. Việc mua bán mở rộng, chủ ghe thuê thêm nhân công đi tro, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

Xóm Trà Thôn ngày một khắm khá lên nhờ nghề đi tro, thu nhập một năm của mỗi hộ có thể đạt vài trăm triệu đồng. Một số “đại gia” ở làng tro còn mua đất mở hẳn đại lý tro ở Tây Ninh, Bình Phước, Long An… hoặc mở rộng thêm vựa tro tại nhà để dự trữ nhằm cung cấp cho khách hàng mà không sợ thiếu hàng khi sốt giá. Bởi sự bề thế và quy mô như vậy nên người ta gọi làng tro Trà Thôn là “thương cảng tro” thật chẳng ngoa chút nào. Lấy mồ hôi tưới lên bụi tro, người Trà Thôn đã biến thứ tro bụi tưởng như bỏ đi đó “hóa vàng”.

Ngày nay, nghề đi tro khó khăn hơn, những người đi tro buâng khuâng hơn với cái nghề truyền thống đã nuôi sống họ hằng mấy chục năm. Làng tro Trà Thôn hình thành hơn nửa thế kỷ, giờ đây đang có dấu hiệu tàn lụi dần, cuộc sống của hàng trăm lao động gắn với nghề tro cũng bắt đầu bấp bênh, không ít người đã tính đến chuyện chuyển nghề.

Trước đây, đến mùa thu hoạch đi đâu cũng có tro. Người ta cát lúa bằng tay rồi gom đống lại suốt. Sau khi đốt rơm, đóng tro vẫn còn nguyên vẹn, dễ hốt xuống ghe, đi gom 2-3 ngày là tro đã đầy ghe. Bây giờ, trên địa bàn An Giang hầu hết đều sử dụng máy gặt đập liên, không còn gom được tro, người làm tro phải xuống tận Hòn Đất, Giồng Riềng, miệt thứ (Kiên Giang)… những nơi còn cắt lúa bằng tay để gom tro. Mỗi chuyến đi hơn 10 ngày nhưng chưa chắc đã gom được đầy ghe, nếu gặp mưa thì đống tro chảy tan hết hoặc đến trể, ruộng có vịt chạy đồng lùa vào trước thì cũng làm hư tro.

Bên cạnh những người đi tro, buôn tro, còn có hàng trăm lao động làm các công việc lường tro, vác tro, dậm tro… nên khi lượng tro thu gom từ các cánh đồng ngày càng ít đi thì việc làm cũng ít lại. Tro rơm càng hiếm, người làng tro chuyển qua gom tro trấu, tro củi tại các nhà máy, lò gạch nhưng lượng tro ở những nơi này cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Làm nghề tro khó khăn, nhiều thanh niên ở làng tro Trà Thôn lần lượt bỏ đi Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… để tìm việc làm. Duy chỉ còn những người không có tay nghề, những người lớn tuổi vẫn bám lấy nghề, bởi “cái đời đã gắn với cái nghiệp”, tro bụi đã từng nuôi sống họ thì họ không thể phụ bụi tro, dù cuộc sống phía trước còn lắm khó khăn!

KIM HUÊ
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36576122