Truy cập hiện tại

Đang có 244 khách và không thành viên đang online

Xây dựng Đảng về đạo đức với đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ở An Giang hiện nay

(TGAG)- Một trong những tư tưởng lớn và nội dung cốt lõi trong Văn kiện Đại hội XII được tiếp tục khẳng định là “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, trong đó nhấn mạnh “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Trong một thời gian dài trước đây, nói về xây dựng Đảng ta thường nhấn mạnh về ba lĩnh vực, chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thế nhưng, tại Đại hội XII đã nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Đây là điểm mới rất quan trọng.

Ở An Giang, chưa có biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đến mức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của quốc gia, chế độ. Song, xét trong phạm vi toàn Đảng bộ tỉnh thì vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm chấn chỉnh. Ngoài những tập thể và cá nhân bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy tố do vi phạm pháp luật, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên có những biểu hiện như: cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu chưa thật sự gương mẫu; nể nang trong góp ý, phê bình; thích nghe thành tích, ngại nhận khuyết điểm; kèn cựa vị trí công tác; lười học tập nghiên cứu về lý luận chính trị; sử dụng bằng cấp giả; tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, hách dịch khi thực thi công vụ; lối sống thực dụng, vụ lợi, a dua, ích kỷ... gây ảnh hưởng đến lòng tin của nội bộ và nhân dân, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển của tỉnh và tác động trực tiếp đến quan hệ đạo đức, nề nếp trong gia đình. Một số ít cán bộ, viên chức có biểu hiện tham gia viết bài, bình luận trên các trang mạng xã hội thể hiện sự bức xúc trước tình trạng tham nhũng, lãng phí hoặc những hạn chế trong điều hành phát triển kinh tế của đất nước... mặc dù chưa đến mức gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cũng có trường hợp tạo dư luận không tốt trong địa phương. 

Căn nguyên của sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra rất đầy đủ, rõ ràng. Nhưng suy cho cùng, ở đây có nguyên nhân sâu xa về ý thức hệ, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, sự “tha hóa, suy đồi về đạo đức, lối sống”, “lương tâm, danh dự” bị hoen ố, lu mờ; bản lĩnh, lập trường giai cấp không vững vàng, bất mãn cá nhân, bất chấp phải trái, đúng sai. Mặt khác, những yếu kém trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Với cách nhìn biện chứng và nghiêm túc, cần phải xem đây là nguyên nhân chính.

Để ngăn chặn, đẩy lùi được căn bệnh này và làm tốt công tác xây dựng Đảng về đạo đức cần phải sử dụng tổng hợp nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp cơ bản sau đây:

Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên: Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị các cấp cần phải thường xuyên coi trọng đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng cho phù hợp với từng nhóm đối tượng, thành phần cụ thể. Xây dựng cho cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm, kỹ năng chắt lọc xử lý thông tin, tạo màng ngăn vững chắc để ngăn chặn sự thẩm thấu tư tưởng xấu, thủ đoạn tấn công tinh vi xảo quyệt của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị tư tưởng.

Hai là, phát huy tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên: Phát huy tinh thần tự giáo dục, tự tu dưỡng, rèn luyện là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; trong đó, cần quán triệt phương châm “tự giáo dục là chính”. Cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp phải xây dựng kế hoạch, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát, khắc phục tình trạng xa dân. Hằng năm, người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên có cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và có nhận xét, đánh giá việc thực hiện.

Ba là, sử dụng hiệu quả vũ khí tự phê bình và phê bình: Đối với các đảng bộ, chi bộ, cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xây dựng quy định tự phê bình và phê bình. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm và làm gương trong công tác tự phê bình và phê bình trong từng tổ chức cơ sở đảng, trong từng cơ quan, đơn vị; nội dung và cách thức tự phê bình và phê bình cần bám sát vào 27 biểu hiện “suy thoái”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; lấy việc thực thi công vụ của cơ quan, đơn vị để đối chiếu với yêu cầu mà đánh giá mức độ kết quả công tác.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu, nghiêm túc tự phê bình mình và mạnh dạn, công khai phê bình người khác; khi có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cơ hội, thực dụng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị phải dũng cảm nói lên sự thật, chỉ rõ nguyên nhân mắc khuyết điểm và đưa ra cách sửa chữa, khắc phục.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng, chống tham nhũng; hoàn  thiện cơ chế, chính sách công tác cán bộ: Rà soát, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành ở góc độ địa phương để bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản; phân cấp quản lý và sử dụng biên chế, thi tuyển công chức, tạo nguồn, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức... Thực hiện có hiệu quả Đề án vị trí việc làm; triển khai mạnh Đề án của Trung ương, địa phương về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Năm là, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" một cách thiết thực, hiệu quả: Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, nêu gương, giữ uy tín trước quần chúng bằng chính nghị lực của mình, bằng ảnh hưởng tư tưởng và hành động thực tế của mình “lời nói đi đôi với việc làm” chứ không phải bằng danh hiệu và chức vụ, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, lạc hậu trong cơ quan, đơn vị. Quá trình thực hiện phải gắn kết chặt chẽ với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng Đảng từ gốc, xây dựng sức mạnh nội sinh cho cách mạng nước ta nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Qua đó, cũng làm sáng tỏ hơn giá trị khoa học về đạo đức cách mạng, khơi dậy và phát huy các giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII./.

THÁI THÚY XUÂN
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40820040