Truy cập hiện tại

Đang có 154 khách và không thành viên đang online

Kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2/9/1945: Một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn!

(TGAG)- Bác Hồ khẳng định: Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám "chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc". Cách mạng Tháng Tám đã dựng lên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, "… một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta".

Ngay từ năm 1919, nhân danh một nhóm người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến Hội nghị Véc-xây bản Yêu sách của nhân dân An Nam đòi: "Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu", "Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật". Trong lịch sử chính trị và pháp lý nước ta, đây là văn kiện đầu tiên đặt vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền của Hồ Chí Minh.
 


Ngay khi chính thức bước lên vũ đài chính trị, trong Cương lĩnh 1930, Đảng ta đã xác định mục tiêu: Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, thiết lập chính phủ công nông binh. Đến năm 1941, trong Chương trình Việt Minh do Bác Hồ khởi thảo đã nói rõ: “Sau khi đánh đuổi được đế quốc phát xít Nhật, sẽ lập lên chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, để thực hiện mục tiêu nói trên, Bác Hồ rất coi trọng vấn đề phát huy dân chủ trong xây dựng chính quyền. Người dân phải được tự do lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình vào các cơ quan quyền lực nhà nước. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người đã đề ra nhiệm vụ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”, làm cho Nhà nước ta thật sự là nhà nước dân chủ, hợp hiến.

Đầu năm 1946, vào lúc cả nước đang chuẩn bị kháng chiến, nhưng cuộc tổng tuyển cử vẫn được tiến hành thắng lợi. Đánh giá về sự kiện to lớn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong cuộc Toàn quốc đại biểu đại hội này, các đảng phái đều có đại biểu mà đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu”, “… Quốc hội ta là Quốc hội của toàn dân, được bầu ra theo luật tuyển cử rất dân chủ”.

Dưới sự lãnh đạo của Người, Nhà nước kiểu mới ngày càng được củng cố và hoàn thiện về các mặt: lập pháp, hành pháp và tư pháp; thật sự là công cụ quyền lực của nhân dân, đại diện cho ý chí, lợi ích và nguyện vọng của toàn dân tộc.

Về chính quyền nhân dân ở các địa phương, Người yêu cầu: "Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các Ủy ban đó". Người nhấn mạnh: "Ủy ban nhân dân làng trái với các hội đồng kỳ mục cũ thối nát, sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng. Nó hết sức tránh những cuộc bắt bớ đánh đập độc đoán, những cuộc tịch thu tài sản không đúng lý. Ủy ban nhân dân thận trọng hết sức trong chỗ chi dùng công quỹ, không dám tuỳ ý tiêu tiền vào những việc xa phí như ăn uống", "Những nhân viên ủy ban sẽ không lợi dụng danh nghĩa Ủy ban để gây bè tìm cánh, đưa người "trong nhà trong họ" vào làm việc với mình" (...) "Ủy ban nhân dân là Ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó".

Người đã dành nhiều thời gian, viết nhiều bài về xây dựng các Ủy ban nhân dân. Ngày 11-9-1945, Người viết bài Cách thức tổ chức các Ủy ban nhân dân. Ngày 4-10-1945 Người viết bài: Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn của các Ủy ban nhân dân. Và ngày 12-10-1945, Người lại viết bài Sao cho được lòng dân? Người nhấn mạnh: "Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dẫu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được đặc biệt chú ý", "muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư".

Báo Cứu quốc số 69 ra ngày 17-10-1945 đã đăng Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một lần nữa Người nêu rõ bản chất cách mạng và dân chủ của chính quyền nhân dân, nguồn gốc sức mạnh của chính quyền là ở sự gắn bó với nhân dân, hết lòng, hết sức mưu cầu tự do, hạnh phúc cho nhân dân. "Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì".

Là người sáng lập, là linh hồn của Nhà nước Việt nam dân chủ cộng hòa, Người hết sức chú trọng yêu cầu rèn luyện đội ngũ cán bộ chính quyền. Chỉ hơn một tháng sau khi thành lập chính quyền cách mạng, trong thư gửi Ủy ban nhân dân các cấp Người đã chỉ rõ: "Tôi vẫn biết trong các bạn có nhiều người làm theo đúng chương trình của Chính phủ, và rất được lòng dân. Song cũng có nhiều người phạm những lầm lỗi nặng nề". Người đã thẳng thắn chỉ ra những lầm lỗi cụ thể như: Cậy thế, hủ hóa, tư túi, chia rẽ, kiêu ngạo... Nguy hiểm nhất là bệnh tham ô, xa hoa, lãng phí, quan liêu, hách dịch, "ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân".

Phê phán những khuyết điểm của cán bộ chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn mọi người sửa chữa để chính quyền ngày càng hoàn thiện và làm việc tốt hơn. Người nêu rõ: "Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung".

Ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 về phương diện xây dựng Nhà nước kiểu mới mãi mãi là bài học lớn, là định hướng trong việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân./.

TRUNG THÀNH
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
42383664