Truy cập hiện tại

Đang có 124 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Vận dụng văn hóa hòa bình và khoan dung của Hồ Chí Minh trong hội nhập quốc tế về văn hóa

(TGAG)- Hồ Chí Minh không chỉ là tấm gương sáng về trí tuệ, tư tưởng, về đạo đức và lối sống, mà còn có những đóng góp vào việc tạo nên một nền văn hóa Việt Nam hiện đại. Nghiên cứu những giá trị tư tưởng của Hồ Chí Minh, trong đó có giá trị về văn hóa hòa bình, văn hóa khoan dung cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng của Người đối với việc thiết lập một tương lai lâu dài trong quan hệ đối ngoại và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Những tư tưởng về văn hóa, đặc biệt là văn hóa hòa bình, khoan dung và tấm gương của Hồ Chí Minh là những điều cần được vận dụng trong bối cảnh hội nhập quốc tế về văn hóa giai đoạn hiện nay.

1- Chủ tịch Hồ Chí Minh - hiện thân của văn hóa hòa bình

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cách mạng Việt Nam đứng trước thực tế phải đối phó với nhiều kẻ thù cùng một lúc, cần phải áp dụng mọi phương pháp để không bị cùng một lúc cả thực dân Pháp và quân phiệt Trung Hoa Dân quốc tấn công. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã quyết định hòa hoãn với quân đội của Tưởng Giới Thạch với phương châm phải cân nhắc kỹ lợi hại, chọn cái ít hại nhất. Thực hiện chủ trương trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Hoa kiều khẳng định tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Trung và tuyên bố bảo đảm tự do, an toàn tính mạng và tài sản của Hoa kiều, hoan nghênh Hoa kiều cùng nhân dân Việt Nam chung sức xây dựng nước Việt Nam mới. Có thể nói, nhờ thực hiện khéo léo và thành công sách lược hòa hoãn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã từng bước loại bỏ được âm mưu gây chiến của quân đội Tưởng.

Ngay sau khi thực dân Pháp nổ súng gây chiến ở Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tục gửi đến Chính phủ và nhân dân Pháp những thông điệp hòa bình. Trả lời phỏng vấn một phóng viên của Pháp về quan hệ Việt - Pháp, Người nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam sẵn sàng chấp nhận cố vấn Pháp đến Việt Nam với tư cách là bạn chứ không phải là kẻ xâm lược”.

Ngay những ngày đế quốc Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam, đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân với miền Bắc rất ác liệt, ngày 12/01/1967, khi tiếp đoàn nhân sỹ, trí thức của Trung tâm nghiên cứu thể chế dân chủ (CSD) đến Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với họ: “Tôi sẽ rất sung sướng được đón tiếp Tổng thống Mỹ đến đây một cách hòa bình.

Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị ra với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập”. Hồ Chí Minh luôn lấy hòa bình, hữu nghị và đạo lý làm tiêu chí để phân biệt bạn thù, luôn nêu cao ngọn cờ hòa bình, tập hợp rộng rãi nhân dân tiến bộ trên thế giới chống lại các thế lực gây chiến tranh xâm lược. Chính sách đối ngoại độc lập tự chủ và biết “gạn đục khơi trong” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã trở thành nhân tố quan trọng trong đường lối tập hợp lực lượng quốc tế chống chính sách mở rộng chiến tranh của chính quyền Mỹ. Thời kỳ này, có hàng nghìn phong trào hoạt động “vì Việt Nam” được tiến hành ở nhiều nước khắp các châu lục. Thực hiện đường lối “Ngoại giao tâm công” với tinh thần “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, chúng ta đã tranh thủ được mặt trận rộng rãi nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.

2- Hồ Chí Minh - hiện thân của văn hóa khoan dung

Gần 30 năm sống ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã học tập, tiếp thu những cái hay, cái tốt của tinh hoa văn hóa, nhân văn của thế giới có thể vận dụng cho phù hợp với truyền thống nhân ái, khoan dung của văn hóa Việt Nam để phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và canh tân đất nước. Khoan dung trong cách ứng xử với những người đã chống lại dân tộc Việt Nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đối với những thương binh địch, Người chỉ thị phải cứu chữa tận tình, không được để tù binh thiếu ăn trong lúc thuốc men, lương thực của ta không hề dư dật và quyết định trao trả hết tất cả tù binh. Trong khi chống thực dân Pháp xâm lược, Người vẫn đề cao văn hóa Pháp, đối với đế quốc Mỹ Người vẫn ca ngợi truyền thống văn hóa dân chủ và cách mạng Mỹ.

3- Thực hiện văn hóa hòa bình và khoan dung trong hội nhập quốc tế về văn hóa

Đảng lãnh đạo hoạt động đối ngoại trên lĩnh vực văn hóa thông qua việc ban hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, thông báo, thông tri, kế hoạch về hợp tác, giao lưu văn hóa với nước ngoài và những hoạt động có nội dung liên quan đến công tác này, như: hoạt động giới thiệu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới (quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới); hoạt động tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, truyền bá những kinh nghiệm tốt về phát triển văn hóa của các nước để xây dựng văn hóa Việt Nam; hoạt động nâng cao trình độ dân trí, bản lĩnh văn hóa cũng như năng lực tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài của nhân dân; đấu tranh ngăn chặn những cái xấu, độc hại, phi văn hóa, những vấn đề mặt trái của toàn cầu hóa văn hóa ảnh hưởng đến Việt Nam.

Năm 1998, Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (tháng 7/1998) đã thông qua Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tại Hội nghị này, quan điểm của Đảng về chủ trương mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa thể hiện rõ ở nhiệm vụ thứ chín trong mười nhiệm vụ cần phải thực hiện để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: “Làm tốt việc giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với thế giới; tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học tiến bộ của nước ngoài. Phổ biến những kinh nghiệm tốt xây dựng và phát triển văn hóa của các nước. Ngăn ngừa sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy. Giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu biết tình hình nước nhà, thu nhận thông tin và sản phẩm văn hóa từ trong nước ra, nêu cao lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc, phát huy trí tuệ, tài năng sáng tạo, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước”. Nghị quyết đã vạch ra những giải pháp lớn xây dựng và phát triển văn hóa, đề ra giải pháp để thực hiện nhiệm vụ mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa. Theo hướng đó, Đảng nhấn mạnh mở rộng, khuyến khích xuất khẩu sách, báo, văn hóa phẩm.,... Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa của Đảng là tận dụng thành tựu của mạng Internet để giới thiệu văn hóa Việt Nam với thế giới; đẩy mạnh thông tin đối ngoại, đồng thời có biện pháp hiệu quả ngăn chặn, hạn chế tác dụng tiêu cực qua mạng Internet cũng như qua các phương tiện thông tin khác.

Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Hội nghị Trung ương 10 khóa IX (2003) tiếp tục khẳng định chủ trương đối ngoại trên lĩnh vực văn hóa như sau: “Trong quá trình mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn hóa, cùng với việc tập trung xây dựng những giá trị mới của văn hóa Việt Nam đương đại, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp sự phát triển của thời đại; vừa phát huy mạnh mẽ tính đa dạng, bản sắc độc đáo của văn hóa các dân tộc anh em, làm phong phú nền văn hóa chung của cả nước, vừa kiên trì củng cố và nâng cao tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam, đấu tranh chống các khuynh hướng lợi dụng văn hóa để chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc”.

Nghiên cứu những giá trị tư tưởng của Hồ Chí Minh, trong đó có giá trị về văn hóa hòa bình, văn hóa khoan dung cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng của Người đối với việc thiết lập một tương lai lâu dài trong quan hệ đối ngoại và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong giới hạn của bài viết này, tác giả nhận thấy mối tương đồng và sự kế thừa của Đảng ta trong việc hướng đến xây dựng môi trường hòa bình cho sự phát triển, trên cơ sở triển khai đồng thời chủ trương hội nhập kinh tế, hội nhập văn hóa và một số lĩnh vực khác. Đối với việc hội nhập quốc tế về văn hóa là một vấn đề cần nghiên cứu ở nhiều khía cạnh. Chủ trương hội nhập quốc tế về văn hóa của Đảng đã được đề cập ở mức cần phải chủ động hội nhập, do đó việc tiếp tục nghiên cứu đề xuất các biện pháp để hội nhập văn hóa được hiệu quả là một trong những yêu cầu quan trọng trong giai đoạn tiếp theo.

P.TTCTTG (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40465911