Truy cập hiện tại

Đang có 239 khách và không thành viên đang online

Đức và Tài: Hai nhân cách không thể thiếu ở người lãnh đạo, quản lý

(TGAG)- Tiếp nối thành công Đại hội lần thứ XII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thành công tốt đẹp.
Nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, đưa đất nước tiến lên, Đảng ta đã xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ "đức - tài", đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn xây dựng đất nước; vững vàng trước mọi biến động của tình hình trong nước và thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, và công tác tổ chức, cán bộ cũng được xem là khâu cuối cùng quyết định mọi thành công.

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và ban hành Kết luận tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghị quyết quan trọng này đến năm 2020. Qua đánh giá cho thấy đội ngũ cán bộ nước ta có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; là lực lượng nòng cốt cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Số đông cán bộ giữ vững được bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, gắn bó với nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những cán bộ luôn “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, xứng đáng “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân” biết “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, thật thà, khiêm tốn, không kèn cựa địa vị, không công thần, quan liêu, không kiêu ngạo, không sa đọa, hủ hoá... thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ những cán bộ bàng quan, đứng ngoài thời cuộc cũng chẳng làm nên sự tích gì; thậm chí còn suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, thiếu tự giác rèn luyện, phấn đấu, thiếu tinh thần đồng chí… Nếu không có giải pháp ngăn chặn và kịp thời xử lý sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Mặt khác, chất lượng đội ngũ cán bộ còn những mặt yếu; cơ cấu đội ngũ cán bộ vẫn mất cân đối, thiếu đồng bộ, chưa hợp lý; thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, cán bộ đầu ngành, cán bộ có trình độ cao, có khả năng dự báo, xử lý tốt những vấn đề phức tạp nảy sinh…

Ngày nay, với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, Đảng ta luôn khẳng định vai trò quyết định của nhân tố con người, đó phải là những con người phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, trong sáng về đạo đức, phong phú về tinh thần. Do vậy, hơn bao giờ hết đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải ra sức học tập, rèn luyện, hoàn thiện kỹ năng, nhân cách để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đất nước. Việc hoàn thiện nhân cách người lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay được thực hiện thông qua các hình thức giáo dục, hoạt động, giao lưu và tập thể, trong đó, giáo dục đóng vai trò chủ đạo đối với sự phát triển nhân cách người lãnh đạo, quản lý. Tùy theo ngành nghề yêu cầu mà người lãnh đạo, quản lý cần được đào tạo, bồi dưỡng để nắm vững chuyên môn nghiệp vụ và phải được trang bị hệ thống quan điểm Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Con đường hiệu quả nhất giúp cho người lãnh đạo, quản lý hoàn thiện nhân cách của mình là tự nhận thức, bồi dưỡng và rèn luyện thông qua thực tiễn. Ở cơ quan, đơn vị, người lãnh đạo cần phải đặt mình trong tổ chức, phải sinh hoạt và công tác trong các tổ chức với tinh thần vì Đảng, vì Dân. Rèn luyện nhân cách có nghĩa là phát huy ưu điểm và sửa chữa khuyết điểm của bản thân, trong đó tự phê bình và phê bình là con đường rèn luyện tốt nhất. Ngoài ra, để ngăn ngừa sự tha hóa về lối sống, đạo đức, người lãnh đạo, quản lý phải biết tự giác kiềm chế trước những cám dỗ vật chất, cảnh giác và tỉnh táo với những thủ đoạn mua chuộc của kẻ xấu, phải biết đề cao nét đẹp truyền thống, đạo đức, đạo lý của cha ông, tạo dựng tâm lý “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” trong mỗi gia đình, trong môi trường làm việc, xây dựng “lối sống mới” và giữ lấy “thuần phong mỹ tục”.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn Dân ta đang tiến hành “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, mỗi cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải thấm nhuần hơn tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác. Phải hiểu và nhận thức được giữa “đức” và “tài” có mối quan hệ hữu cơ đan xen, quyện chặt với nhau, tạo nên uy tín người cán bộ. Cấp bậc càng cao thì “đức” và “tài” phải tương ứng, mẫu mực trong cuộc sống mới thu phục được Nhân dân, mới làm gương sáng, xứng đáng là người kế tục sự nghiệp và đạo đức của Bác để lại. Phải có tài năng, trí tuệ để nắm bắt được vận hội, tranh thủ được thời cơ, năng động, sáng tạo vượt qua thử thách và nhất là trong giai đoạn đổi mới và hội nhập kinh tế, quốc tế hiện nay. Đạo đức và tài năng không phải là thứ sản phẩm bẩm sinh hoặc tạo hóa ban cho hoặc chờ đợi người khác mang đến, mà phải được đầu tư học vấn, mở mang tri thức và được trải nghiệm qua quá trình rèn luyện, tu dưỡng của mỗi người. Như Bác đã từng nói “Không biết thì học, học để làm được. Chỉ đòi hỏi có quyết tâm hay không. Nếu có quyết tâm thì làm được hết”. Vì vậy, nếu mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng ta đều nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa “đức” và “tài” trong nhân cách người lãnh đạo, quản lý và quyết tâm ra sức hoàn thiện mình thì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh sẽ càng sớm trở thành hiện thực trên đất nước ta./.

Phước Hòa


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39940442