Truy cập hiện tại

Đang có 325 khách và không thành viên đang online

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh An Giang

Tài liệu Hội nghị Báo cáo viên tháng 7/2015

PHẦN THỨ NHẤT
SƠ LƯỢC ĐẤT NƯỚC - CON NGƯỜI AN GIANG

An Giang là tỉnh đầu nguồn trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, nằm về phía Tây Nam của Tổ quốc. Có tuyến biên giới giáp nước bạn CPC với chiều dài 96,6 km. Phía bắc giáp 2 tỉnh Tà Keo, Cần Đal (Vương quốc CPC); phía đông giáp tỉnh Đồng Tháp; phía tây giáp tỉnh Kiên Giang; phía nam giáp Thành phố Cần Thơ. Diện tích tự nhiên 3.406 km², Phân chia theo địa giới hành chánh có: thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc, thị xã Tân Châu và 08 huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú; bao gồm 156 phường, xã, thị trấn. Dân số toàn tỉnh trên 2,2 triệu người với 16 dân tộc khác nhau, trong đó có 4 dân tộc chính là: Kinh, Khmer, Chăm, Hoa. Về tôn giáo, An Giang vừa có các tôn giáo lớn trên thế giới như: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo, vừa có cả các đạo giáo bản địa như: Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tứ Ân Hiếu nghĩa… trong đó đông nhất là Phật giáo Hòa Hảo, với số tín đồ trên 40% dân số của tỉnh. Về địa hình, An Giang thể hiện 2 vùng rõ rệt: vùng đồi núi xen lẫn đồng bằng có 4 huyện, thị xã, thành phố tạo thành hình cánh cung như bức tường chấn giữ phía Tây Nam Tổ quốc. Vùng đồng bằng gồm 2 khu vực, khu vực cù lao nằm giữa Sông Tiền và Sông Hậu; khu vực đất liền, đồng bằng với mạng lưới giao thông thủy bộ được cải tạo, xây dựng theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với quốc phòng - an ninh. An Giang có núi, sông và ruộng đồng xanh tươi bát ngát, có nhiều tài nguyên thiên nhiên ưu đãi với nguồn nhân lực dồi dào. An Giang còn có nhiều công trình kiến trúc; nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị. Nhân dân An Giang vốn hiền hòa, siêng năng, cần cù lao động, giàu lòng yêu nước. Ngay từ những năm 1771 - 1864, trên quê hương An Giang, ông cha ta đã đánh bại nhiều cuộc xâm lăng của bọn phong kiến Xiêm lai. Khi thực dân Pháp xâm lược An Giang năm 1867 nhiều cuộc khởi nghĩa trên đất An Giang thật đáng tự hào, từng đỉnh đồi, hang đá; từng giồng đất, mảnh vườn; từng dòng sông, bờ kinh, con rạch… đều ghi đậm chiến công của các sĩ phu yêu nước, của quân và dân An Giang trong suốt chiều dài của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Nói đến đất nước và con người An Giang, chúng ta không thể không nhắc đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người chiến sĩ cách mạng lão thành của dân tộc, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Tôn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất An Giang và trở thành niềm tự hào của quân và dân tỉnh nhà.

PHẦN THỨ HAI
KHÁI QUÁT SỰ HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH CHIẾN ĐẤU,
TRƯỞNG THÀNH CỦA LLVT AN GIANG TRONG 2 THỜI KỲ
KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP, CHỐNG MỸ

I- Sự hình thành Lực lượng vũ trang (LLVT) An Giang
Năm 1940, khi phát xít Nhật mở rộng chiến tranh xâm lược các nước Châu Á. Tên toàn quyền lãnh đạo của Thống chế Pê -Tanh chấp nhận cho quân Nhật vào Đông Dương. Nhân dân Việt Nam phải chịu cảnh “một ách hai tròng”. Nhân dân An Giang (lúc đó gồm 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc) cùng chung số phận của cả nước. Đời sống nhân dân vô cùng điêu đứng, cơ cực do sự vơ vét, bóc lột của Pháp - Nhật. Trước tình hình bộ máy cai trị của Pháp cố thủ, ráo riết, chuẩn bị chờ quân đồng minh vào để khôi phục ách thống trị và trước nguy cơ bị tấn công. Ngày 09/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, giành quyền cai trị trên toàn Đông Dương. Phát xít Nhật ra sức tuyên truyền chính sách “Đại Đông Á” lừa mị dân chúng về 1 nền “độc lập” và bộ mặt cướp nước của phát xít Nhật đã nhanh chóng bị phơi bày khi tên SaTô - Phó Thống đốc Nam kỳ đến Long Xuyên tuyên bố: “Nơi đây là thuộc địa của Nhật, cũng như thuộc địa của Pháp hồi trước vậy”. Người dân Long Xuyên - Châu Đốc bị thực dân Pháp và phong kiến cai trị, bị khủng bố, đàn áp bóc lột hàng trăm năm, cuộc sống đói nghèo đeo đẳng. Nay lại đến phát xít Nhật thống trị, không chịu đựng được nữa, phải vùng lên đấu tranh.
Lúc này các tổ chức cơ sở Đảng ở Long Xuyên - Châu Đốc hoạt động bí mật từ sau khởi nghĩa Nam kỳ có điều kiện hoạt động mạnh ở nhiều nơi như: Chợ Mới, Tân Châu, Tịnh Biên… cuối tháng 3/1945 một số cán bộ, đảng viên bị Pháp bắt tù đày, vượt ngục trở về Long Xuyên - Châu Đốc bắt liên lạc với tổ chức Đảng ở địa phương đã làm tăng sức lãnh đạo của Đảng bộ.
Giữa năm 1945, Nhật và bọn thân Nhật kêu gọi thành lập “Thanh niên tiền phong” để làm hậu thuẫn cho chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim. Lợi dụng thời cơ này, Đảng bộ và quần chúng tốt đứng ra tổ chức và lãnh đạo lực lượng Thanh niên tiền phong. Ở các huyện, xã, ấp lực lượng đoàn thể cứu quốc đều mang danh nghĩa “Thanh niên tiền phong” để hoạt động cho hợp pháp. Chỉ một thời gian ngắn, tổ chức“Thanh niên tiền phong” phát triển nhanh chóng. Được Đảng lãnh đạo, có thanh niên cứu quốc làm nòng cốt, đã từng bước đưa “Thanh niên tiền phong” hướng về phong trào cách mạng. Nhiệm vụ của “Thanh niên tiền phong” là luyện tập quân sự, canh gác, giữ gìn trật tự an ninh ở địa phương và làm các công việc phúc lợi như: đắp đường, bắc cầu, cứu thương, dạy học v.v… chưa có súng trang bị, từng người đều tự tạo cho mình thứ vũ khí riêng như: giáo, mác, dao găm, phi tiêu, phi tiễn, tầm vông vạt nhọn… để làm nhiệm vụ.
Tháng 8/1945 tình hình thế giới diễn ra hết sức nhanh và có lợi cho cách mạnh Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại của Hồng quân Liên Xô đã tạo điều kiện cho các nước Châu Á vùng dậy đánh đổ ách thống trị của thực dân phát xít. Từ hội nghị toàn quốc của Đảng xác định “Cơ hội tốt cho ta giành chính quyền độc lập đã tới”, và sau khi nghe đại diện xứ uy phổ biến tình hình nhiệm vụ, Tỉnh ủy 2 tỉnh Long Xuyên - Châu Đốc đã quyết định thành lập Ban khởi nghĩa, phát lệnh khởi nghĩa cho các huyện, phân công cán bộ về trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa ở từng địa phương, “Lấy lực lượng thanh niên tiền phong làm lực lượng vũ trang, tấn công vào các mục tiêu quan trọng, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền”. Khí thế khởi nghĩa dâng lên mạnh mẽ khắp nơi. Các lò rèn được huy động ngày đêm rèn “đồ bén” (Phi tiêu, dao găm, phi tiễn…), quần chúng treo băng, cờ, biểu ngữ khắp nơi, lực lượng tham gia khởi nghĩa bao vây các đồn bót, công sở, dinh quận, dinh tỉnh; buộc tề xã, làng lính phải giao nộp vũ khí, án binh bất động. Trước tình thế bức bách, Tỉnh trưởng thành Long Xuyên giao nộp chính quyền, ngày 25/8/1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Long Xuyên. Tại Châu Đốc, lúc đầu tên tỉnh trưởng Khoa ngoan cố không chịu giao chính quyền cho ta. Do đó, các lực lượng và quần chúng tham gia khởi nghĩa đã tấn công vào các công sở quan trọng và Dinh Tỉnh trưởng. Tại Thành lính tập được nội ứng hướng dẫn, tất cả các công sở đều bị lực lượng khởi nghĩa chiếm giữ, ta thu hơn 100 súng các loại. Ngày 26/8/1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Châu Đốc.
Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8/1945 ở Long Xuyên - Châu Đốc thành công; chính quyền từ tỉnh đến xã đã thật sự về tay nhân dân.
Chiều ngày 26/8/1945 tất cả thanh niên tiền phong tham gia khởi nghĩa tập hợp tại Thành lính tập - Thành PC (nay là cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang). Sau khi lựa chọn lấy 200 người, thành lập một đại đội, gồm 05 trung đội với tên gọi là “Cộng hòa vệ binh” do đồng chí Hùng Cẩm Hòa làm tổng chỉ huy. Đây là LLVT đầu tiên của tỉnh.
Ngày 26/8 trở thành ngày truyền thống của LLVT tỉnh An Giang.
II- Khái quát quá trình chiến đấu, trưởng thành của LLVT An Giang trong 2 thời kỳ kháng chiến: chống Pháp và chống Mỹ
1- Thời kỳ kháng chiến chống Pháp
Ngày 23/9/1945 được quân Anh giúp sức, thực dân Pháp trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta một lần nữa. Từ tháng giêng năm 1946 nhờ có thêm quân tăng viện thực dân Pháp đã mở rộng đánh chiếm các tỉnh Tây Nam. Ngày 9/1/1946, quân Pháp chính thức tấn công tỉnh lỵ Long Xuyên, mở đầu kế hoạch đánh chiếm Long Xuyên - Châu Đốc lần thứ hai.
Tuy mới ra đời, trang bị thô sơ, cán bộ chưa có kinh nghiệm chỉ huy, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, lòng trung thành vô hạn với Đảng, với dân, LLVT An Giang ngày đêm cùng nhân dân chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới, cuộc chiến đấu gian khổ, đầy cam go phức tạp.
Trong 9 năm kháng chiến thực dân Pháp (1945 - 1954 ), quân dân An Giang phải chiến đấu trong điều kiện tương quan lực lượng không có lợi cho mình, nhưng LLVT cùng nhân dân trong tỉnh đã kiên cường bám trụ, bền bỉ vượt qua mọi khó khăn gian khổ, luồn sâu trong lòng địch xây dựng phát triển lực lượng, phát triển chiến tranh du kích. Giữa năm 1946, LLVT Long Xuyên - Châu Đốc được tổ chức lại, chia thành nhiều phân đội (từ tiểu đội đến trung đội ). Đầu năm 1947 được Khu 9 giúp sức, chi đội 22 ra đời với 3 đại đội (64, 65 và 66), dân quân du kích các xã có từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội. LLVT vừa vận động xây dựng, củng cố khối đoàn kết các tôn giáo, dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ toàn dân, toàn diện, vừa kết hợp đấu tranh quân sự với vận động chính trị và chiến đấu võ trang tuyên truyền, đồng thời xây dựng hậu cần tại chỗ, bảo đảm tự lực được lương thực. Quân dân An Giang đã phối hợp với bộ đội chủ lực Khu đánh nhiều trận, mở đầu chiến dịch giành thắng lợi như: trận Chân Đùng - Cái Hố (7/1947), trận đánh tàu trên sông Sở Thượng (4/1949), trận cầu sắt Vĩnh Thông (6/1949), chiến dịch Long Châu Hà I (1950), chiến dịch Long Châu Hà II (1951) v.v… góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược làm “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
2- Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
Sau khi thực dân Pháp thua trận buộc phải ký hiệp định Giơnevơ và rút toàn bộ quân về nước, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam thế chân Pháp, đặt ách thống trị thực dân mới, hòng chia cắt lâu dài đất nước ta.
Cũng như thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, An Giang vẫn là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về cả quân sự và chính trị. Đế quốc Mỹ đã lợi dụng các yếu tố đặc thù của vùng đất An Giang để kích động gây chia rẽ đồng bào và các dân tộc, tôn giáo với nhau và chia rẽ nhân dân với cách mạng bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Chúng xây dựng hệ thống chính quyền, tay sai đàn áp nhân dân, đồng thời tập trung binh lực chiếm đóng, đánh phá. Đặc biệt là địa bàn vùng Bảy Núi và tuyến hành lang chiến lược biên giới, bằng các vũ khí có tính chất hủy diệt hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng, cắt đứt sự chi viện của Trung ương cho các tỉnh Khu 9. Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trước tình hình chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Giơnevơ, các cán bộ đảng viên của tỉnh được phân công ở lại, đã nhanh chóng tập hợp lực lượng, củng cố tổ chức Đảng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi thi hành hiệp định, đòi các quyền dân sinh dân chủ. Trong khi địch ráo riết khủng bố cách mạng, Đảng bộ tỉnh đã đưa một bộ phận cán bộ, đảng viên vào hàng ngũ quân đội giáo phái và bộ máy binh, tề của địch, để một mặt bảo toàn lực lượng, mặt khác vận động quân đội Hòa Hảo ly khai chống lại Diệm, làm giảm bớt mức độ đánh phá cách mạng ở địa phương trong giai đoạn vô vàn khó khăn.
Cuối năm 1957, đồng chí Vũ Hồng Đức (10 Đức), lúc đó là Bí thư Huyện ủy Tri Tôn, chỉ đạo đồng chí Lâm Minh Thái tập hợp lực lượng, xây dựng lại đội ngũ vũ trang vùng Bảy Núi, lấy tên là “Quân đội Thất Sơn” do đồng chí 5 Hòa làm đội trưởng. Tháng 9/1959 đồng chí Võ Thái Bảo (8 Sử ) Phó Bí thư Tỉnh ủy được phân công làm Trưởng ban Quân sự tỉnh, đồng chí  tập hợp một số cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị Hòa Hảo ly khai và một số chiến sĩ Vệ quốc Đoàn  thành lập “Đội vũ trang tuyên truyền số 8”, do đồng chí Lê Ngà làm Đội trưởng. Đầu tháng 12/1959, Khu ủy họp mở rộng triển khai Nghị quyết 15 của Trung ương về kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh võ trang. Tại hội nghị này, Khu ủy cho An Giang phiên hiệu d510 thay thế cho “Đội võ trang tuyên truyền số 8” do đồng chí Võ Tấn Phục làm Tiểu đoàn trưởng. Đầu năm 1960, Khu ủy đồng ý cho An Giang thêm phiên hiệu một tiểu đoàn nữa - Tiểu đoàn 512, thay thế “Quân đội Thất Sơn” do đồng chí Dương Bình Giang làm Tiểu đoàn trưởng. Hai Tiểu đoàn với phiên hiệu d510 và d512 nhưng thực chất chỉ có 2 trung đội (Trung đội Dũng Tiến ở Tân Châu - An Phú, phiên hiệu d510; Trung đội Quyết Thắng ở Tịnh Biên - Tri Tôn, phiên hiệu d512). Vùng Châu Thành - Thoại Sơn trong quá trình đánh địch phát triển xây dựng được một trung đội lấy tên là Tiền Phong.
Tháng 9/1960, Tỉnh ủy Hội nghị đề ra kế hoạch “Đồng khởi”, hợp nhất d510 với d512 thành đơn vị tập trung của tỉnh với phiên hiệu d512 (xóa phiên hiệu d510). Đến giữa tháng 11/1960 lễ ra mắt Đại đội đầu tiên của tỉnh mang phiên hiệu d512 được tổ chức trọng thể tại chốt ông còn (núi Dài lớn) dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Thái Bảo. Đơn vị lúc đó có khoảng 100 đ/c, chia thành 3 trung đội: Trung đội Dũng Tiến, Trung đội Quyết thắng và Trung đội Tiền Phong, d512 hợp nhất đã đáp ứng được yêu cầu cho cuộc “Đồng khởi” của nhân dân tỉnh nhà. Nhiệm vụ của LLVT lúc bấy giờ là: kết hợp binh vận nội tiến gỡ đồn bót, lấy vũ khí địch trang bị cho ta, xây dựng củng cố căn cứ và đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền, diệt ác, phá kềm, phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền làm chủ từng phần. Vào những ngày đầu năm 1960, tiếng súng nhằm vào quân thù đã nổ vang, các đơn vị vũ trang của tỉnh, lực lượng du kích mật các xã cùng quần chúng nhân dân đã tổ chức đánh địch bằng các hình thức, ở khắp mọi nơi. Từ lần phục kích đồn CôTô (Tri Tôn) đêm 26/01/1960 đến cuộc nổi dậy giành quyền làm chủ của nhân dân xã Hội An (Chợ Mới) đêm 16/3/1961 là mốc đánh đấu giai đoạn “Đồng Khởi” của An Giang.
Thắng lợi của cuộc Đồng Khởi dẫn đến kết quả là sự ra đời của Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở tỉnh (tháng 12/1960) và ở hầu hết các huyện, xã trong tỉnh. LLVT được củng cố phát triển, căn cứ địa được mở rộng gắn liền với nhiều vùng giải phóng rộng lớn, hệ thống căn cứ “lõm” được xây dựng đều khắp, liên hoàn từ vùng núi biên giới đến các vùng đồng bằng nông thôn. Các vùng “giải phóng”, “tranh chấp” đan xen nhau tạo thế cho hình thái “chiến tranh nhân dân” hình thành và phát triển trên phạm vi toàn tỉnh.
Tháng 7/1962 Quân khu tăng cường cho An Giang một đại đội. Từ đó,3 Trung đội của d512 là đại đội 1 và đại đội của Quân khu tăng cường là đại đội 2, trong thời gian này nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị là đẩy mạnh “3 mũi giáp công” phá ấp chiến lược, chống địch càn quét, bảo vệ vùng căn cứ, có thể nói thời kỳ năm 1961 đến 1964 là thời kỳ vô cùng khó khăn, ác liệt. Trải qua nhiều gian khổ hy sinh, LLVT đã cùng nhân dân trong tỉnh đánh địch trên khắp vùng (đồi núi, đồng bằng và thị xã, thị trấn); căng kéo địch trên khắp chiến trường, làm  tiêu hao nhiều sinh lực địch; ta đã phá tan âm mưu bình định gom dân của địch, giải phóng hàng chục ngàn dân, căn cứ địa cách mạng và vùng giải phóng được mở rộng và củng cố vững chắc, lực lượng cách mạng giữ vững được các chiến lược cứ điểm của tỉnh. Vùng biên giới Bảy Núi được xây dựng thành tuyến hành lang chiến lược nối liền Khu 8 và Khu 9, với hệ thống căn cứ địa liên hoàn từ sông Tiền qua đến đồng Tràm Hà Tiên, đồng tràm Huệ Đức. Từ đó An Giang từng bước giữ vai trò “đầu cầu” nối liền sự chi viện của Trung ương về miền Tây Nam Bộ; góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long. Đối với ta, trình độ chỉ huy, tác chiến của bộ đội tỉnh, huyện và du kích các xã ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới. Thời kỳ này, cùng với sự phát triển chung của LLVT cách mạng miền Nam, chấp hành sự chỉ đạo của quân Khu, tỉnh An Giang tiến hành xây dựng lực lượng bộ đội tập trung, cấp tiểu đoàn ở tỉnh, cấp đại đội ở huyện. Tháng 3/1964 tại xóm Thúng, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn tiểu đoàn tập trung của tỉnh làm lễ ra mắt với tên gọi Tiểu đoàn 364. Lực lượng của Tiểu đoàn gồm: Đại đội 1, đại đội 2 (của d512), trung đội địa phương Tân Châu - An Phú, rút một số du kích các xã lên và một số cán bộ chỉ huy của Khu tăng cường, do đồng chí Võ Khắc Sương làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Hơn (6 Hơn) làm Chính trị viên tiểu đoàn, Huỳnh Văn Phe (Út Phe) Tiểu đoàn phó, Nguyễn Văn Nguyên (2 Nguyên) Tiểu đoàn phó phụ trách tham mưu.
Ngay sau khi được thành lập, Tiểu đoàn 364 đã cùng các lực lượng địa phương mở chiến dịch Xuân - Hè trên chiến trường biên giới Tân Châu - An Phú và đã giành thắng lợi to lớn. Sau đó, Tiểu đoàn tiếp tục tác chiến, lập công xuất sắc. Tiêu biểu như: trận đánh vây đồn Ba Chúc; diệt viện Lê Trì (tháng 9/1964). Trận tập kích chi khu Kiên Lương (tháng 10/1964 ); trận đánh tấn công đồn Băng Trạo - An Tức (tháng 11/1964); Trận đánh diệt đồn Thalapăngxây - Ô lâm; trận tập kích đồn Vĩnh Thông (tháng 12/1964) và một số trận đánh tiêu biểu khác giành thắng lợi.
Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến, đế quốc Mỹ đã đưa quân ồ ạt vào miền Nam, mở rộng chiến tranh xâm lược và chuyển từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ” (từ năm 1965 - 1968) địch thực hiện 2 gọng kềm “bình định” và “tìm diệt”, đồng thời tiến hành chiến thuật “vết dầu loang” bằng các cuộc hành quân càn quét quy mô lớn để dồn dân, quy khu, đánh phá vùng căn cứ và lực lựng cách mạng. Lúc này, An Giang là một trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt của chiến trường toàn khu. Song, không vì thế mà làm giảm đi ý chí quyết tâm chiến đấu và giành chiến thắng của cán bộ, chiến sĩ LLVT. Chịu đựng muôn vàn khó khăn, gian khổ, vượt lên mọi thử thách; vừa chiến đấu giữ vững vùng giải phóng, giữ vững tuyến hành lang chiến lược của Trung ương chi viện cho miền Tây, phát triển du kích chiến tranh đẩy mạnh “3 mũi giáp công” diệt ác phá kềm, phát động phong trào tòng quân và phong trào thi đua diệt Mỹ - Ngụy; vừa phải phát triển lực lượng và hậu cần tại chỗ.
LLVT liên tục tiến công địch mọi lúc, mọi nơi với quy mô tác chiến ngày càng lớn, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, góp phần phá vỡ một phần tuyến phòng thủ chủ định nhằm chia cắt chiến trường, vùng giải phóng của ta ngày càng được mở rộng và củng cố. Mặt khác, những trận đánh giành thắng lợi của quân dân An Giang trong thời kỳ này có ý nghĩa quan trọng cho giai đoạn chiến đấu tiếp theo, đồng thời đã tác động làm hoang mang tinh thần của ngụy quân, ngụy quyền ở ngay trung tâm đầu não Tiểu khu, chi khu của địch. Điển hình như trận đánh tập kích vào Châu Đốc (1967), đánh tàu địch ở căn cứ Hải quân, diệt cố vấn Mỹ tại khách sạn Kim Tinh (Long Xuyên) v.v… Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 của quân dân An Giang, đã đưa phong trào khởi nghĩa giành quyền làm chủ của quần chúng lên một bước, làm hạn chế âm mưu của địch lấn chiếm vùng căn cứ Bảy Núi, tạo thế tranh chấp ở vùng yếu, mở rộng địa bàn đứng chân cho các LLVT tiến công địch, góp phần cùng quân dân toàn miền đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - Ngụy buộc chúng phải chuyển hướng chiến lược.
Trong giai đoạn từ sau Xuân Mậu Thân 1968 đến năm 1972 kẻ thù tăng cường bình định, đánh phá ta với chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, thời gian này cường độ đánh phá của địch ở An Giang ngày càng tăng lên gấp bội. Tuy tình hình trong thời kỳ này vô cùng khó khăn phức tạp, nhưng LLVT và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã kiên cường bám trụ, dũng cảm chiến đấu, bằng  “3 mũi giáp tấn công” và cả “3 thứ quân” liên tục đánh địch, làm thất bại từng bước âm mưu bình định lấn chiếm của địch. Đã phối hợp với bộ đội chủ lực tiêu diệt, tiêu hao nặng nề sinh lực địch ở vùng Bảy Núi, phá rã ách kềm kẹp ở vùng tranh chấp và đưa lực lượng vũ trang tỉnh 4 lần đi sâu xuống vùng yếu, vùng tôn giáo để vũ trang tuyên truyền, vừa đánh địch vừa phát động trong quần chúng tín đồ nổi dậy làm chủ nông thôn, góp phần tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân chống kẻ thù chung.
Trong thời kỳ này, LLVT tỉnh vừa chiến đấu trên chiến trường trong tỉnh, bảo vệ các vùng căn cứ, giữ vững tuyến hàng lanh biên giới, vừa làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn trên chiến trường CPC. Sau khi giúp bạn  giải phóng  một vùng rộng lớn thuộc 2 tỉnh Cần Đan, Tà Keo và một phần tỉnh Kam Pốt; giúp bạn tổ chức lại bộ máy chính quyền các cấp, xây dựng huấn luyện LLVT, cuối năm 1971 ta bàn giao cho bạn, tập trung lực lượng về vùng trọng điểm Bảy Núi.
Thành tích tiêu biểu đặc biệt xuất sắc trong giai đoạn này là trận quyết chiến 128 ngày đêm (từ ngày 7/11/1968 đến 23/2/1969) tại đồi Tức Dụp, núi Cô Tô (huyện Tri Tôn), LLVT và nhân dân An Giang đã lập nên một chiến công kỳ tích. Đương đầu với lực lượng quân địch đông gấp 400 lần, chịu hàng ngàn tấn bom pháo ròng rã suốt hơn 3 tháng liền. Cuối cùng kẻ thù đã phải trả giá đắt với hơn 2000 sinh lực bị tiêu hao, tiêu diệt và hàng triệu đô la chiến phí. Chiến thắng Tức Dụp là nỗi kinh hoàng của “Lầu năm góc” và nhiều tướng, tá Mỹ - Ngụy. Với ta, càng củng cố thêm tinh thần quyết tâm đánh Mỹ đến cùng. Tức Dụp đã trở thành biểu tượng lịch sử đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân dân An Giang với 8 chữ vàng “Kiên cường, bám trụ, giữ vững Núi Tô”.
Đầu năm 1972, các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh được lệnh mở đợt tấn công chọc thủng tuyến phòng thủ biên giới của quân ngụy Sài Gòn, phối hợp tác chiến trong cuộc tiến công chiến lược toàn miền Nam, LLVT bước vào chiến dịch gồm có: Tiểu đoàn 512, Tiểu đoàn 511 đặc công, đại đội trinh sát, đại đội thông tin… các huyện, mỗi nơi có 01 trung đội bộ đội địa phương. Kết quả ta đã tiến công phá vỡ tuyến đồn bót, ngăn chặn biên giới từ Châu Đốc đến Tân Châu, đưa từng bộ phận nhỏ luồn sâu trong nội địa đánh địch, hỗ trợ phong trao đấu tranh của quần chúng, tạo điều kiện cho cán bộ bám dân.
Tháng 5/1972, ta tiếp tục mở chiến dịch tổng hợp Xuân - Hè, LLVT bám trụ đánh địch nhiều ngày, giải phóng thêm một số xã, ấp, làm chủ nhiều khu vực ở Tân Châu - An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn… buộc địch rút một số đồn bót ở Châu Thành, Châu Phú khiến tuyến phòng thủ vòng trong của địch bị suy yếu, cơ sở vùng yếu dần được khôi phục, phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển lên một bước ngoặt mới…
Những chiến công, thành tích của quân dân An Giang trong thời kỳ này đã góp phần cùng toàn miền đánh bại ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Pari.
Bước vào giai đoạn đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định Pari, trong điều kiện có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Bất chấp tính pháp lý của Hiệp định, địch tập trung phản kích ác liệt, tái chiếm và lấn chiếm vùng kiểm soát của ta, phong tỏa hành lang biên giới, gom dân, bắt lính, cướp phá lúa gạo, hủy diệt địa bàn. Nhiệm vụ của LLVT là tiếp tục đánh địch lấn chiếm, phá kế hoạch hậu chiến của địch, giữ vững căn cứ, giữ vững vùng giải phóng, đồng thời phải liên tục phản kích tấn công địch để giành thế chủ động mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng tấn công trên mặt trận chính trị, binh vận giành quyền làm chủ, thực hiện kế hoạch tác chiến mùa khô 1973 - 1974 và mùa khô 1974 - 1975, quân dân An Giang gồm 2 tỉnh: Long Châu Tiền và Long Châu Hà đã mở nhiều cao điểm đánh địch, giải phóng đất, giải phóng dân. Để đẩy địch vào thế bị động đối phó, quân ta đã đánh tiêu hao nhiều sinh lực địch, đưa phong trào cách mạng tiến lên một bước mới, làm tiền đề cho cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa xuân 1975.
Trong khi chuẩn bị giai đoạn 2 của kế hoạch mùa khô 1974 - 1975 thì cục diện chiến trường toàn miền đã có sự thay đổi cơ bản, chiến dịch giải phóng Tây Nguyên nổ ra ta giành được thắng lợi to lớn, tạo ra khả năng giải phóng miền Nam trong năm 1975. Tuy nhiên ở An Giang lực lượng địch còn đông (trên 56 ngàn tên các loại). Những phần tử phản động, ngoan cố tập hợp lực lượng Bảo an quân, trang bị vũ khí đầy đủ, câu kết tới Tư lệnh vùng 4 ngụy chuẩn bị “kế hoạch hậu chiến”, khi Sài Gòn thất thủ sẽ nổi dậy cướp chính quyền xây dựng vùng “tự trị” ở miền Tây. Nhưng trước sức mạnh tiến công của các cánh quân ta trên khắp các địa bàn trong tỉnh, được sự hỗ trợ của trên và của tỉnh bạn, lực lượng ta tiến lên bao vây tập đoàn bảo an “tử thủ” cuối cùng của địch, buộc chúng phải đầu hàng. Tỉnh An Giang hoàn toàn được giải phóng, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng miền Nam và của cả nước. Non sông thu về một mối. Từ đây quân dân An Giang dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ bước vào giai đoạn cách mạng mới, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Năm tháng trôi qua nhưng những chiến công của quân dân An Giang trong 30 năm kháng chiến, mãi mãi sáng ngời trong lịch sử đấu tranh của tỉnh và cũng là những dấu son điểm tô thêm cho những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

PHẦN THỨ BA
THÀNH TÍCH TRONG CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM
LÀM NGHĨA VỤ QUỐC TẾ, XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG
VÀ THỰC HIỆN CÁC MẶT CÔNG TÁC QUÂN SỰ ĐỊA PHƯƠNG

I- Chiến đấu bảo vệ biên giới Tây - Nam:
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 2 tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà sáp nhập lại thành tỉnh An Giang. Bộ máy chính quyền các cấp của ta được thành lập, LLVT được biên chế tổ chức thành 2 tiểu đoàn bộ binh và một số đại đội binh chủng, mỗi huyện và xã có từ 2 tiểu đội đến 01 đại đội.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, LLVT đã phối hợp với các lực lượng liên quan và dựa vào quần chúng nhân dân truy lùng bọn tàn quân còn lẩn trốn, tiếp nhận ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện, tịch thu vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch, tham gia việc chăm lo ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân. Thời kỳ này, bọn phản động trong nước và nước ngoài ngấm ngầm tổ chức lực lượng để chống phá cách mạng. LLVT đã phối hợp với các lực lượng liên tục truy quét tàn quân địch, đập tan mọi âm mưu và xóa sổ các tổ chức phản động, các toán cướp vũ trang… góp phần giữ vững thành quả cách mạng bảo vệ cuộc sống yên lành của nhân dân.
Trong thời gian đó, “Thù trong” chưa hết thì “giặc ngoài” tràn đến. Bọn Pônpốt - IêngSaRy đã gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Từ ngày 30/4/1977 chúng huy động hàng vạn quân có xe tăng, trọng pháo yểm trợ, tấn công ta trên toàn tuyến biên giới An Giang. Quân và dân tỉnh nhà đã đồng loạt nổ súng đánh trả, ngăn chặn và kềm chân địch. Được sự chi viện của cấp trên và sự hỗ trợ của các tỉnh bạn, LLVT An Giang đã nhanh chóng trưởng thành, chỉ trong 1 năm chiến đấu, lực lượng của tỉnh đã xây dựng được 3 trung đoàn bộ binh, nhiều tiểu đoàn binh chủng. Các huyện, thị xã đều có tiểu đoàn, các xã ven biên giới xây dựng các trung đội, đại đội dân quân chiến đấu; ở phía sau xây dựng, huấn luyện lực lượng tăng cường cho phía trước. Với tinh thần vượt qua mọi gian khổ hy sinh, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Những trận đánh: trên vàm Chắc Ri - Chắc rè (Vĩnh Ngươn - Châu Đốc), trận đánh bên sông Bình Di (An Phú); các trận đánh ở Long Tiên, Mương Lở, Kả Côi - Kả Hàn v.v… cùng các chốt thép: Nhơn Hưng (Tịnh Biên); Vĩnh Hội Đông (An Phú); Mương 9 Sớm - xã Phước Hưng; các chốt cầu số 7, số 8 xã Phú Hội (An Phú) v.v… là những trận đánh, những chốt thép tiêu biểu của LLVT An Giang trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.
Trong thời kỳ này, cụ thể là tháng 2/1979 Tiểu đoàn An Giang 1 của tỉnh được lệnh đi biên giới phía Bắc chiến đấu, góp phần bảo vệ biên cương nội địa của Tổ Quốc.
II- Thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Campuchia:
Để giúp lực lượng cách mạng ở CPC đánh đổ bọn PônPốt - IêngSaRy và giúp nhân dân bạn thoát khỏi nạn diệt chủng; cùng với chiến trường chung, ngày 22/12/1978, LLVT An Giang vinh dự được nổ súng đầu tiên trên hướng tấn công chủ yếu của Quân khu 9. Sau khi giành thắng lợi trên 2 hướng tiến công, lực lượng ta phát triển đánh địch theo các mục tiêu được cấp trên giao, chỉ trong 1 tuần lễ, LLVT An Giang cùng các đơn vị của Quân khu đã đánh chiếm một số hậu cứ cấp Trung đoàn, Sư đoàn của địch, góp phần giải phóng 6 huyện thuộc 2 tỉnh Cần Đan, Tà Keo và một phần tỉnh Kampốt với số dân được giải thoát khỏi họa diệt chủng trên một triệu người. Sau đó theo yêu cầu của bạn và sự chỉ đạo của Trung ương, chuyên gia quân tình nguyện Việt Nam ở lại làm nghĩa vụ quốc tế ở CPC. Đoàn chuyên gia quân sự 9905 của tỉnh được thành lập với nhiệm vụ cùng Đoàn chuyên gia chung giúp bạn toàn diện trong bối cảnh vô cùng khó khăn. Tuy nhiên với phương châm “giúp bạn là tự giúp mình”, LLVT đã phấn đấu khắc phục mọi khó khăn gian khổ. Giúp chiến đấu truy quét tàn quân PônPốt; giúp bạn xây dựng, huấn luyện LLVT. Bên cạnh đó, cán bộ - chiến sĩ Đoàn 9905 cũng đã thể hiện tình cảm thương yêu nhân dân bạn như đồng bào ruột thịt của mình, đã làm mọi việc có thể được để giúp dân như: cứu đói, cứu đau, cùng tham gia lao động sản xuất, chăm lo việc học hành của con em họ, tham gia xây dựng các công trình phúc lợi xã hội v.v…
Kết quả sau 10 năm giúp bạn, LLVT An Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế ở CPC để lại tình cảm tin yêu, mến phục của chính quyền và nhân dân bạn đối với LLVT nói riêng và với Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh nhà nói chung.
III- Xây dựng lực lượng vũ trang - thực hiện các mặt công tác quân sự địa phương:
Bốn mươi năm qua, kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng với nhiệm vụ chiến đấu giữ vững thành quả cách mạng, bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế. Lực lượng vũ trang địa phương tỉnh thường xuyên được chăm lo xây dựng cả về 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thực hiện vai trò làm tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nhiệm vụ Quân sự Quốc phòng
Tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ; xây dựng, ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, Đề án phòng thủ của tỉnh như: Chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của BCHTW lần thứ VIII (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với lực lượng Dân quân tự vệ (DQTV), Dự bị động viên (DBĐV) trong tình hình mới; Đề án về xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh giai đoạn 2009 - 2015; Đề án phòng thủ dân sự giai đoạn 2011- 2015 định hướng đến năm 2020; Đề án bảo đảm quốc phòng giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo; Đề án xây dựng chốt dân quân, chốt Bộ đội Biên phòng trên tuyến biên giới và bảo đảm trang bị phương tiện bảo vệ biên giới; Kế hoạch xử lý Việt kiều, Nhân dân, LLVT CPC và người nước thứ ba chạy sang lánh nạn. Tiến hành khảo sát xây dựng Trung tâm Sở chỉ huy tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia và quốc phòng. Tiếp tục đầu tư, sửa chữa các công trình chiến đấu. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quán triệt thực hiện tốt các văn bản về xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ đã triển khai nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.
Thành tích nổi bật của LLVT trong những năm qua là thực hiện nhiệm vụ chủ yếu và hàng đầu là nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Hàng năm đều hoàn thành nội dung, chương trình huấn luyện giáo dục theo quy định. Thường xuyên tổ chức học tập quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các chủ trương, chính sách của Nhà Nước; từ đó nhận thức chính trị tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ luôn được giữ vững và nâng lên, tuyệt đại bộ phận xác định tốt trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, LLVT thường xuyên được quan tâm chăm lo xây dựng đảm bảo đúng, đủ, có số lượng hợp lý và không ngừng nâng cao chất lượng mọi mặt. Lực lượng thường trực tổ chức sắp xếp theo biên chế, có điều chỉnh bổ sung theo hướng ưu tiên các đơn vị thực binh SSCĐ. Lực lượng DBĐV được đăng ký, quản lý chặt chẽ (cả con người và phương tiện kỹ thuật), hàng năm đều tổ chức huấn luyện, kiểm tra, phúc tra theo phân cấp. Lực lượng DQTV được xây dựng huấn luyện theo phương châm: “Vững chắc, chất lượng, hiệu quả, thiết thực và phù hợp”, hiện nay DQTV toàn tỉnh đạt theo chỉ tiêu trên giao. Công tác tuyển quân luôn được quan tâm, giao quân hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, chất lượng tuyển quân được nâng lên, tỷ lệ đào ngũ giảm đến mức thấp nhất. Các kế hoạch SSCĐ, hoạt động tác chiến trị an, phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; phòng, chống cháy nổ, cháy rừng và làm công tác vận động quần chúng v.v… được xây dựng cơ bản, hàng năm đều có sự điều chỉnh bổ sung phù hợp với tình hình, được phê duyệt theo phân cấp và tổ chức thực hành diễn tập theo kế hoạch. Thường xuyên duy trì tốt các chế độ trực SSCĐ, các hoạt động tuần tra, canh gác…, đảm bảo quân số SSCĐ theo quy định - đặc biệt là ở biên giới và các xã trọng điểm. Quá trình hoạt động luôn phối hợp chặt chẽ với công an, biên phòng và các lực lượng khác có liên quan. Kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc, về diễn tập kiểm tra SSCĐ hàng năm các cấp từ tỉnh tới huyện, xã đều thực hành diễn tập theo kế hoạch.
  Để đảm bảo cho nhiệm vụ SSCĐ, cấp ủy và người chỉ huy các cấp đã chấp hành nghiêm Chỉ thị lệnh huấn luyện quân sự của cấp trên. Huấn luyện sát thực tế, sát yêu cầu nhiệm vụ, với phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Gắn huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, hành quân dã ngoại, vận động quần chúng, tuyên truyền giúp dân… kết quả huấn luyện hàng năm cho các đối tượng đều đạt 100% nội dung, chương trình, thời gian và quân số tham gia theo qui định của trên. Công tác huấn luyện quân sự và giáo dục chính trị luôn thực hiện song song với việc tổ chức diễn tập, hội thao, hội thi. Ngoài tự lực tổ chức ở từng cấp, LLVT tỉnh còn tham gia đầy đủ các lần hội thao, hội thi do Quân khu và Bộ Quốc phòng tổ chức. Kết quả đều đạt giải cao, được khen thưởng.
Cùng với các hoạt động quân sự, các mặt hoạt động CTĐ, CTCT trong LLVT tiến hành thường xuyên, có nề nếp, phong trào thi đua quyết thắng được triển khai sâu rộng, thúc đẩy các hoạt động đạt hiệu quả cao, phong trào thi đua gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; xây dựng tổ chức Đảng TSVM, xây dựng cơ quan, đơn vị VMTD, thực hiện chính quy hóa Quân đội. Đồng thời duy trì tốt các hoạt động văn - thể - mỹ.
  Xác định tốt chức năng của LLVT là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và lao động sản xuất. Trong những năm qua, LLVT tỉnh đã tham gia làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng, giúp dân trong lao động sản xuất, trong phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, chú trọng những địa bàn trọng điểm vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo. Phương thức hoạt động sát cơ sở, phân tán xuống từng cụm dân cư. Đặc biệt là từ khi có các Đội công tác tăng cường cơ sở, công tác dân vận tuyên truyền đặc biệt đã nâng lên một bước mới, đạt kết quả tốt đẹp.
  Bên cạnh đó, LLVT các cấp trong tỉnh đã tham gia thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, làm tốt các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; đã phối hợp giải quyết tốt các trường hợp tồn đọng về chính sách; tiến hành công tác biểu dương, khen thưởng đạt hiệu quả cao và có tác dụng tốt. Đặc biệt là từ năm 2001 đến nay, LLVT mà trực tiếp là Đội K93 đã quy tập, hồi hương được hàng trăm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ ở CPC. Thành tích trên các lĩnh vực này, LLVT An Giang được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III, Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng III và nhiều phần thưởng cao quý của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Quân khu…
Phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong thời kỳ kháng chiến, phong trào tăng gia sản xuất, xây dựng phát triển kinh tế, bảo đảm hậu cần với Cuộc vận động “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” đạt được nhiều kết quả tốt. Tạo ra của cải, vật chất, lợi nhuận; sử dụng vào các hoạt động của cơ quan, đơn vị, chăm lo đời sống mọi mặt của cán bộ, chiến sĩ góp phần xây dựng các công trình kinh tế - quốc phòng, xây dựng các cơ sở phúc lợi xã hội, hỗ trợ giải quyết chính sách hậu phương quân đội, “Đền ơn đáp nghĩa” và tái sản xuất mở rộng. Các chế độ, tiêu chuẩn theo định lượng đảm bảo nhận đúng, cấp đủ đến tận cán bộ, chiến sĩ… Ngành Hậu cần đã góp phần đáng kể cho yêu cầu nhiệm vụ học tập, công tác, huấn luyện và SSCĐ của LLVT.
Công tác bảo đảm kỹ thuật được quan tâm phát động thành phong trào thường xuyên, duy trì thực hiện tốt vận động 50 về “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”. Từ đó, việc sửa chữa, bảo quản, bảo dưỡng khí tài trang bị bảo đảm tuyệt đối an toàn kho tàng, nhà xưởng. Thành tích nổi bật của ngành kỹ thuật trong những năm qua là đã có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị cao. Một số sáng kiến được Bộ Quốc phòng công nhận và đưa vào sử dụng trong huấn luyện, diễn tập, SSCĐ của toàn quân và vinh dự được Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng III.
Hàng năm, đều tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hoạt động đối ngoại với 02 tỉnh Tà Keo, Kan Dal thuộc Vương quốc Campuchia về việc duy trì các cuộc họp định kỳ giữa chính quyền, lực lượng vũ trang 02 bên theo phân cấp. Quan tâm hỗ trợ bảo đảm ngân sách cho công tác đối ngoại, cấp tỉnh hàng năm từ 01 đến 02 tỷ đồng; các huyện, thị xã biên giới từ 500 đến 700 triệu đồng; các xã, thị trấn biên giới 200 triệu đồng; qua đó công tác đối ngoại thực hiện có hiệu quả, duy trì tốt mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với chính quyền, nhân dân nước bạn Campuchia, góp phần giữ vững an ninh biên giới. Tổ chức thăm chúc tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây kết hợp hỗ trợ tiền từ nguồn kinh phí đối ngoại quân sự năm 2015 cho các đơn vị bạn, tổ chức khám chữa bệnh cho dân nghèo ở địa bàn (CPC). Quan hệ đưa Đội K93 sang làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại tỉnh Takeo và KôngpungSpư được phía bạn quan tâm giúp đỡ.
Có thể khẳng định: trong những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - UBND tỉnh của Đảng ủy - Bộ tư lệnh Quân khu 9; cùng với sự hỗ trợ giúp đỡ của các cơ quan cấp trên. LLVT An Giang đã triển khai toàn diện các mặt công tác; cùng Bộ đội Biên phòng; lực lượng công an nhân dân; cùng các ngành, các địa phương và các tầng lớp nhân dân chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh, gắn xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân với xây dựng thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; giữ vững sự ổn định về chính trị; bảo đảm tốt tình hình ANCT và TTATXH cả trên tuyến biên giới và nội địa; bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị; tạo cho nhân dân có cuộc sống yên bình, hạnh phúc để xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng vững bước đi lên.

PHẦN THỨ TƯ
TRUYỀN THỐNG CỦA LLVT TỈNH AN GIANG

Sinh ra từ cao trào cách mạng tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT An Giang đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang. Đó là:
 I- Trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc và CNXH.
 Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dù chỉ có nớp với giáo và vũ khí tự tạo thô sơ, trong điều kiện gian khổ ác liệt thiếu thốn mọi mặt, nhiều lúc cán bộ, chiến sĩ phải ăn rau muống, ăn bông súng thay cơm, trang phục thiếu rách… nhưng với ý chí căm thù giặc sâu sắc, tình yêu Tổ quốc, đồng bào và lòng trung thành với Đảng; LLVT tỉnh nhà đã kiên cường bám trụ, tìm mọi cách diệt địch, lấy vũ khí của địch trang bị cho ta. Điển hình vào tháng 9/1946 tại chợ Mỹ Đức (Châu Phú) đồng chí Lâm Sơn (người dân tộc khmer) và đồng chí Nguyễn Thành Sang chỉ huy 10 du kích đâm chết 6 tên địch (có 01 tên quan Pháp) lấy được 9 khẩu súng. Cũng trong năm này, đồng chí Phan Kim Xương hai lần leo lên cột dây thép ngay nơi sào huyệt của quân thù ở thị xã Châu Đốc để treo cờ Tổ quốc. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, lúc cao điểm bình định đặc biệt, dù bị địch đánh phá ác liệt làm cho lực lượng ta bị tổn thất rất lớn, có lúc hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch bắn giết, bắt bớ tù đày, nhưng LLVT vẫn kiên cường bám trụ, bám đất, bám dân; liên tục chiến đấu với địch để giữ vững căn cứ cách mạng, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân. Vì vậy phong trào cách mạng vẫn phát triển đều khắp từ vùng núi đến vùng đồng bằng, đô thị. Biết bao tấm gương quả cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Tiêu biểu như nữ anh hùng liệt sỹ người dân tộc khmer - Chị Néang Nghés (ở xã Ô Lâm - Tri Tôn) bị địch bắt, qua nhiều lần đánh đập tra tấn dã man, kể cả dụ dỗ mua chuộc nhưng thất bại, không khuất phục được chị, tên đồn trưởng hỏi: “Nếu tao bắn mày thì mày sẽ nói gì?”, Chị dõng dạc trả lời: “Tao chết Đảng tao còn, các đồng chí của tao còn sẽ tiêu diệt hết bọn mày”. Quả là kiên trung, bất khuất vô ngần. Máu đào của các chiến sĩ cách mạng mãi mãi là hành trang cho chúng ta trên bước đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
 II- Biết đánh, biết thắng, dũng cảm, mưu trí trong chiến  đấu, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng
Trong chiến tranh địch luôn tìm mọi cách tách LLVT ra khỏi quần chúng nhưng cán bộ, chiến sỹ đã tích cực, kiên trì bám địa bàn, bám dân, bán đất vừa chiến đấu, vừa vũ trang tuyên truyền, phát động giác ngộ quần chúng để xây dựng lực lượng tại chỗ, diệt ác, phá thế kềm kẹp của địch để phát triển phong trào đấu tranh cách mạng. Ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích), đánh địch bằng 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh địch vận), tạo thế và lực liên tục tiến công địch, mọi nơi trên cả 3 vùng đồng bằng và đô thị làm cho địch hoang mang giao động, bị động đối phó dẫn đến thất bại. Các đơn vị d364 (d512), c1, c385, đội nữ pháo binh Châu Đốc, đội biệt động Long Xuyên “đội quân tóc dài”, bộ đội địa phương các huyện, dân quân du kích các xã… đã bao phen làm quân địch khiếp vía, kinh hồn. Các địa danh: cột dây thép Long Điền, sông Sở Thượng, cầu sắt Vĩnh Thông, Ô Tà sóc, đồi Tức Dụp, Giồng Trà Dên, Bún Bình Thiên, đồng tràm Huệ Đức, núi Phú Cường v.v… vẫn mãi mãi còn ghi đậm những chiến công, thành tích đánh thắng quân thù của quân dân An Giang trong các thời kỳ đấu tranh cách mạng.
III- Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân lao động, LLVT cùng nhân dân chiến đấu và chiến thắng
LLVT ra đời và trưởng thành trong lòng nhân dân, nhân dân là người mẹ hiền hết lòng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, động viên LLVT; tạo nên sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn. Người mẹ đó còn kề vai sát cánh với đứa con ruột thịt của mình, cùng chịu đựng gian khổ hy sinh để chiến đấu và chiến thắng. Do vậy, “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” đã trở thành mục tiêu chiến đấu và phương pháp hoạt động của LLVT. Làm sao những chiến sỹ cách mạng An Giang có thể quên được những tháng năm đấu tranh gian khổ, ác liệt được sống trong sự đùm bọc, chở che của đồng bào các dân tộc, các tôn giáo yêu nước; của biết bao quần chúng cơ sở đã hy sinh, đóng góp máu xương, tiền của, ruộng vườn, tài sản cho ngày toàn thắng. Nhiều bà mẹ rứt ruột tiễn đưa đứa con độc nhất của mình đi chiến đấu. Bà mẹ Cúc ở xã Khánh Bình (An Phú) chồng hy sinh, có 3 con trai, bà đã lần lượt cho đi kháng chiến và các anh cũng đã lần lượt nằm lại ở chiến trường, còn một mình bà cũng thoát ly để cùng quyết chiến đấu với quân thù và mẹ cũng đã nằm xuống vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Bà mẹ Phòng ở Thới Sơn (Tịnh Biên) hàng ngày hái rau, bông súng bán lấy tiền mua gạo để dành nuôi bộ đội. Bà Neáng Ky ở Ô Lâm (Tri Tôn) chồng hy sinh, bà thay chồng làm giao liên và cùng bà con đấu tranh chính trị, nuôi dấu cán bộ, chăm sóc thương binh và lần lượt đưa 3 người con đi làm cách mạng từ lúc 13, 14 tuổi… còn biết bao bà mẹ, người chị không nghĩ đến thân mình, đi đầu trong các cuộc đấu tranh chính trị; cưu mang, đùm bọc, nuôi dưỡng, bảo vệ chồng, con, em và những chiến sỹ cách mạng từ khắp mọi miền đất nước về đây công tác chiến đấu để có được hòa bình độc lập hôm nay.
IV- LLVT An Giang có tinh thần đoàn kết chặt chẽ và có ý thức tổ chức kỷ luật tự giác nghiêm minh. Cán bộ, chiến sỹ thương yêu nhau trên dưới một lòng
Kế thừa truyền thống đoàn kết của dân tộc, trong cuộc chiến đấu một mất, một còn với kẻ thù, LLVT đã trở thành một khối thống nhất cả về ý chí và hành động; luôn gắn bó với nhau trên mọi địa bàn, mọi trận chiến; cùng chia ngọt, sẻ bùi, lúc thường cũng như lúc ra trận, cùng chiến đấu hy sinh vì mục tiêu lý tưởng cao cả của Đảng. Trong chiến đấu có biết bao gương hy sinh quên mình vì đồng đội, đồng bào của cán bộ, chiến sỹ LLVT; cùng có mặt trên tuyến đầu, cùng niềm vui thắng lợi, có lúc cùng hy sinh bên nhau. Như 2 đồng chí Phạm Văn Cương và Nguyễn Văn Ba ở đơn vị huyện đội Chợ Mới, bị địch phát hiện trong hầm bí mật, 2 đồng chí đánh trả quyết liệt, diệt và làm bị thương 10 tên địch, cuối cùng ta chỉ còn 2 đ/c và một bên là trăm quân địch, vũ khí chỉ còn 1 quả mìn. Sau khi hủy tất cả tài liệu mang theo và súng của mình, 2 đồng chí đặt mìn lên miệng hầm, chờ địch bu lại, 2 đồng chí châm mìn nổ tung, làm rung chuyển cả một vùng cù lao sông Tiền, diệt thêm một số tên địch, 2 đồng chí cùng anh dũng hy sinh.
Có tổ chức chặt chẽ và ý thức được kỷ luật là sức mạnh của LLVT, nên lúc nào cán bộ, chiến sỹ cũng giữ nghiêm kỷ luật với tinh thần tự giác cao. Giữ vững kỷ luật trong chiến đấu, trong huấn luyện, công tác, trong lao động sản xuất, trong tiếp xúc quan hệ với dân đã làm cho LLVT chiến đấu, chiến thắng và không ngừng lớn mạnh trưởng thành.
V- Mang bản chất giai cấp công nhân, lực lượng vũ trang luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, đoàn kết quốc tế thủy chung, chí nghĩa, chí tình
Kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế vô sản cao cả. Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, quân dân An Giang còn gặp muôn vàn khó khăn nhưng ta vẫn dành tình cảm đặc biệt cho cách mạng của bạn. Ta đã cưu mang, đùm bọc lực lượng của bạn khi bạn bị địch đánh bật ra khỏi địa bàn; giúp bạn xây dựng căn cứ, mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện cho bạn đứng chân chống thực dân Pháp.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khi Lon-non đảo chính Xi-ha-núc (1970), đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh trên toàn Đông Dương, An Giang là tỉnh đầu tiên trực tiếp tham gia giúp bạn đánh địch giành chính quyền ở hầu hết 2 tỉnh Tà Keo, Cần Đal; đồng thời giúp bạn xây dựng LLVT, lực lượng bán vũ trang, giữ vững chính quyền vùng giải phóng. Và 10 năm (1979 - 1988), người lính tình nguyện của An Giang lại tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế vẻ vang trên địa bàn tỉnh Tà Keo và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Để lại trong lòng cán bộ, chiến sỹ, nhân dân bạn những hình ảnh, kỷ niệm tốt đẹp không bao giờ phai.

PHẦN THỨ NĂM
NHỮNG TẬP THỂ VÀ CÁ NHÂN ĐƯỢC TUYÊN DƯƠNG
DANH HIỆU ANH HÙNG LLVT NHÂN DÂN

* Bao gồm: LLVT nhân dân địa phương, lực lượng Công an nhân dân, lực lượng Bộ đội biên phòng và lực lượng Giao bưu - Thông tin liên lạc.
* Tổng số: 66 tập thể và 33 cá nhân.
+ Tập thể:
    - Thời kỳ chống Mỹ                          : 55
    - Thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: 11
+ Cá nhân:
    - Thời kỳ chống Pháp                : 01                                                                                                          
    - Thời kỳ chống Mỹ                  : 29
    - Thời kỳ bảo vệ Tổ quốc          : 03

I- TẬP THỂ:
*THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC:
1- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh An Giang, ngày tuyên dương: 2/10/2000.
2- Lực lượng Công an nhân dân tỉnh An Giang, ngày tuyên dương 12/8/1980.
3- Lực lượng Giao bưu - Thông tin tỉnh An Giang, ngày tuyên dương 28/4/2000.
4- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Tri Tôn, ngày 20/11/1990.
5- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Thoại Sơn, ngày tuyên dương 28/4/2000.
6- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện An Phú, ngày tuyên dương 23/5/2005.
7- Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Tịnh Biên, ngày tuyên dương 6/11/1978.
8- Dân quân du kích xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, ngày tuyên dương 6/11/1978.
9- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Ô lâm, huyện Tri Tôn, ngày tuyên dương 20/12/1994.
10- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, ngày tuyên dương 20/12/1994.
11- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã An Tức, huyện Tri Tôn, ngày tuyên dương 22/12/1998.
12- Dân quân du kích xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, ngày tuyên dương 6/11/1978.
13- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã An Nông, huyện Tịnh Biên, ngày tuyên dương 29/1/1996.
14- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên, ngày tuyên dương 29/1/1996.
15- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã An Phú, huyện Tịnh Biên, ngày tuyên dương 22/8/1998.
16- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, ngày tuyên dương 03/11/2004.
17- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, ngày tuyên dương 03/11/2004.
18- Ban công an xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, ngày tuyên dương 12/8/1980.
19- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Phú Hữu, huyện An Phú, ngày tuyên dương 29/1/1996.
20- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Khánh Bình, huyện An Phú, ngày tuyên dương 29/1/1996.
21- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Nhơn Hội, huyện An Phú, ngày tuyên dương 22/8/1998.
22- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Phú Hội, huyện An Phú, ngày tuyên dương 23/5/2005.
23- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, ngày tuyên dương 23/5/2005.
24- Ban công an xã Phú Hội, huyện An Phú, ngày tuyên dương 12/8/1980.
25- Ban công an xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, ngày tuyên dương 12/8/1980.
26- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Tân An, huyện Tân Châu , ngày tuyên dương 20/12/1994.
27- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Long Phú, huyện Tân Châu, ngày tuyên dương 22/8/1998.
28- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Vĩnh Hòa, huyện Tân Châu, ngày tuyên dương 18/4/2005.
29- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Vĩnh Xương, huyện Tân Châu, ngày tuyên dương18/4/2005.
30- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Hội An, huyện Chợ Mới, ngày tuyên dương 19/1/1996.
31- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xa Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, ngày tuyên dương 22/8/1998.
32- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên, ngày tuyên dương 29/1/1996.
33- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Vĩnh Tế, TX Châu Đốc, ngày tuyên dương 29/1/1996.
34- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, ngày tuyên dương 29/1/1996.
35- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, ngày tuyên dương 29/1/1996.
36- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Long Sơn, huyện Phú Tân, ngày tuyên dương 29/1/1996.
37- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, ngày tuyên dương 22/8/1998.
38- Ban An ninh huyện Phú Châu, ngày tuyên dương 12/8/1980.
39- Đội An ninh vũ trang - Ty Công an An Giang, ngày tuyên dương 13/8/1980.
40- Cán bộ, chiến sĩ Ban an ninh - Công an huyện Tri Tôn, ngày tuyên dương 22/7/1998.
41- Tiểu đoàn 1 (Tiểu đoàn 512) tỉnh An Giang, ngày tuyên dương 20/12/1979.
42- Đại đội 1 - Tiểu đoàn 512 tỉnh An Giang, ngày tuyên dương 20/10/1976.
43- Dân quân du kích xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, ngày tuyên dương 06/11/1979.
44- Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, ngày tuyên dương 24/6/2005.
45- Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, ngày tuyên dương 24/6/2005.
46- Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, ngày tuyên dương 24/6/2005.
47- Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, ngày tuyên dương 24/6/2005.
48- Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Tân Châu, ngày tuyên dương 28/5/2010.
49- Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Châu Phú, ngày tuyên dương 28/5/2010.
50- Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, ngày tuyên dương 28/5/2010.
51- Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, ngày tuyên dương 28/5/2010.
52- Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, ngày tuyên dương 28/5/2010.
53- Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, ngày tuyên dương 28/5/2010.
54- Nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố Châu Đốc, ngày tuyên dương 16/12/2014.
55- Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Chợ Mới, ngày tuyên dương 16/12/2014.

* THỜI XÂY DỰNG BẢO VỆ TỔ QUỐC:
01- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Tịnh Biên (*29/11/1990).
02- Cán bộ, chiến sĩ công an huyện Tịnh Biên (*29/8/1985).
03- Cán bộ, chiến sĩ Phòng cảnh sát hình sự - Công an tỉnh An Giang (*29/8/1985).
04- Phòng bảo vệ chính trị 1 - Công an tỉnh An Giang (*21/1/1997).
05- Phân trại cải tạo Núi Cấm - Trại cải tạo Công an tỉnh An Giang (*28/8/1998).
06- Đồn biên phòng 941 (Vĩnh Hội Đông), Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang (*3/8/1998).
07- Đồn biên phòng cửa khẩu sông Tiền, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang (*31/7/1998).
08- Phân đội cơ động, Đồn Biên phòng 933 (Long Bình), Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang (*20/12/1979).
09- Dân quân du kích xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (*20/12/1979).
10- Dân quân du kích xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (*20/12/1979).
11- Đồn Công an Thị trấn An Phú, huyện An Phú (*12/8/1980).

II- CÁ NHÂN
* THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP:
01- Liệt sỹ: Ngô Thất Sơn (Trịnh Ngọc Anh) - sinh năm 1919, nguyên quán: Vĩnh Gia, Tri Tôn, tham gia cách mạng: 8/1945, đơn vị công tác: Trung đoàn 5, bộ đội hải ngoại số 1, (trung đoàn phó), hy sinh: 10/11/1952 (được tuyên dương ngày 20/12/1994).
* THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC
01- Trương Khánh Châu - sinh năm 1933, nguyên quán: xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tham gia cách mạng 1950. Đơn vị công tác: Phòng kỹ thuật sư đoàn 317, Phòng không - Không quân (được tuyên dương ngày 31/12/1973). Trung tướng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Hiện nay nghỉ hưu.
02- Vũ Khắc Sương (Võ Khắc Sương, Vũ Văn Cẩn) - sinh năm 1924, nguyên quán: xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, tham gia cách mạng tháng 8/1945. Đơn vị công tác: Tỉnh đội An Giang, nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang (được tuyên dương 27/4/2012). Thiếu tướng - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang).
03- Nguyễn Minh Hồng (Út Đậu) - sinh năm 1945, nguyên quán: xã Bình Thạnh Trung, Lấp Vò, Đồng Tháp, tham gia cách mạng 1963, đơn vị công tác: tỉnh đội An Giang, Đại tá - Nguyên Phó chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, mất ngày 25/12/2000. (ngày tuyên dương 6/11//1978).
04- Liệt sỹ: Nguyễn Văn Bịch (Nguyễn Thanh Sơn) - sinh năm 1944, nguyên quán: Bình Phước Xuân, Chợ Mới, tham gia cách mạng: 1961, đơn vị công tác: Huyện đội Chợ Mới, hy sinh ngày 24/12/1978. (ngày tuyên dương 6/11/1978).
05- Liệt sỹ: Huỳnh Thị Hưởng - sinh năm: 1941, nguyên quán: Hội An, Chợ Mới, tham gia cách mạng: 1961, đơn vị công tác: Du kích xã Hội An, hy sinh ngày 18/7/1965. (ngày tuyên dương 29/3/1985).
06- Liệt sỹ: Phan Thị Ràng (Tư Phùng, Chị Sứ)  -  sinh năm 1936, nguyên quán: Lương Phi, Tri Tôn, tham gia cách mạng: 1953, đơn vị công tác: Huyện ủy Hòn Đất, Kiên Giang (Huyện ủy viên), hy sinh: 9/1/1962. (ngày tuyên dương 20/12/1994).
07- Liệt sỹ: Trần Thanh Lạc - sinh năm 1945, nguyên quán: Lương Phi, Tri Tôn, tham gia cách mạng: 1966, đơn vị công tác: Huyện đội Tri Tôn (Huyện đội trưởng), hy sinh: 20/4/1973. (ngày tuyên dương 20/12/1994).
08- Liệt sỹ: Lục Văn Nhì - sinh năm 1948, nguyên quán: Ba Chúc, Tri Tôn, tham gia cách mạng: 1960, đơn vị công tác: Ban An ninh tỉnh Long Châu Hà, hy sinh: 07/5/1972. (ngày tuyên dương 03/8/1995).
09- Liệt sỹ: Thái Văn Chính Tiều (Thái Quốc Hùng) - sinh năm 1933, nguyên quán: Thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tham, gia cách mạng: 1954, đơn vị công tác: Ban An ninh tỉnh long Châu Hà (nguyên Thường vụ huyện ủy Tri Tôn), hy sinh: 04/01/1972. (*22/7/1998).
10- Liệt sỹ : Võ Anh Đăng - sinh năm 1930, nguyên quán: Long Điền ,Chợ Mới, tham gia cách mạng 1948, đơn vị công tác: Huyện ủy Chợ Mới (Ủy viên Thường vụ), hy sinh năm 1969 (ngày tuyên dương 01/9/2000).
11- Liệt sỹ: Nguyễn Văn Tâm (Quý), nguyên quán: Thới Sơn, Tịnh Biên, tham gia cách mạng 1948, đơn vị công tác: xã đội Thới Sơn, (Xã đội trưởng), hy sinh ngày 9/10/1963. (tuyên dương ngày: 1/9/2000).
12- Liệt sỹ : Võ Văn Hoài, nguyên quán: Tân Thời, Gò Công Đông, Tiền Giang, tham gia cách mạng: 1945, đơn vị công tác: Tiểu đoàn 512 (Đại đội trưởng), hy sinh tháng 6/1967 (ngày tuyên dương 28/4/2000).
13- Nguyễn Xuân Hoàng, nguyên quán: Dương Tơ, Phú Quốc, tham gia cách mạng năm 1968, đơn vị công tác: Tỉnh đội An Giang (ngày tuyên dương 31/7/1998). Đại tá, nguyên Phó Chủ nhiệm Cục Kỹ thuật Quân khu 9. Hiện nay nghỉ hưu.
14- Liệt sỹ: Hà Hồng Hổ, sinh năm 1945, nguyên quán: Phú Thành, Thanh Bình, Đồng Tháp, tham gia cách mạng 1970, đơn vị công tác: Tỉnh đội An Giang, hy sinh: 18/11/1978 (ngày tuyên dương 06/11/1978).
15- Liệt sỹ: Néang Nghés, sinh năm 1942, nguyên quán: Ô lâm, Tri Tôn. Tham gia cách mạng: 2/1/1960. Đơn vị công tác: Ban chấp hành phụ nữ xã Ô lâm. Hy sinh: 15/3/1962 (ngày tuyên dương 23/5/2005).
16- Liệt sỹ: Hà Văn Nết, sinh năm 1934, nguyên quán Ba Chúc, Tri Tôn. Tham gia cách mạng năm 1950, đơn vị công tác xã đội Ba Chúc, giữ chức xã đội trưởng. Hy sinh ngày 10/10/1964 (ngày tuyên dương 05/12/2007).
17- Liệt sỹ: Huỳnh Văn Triển, sinh năm 1921, nguyên quán Mỹ Hiệp, Chợ Mới. Tham gia cách mạng năm 1947. Cán bộ phong trào xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới. Hy sinh ngày 01/5/1965. (ngày tuyên dương 05/12/2007).
18- Liệt sỹ: Dương Văn Hảo, sinh năm 1926, nguyên quán Thới Sơn, Tịnh Biên. Tham gia cách mạng tháng 8/1945. Đơn vị công tác chỉ huy phó Quân đội Thất Sơn. Hy sinh tháng 2/1959. (ngày tuyên dương 05/12/2007).
19- Liệt sỹ: Phan Văn Hồng, sinh năm 1929, nguyên quán Nhơn Hưng, Tịnh Biên. Tham gia cách mạng thang 8/1945, đơn vị công tác xã đội trưởng Nhơn Hưng, Tịnh Biên. Hy sinh ngày 15/4/1963. (ngày tuyên dương 05/12/2007).
20- Liệt sỹ: Nguyễn Đăng Sơn, sinh năm 1944, nguyên quán Long Điền B, Chợ Mới. Tham gia cách mạng năm 1957. Hy sinh ngày 08/4/1961. (ngày tuyên dương 05/12/2007).
21- Huỳnh Trí, sinh năm 1949, nguyên quán Phú Hữu, An Phú. Tham gia cách mạng ngày 15/4/1969. Đại tá, nguyên Chủ nhiệm Chính trị - Bộ CHQS tỉnh. Nghỉ hưu ngày 01/9/2000 (ngày tuyên dương 05/12/2007).
22- Liệt sỹ: Nguyễn Văn Muôn, sinh năm 1929 nguyên quán Huệ Đức (Thoại Sơn), đơn vị công tác nguyên cán bộ Đội biệt động huyện Huệ Đức. (*22/02/2010).
23- Liệt sỹ: Nguyễn Văn Tây, sinh năm 1922, nguyên quán Chợ Mới, đơn vị công tác nguyên Huyện đội trưởng huyện Chợ Mới. Hy sinh tháng 7/1966. (ngày tuyên dương 22/02/2010).
24- Liệt sỹ: Nguyễn Văn Ba, sinh năm 1938, nguyên quán Hội An, Chợ Mới, đơn vị công tác nguyên Trung đội trưởng bộ đội địa phương huyện Chợ Mới. Hy sinh ngày 02/5/1963. (ngày tuyên dương 22/02/2010).
25- Liệt sỹ: Phạm Văn Cương, sinh năm 1939, nguyên quán Tấn Mỹ, Chợ Mới, đơn vị công tác nguyên Trung đội trưởng Đặc công huyện Chợ Mới. Hy sinh ngày 02/5/1963. (ngày tuyên dương 22/02/2010).
26- Liệt sỹ: Nguyễn Thị Bạo, sinh năm 1944, nguyên quán Huệ Đức (Thoại Sơn), đơn vị công tác nguyên cán bộ giao liên huyện Huệ Đức (Thoại Sơn). (*22/02/2010).
27- Liệt sỹ: Lê Thị Sy, sinh năm 1939, nguyên quán Xóm Hòa Hưng, Sài Gòn (nay thuộc phường 12 - 13, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh), đơn vị công tác nguyên cán bộ giao liên huyện Tri Tôn. Hy sinh ngày 15 tháng 3 năm 1969. (ngày tuyên dương 30/01/2011).
28- Lê Văn Hai (Hai Cư), sinh năm 1934, nguyên quán Trác Quan, Bảy Núi (nay là Châu Lăng, Tri Tôn), đơn vị công tác Huyện đội trưởng Tri Tôn, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang (ngày tuyên dương 30/01/2011).
29- Liệt sỹ: Lê Hưng Nhượng (bí danh: Tư Đen), sinh năm 1926, nguyên quán xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nguyên Bí thư Huyện ủy kiêm Huyện đội trưởng, huyện Chợ Mới. Tham gia cách mạng năm 1945 (ngày tuyên dương 09/10/2014).
30- Liệt sỹ: Dương Bình Giang (tên thật Huỳnh Chí Công), sinh năm 1923, nguyên quán xã Tân An, huyện Tân Châu (nay là Thị xã Tân Châu), tỉnh An Giang. Trú quán: xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Tham gia cách mạng tháng 3/1945. Đơn vị công tác: nguyên Tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn 512, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, Quân khu 9 (ngày tuyên dương 09/10/2014).

* THỜI KỲ XÂY DỰNG - BẢO VỆ TỔ QUỐC:
01- Liệt sỹ: Hoàng Kim Long, sinh năm 1959, nguyên quán: Tây Sơn, Tiền Hải, Thái Bình, tham gia cách mạng: 5/1977, đơn vị công tác: Bộ đội Biên phòng An Giang, hy sinh: 17/4/1978 (ngày tuyên dương 20/12/1979).
02- Liệt sỹ: Lâm Thanh Hồng, sinh năm 1959, nguyên quán: Vọng Thê, Thoại sơn, tham gia cách mạng: 01/1978, đơn vị công tác: Tỉnh An Giang, hy sinh ngày: 05/7/1984 (*25/01/1983).
03- Liệt sỹ: Huỳnh Vũ Hùng, sinh năm 1955, nguyên quán: Nhơn Hưng, Tịnh Biên, tham gia cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, đơn vị công tác: xã đội Nhơn Hưng (thương binh 1/1), (ngày tuyên dương 20/12/1979).
 
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36709310