Truy cập hiện tại

Đang có 21 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác văn hóa ở cơ sở

(TGAG)- Những năm qua, công tác xây dựng, phát triển văn hóa ở cơ sở đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là từ khi triển khai thực hiện Chương trình hành động số 33-Ctr/TU ngày 21/5/2015 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 9, (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở bước đầu đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, dân tộc. Toàn tỉnh hiện có 59 nhà văn hóa xã, 11 đội thông tin lưu động, 156 xã, phường, thị trấn đều có đài truyền thanh; nhiều thiết chế văn hóa khác cũng được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động, như bưu điện - văn hoá, thư viện, phòng đọc sách, tủ sách pháp luật… góp phần tích cực trong việc tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Kế hoạch số 20-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới, nhằm tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin có chất lượng, phục vụ người dân.

Tuy nhiên, so với những kết quả đạt được về phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, nhất là ở cơ sở vẫn chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả đến việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh; nổi cộm hiện nay là sự phát triển một số dịch vụ văn hóa biến tướng, hiệu quả thấp, tạo bức xúc trong xã hội. Có nhiều nguyên nhân, nhưng sâu xa là do sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp của đời sống xã hội đã dẫn tới sự thụ động, lúng túng trong lãnh đạo, quản lý, tổ chức hoạt động văn hóa.

Xã, phường, thị trấn là địa bàn trực tiếp gắn bó đời sống nhân dân, nơi chuyển tải chủ trương, đường lối, chính sách về văn hóa đến với quần chúng; nơi thụ hưởng, đồng thời cũng là nơi để các cấp các ngành lắng nghe, tiếp nhận, tổng hợp từ cơ sở những đề xuất, kiến nghị của quần chúng trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa. Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực của sự phát triển bền vững, mỗi cơ sở cần tiến hành một số biện pháp trong công tác tổ chức quản lý các hoạt động văn hóa cụ thể sau:

Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần tốt đẹp, lành mạnh, phong phú, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đây là nhiệm vụ bao trùm, thường xuyên chi phối toàn bộ các hoạt động văn hóa ở cơ sở; đòi hỏi đầu tư suy nghĩ, bám sát thực tiễn, xây dựng chương trình, kế hoạch có tính khả thi; tổ chức cho quần chúng phát huy tiềm năng, năng khiếu, sở thích để tự sáng tạo văn hóa phục vụ nhu cầu tinh thần của chính mình. Kết hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn hóa với thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí để nâng cao hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Tổ chức thông tin, tuyên truyền, cổ động, triển lãm thông qua đài phát thanh, truyền thanh, pano, khẩu hiệu, tranh cổ động, văn nghệ quần chúng…Mục tiêu các loại hình thường là các câu lạc bộ sở thích nghệ thuật, các đêm liên hoan văn nghệ, các hội diễn nghệ thuật quần chúng theo đặc điểm dân cư, vùng văn hóa, nghề nghiệp, lứa tuổi... Đây là những hình thức mang ý nghĩa tư tưởng, tác động trực tiếp, dễ đi vào quần chúng, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia sáng tác và biểu diễn văn nghệ, tự tổ chức, quản lý.

Công tác thư viện, phong trào đọc sách báo ở cơ sở là một hướng quan trọng của công tác tư tưởng – văn hóa, cần một ưu tiên trong kế hoạch, chương trình công tác văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay việc phát huy tác dụng của sách báo là một công việc khó khăn của cấp ủy và chính quyền địa phương, khi mà các phương tiện thông tin khác, đặc biệt là nghe nhìn, đang phát triển mạnh mẽ. Việc mở thư viện hoặc phòng đọc sách báo phải gắn với các hoạt động khác (trạm truyền thanh, câu lạc bộ, sân chơi thể thao…) để tạo sức hấp dẫn với quần chúng.

Bảo tàng, nhà truyền thống có vị trí rất quan trọng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tình cảm và văn hóa cho nhân dân ở cơ sở. Trong điều kiện hiện nay, nhà truyền thống cần quy mô vừa tầm, tránh phô trương hình thức, phát triển tràn lan, và quan trọng hơn là tìm giải pháp để phát huy tác dụng của nhà truyền thống trên địa bàn huyện và cơ sở.

Tổ chức và quản lý các hoạt động lễ hội ở cơ sở đảm bảo cho ý nghĩa và tác dụng tư tưởng – văn hóa nhằm giáo dục truyền thống, chọn lọc những giá trị tốt đẹp, tiến bộ, gạt bỏ những hủ tục lạc hậu, lỗi thời. Việc chỉ đạo, hướng dẫn hoặc trực tiếp tổ chức các lễ hội đòi hỏi cán bộ có am hiểu lịch sử, truyền thống, nắm vững các quy định, quy chế của Nhà nước, biết vận động, tổ chức quần chúng tự nguyện tham gia một cách tích cực có định hướng.

Củng cố, xây dựng và phát huy tác dụng của các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Để thực hiện nhiệm vụ này, ba khâu không thể tách rời là củng cố những thiết chế đã có, vươn lên xây dựng những thiết chế mới đáp ứng nhu cầu chính đáng, ngày càng cao của Nhân dân và đặc biệt là tìm tòi các giải pháp, các phương thức phù hợp để phát huy tác dụng của các loại thiết chế văn hóa đó.

Cùng với nhiệm vụ trên, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hoạt động văn hóa giữ vị trí quyết định để tổ chức các hoạt động văn hóa và nâng cao hiệu quả, tác dụng của các thiết chế văn hóa. Ở cấp huyện, đội ngũ này bao gồm hai lực lượng, một là những cơ quan cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ trong ngành văn hoá (Ban Tuyên giáo và Phòng văn hóa – thông tin), hai là lực lượng quần chúng, hạt nhân văn hoá giữ vai trò nòng cốt trong các hoạt động văn hoá. Xây dựng được hai lực lượng này là điều kiện đảm bảo cho kết quả và hiệu quả công tác văn hoá ở cơ sở hiện nay./.

MAI HÂN
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40468082