Truy cập hiện tại

Đang có 165 khách và không thành viên đang online

Hiệu quả mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo

(TUAG)- Xuất phát từ niềm đam mê và sự sáng tạo của mình, anh Trương Hoàng Huy, ở ấp Cần Thới, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành đã tiên phong trong việc nuôi cấy trồng đông trùng hạ thảo, cho ra sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa chất lượng. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp tại địa phương.
 


Anh Trương Hoàng Huy vốn là một nông dân chuyên sản xuất lúa với diện tích 9 ha đất, mỗi năm trồng 2 vụ, thu lãi bình quân hơn 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, với mô hình trồng lúa của mình, anh Huy thấy hiệu quả không cao, do giá cả bấp bênh, sâu bệnh nhiều nên anh không còn mặn mà với mô hình này. Sau nhiều năm tìm hiểu và tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, năm 2017 anh Huy cùng vợ là chị Nguyễn Bích Thủy quyết định thực hiện mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo. Với vốn đầu tư ban đầu hơn 01 tỷ đồng để xây dựng nhà kín, phòng nuôi, máy lạnh, máy phun sương, tủ điều khiển, máy hấp, máy sấy…

Anh Huy chia sẻ: Khi mới vào nghề anh gặp rất nhiều khó khăn do kinh nghiệm thực tế chưa nhiều, hệ thống trang thiết bị chưa đảm bảo, nhiệt độ nuôi cấy chưa hợp lý, phòng nuôi phải đảm bảo tiêu chí vô trùng, từ đó sản phẩm làm ra chưa đạt hiệu quả. Tuy nhiên, anh Huy không nản chí và luôn tìm hiểu phương án mới thông qua các trang mạng xã hội, rồi được sự giới thiệu của bạn bè, anh đã trực tiếp đến thăm quan các mô hình nuôi lớn để học hỏi thêm kinh nghiệm, cũng như đầu tư thêm máy móc để khắc phục những thiếu sót trước đó. Nhờ chịu khó, từ một người chưa hề biết gì về mô hình này, đến nay anh Huy đã nắm được nhiều bí quyết như một chuyên gia  nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Theo anh Huy, nuôi cấy đông trùng hạ thảo khá tốn kém, phải có nguồn lớn lớn để trang bị máy móc, thiết bị hỗ trợ cho mô hình. Để nuôi cấy đông trùng hạ thảo, anh Huy dùng gạo huyết rồng làm nguồn nguyên liệu chính. Sau khi sơ chế tiến hành hấp tiệt trùng gạo, sau đó nuôi ủ phôi trong dung dịch cơ chất trong tối 7 đến 10 ngày để nuôi sợi. Rồi mới đến giai đoạn tạo giá thể, nuôi giá thể. Sau thời gian này kích sáng bật cây nảy mầm trong môi trường nhiệt độ phải đảm bảo từ 18 - 20oC… Sau khi thu hoạch anh đưa vào sấy phần thân nấm, còn phần đế nấm anh đem ngâm rượu hoặc làm trà.

Theo anh Huy: Quy trình sản xuất nghiêm ngặt, chặt chẽ nên đông trùng hạ thảo phát triển thành công, đạt tỷ lệ khá cao. Loại dược liệu này sau 3 tháng nuôi là có thể thu hoạch. Để có sản phẩm cung cấp thường xuyên, cứ 15 ngày anh xuống giống 1 đợt, mỗi đợt khoảng 2.000 hộp. “Sản phẩm tươi được bán sỉ với giá 2 triệu đồng/kg, bán lẻ giá 120.000 đồng/hộp. Nếu sấy khô, có giá bán kg tùy loại từ 15 triệu đến 20 triệu đồng/kg. Sản phẩm được bán ở nhiều tỉnh trong cả nước. Đặc biệt, hiện nay cận Tết Nguyên đán, sản phẩm bán nhiều hơn, tăng khoảng 1,5 lần so với ngày thường, do người tiêu dùng mua làm quà biếu cho bạn bè, người thân”.

Hiện nay, ngoài sản phẩm tươi, sấy khô, anh Huy nghiên cứu sản xuất rượu để làm phong phú thêm mặt hàng kinh doanh. Theo đó, đông trùng hạ thảo được nuôi cấy trong chai thủy tinh. Sau khi nuôi trồng đủ ngày, rượu sẽ được đưa vào bình. Quá trình này làm đông trùng hạ thảo không mất đi vẻ tự nhiên, cũng như dưỡng chất trong quá trình di chuyển từ nơi này sang nơi khác... Hiện nay, giá rượu đông trùng hạ thảo dao động từ 150.000 - 1,7 triệu đồng (tùy thể tích). Sản phẩm đảm bảo chất lượng nên được người tiêu dùng đánh giá cao. Theo anh Huy, tỷ lệ thành công của lứa nuôi đông trùng hạ thảo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ khâu làm giá thể cho đến đảm bảo điều kiện nuôi cấy, chăm sóc, theo dõi thường xuyên. Do đó, cần phải đầu tư nhiều trang thiết bị, kỹ thuật thật tốt mới chắc ăn. Trong suốt quá trình thực hiện mô hình, anh Huy vừa làm vừa rút kinh nghiệm và đến nay mô hình này đã thu được nhiều kết quả khả quan, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Với những sản phẩm hiện nay anh đã cho ra thị trường mạnh ở các huyện, thị trong tỉnh và một số tỉnh thành trong cả nước.

Theo anh Huy: Mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo tuy thực hiện trên diện tích khá nhỏ chỉ vài chục m2, nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với mô hình trồng lúa của gia đình anh Huy trước đây. Trong suốt quá trình nuôi cũng không mất nhiều thời gian. Sau khi nuôi thành thạo, biết được những kỹ thuật thì với anh Huy nuôi rất dễ dàng, ít công chăm sóc, chủ yếu là dùng thiết bị máy móc, nhiệt độ để nuôi đông trùng hạ thảo đến khi thu hoạch. Sản phẩm có thời gian sử dụng lâu dài, chất lượng tốt nên đã có nhiều người tin dùng. Bên cạnh mô hình có những thuận lợi thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn như đây là mô hình công nghệ cao nên đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn để áp dụng các quy trình sản xuất. Do đó, anh Huy cũng được giới thiệu nguồn vốn từ chương trình khuyến công của tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng đầu tư trang thiết bị để thực hiện mô hình.

Ông Phan Thanh Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Cần Đăng, huyện Châu Thành cho rằng: Đông trùng hạ thảo là loại nấm dược liệu quý hiếm, tác dụng lớn đối với sức khỏe con người. Với mô hình của anh Trương Hoàng Huy địa phương đánh giá rất hiệu quả mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Hiện nay sản phẩm đông trùng hạ thảo của anh Huy đang được địa phương chọn là sản phẩm tiểu biểu, đang phấn đấu đưa sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trong thời gian tới. Việc xây dựng thành công mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo của gia đình anh Trương Hoàng Huy góp phần làm đa dạng sản phẩm nông nghiệp của địa phương, đồng thời mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp tại địa phương trong thời gian tới.

 Tiếp Thu
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37338515