Truy cập hiện tại

Đang có 207 khách và không thành viên đang online

Vai trò của Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

(TGAG)- Để có được sự thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, ngoài những yếu tố khách quan và chủ quan, phải đề cập đến vai trò lãnh đạo tài tình của Hồ Chí Minh. Có thể nói, trong Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã tỏa sáng với đức độ, tài năng, mưu lược với sự chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, lực lượng... suốt thời gian dài.

Thứ nhất, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.

Bước sang năm 1945, tình hình thế giới càng có nhiều thay đổi quan trọng, tháng 02 năm 1945, với tư cách là người đại diện cho Mặt trận Việt Minh, Hồ Chí Minh sang Côn Minh, cùng đi với Người có trung úy Sao (Shaw), người được Việt Minh cứu.

Ngày 29/3/1945, Hồ Chí Minh gặp Tướng Sênôn. Tướng Sênôn cám ơn Việt Minh đã cứu thoát Sao, hứa sẽ giúp đỡ vũ khí, thuốc men, điện đài cho Việt Nam và huấn luyện cho người của Việt Minh biết sử dụng các thứ đó.

Ngay sau đó, Hồ Chí Minh đi Bách Sắc, tìm gặp Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội. Người lựa chọn một số chiến sĩ của các nhóm Việt Minh hoạt động ở đây để cuối tháng 4 năm 1945 cùng Người về nước. Với chuyến trở lại Côn Minh lần này, Hồ Chí Minh đã mang về một số thuốc men, cùng lời hứa của Tướng Sênôn, đồng thời giới thiệu hình ảnh, tầm ảnh hưởng, sự lớn mạnh và cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của quân Đồng minh đối với cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc của nhân dân ta.

Thứ hai, chớp thời cơ chín muồi để tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân

Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, tạo điều kiện khách quan để Đảng ta phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa khi điều kiện cho phép. Vì vậy, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp và ra chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (12/3/1945).

Ngày 15/3/1945, Tổng bộ Việt Minh phát Hịch kháng Nhật cứu nước.

Từ ngày 15 đến ngày 20/4/1945, Hội nghị quân sự Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hoà (Bắc Giang) nhận định: Tình thế đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp trong lúc này, đồng thời “quyết định phát triển lực lượng vũ trang, thống nhất Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam giải phóng quân, xây dựng 7 chiến khu trong cả nước và “phải đánh thông liên lạc giữa các chiến khu Bắc Kỳ và Trung, Nam Kỳ”. Phong trào cách mạng trong cả nước dâng cao theo đúng tinh thần chỉ thị của Đảng. Cuộc khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền bộ phận thắng lợi đã giải phóng được nhiều vùng, nhất là ở Việt Bắc.

Thứ ba, những quyết sách chiến lược sáng suốt của Hồ Chí Minh sau khi về nước để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa

Để có thể kịp chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước, đầu tháng 5/1945, Hồ Chí Minh quyết định chuyển đại bản doanh từ Cao Bằng về Tuyên Quang, ngày 04/6/1945, Khu giải phóng được thành lập. Đây thực sự là căn cứ địa vững chắc về mọi mặt để làm bàn đạp tiến lên giải phóng toàn quốc.

Đến giữa tháng 8/1945, cao trào kháng Nhật cứu nước, khởi nghĩa từng phần đã cuồn cuộn dâng lên từ Bắc đến Nam. Trong khi đó, quân Đồng minh đã đánh bại quân đội phát xít Nhật. Ngày 14/8/1945, vua Nhật tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Quân Nhật ở Đông Dương rệu rã. Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang, tê liệt. Còn thực dân Pháp thì ráo riết quay trở lại xâm lược Đông Dương. Thời cơ tổng khởi nghĩa chín muồi, đã đến lúc nhân dân ta vùng dậy giành quyền độc lập của mình. Trước cơ hội có một không hai ấy, tại Tân Trào, Thủ đô lâm thời của nước Việt Nam mới, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến 15/8/1945, quyết định Đảng phải “kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”, “thống nhất tổ chức... thống nhất chính trị... phát triển và củng cố Đảng”, “thi hành 10 chính sách lớn Việt Minh”, phát động và lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trước khi quân Đồng minh kéo vào tước vũ khí quân đội Nhật.

Thứ tư, Hồ Chí Minh với việc triệu tập Quốc dân Đại hội - tạo cơ sở pháp lý cho sự ra đời của chế độ cộng hòa dân chủ ở nước ta:

Tiếp theo Hội nghị toàn quốc của Đảng, chiều ngày 16 và ngày 17/8/1945, Quốc dân Đại hội đại biểu đã họp tại Tân Trào.

1- Đại hội tán thành quyết định Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh.

2- Đại hội kêu gọi nhân dân cả nước, đoàn kết để thi hành Mười chính sách của Việt Minh và hiệu triệu toàn dân vùng lên đấu tranh để giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập.

3- Đại hội cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch với một Uỷ ban Thường trực gồm 5 người - tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tạo cơ sở pháp lý cho sự ra đời một chính phủ hợp pháp do nhân dân cử ra.

Quyết định triệu tập Quốc dân Đại hội trong thời điểm lịch sử quan trọng này là một sáng tạo tài tình, thể hiện sự nhạy bén trước thời cuộc của Hồ Chí Minh. Đánh giá sự kiện này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Quốc dân Đại hội Tân Trào có ý nghĩa là một Quốc hội lâm thời, hay một tiền Quốc hội bởi vì cách mạng chưa thành công. Quốc dân Đại hội tạo căn cứ pháp lý cho sự ra đời chế độ cộng hoà dân chủ của nước ta, cho một Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khi cách mạng đã thành công”.

Thứ năm, với sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Ngay sau Quốc dân Đại hội, ngày 18/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới là cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.

Thực hiện quyết định của Đảng và của Quốc dân Đại hội Tân Trào, chớp đúng thời cơ, toàn dân ta đã đứng lên khởi nghĩa giành lấy chính quyền từ tay phát xít Nhật. Ngày 19/8, Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, ngày 23/8 ở Huế, và ngày 25/8 ở Sài Gòn. Trong một thời gian ngắn, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đã thành công, Chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân. Trước khi quân Đồng minh kéo vào, chính quyền cách mạng từ trung ương đến địa phương đã được thiết lập, thay thế cho chính quyền của phát xít Nhật và tay sai.

Khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 là sự vùng vậy của toàn dân. Sức mạnh làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa - khởi nghĩa dân tộc là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, được rèn luyện, hun đúc qua ba cuộc tổng diễn tập (1930-1931), (1936-1939) và (1939-1945) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người có vai trò lớn nhất trong việc khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 26/8/1945, Người mở phiên họp đầu tiên với Ban Thường vụ Trung ương Đảng để thảo luận các vấn đề quan trọng.

Tại số nhà 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập và tranh thủ ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng. Sau những ngày chuẩn bị khẩn trương, một cuộc mít tinh lớn của nhân dân Hà Nội đã diễn ra tại Quảng Trường Ba Đình chiều ngày 02/9/1945. Trong buổi lễ long trọng đó, Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

P.TTCTTG

_________
Nguồn: BTGTW

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37327985