Truy cập hiện tại

Đang có 34 khách và không thành viên đang online

"Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền" - nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc

(TGAG)- Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền - Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, nét đẹp cao quý này luôn được gìn giữ và phát triển. Do điều kiện kinh tế, phần lớn các thành viên trong độ tuổi lao động trên địa bàn 2 xã Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới) đi làm xa, không kề cận chăm sóc ông bà, cha mẹ từng miếng ăn, giấc ngủ nhưng đã thể hiện lòng hiếu thảo qua sự quan tâm, thăm hỏi hằng ngày bằng điện thoại, chắt chiu từng đồng lương gửi về cho gia đình để ông bà, cha mẹ có cuộc sống tốt hơn, thoải mái hơn. Qua đây, ông bà cha mẹ cũng dạy dỗ con cháu mình những điều tốt đẹp về giá trị của cuộc sống để họ trưởng thành, sống tốt hơn. Đó là đối với những người con sống xa quê, xa gia đình.

Còn đối với những người sống chung dưới một mái nhà mà nhất là những gia đình có nhiều thế hệ. Đặc biệt là 4 thế hệ như gia đình của ông Nguyễn Thanh Tâm, ngụ ấp Đông, xã Mỹ Hiệp, năm nay ông tròn 90 tuổi, vợ ông là Trương Thị Hoa cũng 88 tuổi; ông bà có 8 người con đều có cuộc sống riêng tư, ổn định, khá giả. Hiện tại ông bà đang sống cùng người con trai út, cháu nội và cháu cố. Vợ chồng người con trai út của ông bà thường xuyên đi làm vườn ở Đồng Tháp, mọi hoạt động trong gia đình đều do vợ chồng người cháu nội đảm nhận. Ông bệnh tai biến không thể cử động được, bà thì do lớn tuổi, sức khỏe giảm dần nay ốm, may đau. Khi chúng tôi đến thăm mới thấy được trọn vẹn tình cảm yêu thương và sự hiếu thảo lo lắng của con cháu đối với ông bà.

Hằng ngày 2 vợ chồng của người cháu nội vừa lo cuộc sống mưu sinh vừa chăm sóc ông bà chu đáo, nhất là đối với ông. Mỗi buổi sáng người cháu trai dậy rất sớm để vệ sinh cá nhân cho ông, sau đó đi làm vườn đến trưa về, tiếp tục chăm sóc ông và đi làm vườn đến chiều tối mới về. Còn vợ anh thì chuẩn bị ngày 3 buổi ăn cho ông bà và chăm sóc đứa con mới 3 tuổi, giặt giũ quần áo, lo trong, lo ngoài, thỉnh thoảng lại may đồ kiếm thêm thu nhập.

Nhưng điều chúng tôi muốn nói ở đây là cái tình chứ không phải chỉ vì trách nhiệm, bổ phận. Bởi chỉ có trách nhiệm, bổn phận thì sự chăm sóc ấy sẽ không được chu đáo, cẩn thận như thế này. Từng muỗng cháo, muỗng cơm mà người cháu dâu đút ông đều thể hiện sự yêu thương, nhiệt tình, lượng cơm, cháo vừa phải để ông khỏi bị khó chịu và sặc, rất nguy hiểm đối với người lớn tuổi mà ông đang bệnh nặng, mỗi muỗng thức ăn kèm theo lời an ủi, động viên để ông vượt lên đau đớn và biết rằng dù ông có già yếu, bệnh tật thì ông vẫn là người quan trọng nhất của gia đình. Con cháu luôn yêu thương, kính trọng, phụng dưỡng ông bà bằng sự hiếu thảo thật sự.
   
Có được tình cảm và hành động như thế này không phải là điều đơn giản, không phải ai cũng làm được, mỗi gia đình đều tồn tại những mâu thuẫn khác nhau, nhất là mâu thuẫn từ muôn thuở giữa mẹ chồng và nàng dâu đã gây gắt rồi nói chi những người phụ nữ cách nhau cả 2 thế hệ, nội chồng với nàng dâu. Tuy nhiên những người phụ nữ này đã biến mâu thuẫn thành tình yêu thương, niềm vui cùng vun đắp hạnh phúc gia đình. Theo bà Trương Thị Hoa, để có được điều này thì ông, bà, cha mẹ phải sống tốt, làm gương cho con cháu noi theo từ việc đi đứng, nói năng khuôn khổ, vợ chồng thuận thảo, cùng ăn cùng làm, khi bất đồng ý kiến thì đôi bên cùng lắng nghe để hiểu nhau, thông cảm và chia sẻ với nhau. Đối với ông bà, cha mẹ thì phải hiếu thảo, yêu thương, kính trọng. Còn đối với con cháu, yêu thương, lo lắng dạy bảo điều hay lẽ phải, không để bụng những điều sai trái của con cháu, nghiêm khắc nhưng phải thấu hiểu, thông cảm, có như vậy mối quan hệ của ông bà, cha mẹ với con cháu mới xích gần nhau được, xóa đi mọi khoảng cách. Bà Trương Thị Hoa nói "Mình thương nó, nó thương mình".

Cháu dâu bà Trương Thị Hoa bày tỏ cảm xúc "Sống chung trong gia đình thì mình nhường nhịn, cái nào không hiểu thì mình hỏi, cái nào sai thì bà chỉ bà dạy".
 
Nói về gia đình ông Nguyễn Thanh Tâm và bà Trương Thị Hoa, ông Nguyễn Văn Thiện- Phó Trưởng ấp Đông, xã Mỹ Hiệp cho biết "Gia đình ông Tâm, bà Hoa gương mẫu, sống hòa thuận, đóng góp cho xã hội, bản thân tôi và mọi người noi theo gia đình ông, bà ăn hiền, ở lành".
 
Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin được đề cập đến phát biểu của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh mới thấy được giá trị của mái ấm gia đình: “... quan tâm củng cố, ổn định và xây dựng gia đình, chính là để xóa bỏ những khó khăn và thách thức đang làm suy yếu gia đình, suy yếu động lực của sự phát triển. Giải quyết tốt các vấn đề của gia đình, là giải quyết tốt các vấn đề xã hội, là cơ sở, điều kiện để mỗi gia đình - một tế bào bền vững và cũng là "tổ ấm" thật sự của mỗi thành viên và là môi trường chắc chắn tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước để có được những đóng góp, nỗ lực cao nhất cho mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"./.

Ánh Minh


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37308431