Truy cập hiện tại

Đang có 240 khách và không thành viên đang online

Tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác câu chuyện truyền thanh năm 2017

(TGAG)- Ngày 01/12, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác câu chuyện truyền thanh năm 2017.

Đây là năm thứ 7 liên tiếp Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang kết hợp cùng Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang tổ chức cuộc thi.

Nội dung Cuộc thi năm 2017 được mở rộng hơn so các năm trước như: Phản ánh những vấn đề thời sự; việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tình hình biến đổi khí hậu; văn hóa giao thông; phê phán những thói hư tật xấu; những vấn nạn trong cuộc sống gia đình và ngoài xã hội; đặc biệt là phản ánh tình hình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp…


Tác giả Phương Tử Yến ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu với tác phẩm “Chiến sĩ thời bình” đạt giải Nhất; Tác giả Nguyễn Văn Tám ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang với tác phẩm “Vực thẳm” đạt giải Nhì

Qua ba tháng phát động cuộc thi, từ ngày 01/8 đến ngày 30/10/2017, Ban tổ chức đã nhận được 160 câu chuyện truyền thanh dự thi, nhiều hơn so với các năm trước và cao gần gấp đôi so với năm 2016 (năm 2016 có 94 câu chuyện truyền thanh dự thi).

Theo đánh giá của Ban giám khảo, Cuộc thi viết câu chuyện truyền thanh năm nay được tổ chức triển khai nghiêm túc, bài bản. Công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc thi đã được thực hiện kịp thời và rộng khắp. Cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm, tích cực hưởng ứng tham gia của nhiều tác giả trong và ngoài tỉnh, thể hiện qua số lượng bài dự thi. Đối tượng tham dự cuộc thi đa dạng bao gồm những cá nhân ở nhiều lứa tuổi, trình độ văn hóa, nghề nghiệp. Theo ghi nhận của Ban tổ chức, trong số các tác giả và tác phẩm dự thi, có 95 tác giả ngoài tỉnh dự thi, như: Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Tiền Giang, Cà Mau, Vĩnh Long và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhiều câu chuyện đi vào ngõ ngách của đời sống văn hóa, xã hội, gia đình, nhiều câu chuyện ngắn nhưng có tính giáo dục cao, gây được xúc động người nghe, người xem. Đặc biệt là gương người tốt, việc tốt được giới thiệu nhiều, trong đó có gương người thật việc thật, rất nhiều chinh phục, cảm hóa được người nghe, đó là những kết quả đáng quý, có giá trị cần được tuyên truyền.

Một số câu chuyện đi vào trọng tâm của tỉnh như chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với biến đổi khí hậu, với nhu cầu đời sống xã hội hiện đại, chú ý đến quy luật cung - cầu của thị trường. Đặc biệt là tiềm năng du lịch - thế mạnh của tỉnh, đã được khai thác đúng mức. Nhiều câu chuyện phê phán thẳng những thói hư tật xấu trong xã hội như: thiếu ý thức trong bảo vệ môi trường, thiếu văn hóa trong tham gia giao thông, trong ứng xử giữa người với người, phản ánh các tệ nạn xã hội, học sinh đánh nhau, con cái không nghe lời cha mẹ…

Nhận xét về chuyên môn, Ban giám khảo đánh giá: các tác giả viết chắc tay hơn, bám sát chủ đề, viết ngắn gọn, câu chuyện xúc tích, lời thoại chững chạc, đúng mực, vui tươi. Một số câu chuyện lời lẽ có tính văn học khá tốt, các câu chuyện kết thúc đều có hậu, gọn, không dài dòng.

Các tác giả đạt giải khuyến khích

Ban Tổ chức đã trao giấy chứng nhận đạt giải Nhất cho tác giả Phương Tử Yến ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu với tác phẩm “Chiến sĩ thời bình”; giải Nhì cho tác giả Nguyễn Văn Tám ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang với tác phẩm “Vực thẳm”; 02 giải Ba cho tác giả Kim Hằng ở huyện Phú Tân, An Giang với tác phẩm “Chữ tầm liền với chữ tâm”, tác giả Lê Ngọc Tấn ở Tiền Giang với tác phẩm “Thực tiễn và bài học kinh nghiệm” và 06 giải khuyến khích.

Đài Phát thanh - truyền hình An Giang sẽ biên tập, dàn dựng các câu chuyện đạt giải và một số câu chuyện dự thi có nội dung hay để phát sóng trong các chương trình của Đài.

Quốc Hùng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37263222