Truy cập hiện tại

Đang có 110 khách và không thành viên đang online

Hướng dẫn thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

(TGAG)- Ngày 14-11-2016, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 21-HD/BTGTU  về thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 30-8-2016 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, định hướng  dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang trong tình hình mới”. Tuyên giáo An Giang trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung:

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 30-8-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang trong tình hình mới” (sau đây gọi tắt Đề án 01-ĐA/TU);  Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy  hướng dẫn thực hiện Đề án như sau:

I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Triển khai quán triệt sâu rộng và tổ chức thực hiện tốt Đề án số 01-ĐA/TU. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội (sau đây gọi tắt là công tác DLXH) phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

- Đổi mới và nâng cao chất lượng để công tác dư luận xã hội trở thành một nhiệm vụ thường xuyên, đi vào nền nếp của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị. Thường xuyên nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội ở các cấp.

- Tập trung kiện toàn tổ chức bộ phận làm công tác dư luận xã hội và đội ngũ cộng tác viên; đảm bảo điều kiện, kinh phí hoạt động để công tác dư luận xã hội đạt chất lượng và hiệu quả.

II- MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1- Mục tiêu

1.1- Các cấp ủy ra văn bản chỉ đạo thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng hiệu quả công tác điều tra, nắm bắt và định hướng DLXH trên địa bàn. Ban Tuyên giáo, tuyên huấn các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch thực hiện, gồm: Tổ chức triển khai quán triệt Đề án; kiện toàn bộ phận làm công tác DLXH; ban hành quy chế hoạt động; dự toán kinh phí, trực tiếp quản lý và đảm bảo hiệu quả hoạt động của mạng lưới cộng tác viên DLXH.

1.2- Xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cộng tác viên DLXH cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương. Thực hiện tốt công tác nắm bắt DLXH và chế độ báo cáo định kỳ.

Cộng tác viên DLXH cấp tỉnh là 35 người, được chọn lựa từ các Ban xây dựng Đảng, Công an, Quân sự, Biên phòng, một số ngành liên quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể tỉnh; Ban Tuyên giáo các huyện, thị ủy, thành ủy, các đảng ủy trực thuộc (trong đó có từ 10 đến 12 cộng tác viên đơn tuyến).

Cộng tác viên DLXH cấp huyện là 20 người, được lựa chọn từ các Ban xây dựng Đảng, một số ngành liên quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể cấp huyện; các xã, phường, thị trấn (trong đó có từ 3 đến 5 cộng tác viên đơn tuyến).

- Đảm bảo 100% Ban Tuyên giáo cấp huyện kiện toàn đội ngũ cộng tác viên DLXH trong năm 2016 và 100% cộng tác viên DLXH được tập huấn nghiệp vụ đến tháng 6 năm 2017.

- Hằng năm, Ban Tuyên giáo cấp huyện tổ chức từ 1 đến 2 cuộc điều tra xã hội học về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương, đơn vị.

1.3- Ngoài công tác tổ chức nắm bắt tình hình DLXH thường xuyên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định kỳ hàng quý tổ chức các cuộc điều tra xã hội học về DLXH. Qua đó, nghiên cứu, đề xuất với lãnh đạo các cấp những chủ trương, chính sách, giải pháp thiết thực để phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng trên địa bàn.

2- Nhiệm vụ

1.1- Cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy các cấp thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác nắm bắt và định hướng DLXH; phải xem đây là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư tưởng.

1.2- Tổ chức thực hiện tốt công tác nắm bắt, phân tích, tổng hợp và phản ánh nhanh các luồng DLXH của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước các sự kiện chính trị lớn, những diễn biến thay đổi của tình hình.

1.3- Chú trọng tổ chức điều tra xã hội học phục vụ tốt quá trình ban hành, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chương trình hành động, kế hạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.

1.4- Đề xuất các giải pháp định hướng, hình thành DLXH tích cực nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong Đảng bộ, sư đồng thuận của nhân dân, thúc đẩy quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương, đơn vị; góp phần đấu tranh chống quan điểm sai trái và âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

1.5- Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, ban tuyên giáo các cấp, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm định hướng DLXH về các vấn đề mới, các vấn đề xã hội quan tâm liên quan đến cấp mình, ngành mình.

2- Giải pháp chủ yếu

2.1- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác nắm bắt và định hướng DLXH

Nâng cao hơn nữa nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, chức năng, tầm quan trọng của công tác  nắm bắt, định hướng DLXH. Cấp ủy, bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, địa phương, đơn vị phải chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện công tác DLXH, chủ động tổ chức nắm bắt, phân tích, đánh giá, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng của nội bộ và Nhân dân để có biện pháp giải quyết đúng đắn, kịp thời.

Cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu sử dụng kết quả nắm bắt DLXH để nâng cao hiệu quả việc tổ chức thực hiện  nhiệm vụ và ban hành các quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý. Đây phải được xem là căn cứ khoa học, là khâu quan trọng trong quy trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tại địa phương, đơn vị.

2.2- Nâng cao trách nhiệm của Ban Tuyên giáo các cấp và sự phối hợp giữa các ban, ngành có liên quan trong công tác nghiên cứu, nắm bắt DLXH

Ban Tuyên giáo các cấp chủ động tham mưu giúp cấp ủy cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác DLXH hằng năm; là đầu mối giúp cấp ủy quản lý điều hành hoạt động của bộ phận chuyên trách và thực hiện tốt việc củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công tác viên DLXH đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

2.3- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, nắm bắt DLXH

Công tác DLXH phải bám sát thực tiễn của đời sống xã hội; hướng về cơ sở, gắn với từng đối tượng cụ thể, gắn với các sự kiện và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị... Coi trọng công tác đối thoại trực tiếp và giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân trên địa bàn.

Chủ động dự báo những xu hướng, diễn biến tâm trạng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hệ thống chính trị các cấp. Đề xuất bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải quyết các vấn đề bức xúc, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Đảm bảo công tác nắm bắt DLXH được thường xuyên, nền nếp, hiệu quả thông qua lực lượng cộng tác viên DLXH, giao ban báo chí, hội nghị báo cáo viên thường kỳ ở các cấp, qua điều tra xã hội học, qua công tác tuyên truyền, từ các phương tiện thông tin đại chúng.... Kịp thời cung cấp cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân những thông tin chính xác để định hướng DLXH.
Đẩy mạnh đấu tranh chống "diễn biến hòa bình”  và chủ động phòng chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh phê phán các quan điểm, tư tưởng lệch lạc trong nội bộ và xã hội.

Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân trên địa bàn.

Tổ chức hội nghị giao ban định kỳ hàng quý, sơ kết 6 tháng, tổng kết năm về công tác DLXH.

2.4- Xây dựng, củng cố đội ngũ làm công tác DLXH và đội ngũ cộng tác viên DLXH

Hệ thống Tuyên giáo các cấp thường xuyên giúp cấp ủy củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác DLXH. Bố trí những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là trình độ chuyên môn về xã hội học, tâm lý học,… có khả năng nắm bắt, định hướng DLXH. Tổ chức hoạt động của mạng lưới cộng tác viên phải thường xuyên, ổn định, đại diện cho cơ cấu của cộng đồng do Ban Tuyên giáo lựa chọn và ra quyết định.

Việc kiện toàn đội ngũ làm công tác DLXH phải theo hướng:

- Cấp tỉnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phân công một đồng chí Phó trưởng ban phụ trách Phòng nghiên cứu DLXH, trực tiếp quản lý cộng tác viên DLXH.

- Cấp huyện: Ban Tuyên giáo huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy bố trí một đồng chí lãnh đạo ban phụ trách và bố trí 01 cán bộ làm công tác DLXH.

- Cấp cơ sở: Đồng chí Bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn phụ trách công tác tư tưởng trong đó có công tác DLXH; Ban Tuyên giáo thực hiện công tác DLXH ở địa phương và làm cộng tác viên cho Ban Tuyên giáo cấp huyện.

2.5- Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác DLXH và cộng tác viên DLXH; tổ chức các cuộc điều tra xã hội học về DLXH

Hàng năm, Ban Tuyên giáo cấp tỉnh, huyện chủ động tham mưu giúp cấp ủy tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác DLXH và đội ngũ cộng tác viên DLXH.

Thực hiện kế hoạch điều tra xã hội học định kỳ hàng quý ở cấp tỉnh. Hàng năm, Ban Tuyên giáo cấp huyện chủ động tổ chức từ 01 đến 02 cuộc điều tra DLXH về việc thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương, đơn vị.

2.6- Về kinh phí hoạt động và chế độ chi cho cộng tác viên DLXH

Thực hiện đúng theo Hướng dẫn số 167-HD/BTGTW, ngày 26-12-2015 của Ban Tuyên giáo Trung ương; Đề án số 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang trong tình hình mới”.

Hằng năm, các cấp bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động của công tác nghiên cứu, nắm bắt DLXH. Ban Tuyên giáo các cấp lập dự toán trình cấp ủy phê duyệt và chịu trách nhiệm quản lý hiệu quả nguồn ngân sách được cấp. Kinh phí chi cho công tác DLXH gồm: trang bị các phương tiện; tổ chức giao ban định kỳ hàng tháng, sơ kết quý, tổng kết năm; kinh phí để tiến hành các cuộc điều tra xã hội học; kinh phí tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; mua tài liệu phục vụ cho công tác DLXH, kinh phí chi phụ cấp cho công tác viên DLXH...

Về chế độ chi trả cho cộng tác viên dư luận xã hội:

- Phạm vi và đối tượng áp dụng: Những người được công nhận là cộng tác viên dư luận xã hội được hưởng chế độ khi có đủ các điều kiện sau:

+ Có quyết định công nhận của cấp ủy hoặc ban tuyên giáo cùng cấp.

+ Được ký hợp đồng là cộng tác viên dư luận xã hội theo công việc hoặc theo thời gian.

- Chế độ chi trả:

+ Chế độ chi cho cộng tác viên DLXH cấp tỉnh là 0,3 mức lương cơ sở/người/tháng (do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trực tiếp quản lý).

+ Chế độ chi cho cộng tác viên DLXH cấp huyện là 0,2 mức lương cơ sở/người/tháng (do Ban Tuyên giáo huyện ủy trực tiếp quản lý).

- Nguyên tắc chi trả:

+ Cơ quan nào có thẩm quyền xem xét, quyết định công nhận cộng tác viên DLXH thì cơ quan đó thục hiện chi trả chế độ cho cộng tác viên.

+ Người tham gia cộng tác viên DLXH ở nhiều cấp thì chỉ được hưởng chế độ chi cho cộng tác viên DLXH của cấp cao nhất.

+ Chế độ chi cho cộng tác viên DLXH không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng Kế hoạch và văn bản Hướng dẫn thực hiện Đề án 01-ĐA/TU. Thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án ở các cấp, các ngành báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

2- Ban Tuyên giáo, tuyên huấn huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy trực tiếp tham mưu cấp ủy xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án; củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác DLXH, cộng tác viên DLXH và làm đầu mối giúp cấp ủy quản lý điều hành hoạt động của đội ngũ cộng tác viên DLXH cấp mình.

K/T TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC
(đã ký)       
Cao Quang Liêm

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40014964