Truy cập hiện tại

Đang có 172 khách và không thành viên đang online

Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp cần bám sát thực tiễn của từng đơn vị

(TGAG)- Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp cần bám sát thực tiễn của từng đơn vị là nhận định chung được đưa ra tại buổi Tọa đàm “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể” trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang do Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang tổ chức chiều 05/7 tại Hội trường Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang.


Tham dự buổi tọa đàm có lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng gần 100 đại biểu, đại diện cho Liên đoàn Lao động 11 huyện, thị xã, thành phố, Công đoàn ngành Giáo dục, Công đoàn ngành Y tế, Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh; chủ tịch công đoàn cơ sở và Giám đốc các doanh nghiệp có từ 300 lao động trở lên trên địa bàn tỉnh An Giang.

Ông Nguyễn Hữu Giang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang cho biết, Thỏa ước lao động tập thể do đại diện của tập thể lao động và người sử dụng lao động thương lượng và ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và công khai. Nội dung Thỏa ước không được trái với các quy định của pháp luật lao động và pháp luật khác, là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động.

Theo ông Giang, việc thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trên địa bàn tỉnh An Giang những năm gần đây đã được các doanh nghiệp và người lao động quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh An Giang có tổng số 254 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh (có từ 10 lao động trở lên), trong đó có 245 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, đạt tỷ lệ 96,45%. Đặc biệt, 171/245 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã thực hiện ký kết Thỏa ước lao động tập thể, đạt 69,79%, qua đó, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, lao động.


Với nguyên tắc thương lượng, ký kết là tự nguyện, bình đẳng, công khai, không trái pháp luật, khuyến khích những quy định có lợi hơn cho người lao động, Thỏa ước lao động tập thể - là một trong những chìa khóa quan trọng để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, mang tính bền vững ở doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Tô Minh Lắm, Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh An Giang cho rằng, hiện nay, các bản thỏa ước được ký kết có những nội dung quy định về quyền, lợi ích của người lao động cao hơn quy định pháp luật, đáp ứng một phần tâm tư, nguyện vọng của người lao động và đều được công nhận bởi cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng chất lượng từng bản Thỏa ước lao động tập thể vẫn chưa đáp ứng được trình tự, thủ tục thương lượng, ký kết và nguyện vọng thiết yếu của phần đông người lao động. Nội dung có lợi cho người lao động về tiền lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, học tập nâng cao trình độ còn ít, chủ yếu vẫn tập trung vào các nội dung liên quan đến phúc lợi của người lao động như: ma chay hiếu hỷ, thăm hỏi ốm đau... vẫn còn tình trạng sao chép nội dung pháp luật lao động vào trong các bản Thỏa ước lao động tập thể.

Một trong những nguyên nhân của những hạn chế đó là do cán bộ công đoàn cơ sở (những người trực tiếp thương lượng, ký kết, thực hiện Thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp) chưa nắm vững quy định pháp luật, trình tự xây dựng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể nên xây dựng Thỏa ước lao động tập thể chưa theo đúng quy trình, năng lực, kỹ năng đàm phán của công đoàn cơ sở còn nhiều hạn chế, nhất là kiến thức về kinh tế, tài chính doanh nghiệp, hiểu biết về luật pháp, đặc biệt về pháp luật lao động. Cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp chưa chủ động hỗ trợ kịp thời, toàn diện cho hoạt động này tại cơ sở.  

Hơn nữa, phần lớn cán bộ công đoàn cơ sở là kiêm nhiệm, phụ thuộc vào người sử dụng lao động nên rất hạn chế trong việc thương lượng với người sử dụng lao động nhất là trong việc đàm phán đề nghị những quyền, lợi ích cao hơn hoặc không có trong quy định của Luật cho người lao động. Nhiều trường hợp để xây dựng Thỏa ước lao động tập thể, các đơn vị vẫn thực hiện theo cách giao cho bộ phận nhân sự - lao động chuẩn bị, soạn thảo, sau đó chuyển công đoàn cơ sở có ý kiến và ký kết ban hành nên các nội dung, điều khoản trong Thỏa ước lao động tập thể chưa xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của người lao động, từ thực tế doanh nghiệp.

Thêm vào đó, đa số người lao động xuất thân từ nông thôn nên nhận thức, hiểu biết về chính sách, pháp luật lao động, giai cấp công nhân, ý thức kỷ luật, trình độ chuyên môn còn hạn chế, nhiều yêu cầu quyền lợi được đặt ra với giới chủ doanh nghiệp thiếu thực tế, thiếu cơ sở; quan hệ cung cầu về lao động trên thị trường còn mất cân đối; công tác quản lý nhà nước về vấn đề thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể còn bất cập, công tác kiểm tra, giám sát việc thương lượng, ký kết các bản Thỏa ước lao động tập thể tại các đơn vị theo quy định pháp luật rất ít. Quy định của pháp luật về chủ thể tham gia trong quá trình thương lượng còn cứng nhắc, hạn chế sự hỗ trợ từ công đoàn các cấp đối với cơ sở....


Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Thiện Phú, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang khẳng định, cùng với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, quan hệ lao động ngày càng đòi hỏi sự hài hòa về lợi ích trên cơ sở thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Do đó, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể được xem là nhiệm vụ cốt lõi của các cấp công đoàn trong tỉnh An Giang, nhằm thực hiện vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Theo ông Phú, để có thể xây dựng được những bản Thỏa ước lao động tập thể thực sự vì quyền lợi người lao động đòi hỏi sự hợp tác tích cực từ nhiều phía.

Trước hết, bản thân các doanh nghiệp cũng cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, không ngừng cải thiện, nâng cao phúc lợi tự nguyện tại đơn vị cho người lao động, tạo động lực để người lao động an tâm và gắn bó cống hiến phát triển doanh nghiệp.

Về phía tổ chức công đoàn, với trách nhiệm của mình, công đoàn cơ sở cần khẳng định vai trò đại diện của mình thông qua việc cần thiết phải có Thỏa ước lao động tập thể và thực hiện đầy đủ nghiêm túc các nội dung đã thỏa thuận ký kết. Cán bộ công đoàn cơ sở cũng cần tìm hiểu và nắm rõ đặc điểm tâm lý, tính cách, quan điểm của người sử dụng lao động và văn hóa của chủ đầu tư nước ngoài để lựa chọn phương pháp đối thoại, thương lượng phù hợp; chủ động tham mưu để chủ sử dụng lao động thường xuyên (ít nhất 3 năm một lần) có những thay đổi, bổ sung phù hợp thực tế vào thỏa ước.

Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật lao động cho người lao động, để người lao động tự bảo vệ các quyền, lợi ích của bản thân trong quan hệ lao động với người sử dụng lao động; tăng cường kiểm tra việc thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp, đồng thời xử phạt nghiêm minh những đơn vị vi phạm, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ./.

Công Mạo
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40480990