Truy cập hiện tại

Đang có 133 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Nhớ Tết quê xưa

(TUAG)- Tháng chạp đất trời một màu sương khói, tiết trời se lạnh là lúc trăm nẻo ký ức đều hướng tới quê nhà, hương vị Tết quê xưa lại quyện vào lòng tôi da diết, dịu dàng mà nồng nàn!
 

Mỗi khi phố phường được trang hoàng rực rỡ để chào đón năm mới thì cũng là lúc nỗi nhớ ngày Tết quê. Cái hương vị mùi Tết mà tôi thuộc nằm lòng đó là mùi hương của đất trời thiên nhiên, của nồng ấm nghĩa tình được gom góp từ lá chuối, gạo nếp  trộn với đậu phộng và xác dừa tỏa hương thơm nức cả nhà tụ họp lại chuẩn bị gói bánh Tét.

Năm nào cũng vậy đến chiều 29 Tết là nhà tôi gói bánh, bà ngoại tôi nói như vậy mới kịp cho ngày 30 Tết rước ông bà về ăn tết, với người dân miền Tây quê tôi trong ba ngày Tết không thể thiếu nồi bánh tét, còn với mẹ tôi bánh tét là bánh tết, năm nào mẹ tôi cũng là người chỉ huy gói bánh, mẹ phân công chị em thành nhiều khâu, rồi người thì gói người thì cột dây thơm, gói bánh cho tròn, cột phải cho chắc, gói kha khá để qua Tết mấy đứa nhỏ có bánh đem lên thành phố. Cánh đàn bà lâu lâu mới dịp gặp mặt đông đủ nên chuyện trò thật rôm rả.

Chiều ngày cuối năm, nắng trải dài mơn man chiếu xuống mấy đám hoa vạn thọ, gốc mai vàng, ba lụi hụi ra sau nhà đào lò nấu bánh, những đòn bánh xanh mướt được cẩn thận xếp vào nấu, đêm 29 Tết mấy chị em tôi ngồi canh nấu bánh bên bếp lửa lép bép, đêm bình yên, nấu bánh sôi sùng sục mùi thơm béo ngậy xộc lên mũi. Trời về khuya càng lạnh càng đói, bọn tôi lụi khoai vào bếp lửa, mùi nếp thơm lá dứa hòa lẫn mùi khoai nướng cứ nguyện vào nhau làm lỗ mũi những đứa trẻ háo ăn phải chăm chú và chờ đợi, khoai chín nóng hổi thơm bùi, bẻ củ khoai chia nhau nghe ngọt bùi nồng ấm, cũng chỉ là bếp lửa nhưng sao bếp lửa ngày xuân ấm áp lạ kỳ! Tiếng nói tiếng cười sằng sặc của những đứa trẻ bọn tôi đánh thức cả màn đêm tỉnh mịt.
Sáng ngày 30 Tết, mẹ gọi thằng út vớt bánh trên lên giàn, mấy chị thì chuẩn bị nấu nướng, còn tôi gà vừa gáy sáng là mẹ giao nhiệm vụ đi chợ Tết với dì út, chợ quê tôi cũng giống như chợ Tết ở miền Tây, các thương lái chở nông sản, trái cây tấp nập làm cho chợ ngày Xuân vui như ngày hội, tiếng chào rộn rả tiếng cười nói, người mua kẻ bán làm cho phiên chợ ngày giáp Tết trở nên rộn ràng, tấp nập, ngày giáp Tết chợ xôm tụ hẳn lên, đủ các loại trái cây nào thơm, xoài, bưởi, dưa hấu vàng, dưa hấu đỏ… thương lái còn chở hoa kiểng tấp nập tạo cho phiên chợ ngày Tết rực rỡ sắc màu.

Sáng ngày cuối năm, nắng trải vàng như mật, tưới lên những khóm bông vàng rực, ngày cuối năm người đi chợ đông vui hơn và người quê vẫn thế vẫn bình dị mộc mạc đến quê mùa. Khi tôi đi chợ về là cả nhà đã sửa soạn nhà cửa, bà ngoại cùng ba ngồi uống trà hạnh phúc con cái sum vầy. Tết ở miền Tây quê tôi đặc biệt phải có mâm ngũ quả, với các loại trái cây mang ý nghĩa cầu, dừa, đủ, xài. Mâm ngũ quả phản ánh đời sống giản đơn và lối sống giản dị của con người Nam Bộ.

Dưới bếp sau nhà, mọi người rộn ràng làm gà, vịt, trong bếp mấy dì đang nấu nồi thịt kho tàu và hầm khổ qua. Chiều ngày cuối năm những người đàn ông trong gia đình rủ nhau đi tìm cây tre thật dài, thẳng và xanh tốt nhất để đốn về dựng cây Nêu trước nhà, dân quê tôi có câu: “Cu kêu ba tiếng cu kêu/ trông mau đến Tết dựng Nêu ăn chè”, người lớn đi chặt tre, bọn con nít líu ríu theo sau, cây tre đem về róc hết cành lá chỉ chừa lại ngọn, trên cây Nêu gia đình tôi treo lên hành, tỏi và trầu cau. Theo tục ở quê tôi, trời vừa sập tối thì cây Nêu cũng dựng lên. Bà ngoại tôi kể người xưa truyền lại rằng: “Treo hành, tỏi giúp xua đuổi ma quỷ, trừ tà trong những ngày Tết, trầu cau là lòng hiếu kính con cháu dành cho ông bà, cũng thể hiện cho tình nghĩa xóm làng”. Vậy là trong bức tranh chiều ngày 30 Tết trong mảnh sân nhà có thêm cây Nêu, có hoa vàng rực, có bọn trẻ vui đùa rộn rã.

Chiều 30 Tết làng trên xóm dưới rộn ràng chuẩn bị mâm cúng đón rước ông bà về chung vui với con cháu trong ba ngày Tết, không khí Tết tràn ngập cả gian nhà, những người đàn ông thì loay hoay chuẩn bị bàn thờ để cúng, dưới bếp phụ nữ đã nấu đồ ăn xong, múc đồ cúng, mâm cơm cúng chiều ngày 30 Tết đã được dọn lên, mâm cúng có đầy đủ các món ăn truyền thống của người dân Nam Bộ như: Thịt kho tàu, khổ qua hầm, vịt quay, gà luộc. Khi bàn cúng ông bà tổ tiên và bàn cúng Thần Hoàng Thổ Địa bên ngoài đã chuẩn bị xong, bà ngoại thành kính thắp nén nhan mời ông bà về ăn Tết với con cháu. Nhan tàn mâm cúng được dọn xuống, gia đình quay quần bên mâm cơm hưởng lộc của ông bà, những người đàn ông trong gia đình chung vui ly rượu sum họp ngày cuối năm, lời hỏi thăm tiếng nói cười rôm rả, dưới bếp các bà rộn ràng không kém chuyện chợ Tết, chuyện sắm sửa trong nhà, rồi quần áo mới cho bọn nhỏ.

Đêm 30 Tết, ngoài trời tối đen như mực, sắp đến giao thừa, bà ngoại sửa soạn trà bánh để đón giao thừa, những đòn bánh Tét thơm ngon tròn trịa được kết tinh bằng sản vật, bằng chính tay con cháu làm nên, tỏa lòng thành kính dâng lên ông bà tổ tiên. Thời khắc giao thừa, Ngoại tôi đốt nén nhan thành kính khấn vái gia tiên tiễn thần năm cũ đón thần năm mới, người dân quê tôi quan niệm rằng: “Thời khắc giao thừa đón chào năm mới là thời khắc sơ khai tinh túy nhất của trời đất trong năm nên linh thiên lắm, hễ trả lễ ông bà, cha mẹ là ta trả lễ suốt năm, ta cầu ông bà trả lời đều gì thì khắc sẽ linh nghiệm”. Sau lễ cúng giao thừa là cả nhà tôi ngồi bên tách trà tận hưởng thời khắc thiêng liêng của năm mới, bà ngoại kể cho chúng tôi nghe tết của ngày xưa…

Sáng mùng Một Tết nắng trải dài trên các nẻo đường quê, bọn trẻ con xúng xính trong bộ đồ áo mới, theo cha mẹ đi chúc Tết ông bà, nhà tôi vẫn còn giữ nét mùng Một Tết cha, sáng mùng Một con cái ở đâu cũng về chúc Tết ông bà, cha mẹ và thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên trong khói hương trầm mọi người dành những lời chúc cuối năm cho nhau, tiếng cười đùa của đám con nít rộn rả khắp sân. Tết ở quê mộc mạc nhưng chan chứa tình thân. Thương ba, mẹ cả năm quần quật chắt chiu cho các con ngày Tết đủ đầy, thương bà ngoại đã già nua vẫn gìn giữ cho con cháu những giá trị truyền thống, giữ cho chúng tôi những cái Tết quê để nhớ, để thương, để giữ cho nếp nhà bình yên, vững chải cũng như những đứa con nít sẽ lớn lên để tự trả lời cho câu hỏi của một thuở ngây thơ? “Quê hương là gì hỡi mẹ, mà cô giáo dạy phải yêu, quê hương là gì hỡi mẹ, ai đi xa cũng nhớ nhiều”.

Cuộc sống hôm nay đã phát triển nhiều so với trước. Không ai hoài cổ đến mức mong muốn những cái Tết nghèo như xưa nữa. Nhưng không khí Tết xưa vẫn chưa phai mờ trong trí nhớ. Cứ mỗi khi Tết về, những kỷ niệm êm đềm của không khí Tết xưa lại ùa về, nhất là đối với những người “cố lý tha hương”./.

Trúc Linh
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40685173