Truy cập hiện tại

Đang có 66 khách và không thành viên đang online

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam

(TUAG)- Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024). Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh An Giang trân trọng giới thiệu.



I. KHÁI QUÁT SỰ RA ĐỜI CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN VÀ CÔNG HỘI ĐỎ - TIỀN THÂN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

1. Sự ra đời của của giai cấp công nhân Việt Nam

Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời và phát triển gắn liền với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp những năm cuối thế kỷ XIX. Trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược, xã hội Việt Nam vẫn là một xã hội phong kiến với hai giai cấp cơ bản là giai cấp địa chủ phong kiến và giai cấp nông dân; duy trì nền kinh tế lạc hậu dựa vào sản xuất tiểu nông là chính, cơ sở kinh tế công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển. Sau khi cuộc xâm lăng và bình định đã cơ bản hoàn thành, thực dân Pháp liền bắt tay tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất với quy mô mở rộng ra cả nước. Các nhà máy rượu bia, vải sợi, điện nước, ngành đường sắt, hầm mỏ, đồn điền cao su, cà phê... lần lượt ra đời và cùng với đó đội ngũ những người công nhân Việt Nam đầu tiên được hình thành. Họ là những người nông dân bị tước đoạt hết ruộng đất, những người thợ thủ công bị phá sản buộc phải vào làm việc trong các doanh nghiệp tư bản Pháp. Theo số liệu thống kê trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tổng số công nhân của Việt Nam khoảng trên 10 vạn người, chủ yếu tập trung ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, Sài Gòn - Chợ Lớn, Hải Phòng và vùng mỏ Quảng Ninh...

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, để bù đắp những tổn thất, thực dân Pháp đã tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai với quy mô và tốc độ lớn hơn trước. Chúng tăng cường đầu tư vào các ngành khai khoáng, giao thông vận tải, đồn điền, công nghiệp chế biến, dệt may... nhằm tăng cường vơ vét và bóc lột ở các nước thuộc địa. Thời kỳ này, số lượng công nhân Việt Nam đã phát triển nhanh chóng lên đến trên 22 vạn người vào đầu năm 1929.

Dưới sự áp bức bóc lột hà khắc của thực dân, phong kiến, giai cấp công nhân Việt Nam đã đoàn kết, tổ chức tập hợp nhau lại đấu tranh đòi quyền lợi, dẫn đến hình thành các Hội Ái hữu, Hội Tương tế trong các nhà máy, xí nghiệp. Cuối năm 1920, người công nhân yêu nước Tôn Đức Thắng đã vận động thành lập Công hội Ba Son ở Sài Gòn, mở đầu cho phong trào đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc.

2. Sự ra đời của Công hội đỏ Bắc Kỳ - tiền thân của Công đoàn Việt Nam ngày nay

Quá trình hình thành và phát triển của Công hội đỏ Bắc Kỳ gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong những năm đầu của thế kỷ XX. Người đã tham gia Công đoàn hải ngoại Anh khi hoạt động tại Luân Đôn trong những năm 1914 - 1917; gia nhập Công đoàn Kim khí quận 17 Pari vào năm 1919. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đặt cơ sở lý luận và nền tảng tư tưởng cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh", Người chỉ dẫn: "Tổ chức Công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới". Tháng 6/1925, Người sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu - Trung Quốc và trực tiếp giảng dạy nhằm nâng cao lý luận chính trị cho học viên.

Những năm 1925 - 1928, dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào "Vô sản hóa" đã thâm nhập sâu rộng vào trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm lò để tuyên truyền, vận động công nhân tích cực tham gia phong trào đấu tranh. Sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên (3/1929), đặc biệt là sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929) là kết quả của quá trình vận động, tổ chức công nhân mà Nguyễn Đức Cảnh là một trong những sáng lập viên và giữ vai trò quan trọng. Trên cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương lâm thời phân công phụ trách công tác vận động công nhân.

Nhận thức được vai trò quan trọng của tổ chức Công hội, của công nhân trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, bóc lột, bảo vệ quyền lợi của công nhân, Nguyễn Đức Cảnh và những người đồng chí đã tích cực tổ chức cuộc vận động phong trào công nhân, trước hết là phong trào công nhân Bắc Kỳ để thành lập tổ chức Công hội. Ngày 28/7/1929, Đại hội đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất khai mạc do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì. Đại hội đã quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, thông qua Điều lệ và hệ thống tổ chức của Công hội, ra báo "Lao động" và tạp chí "Công hội Đỏ", bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng. Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Kể từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, đứng ra dẫn dắt phong trào.

II. PHONG TRÀO CÔNG NHÂN VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN QUA CÁC THỜI KỲ CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM

1. Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945)

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng Công hội Đỏ đã tập hợp lực lượng thợ thuyền, đội quân chủ lực của cách mạng Việt Nam, tạo nên cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Cuối năm 1931, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam bị thực dân Pháp đàn áp dã man, hầu hết số cán bộ Đảng và Công hội Đỏ đều bị địch bắt, khiến cho mối liên lạc giữa Đảng và quần chúng, giữa Công hội Đỏ và phong trào công nhân gần như bị gián đoạn. Trong điều kiện đó, bất chấp sự kiểm soát gắt gao của thực dân Pháp, Công hội Đỏ vẫn tích cực tuyên truyền, vận động công nhân, phát triển tổ chức. Từ năm 1932 - 1936, phong trào cách mạng trong cả nước bắt đầu phục hồi.

Từ năm 1936 - 1939, tổ chức Công hội Đỏ đổi tên thành Nghiệp đoàn Ái hữu và chuyển sang thời kỳ hoạt động bán công khai. Nhờ sự tổ chức linh hoạt, thích hợp với tình hình, phong trào công nhân giai đoạn này vẫn phát triển mạnh mẽ. Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp đầu hàng và thỏa hiệp với phát xít Nhật thẳng tay đàn áp phong trào dân chủ chống chiến tranh của nhân dân ta, thủ tiêu các quyền tự do nghiệp đoàn. Trước tình hình đó, tổ chức Nghiệp đoàn Ái hữu phải rút vào hoạt động bí mật và lấy tên là "Hội Công nhân phản đế", năm 1941 đổi thành "Hội Công nhân cứu quốc" làm nòng cốt cho hoạt động của tổ chức Việt Minh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Công đoàn thực sự là trung tâm đoàn kết của công nhân lao động Việt Nam. Với trên 20 vạn người vào thời điểm năm 1945, các đoàn viên Công đoàn trở thành lực lượng nòng cốt làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

2. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

Sau Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 3/1946, Hội nghị đại biểu Công nhân cứu quốc Bắc Bộ, Trung Bộ và Tổng Công đoàn Nam Bộ đã quyết định thống nhất về mặt tổ chức trên phạm vi cả nước thành "Hội Công nhân cứu quốc". Tháng 6/1946, tại Hội nghị cán bộ Công đoàn cứu quốc đã đổi tên "Hội Công nhân cứu quốc" thành "Công đoàn". Ngày 20/7/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam" đã chính thức được thành lập và được công nhận là thành viên chính thức của Liên hiệp Công đoàn thế giới vào năm 1949.

Trong những năm đầu đất nước giành độc lập, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám, tham gia tích cực vào cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, các đội cảm tử Thủ đô, trong đó nòng cốt là công nhân đã chiến đấu với tinh thần quả cảm, anh dũng.

Thực hiện nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức vận động công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tập trung xây dựng nhà máy, công xưởng, sản xuất vũ khí, khí tài quân sự; khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua lao động phục vụ kháng chiến. Tại chiến khu Việt Bắc, từ ngày 01 - 15/01/1950, Đại hội lần thứ I Công đoàn Việt Nam đã đề ra mục tiêu: "Động viên công nhân viên chức cả nước, nhất là công nhân ngành Quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gồm 21 ủy viên chính thức và 04 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm Tổng Thư ký.

Tháng 02/1951, Đại hội lần thứ II của Đảng đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế phục vụ tổng phản công, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng, Công đoàn vận động công nhân hăng hái sản xuất và tham gia quản lý, xây dựng xí nghiệp. Đây là bước chuyển biến lớn về nhận thức tư tưởng và phương thức hoạt động Công đoàn. Từ đây trong các xí nghiệp quốc doanh, Công đoàn đại diện cho công nhân tham gia các Ủy ban xí nghiệp, góp phần trực tiếp quản lý sản xuất kinh doanh, đưa nền kinh tế kháng chiến phát triển về mọi mặt. Ở vùng tự do, Công đoàn phát động công nhân "Thi đua sản xuất, thi đua xây dựng", "Cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến, trau dồi nghề nghiệp". Phong trào được tổ chức, chỉ đạo tương đối chặt chẽ, thực hiện dân chủ trong quản lý sản xuất.

Giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, đấu tranh kiên cường, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc vẻ vang 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

3. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975)

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam tạm thời bị chia thành hai miền, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam còn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ.

Đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa I) họp vào tháng 8/1954 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là "Cần phải động viên, tổ chức đông đảo quần chúng lao động trong các đô thị thành một lực lượng mạnh mẽ làm chỗ dựa tốt nhất, chắc chắn nhất cho chính quyền tiến hành công tác tiếp thu, phục hồi sản xuất, giữ gìn an ninh, trật tự thành phố".

Ở miền Bắc tiến hành công cuộc tái thiết đất nước, khó khăn tiếp tục đặt lên vai người công nhân. Với trách nhiệm chủ nhân của đất nước, đội ngũ CNVCLĐ đã đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhờ vậy chỉ trong thời gian ngắn hoạt động sản xuất tại các cơ sở công nghiệp đã phục hồi. Qua thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, những điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của giai cấp công nhân được lan tỏa, như "Sóng Duyên Hải", "Hợp tác xã Thành Công", "Ba quyết tâm"… đã xuất hiện nhiều CNVCLĐ tiêu biểu được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, là những tấm gương sáng trong học tập, lao động sản xuất và chiến đấu.

Ở miền Nam, phong trào công nhân, Công đoàn hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn. Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm ra sức khủng bố, đàn áp. Các ngành công nghiệp, thủ công nghiệp bị đình đốn, đời sống của CNVCLĐ khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng đã chỉ đạo các cơ sở trong nội thành, trong các đồn điền phải tìm mọi cách bám đất, bám dân phát triển lực lượng, tổ chức cho công nhân đấu tranh.

Ngày 05/11/1957, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh số 108-SL/L10 về ban hành Luật Công đoàn đã tạo cơ sở pháp lý, nâng cao vị trí của tổ chức Công đoàn, củng cố vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân trong tình hình mới. Thắng lợi của công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu phát triển kinh tế, văn hóa đã tạo ra những tiền đề quan trọng góp phần xây dựng và đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, thành quả đó có đóng góp quan trọng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Trước những yêu cầu mới, Đại hội lần thứ II Công đoàn Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 23 - 27/2/1961 đã quyết định đổi tên "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam" thành "Tổng Công đoàn Việt Nam". Đại hội đã đề ra mục tiêu: "Động viên cán bộ, công nhân, viên chức thi đua lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với tinh thần mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 55 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch; đồng chí Trần Danh Tuyên, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Tổng Thư ký.

Đại hội lần thứ III Công đoàn Việt Nam, họp từ ngày 11 - 14/2/1974 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đề ra mục tiêu "Các cấp Công đoàn phải phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội với năng suất lao động, hiệu quả công tác, phục vụ và tham gia chiến đấu, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 72 ủy viên, Ban Thư ký gồm 09 ủy viên. Đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được bầu làm Chủ tịch danh dự Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Các đồng chí Nguyễn Công Hòa, Trương Thị Mỹ được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam.

Tổng Công đoàn Việt Nam tham gia xây dựng một số chế độ, chính sách bổ sung và sửa đổi về lao động, tiền lương, tiền thưởng. Liên hiệp Công đoàn các tỉnh, thành phố đã ký kết Nghị quyết liên tịch với chính quyền đồng cấp về việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với CNVCLĐ. Nhiều công đoàn cơ sở đã kịp thời động viên CNVCLĐ thi đua lao động, sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao. Việc thực hiện quy tắc an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp được thực hiện tốt hơn, cải thiện điều kiện làm việc cho CNVCLĐ.

Năm 1965, Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam được thành lập và không ngừng được củng cố và phát triển, vừa tổ chức cho CNVCLĐ các thành phố đấu tranh, vừa động viên CNVCLĐ vùng giải phóng đẩy mạnh sản xuất phục vụ chiến đấu. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh, Công đoàn giải phóng đã vận động CNVCLĐ ở các đô thị đồng loạt nổi dậy, phối hợp với lực lượng vũ trang tiêu diệt địch, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

4. Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975 - 1986)

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đã tạo điều kiện cơ bản để thống nhất tổ chức Công đoàn trên phạm vi toàn quốc. Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, từ tháng 01/1976 Tổng Công đoàn Việt Nam và Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam bắt tay vào chuẩn bị các điều kiện cho việc thống nhất tổ chức Công đoàn của giai cấp công nhân Việt Nam. Ngày 06/6/1976, Hội nghị Công đoàn toàn quốc được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh đã quyết định thống nhất Công đoàn hai miền Nam, Bắc thành "Tổng Công đoàn Việt Nam".

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IV, họp từ ngày 08 - 11/5/1978, tại Thủ Hà Nội, đề ra mục tiêu: "Động viên giai cấp công nhân và những người lao động khác thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong cả nước". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 155 ủy viên, Ban Thư ký gồm 12 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị được bầu làm Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; đồng chí Nguyễn Hộ được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam Tổng Công đoàn Việt Nam.

Những năm 1981 - 1982, Công đoàn đã tiến hành nhiều đợt tuyên truyền sâu rộng trong công nhân, viên chức về tình hình và nhiệm vụ của đất nước, về chủ trương, chính sách, nhất là các chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước. Đi đôi với giáo dục chính trị, Công đoàn đã có nhiều cố gắng trong việc duy trì phong trào học bổ túc văn hoá, kỹ thuật, nghiệp vụ; đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng, thể dục thể thao; công tác báo chí, xuất bản của Công đoàn đã có những tiến bộ mới.

Đại hội lần thứ V Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 16 - 18/11/1983, tại Thủ đô Hà Nội, xác định: Đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất trong công nhân, viên chức; phát động phong trào công nhân, viên chức thi đua phục vụ nông nghiệp, đưa nông nghiệp từng bước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; lập lại trật tự xã hội trên mặt trận lưu thông phân phối... Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam gồm 155 ủy viên, Ban Thư ký gồm 13 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch; đồng chí Phạm Thế Duyệt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Đại hội đã nhất trí lấy ngày 28/7/1929, ngày thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ làm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Tháng 02/1987, đồng chí Phạm Thế Duyệt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam; đồng chí Vũ Định được bầu làm Phó Chủ tịch, đồng chí Dương Xuân An được bầu làm Tổng Thư ký.

Các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong CNVCLĐ đã tạo được bước chuyển biến tích cực, nhiều điển hình tiên tiến và nhân tố mới đã hình thành, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác phát triển đoàn viên được Công đoàn chú trọng, số đoàn viên và công đoàn cơ sở ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, Công đoàn còn tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, đề nghị Nhà nước bổ sung phụ cấp ốm đau, thai sản, tại nạn lao động, trợ cấp khó khăn…các chế độ nghỉ ngơi, tham quan du lịch và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được duy trì, phát triển. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/1984), Nhà nước đã tặng Tổng Công đoàn Việt Nam Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam.

5. Thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (1986 - 2023)

Trong bối cảnh đất nước tiến hành đổi mới, từng bước hội nhập, Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 17 - 20/10/1988 tại Thủ đô Hà Nội đã xác định mục tiêu: "Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội". Đại hội quyết định đổi tên "Tổng Công đoàn Việt Nam" thành "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gồm 155 ủy viên, Ban Thư ký gồm 15 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Tư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch; đồng chí Cù Thị Hậu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Phó Chủ tịch; đồng chí Dương Xuân An được bầu làm Phó Chủ tịch. Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm (1986 - 1990), đưa đất nước ta dần thoát khỏi khó khăn, ổn định đời sống nhân dân và CNVCLĐ.

Đại hội lần thứ VII Công đoàn Việt Nam, họp từ ngày 09 - 12/11/1993 tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đã nhấn mạnh yêu cầu "Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, chăm lo bảo vệ lợi ích công nhân lao động". Đại hội bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gồm 125 ủy viên, Đoàn Chủ tịch gồm 15 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Tư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch; đồng chí Cù Thị Hậu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Phó Chủ tịch; các đồng chí Hoàng Minh Chúc, Nguyễn An Lương, Hoàng Thị Khánh được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đại hội lần thứ VIII Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 03 - 06/11/1998 nhấn mạnh "Vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gồm 145 ủy viên, Đoàn Chủ tịch gồm 17 ủy viên. Đồng chí Cù Thị Hậu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch; các đồng chí Nguyễn An Lương, Đặng Ngọc Chiến, Đỗ Đức Ngọ, Nguyễn Đình Thắng được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đại hội lần thứ IX Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 10 - 13/10/2003 tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội xác định "Xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh, chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, góp phần tăng cường đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Đại hội nhất trí số lượng Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 155 ủy viên, tại Đại hội bầu 150 ủy viên, bầu Đoàn Chủ tịch gồm 19 ủy viên. Đồng chí Cù Thị Hậu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch; các đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Nguyễn Hoà Bình, Nguyễn Đình Thắng, Đỗ Đức Ngọ, Đặng Ngọc Chiến được bầu làm Phó Chủ tịch. Tháng 12/2006, đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch. Tháng 9/2007 các đồng chí Hoàng Ngọc Thanh, Mai Đức Chính, Nguyễn Thị Thu Hồng, Nguyễn Văn Ngàng được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đại hội lần thứ X Công đoàn Việt Nam, họp từ ngày 02 - 05/11/2008, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đã xác định mục tiêu: "Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn các cấp; hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, CNVCLĐ làm đối tượng vận động; chuyển mạnh hoạt động công đoàn vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước". Đại hội nhất trí số lượng Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 165 ủy viên, tại Đại hội bầu 160 ủy viên. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch; các đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Hoàng Ngọc Thanh, Mai Đức Chính, Nguyễn Thị Thu Hồng, Nguyễn Văn Ngàng được bầu làm Phó Chủ tịch.

Nhiệm kỳ lần thứ X của Công đoàn Việt Nam hoạt động trong bối cảnh giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đây cũng là nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Nghị quyết thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của hàng triệu CNVCLĐ trong cả nước. Những hoạt động triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và Công đoàn, tạo chuyển biến trong nhiệm kỳ hoạt động, đặc biệt là việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động.

Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, họp từ ngày 27 - 30/7/2013 đã xác định mục tiêu “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo hướng vì đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước; tập trung hướng về cơ sở, thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và tổ chức thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đại hội nhất trí số lượng ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 175 ủy viên, tại Đại hội bầu 172 ủy viên, Đoàn Chủ tịch gồm 27 Ủy viên. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch. Các đồng chí: Trần Thanh Hải, Mai Đức Chính, Nguyễn Thị Thu Hồng, Nguyễn Văn Ngàng, Trần Văn Lý được bầu làm Phó Chủ tịch. Ngày 14/4/2016, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngày 17/3/2017, đồng chí Trần Văn Thuật được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, họp từ ngày 24 - 26/9/2018, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đề ra mục tiêu “Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội quyết định số lượng Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 175 ủy viên, tại Đại hội bầu 161 ủy viên; quyết định số lượng Ủy viên Đoàn Chủ tịch là 27 ủy viên, bầu 22 ủy viên. Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch. Các đồng chí: Trần Thanh Hải, Trần Văn Thuật, Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu được bầu làm Phó Chủ tịch. Ngày 28/7/2019, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch. Ngày 12/01/2022, đồng chí Thái Thu Xương được bầu làm Phó Chủ tịch. Ngày 22/3/2023, đồng chí Huỳnh Thanh Xuân được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam được triển khai trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến nhanh, phức tạp hơn so với dự báo. Những năm đầu của nhiệm kỳ, các cấp công đoàn triển khai thực hiện Nghị quyết trong điều kiện có nhiều thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, cùng tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang giữa các quốc gia, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, pháp luật quy định cho phép thành lập tổ chức của người lao động ngoài Công đoàn Việt Nam, đã ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện đến việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động và hoạt động công đoàn. Tuy nhiên, Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Vì phải đổi mới mạnh mẽ hoạt động công đoàn từ nửa nhiệm kỳ XI, Nghị quyết 02-NQ/TW ra đời tạo nên cú hích quan trọng trong việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, giúp Công đoàn Việt Nam vượt mọi khó khăn, đóng góp ngày càng quan trọng cho sự nghiệp phát triển đất nước. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động công đoàn tiếp tục đạt nhiều kết quả, thích ứng với bối cảnh, tình hình mới, làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, là chỗ dựa tin cậy của người lao động.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, họp từ ngày 01 – 03/12/2023 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã đề ra mục tiêu: “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Hoàn thành mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động tham gia công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập, Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta”.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đề ra 07 nhóm chỉ tiêu phấn đấu hàng năm; 03 nhóm chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ và 03 khâu đột phá:

(1) Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động.

(2) Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

(3) Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Đại hội quyết định số lượng Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII là 177 ủy viên, đã bầu 168 ủy viên; Đoàn Chủ tịch là 31 ủy viên, đã bầu 28 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch. Các đồng chí: Ngọ Duy Hiểu, Phan Văn Anh, Thái Thu Xương, Huỳnh Thanh Xuân, Nguyễn Xuân Hùng được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

III. NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ NHIỆM VỤ CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

1. Những bài học kinh nghiệm

Một là, chủ động tham mưu, nắm chắc và cụ thể hóa kịp thời chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với nhiệm vụ từng cấp công đoàn và thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị. Phát huy tốt sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến người lao động, huy động các nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, người lao động và xử lý các tình huống phức tạp, nhạy cảm.

Hai là, coi trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chủ động, kịp thời thích ứng những thay đổi lớn, vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn; đầu tư cho công tác dự báo, nắm và phân tích tình hình, quan tâm thí điểm các mô hình mới.

Ba là, tập trung thực hiện tốt chức năng cơ bản, nhiệm vụ trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; phải đầu tư nguồn lực, đổi mới cách làm, quản trị rủi ro, coi đây là động lực thu hút, tập hợp người lao động gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn.

Bốn là, chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, chủ tịch công đoàn cơ sở có vai trò quyết định đối với việc triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động, đặc biệt là những nội dung mới, khó, phức tạp.

Năm là, xác định đúng, trúng những nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tránh dàn trải, phân tán nguồn lực. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả.

2. Nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn những năm tới

(1) Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, CNVCLĐ.

(2) Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước.

(3) Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam.

(4) Tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

(5) Nâng cao chất lượng công tác nữ công, thúc đẩy bình đẳng giới, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ.

(6) Đẩy mạnh công tác đối ngoại, tiếp tục khẳng định vị thế của Công đoàn Việt Nam.

(7) Xây dựng nguồn tài chính công đoàn đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

(8) Đổi mới phương thức hoạt động công đoàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn.

Chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển, trải qua 13 kỳ Đại hội, Công đoàn Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của phong trào công nhân, viên chức, lao động, của tổ chức Công đoàn Việt Nam; khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là dịp để cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ cùng nhân dân cả nước ôn lại, phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG - TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40597055