Truy cập hiện tại

Đang có 287 khách và không thành viên đang online

Việt Nam chủ trì Hội nghị trực tuyến Cấp cao đặc biệt ASEAN, ASEAN+3

(TGAG)- Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lây lan khắp khu vực và toàn cầu, tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, ngày 14/4/2020, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN với sự tham gia của lãnh đạo 10 nước thành viên và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh Covid-19 bằng hình thức trực tuyến.



Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã cùng nhau đề ra các biện pháp, sáng kiến cụ thể, thúc đẩy hơn nữa hợp tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời bảo đảm sự phát triển năng động, bền vững của khu vực về dài hạn. Các nhà lãnh đạo trong khu vực đều khẳng định, đoàn kết và hợp tác chính là sức mạnh giúp ASEAN chiến thắng đại dịch COVID-19, đồng thời nhất trí với sáng kiến của Việt Nam về lập Quỹ hợp tác ứng phó COVID-19 của ASEAN và lập kho dự trữ vật tư y tế của khu vực cùng với xây dựng quy trình ứng phó chung của ASEAN trong các tình huống của dịch bệnh. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng trao đổi về việc xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh, trong đó có việc tăng cường thương mại nội khối ASEAN, thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác kinh tế đang trong quá trình đàm phán, triển khai các biện pháp kích cầu kinh tế, nâng cao khả năng ứng phó với các cú sốc bên ngoài... Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố chung, trong đó khẳng định quyết tâm chính trị về tăng cường phối hợp và hợp tác cụ thể giữa các nước trong ứng phó với đại dịch COVID-19.

Dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao việc Việt Nam tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN, ASEAN+3 về ứng phó với COVID-19, cho rằng đây là hoạt động phát huy vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, nâng cao tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, thúc đẩy đoàn kết, thống nhất ASEAN, đẩy mạnh cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, liên ngành, liên trụ cột của cả Cộng đồng ASEAN cũng như hợp tác với các đối tác trong kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu các tác động về kinh tế - xã hội của dịch bệnh. Qua đây cũng thể hiện được Việt Nam đã ứng dụng thành công công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu hội nhập trong tình hình mới.

Tại các hội nghị nói trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau giữa các quốc gia là chìa khóa thành công để các quốc gia vượt qua thời điểm khó khăn này và nêu các đề xuất thúc đẩy hợp tác ASEAN+3 trong ứng phó với dịch bệnh, duy trì ổn định và phát triển kinh tế trong khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chính trong thời điểm u ám, khó khăn này đã bừng sáng lên tinh thần đoàn kết của Cộng đồng ASEAN về tình đoàn kết, tương thân, tương ái, cùng kề vai vượt qua khó khăn được thể hiện qua Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung trước dịch bệnh COVID-19; tăng cường hợp tác về y tế, quốc phòng, kinh tế, du lịch; sẻ chia, hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm, thiết bị y tế, hỗ trợ công dân trong dịch bệnh. Những nỗ lực của ASEAN đã mang lại kết quả đáng khích lệ, kiểm soát được dịch bệnh, số ca nhiễm trong 650 triệu người dân ASEAN chỉ khoảng 15 nghìn là thấp hơn, tăng chậm hơn nhiều so với tỉ lệ chung của toàn cầu. Đồng thời khẳng định: Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước có dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế bình thường, cung ứng nhu yếu phẩm, bao gồm cả lương thực theo yêu cầu của các nước.

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhiều ý kiến cho rằng, việc nhấn mạnh tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau giữa các quốc gia là rất có ý nghĩa, bởi trong bối cảnh hiện nay, chủ nghĩa dân túy đang có chiều hướng    gia tăng, ảnh hưởng bất lợi tới sự đồng thuận, đoàn kết. Không chỉ kêu gọi tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn khẳng định sự chủ động chia sẻ, hỗ trợ đối với các nước đã thể hiện rõ trách nhiệm của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, cũng như trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.


Dư luận các nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã có những đánh giá cao, nêu rõ Việt Nam đã thể hiện đậm nét vai trò Chủ tịch ASEAN trong việc tổ chức các hội nghị lần này. Tổng Thư ký ASEAN, các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Philippines… đều có những nhận xét, đánh giá cao về nỗ lực, trách nhiệm cũng như “tầm lãnh đạo mạnh mẽ” của Việt Nam trong việc ứng phó những vấn đề chung, cấp bách của khu vực và thế giới, góp phần củng cố và tăng cường sự đoàn kết giữa các nước trong khu vực. Tổng Thư ký ASEAN, ông Dato Lim Jock Hoi, đánh giá Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh COVID-19 là minh chứng cụ thể cho tình đoàn kết và tầm lãnh đạo của ASEAN. Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN đã thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch COVID-19. Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu khẳng định, Tokyo “đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong thời gian làm Chủ tịch ASEAN”, đặc biệt là việc xúc tiến Hội nghị trực tuyến ASEAN+3. Chuyên gia Lăng Đức Quyền, nguyên Trưởng đại diện Tân Hoa xã tại Việt Nam, đánh giá với tư cách là nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020, Việt Nam đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc khởi xướng, tổ chức cũng như thúc đẩy các Hội nghị Cấp cao đặc biệt đạt được kết quả tích cực. Chính phủ Trung Quốc cũng như cộng đồng quốc tế đều đánh giá cao điều này.

Mặc dù có những đánh giá tích cực về Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN, ASEAN+3, song dư luận vẫn còn băn khoăn về tính hiệu quả của những cam kết mà các nhà lãnh đạo ASEAN và ASEAN+3 đã thông qua tại các hội nghị lần này, bởi Cộng đồng ASEAN vẫn còn đó những vấn đề chưa có tiếng nói chung, một số nước còn có thái độ thiếu rõ ràng đối với vấn đề Biển Đông. Những biểu hiện gần đây trong khu vực đã dấy lên tâm trạng lo lắng, bất an của người dân. Trong khi các nước trong khu vực và thế giới đang tập trung chống dịch Covid-19 thì một số nước vẫn lợi dụng điều đó để gia tăng các hoạt động vi phạm chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, gây tình trạng căng thẳng trong khu vực, nhất là các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian gần đây.

Để lan tỏa những kết quả tích cực và thể hiện vai trò của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN thông qua việc tổ chức các Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần tập trung vào những vấn đề sau đây:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, gắn với việc tuyên truyền các hoạt động khu vực do Việt Nam chủ trì; tuyên truyền các nỗ lực của Việt Nam trong gắn kết ASEAN trở thành khu vực thịnh vượng chung.

Hai là, tuyên truyền nội dung của các cam kết mà lãnh đạo các nước ASEAN và ASEAN+3 đã thông qua lần này trong việc chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, trong đó nhấn mạnh những đề xuất tích cực mà Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN đã chủ động nêu ra.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền sự đoàn kết giữa các nước trong khu vực ASEAN, tuyên truyền nỗ lực chung của các nước trong việc chủ động phòng, chống dịch COVID-19; sự chia sẻ, hỗ trợ nhau giữa các nước nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh gây ra; lên án các hành động thù địch, gây chia rẽ đoàn kết các nước trong khu vực, làm gia tăng bất ổn tình hình an ninh khu vực.

P.TT
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
39940442