Truy cập hiện tại

Đang có 121 khách và không thành viên đang online

Công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn Lịch sử truyền thống cấp xã


A. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn
I. Khái quát chung
- Công tác sưu tầm tài liệu, biên soạn lịch sử, truyền thống ở xã, phường, thị trấn là một yêu cầu thiết yếu nhằm ghi lại những sự kiện lịch sử ở địa phương, qua đó tổng kết và giáo dục truyền thống tốt đẹp của nhân dân trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm về sự lãnh đạo của cấp ủy, phát huy các nhân tố tích cực và lòng tự hào về quê hương, góp phần hoàn thành nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Việc biên soạn lịch sử truyền thống ở xã, phường, thị trấn trước hết phục vụ cho công tác giáo dục, tuyên truyền về truyền thống đấu tranh vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân đồng thời giúp huyện, tỉnh có những tư liệu cần thiết cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ.
- Tùy theo đặc điểm của từng xã, phường, thị trấn mà việc thể hiện lịch sử truyền thống theo nhiều hình thức (thể loại) khác nhau như: lịch sử Đảng bộ, truyền thống đấu tranh cách mạng, biên niên sự kiện lịch sử, sưu tầm địa chỉ đỏ, gương sáng đảng viên; vùng đất và con người (xưa và nay), tổ chức Đảng qua các thời kỳ...
- Hiện nay, do quy định về tổ chức nên ở xã, phường không có cán bộ chuyên trách nghiên cứu lịch sử mà do cấp ủy chịu trách nhiệm hoặc phân công đồng chí phụ trách công tác Tuyên giáo kiêm nhiệm. Do không có cán bộ chuyên môn nên công tác biên soạn lịch sử truyền thống thực hiện theo chế độ đề tài khoa học. Cấp ủy có thể hợp đồng khoán kinh phí với những người có năng lực, tâm huyết thực hiện dưới sự hỗ trợ về nghiệp vụ của cán bộ chuyên môn của huyện, tỉnh. Thành lập Tổ sưu tầm tài liệu từ 3 đến 5 đồng chí hoặc phân công cán bộ thực hiện dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy.

III. Cách thức tiến hành
1. Lập kế hoạch và dự trù kinh phí
Kinh phí sưu tầm, biên soạn lịch sử được cấp từ ngân sách. Tùy theo từng xã, phường, kinh phí có thể tự trang trải một phần hoặc được duyệt cấp từ ngân sách của huyện.

1.1. Xây dựng kế hoạch
- Xác định thời gian bắt đầu và kết thúc.
- Xác định thời gian từng giai đoạn tiến hành từ khâu sưu tầm tài liệu, biên soạn, xác minh, bổ sung tư liệu, tọa đàm thông qua đến việc in ấn, xuất bản.

1.2. Lập dự trù kinh phí (thực chi và khoán chi)
- Thực chi: sưu tầm tài liệu (công tác phí, tư liệu phí, bồi dưỡng nhân chứng, sao chép tài liệu…), văn phòng phẩm (đánh máy, phô tô…), tọa đàm lấy tư liệu hoặc tọa đàm thông qua, chi phí in ấn xuất bản...
- Khoán chi: bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu, biên soạn; chi phí biên tập, chỉnh lý...
- Dự trù: cấp kinh phí theo các giai đoạn thực hiện công trình.

2. Công tác sưu tầm tài liệu
2.1. Sưu tầm tài liệu thành văn (của ta, của địch) ở trong và ngoài tỉnh: như văn bản, báo chí, sách, báo chí…
- Xác định địa điểm sưu tầm: Văn phòng cấp uỷ, UBND các cấp; Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Thư viện tỉnh, huyện; Bảo tàng tỉnh, Tỉnh đội, các trung tâm lưu trữ…
- Cách thức khai thác: đọc và ghi chép (có ghi xuất xứ tài liệu), sao chụp tài liệu…

2.2. Khai thác tài liệu sống qua lời kể, hồi ký của nhân chứng lịch sử
- Công tác chuẩn bị:
+ Lập danh sách đối tượng cần khai thác: cán bộ lãnh đạo người thực  hiện, cơ sở nuôi chứa và cả quần chúng, nhân dân, những người có biết đến các sự kiện lịch sử.
+ Tùy theo đối tượng mà phân công người đi lấy hồi ký phù hợp.
+ Chuẩn bị nội dung gợi ý gửi cho đối tượng nghiên cứu trước, hẹn thời gian, địa điểm gặp gỡ.
- Cách thức tiến hành:
+ Lấy hồi ký, ghi chuyện kể cá nhân: ghi chép tỉ mỉ, đánh dấu những vấn đề cần hỏi thêm, tránh ngắt ngang người nói.
+ Ghi chuyện kể tập thể: khoảng 4 - 5 người. Tránh mời họp chung những người có thành kiến với nhau. Chọn người có uy tín làm nòng cốt phát biểu. Nên có kết luận từng vấn đề, sự kiện còn ý kiến khác nhau.
+ Hướng dẫn viết hồi ký: gợi ý những vấn đề trọng tâm thể hiện các sự kiện lịch sử chung, hạn chế đi sâu tiểu sử cá nhân; có nhận xét, đánh giá của người viết hồi ký về các sự kiện

2.3. Sưu tầm hiện vật, hình ảnh liên quan đến lịch sử, con người, vùng đất
- Sưu tầm hiện vật, hình ảnh liên quan đến các chiến công của ta, các chứng tích tội ác của địch…
- Sưu tầm các hiện vật, hình ảnh liên quan đến gương đấu tranh, hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào...
- Sưu tầm các hiện vật, hình ảnh có liên quan đến vùng đất và con người địa phương: văn hóa vật thể - phi vật thể, công cụ lao động, địa danh, địa điểm…

3. Công tác nghiên cứu, biên soạn
- Biên tập lại hồi ký nhân chứng lịch sử.
- Đối chiếu, sắp xếp, hệ thống lại các loại tài liệu đã sưu tầm được theo trình tự phân kỳ (thời kỳ, giai đoạn) lịch sử bằng hình thức biên niên sự kiện hoặc hình thức chuyên đề (như đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị…).
- Biên soạn tiểu sử, gương chiến đấu, hy sinh…
- Lập đề cương soạn thảo theo từng loại đã chọn theo trình tự: đề cương khái quát, đề cương chi tiết.

4. Tổ chức các cuộc tọa đàm
- Tọa đàm bổ sung, xác minh tư liệu: gửi trước đề cương cho nhân chứng lịch sử, nêu những vấn đề, sự kiện còn thiếu hoặc còn những ý kiến khác nhau để đưa ra xin ý kiến tập thể trong cuộc tọa đàm.
- Tọa đàm thông qua sơ thảo: chủ yếu là cấp ủy và một số nhân chứng chủ chốt.

5. In ấn, phát hành và sử dụng
- Xác định đối tượng phát hành (cấp ủy, cán bộ, đảng viên địa phương, nhân chứng lịch sử, thư viện, trường học…) để biết số lượng in ấn.
- Sử dụng cho công tác tuyên truyền, giáo dục: biên soạn thành tài liệu tóm tắt, thành đề cương tuyên truyền, tóm tắt biên niên sự kiện lịch sử…

IV. Phân công trách nhiệm
1. Cấp ủy xã, phường, thị trấn
- Lập kế hoạch và dự trù kinh phí. Phân công cán bộ, đôn đốc theo dõi tiến độ thực hiện đề tài. Quản lý và cấp phát kinh phí theo từng giai đoạn.
- Tổ chức các cuộc tọa đàm xét duyệt đề cương, bổ sung, xác minh tài liệu, thông qua sơ thảo.
- Đưa vào giáo dục thường xuyên trong địa phương.

2. Cán bộ chuyên môn ở huyện, tỉnh
- Hỗ trợ về nghiệp vụ chuyên môn như lập đề cương, cách thức sưu tầm tài liệu…
- Hỗ trợ về mặt tư liệu qua hiểu biết của mình, tạo điều kiện cho xã, phường khai thác tư liệu trong phạm vi quản lý chuyên môn.
- Tham gia ý kiến khi xét duyệt, thông qua đề cương, sơ thảo.
- Nếu có yêu cầu, tham gia biên tập, chỉnh lý sơ thảo.

B. Những nội dung cơ bản của Lịch sử xã, phường, thị, trấn
I. Giới thiệu về vùng đất, con người,  truyền thống
- Vị trí địa lý (Đông, Tây, Nam, Bắc giáp đâu? Viết sao để người đọc mường tượng được xã nằm ở đâu?).
- Lịch sử vùng đất có từ khi nào? Tên gọi? Sự biến đổi địa danh qua các thời kỳ? (năm nào tách, nhập? thuộc huyện nào?…).
- Địa phương có gì đặc biệt? Đình, chùa, nhà thờ… Có di tích văn hóa hay di tích lịch sử cách mạng không?
- Những nhân vật lịch sử có công trong việc mở đất, dựng làng đấu tranh cách mạng.
Có trải qua cực khổ “khai khẩn đất hoang” thành làng, thành đất, con người mới gắn bó với đất, yêu đất, yêu làng, yêu người nên sẵn sàng bảo vệ mảnh đất mình đang ở. Từ đó hình thành nên truyền thống: tinh thần yêu nước, ý thức đoàn kết, gắn bó cộng đồng…

II. Sự hình thành chi bộ Đảng đầu tiên
* Lưu ý xã nào có chi bộ sớm (hoặc có đảng viên cử đến hoạt động), có phong trào đấu tranh cách mạng trước cách mạng tháng Tám thì có thể chia nhỏ mục này (tránh trường hợp xã A có mốc lịch sử năm 1930 thì xã B cũng lấy mốc năm 1930).

1. Năm 1930
- Tình hình kinh tế - xã hội địa phương trước khi có Đảng (bối cảnh lịch sử).
- Ai là người truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và thành lập chi bộ Đảng đầu tiên? Địa điểm thành lập? Chi bộ gồm những ai? Những ai hoạt động ban đầu? (xây dựng cơ sở, phát triển tổ chức quần chúng…).
- Nêu ý nghĩa.

2. Giai đoạn 1932 - 1935
- Tình hình chung trong tỉnh, huyện: đang xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng.
- Tình hình địa phương như thế nào?

3. Giai đoạn 1936 - 1939
- Thành lập và hoạt động của Mặt trận bình dân? (nếu có ủy ban hành động gồm những ai? Trụ sở ở đâu? Nội dung hoạt động?).

4. Năm 1940: Nam Kỳ khởi nghĩa
- Chủ trương của cấp ủy? của chi bộ Đảng? Phân công người thực hiện? Ai? Việc gì?
- Diễn biến Nam Kỳ khởi nghĩa tại địa phương? Kết quả? Ý nghĩa?

5. Giai đoạn 1941 - 1944
- Sự đánh phá, khủng bố trắng của địch sau Nam Kỳ khởi nghĩa?
- Củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng.

6. Cách mạng tháng Tám 1945
- Tình hình chung sau ngày 9/3/1945; tình hình địa phương.
- Chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền? Phân công các tổ chức quần chúng thanh niên? Phụ nữ làm gì? Chi bộ Đảng ai, việc gì?
- Diễn biến cướp chính quyền trong Cách mạng tháng Tám tại địa phương.
- Ý nghĩa.

III. Trong kháng chiến chống Pháp
- Thành lập chính quyền sau Cách mạng tháng Tám gồm những ai? (Chủ tịch? Phó chủ tịch? Quân sự? Công an? Phụ nữ?…).
- Những hoạt động của chính quyền non trẻ: giải quyết nạn đói, bình dân học vụ, bầu cử Quốc hội (6/01/1946), chuẩn bị kháng chiến…
- Pháp quay lại cướp chính quyền. Tình hình địch- ta lúc ấy (bọn phản động ngóc đầu dậy trả thù, trả oán; những người có dính líu tới cách mạng chảy qua vùng giải phóng…).
- Các chiến dịch Long Châu Hà I, II có ảnh hưởng đến địa phương (trực tiếp là Châu Thành - Thoại Sơn - Tri Tôn).
- Các hoạt động chính trị, quân sự, binh vận, diệt ác.
- Hoạt động phối hợp với chiến trường Điện biên phủ…
- Xây dựng Đảng, Chi bộ Đảng ở địa phương gồm những ai? Chủ trương?…
* Nếu địa phương là vùng tự do, vùng giải phóng thì viết thêm cuộc sống, sinh hoạt, chiến đấu.

IV. Trong kháng chiến chống Mỹ
1. Giai đoạn 1954 - 1961: nơi nào có tham gia Đồng Khởi thì phân kỳ 1954 - 1961, còn không có Đồng Khởi thì phân kỳ 1954 - 1960).
- Tình hình địch - ta, chủ trương của cấp ủy? chi bộ còn những ai?
- Các phong trào đấu tranh đòi thi hành hiệp định Genever; đòi dân sinh dân chủ; chống tố cộng, diệt cộng, chống luật 10/59…
* Đồng khởi
- Địa phương nào có tham gia Đồng khởi thì viết đậm nét (chủ trương, chuẩn bị, diễn biến, kết quả, ý nghĩa).
- Địa phương nào không có tham gia Đồng khởi thì viết phần ảnh hưởng, tác động.
* Xây dựng Đảng: Các chủ trương của chi bộ nhằm đối phó với địch đang đánh phá ta ồ ạt. Sự phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể…

2. Giai đoạn 1962 - 1968
- Tình hình ta, địch.
- Phong trào chống phá ấp chiến lược; chống bắt lính, hành quân càn quét… Chú ý khai thác, điểm sáng tạo của quần chúng nhân dân trong phá ấp chiến lược, chống bắt lính…
- Căn cứ lòng dân: nói được tấm lòng của dân đối với Đảng và ngược lại. Tiêu biểu một vài điển hình về cơ sở bảo vệ, che chở cán bộ, cách thức…
- Các hoạt động quân sự, binh vận, diệt ác, phá kiềm, các phong trào đấu tranh chính trị…

* Mậu Thân 1968
- Chủ trương, thực hiện, diễn biến, kết quả, ý nghĩa.
- Xây dựng Đảng, viết cả lúc chi bộ bị đánh phá phải tạm lánh sang địa phương khác để hoạt động hay thậm chí bị xóa sổ… chi bộ có mấy người? Do ai làm bí thư? Cách thức hoạt động… quần chúng bảo vệ, nuôi chứa cán bộ…

3 Giai đoạn 1969 - 1975
- Tình hình ta, địch (địch tung lực lượng bình định, Phượng Hoàng… kềm kẹp dân).
- Các cuộc đấu tranh chống càn, chống bắt lính… Tuyên truyền không đưa con em vào bảo an quân… các hoạt động quân sự, binh vận…
- Các hình thức nuôi chứa cán bộ (đào hầm bí mật, nhà 2 vách ngăn, ủng hộ tài chính…)

* Chiến dịch Hồ Chí Minh
- Chủ trương của cấp trên? Tiếp thu Nghị quyết ở đâu? Ai triển khai?
- Sự chuẩn bị của chi bộ. Lúc này chi bộ có mấy người? Ai làm Bí thư? phân công ai, việc gì để giành chính quyền (tổ du kích, tổ may cờ…).
- Diễn biến, kết quả, ý nghĩa chiến dịch.

V. Trong hòa bình xây dựng (1975 - 2010)
1. Sau 30/4/1975 đến trước đổi mới 1986
- Địa phương đã trải qua các lần Đại hội:
+ Đại hội lần I: Những chỉ tiêu, mục tiêu chủ yếu; Ban Chấp hành có bao nhiêu người? Ai làm Bí thư? Phó Bí thư?
+ Đại hội lần II, III và những lần đại hội tiếp sau: những thành tự bước đầu; những khó khăn sau chiến tranh; những khó khăn thời bao cấp; những thành tựu kinh tế- xã hội và xây dựng Đảng

2. Từ sau đổi mới đến năm 2010
- Địa phương đã trải qua mấy lần đại hội: nêu các chỉ tiêu, mục tiêu chỉ yếu. Ban Chấp hành chi, đảng bộ có bao nhiêu người? Ai làm Bí thư? Phó Bí thư? Tình hình địa phương ở thời điểm ấy? Sự phấn khởi của các tầng lớp nhân dân khi thực hiện đổi mới? Những thành tựu nổi bật của địa phương về các mãng kinh tế (phát triển nông thôn, tăng diện tích, tăng sản lượng, ứng dụng khoa học công nghệ; tiểu thủ công nghiệp phát triển…); Xây dựng Đảng (chính trị tư tưởng, tổ chức, kiểm tra; sự quản lý nhà nước và các hoạt động đoàn thể).
* Bài học kinh nghiệm: Bài học kinh nghiệm qua mấy mươi năm đấu tranh cách mạng và xây dựng, phát triển quê hương. Có thể là 1, 2, 3, 4, 5… bài học kinh nghiệm. Tùy theo từng địa phương có thể gọi là truyền thống của Đảng bộ cũng được.

* Phụ lục:

1. Gương sáng đảng viên (người của địa phương).
- Những nhà hoạt động chính trị, văn hóa nổi tiếng.
- Những cán bộ cách mạng, các chiến sĩ, quần chúng chiến đấu, hy sinh dũng cảm.
2. Danh sách thương binh, liệt sỹ
- Danh sách Cựu tù chính trị.
- Danh sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
3. Các di tích lịch sử- di tích cách mạng
4. Danh sách Bí thư qua các thời kỳ
5. Hình ảnh minh họa, bản đồ

* Lưu ý:
Đây là đề cương khái quát chỉ mang tính chất tham khảo. Đề nghị khi viết cần khai thác điểm riêng, điểm sáng tạo của mỗi địa phương để nội dung quyển sách thêm phong phú.

Theo BTGTW
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36704231