Truy cập hiện tại

Đang có 128 khách và không thành viên đang online

Những dấu ấn của Công đoàn An Giang

(TGAG)- Cách đây 90 năm, ngày 28/7/1929 tổ chức Công đoàn Việt Nam ra đời; đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với quá trình đấu tranh, phát triển của phong trào công nhân Việt Nam; là hạt nhân vận động, tập hợp giai cấp công nhân dưới ngọn cờ cách mạng vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.


Sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền với sự hình thành, phát triển của giai cấp công nhân và hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Người đặt nền móng về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” viết năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh tính chất và nhiệm vụ của Công hội là “Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.

Như một tất yếu của lịch sử, các tổ chức Công hội sơ khai ra đời; đặc biệt là tổ chức Công hội Đỏ do Bác Tôn Đức Thắng sáng lập vào năm 1921 đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX; tạo một bước ngoặt to lớn trong lịch sử đấu tranh của công nhân, đó là chuyển từ đấu tranh tự phát sang tự giác, từ việc đấu tranh chỉ để đòi quyền lợi trước mắt sang đấu tranh có tổ chức và mang tính chính trị, đồng thời đóng góp quan trọng vào phong trào đấu tranh của công nhân thế giới.

Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác vận động công nhân và tăng cường sức mạnh cho tổ chức Công hội, ngày 28/7/1929, theo quyết định của Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị đại biểu Công hội Đỏ Bắc kỳ lần thứ nhất, họp tại số nhà 15, Hàng Nón, Hà Nội. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành lâm thời gồm 6 ủy viên, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách. Hội nghị đã thông qua Chương trình, Điều lệ, phương hướng hoạt động và quyết định xuất bản Báo Lao động và Tạp chí Công hội Đỏ (Đại hội V Công đoàn Việt Nam tháng 11/1983 đã quyết định lấy ngày 28/7/1929 là Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam). Tiếp sau đó, các Tổng Công hội Đỏ ở miền Trung, miền Nam được thành lập.

Từ những năm 1920, ở An Giang cùng với Sài Gòn và một số tỉnh thuộc Nam kỳ đã có tổ chức Công hội - tiền thân của tổ chức Công đoàn ngày nay. Tháng 4/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập tại Long Điền (Chợ Mới), từ đây tổ chức Công hội ở An Giang được củng cố, phát triển về mọi mặt, góp phần cùng quân - dân An Giang đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng quê hương.



Sau ngày giải phóng 30/4/1975, đội ngũ công nhân lao động và tổ chức Công đoàn An Giang phấn khởi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ cải tạo và xây dựng cuộc sống mới. Hơn 1.000 xí nghiệp công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tư doanh cũng bước đầu hoạt động với lực lượng công nhân, viên chức tăng đáng kể 15.352 người, lực lượng lao động tiểu thủ công nghiệp 13.504 người. Với lực lượng đó, Đảng bộ tỉnh đã quan tâm đến công tác xây dựng và củng cố hệ thống công đoàn từ tỉnh xuống cơ sở.

Tháng 01/1976, Liên hiệp Công đoàn tỉnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Long Châu Hà và Long Châu Tiền. Đến nay, trải qua hơn 43 năm phấn đấu, trưởng thành, đội ngũ công nhân, viên chức lao động tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng, đa dạng về ngành nghề, đời sống người lao động ngày càng được quan tâm, nâng lên mọi mặt. Toàn tỉnh hiện có trên 103.000 người lao động và trên 99.000 đoàn viên sinh hoạt, làm việc tại 1.576 công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp. Trải qua 10 kỳ Đại hội, Công đoàn An Giang không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập trung xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh, hướng mọi hoạt động về cơ sở và nhu cầu, lợi ích của người lao động, đáp ứng sự phát triển không ngừng của phong trào công nhân viên, chức, lao động. Đáng nói, 5 năm qua, Công đoàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động chăm lo lợi ích đoàn viên thông qua việc thực hiện ký kết hợp tác với các doanh nghiệp thực hiện chính sách ưu đãi giảm giá hàng hóa, dịch vụ; khám sức khỏe, tầm soát bệnh, học tập kinh nghiệm kết hợp tham quan nghỉ mát, cất nhà mái ấm công đoàn… qua đó, giúp hơn 66.092 đoàn viên thụ hưởng; hỗ trợ, vận động doanh nghiệp thăm hỏi tặng 136.000 suất quà nhân các dịp lễ, tết với số tiền trên 41 tỷ đồng. Vận động đoàn viên, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cất mới 757 căn, sửa chữa 213 căn nhà mái ấm công đoàn cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trị giá trên 37 tỷ đồng (doanh nghiệp hỗ trợ gần 5,5 tỷ đồng). Đặc biệt, Liên đoàn lao động tỉnh đã sáng tạo thực hiện mô hình xây dựng “Mái ấm tập thể giáo viên” theo phương thức: địa phương bố trí đất - công đoàn xây nhà, nhờ cách làm này đã cất mới 33 căn trị giá 21,5 tỷ đồng, bố trí cho trên 1.000 giáo viên có chỗ ở ổn định, yên tâm công tác; đồng thời đề xuất UBND tỉnh và Tổng Liên đoàn hỗ trợ kinh phí khởi công xây dựng Nhà Văn hóa Lao động và các thiết chế văn hóa thể thao, nhà trẻ phục vụ công nhân lao động các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với kinh phí đầu tư khoảng 70 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp công đoàn tăng cường hoạt động chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, tạo sân chơi thiết thực cho đoàn viên thông qua hình thức: Hội thi, Hội diễn, Hội thao, Sân chơi…

Bên cạnh đó, Liên hiệp công đoàn tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp chính quyền, doanh nghiệp tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, nhất là thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”; thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”… góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, trong 5 năm qua, đã có 25.969 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp quản lý, 52 đề tài cấp tỉnh, 284 đề tài cấp cơ sở, 47 dự án, mô hình nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ được công nhận, có giá trị làm lợi trên 1.500 tỷ đồng. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, qua đó có 2.398 tập thể, cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu cấp Nhà nước và Tổng liên đoàn; Liên đoàn lao động tỉnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Phát huy những thành tựu đạt được cùng với sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo của giai cấp công nhân Việt Nam, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn An Giang phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra, góp phần củng cố hệ thống chính trị, xây dựng tỉnh An Giang ngày càng phát triển giàu đẹp.

NGUYỄN THIỆN PHÚ
TUV, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37310149