Truy cập hiện tại

Đang có 182 khách và không thành viên đang online

Một số nét về tình hình kinh tế thế giới năm 2017 và triển vọng năm 2018

(TGAG)- Kinh tế thế giới tăng trưởng tích cực trong năm 2017: Theo Báo cáo "Tình hình và những triển vọng của nền kinh tế thế giới năm 2018" công bố ngày 11/12/2017 của Liên Hợp quốc, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng 3% trong năm 2017, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 và mức tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì trong các năm 2018 và 2019. Các nền kinh tế phát triển trong năm 2017 dự kiến sẽ tăng trưởng 2,2%, cao hơn mức 1,7% của năm 2016; các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến tăng trưởng 4,6%, cao hơn mức 4,3% của năm 2016.

Kinh tế Mỹ, tăng trưởng mạnh vượt dự kiến với tốc độ 3% trong quý III/2017, do sự cải thiện của thị trường việc làm (tỷ lệ thất nghiệp tháng 10/2017 giảm còn 4,1%) và lạm phát (tỷ lệ lạm phát cơ bản tháng 10 tăng lên mức 1,8%, mức cao nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây), xuất khẩu tăng, nhập khẩu và thâm hụt thương mại giảm.

Kinh tế châu Âu, ước tăng trưởng 2,2% trong năm 2017, mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua; trong đó Pháp tăng 1,6%; Tây Ban Nha tăng 3,1%; Anh ước tăng trưởng thấp hơn dự kiến với 1,5% trong năm 2017 và có thể sẽ giảm xuống 1,3% trong các năm 2018. Niềm tin kinh doanh và Chỉ số sản lượng công nghiệp (PMI) ngành chế biến, chế tạo tiếp tục cải thiện trong khi thương mại khu vực đang được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, lạm phát và lạm phát cơ bản của khu vực chỉ tăng 1,4% (thấp hơn 0,9% so với cùng kỳ 2016).

Kinh tế Nhật Bản, quý III/2017 tăng trưởng 1,7% so với cùng kỳ năm 2016, đánh dấu giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong vòng 15 năm với 7 quý tăng trưởng liên tiếp. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này được đánh giá là chưa thực sự bền vững khi chủ yếu dựa vào xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ trong khi nhu cầu trong nước đang có chiều hướng xấu đi (trong quý III, tiêu dùng cá nhân của nước này giảm 1,8% so với quý trước, chi tiêu công giảm 0,5%, tổng đầu tư cố định giảm 2%).

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng dù đã hạ nhiệt (sản xuất công nghiệp tháng 10 chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ, doanh thu bán lẻ tăng 10% so với cùng kỳ, giảm 0,3% so với mức tăng tháng trước đó) trong bối cảnh Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng Sản Trung Quốc được tổ chức thành công và thông qua nhiều văn kiện quan trọng đã đặt nền móng cho triển vọng tăng trưởng kinh tế của quốc gia này trong giai đoạn tới.

Các nước đang phát triển châu Á dự kiến tăng trưởng bình quân 6,3% trong giai đoạn 2018-2022 (theo OECD), trong đó Đông Nam Á tăng trưởng khoảng 5,2%. OECD cảnh báo các rủi ro đối với kinh tế khu vực là tác động từ chính sách tiền tệ trái chiều của các nền kinh tế lớn, chủ nghĩa bảo hộ, đàm phán các hiệp định thương mại tự do tiến triển chậm...

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2018

Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2017-2018; cho rằng, kinh tế toàn cầu đang ở trạng thái tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo Báo cáo "Tình hình và những triển vọng của nền kinh tế thế giới năm 2018" của Liên Hợp quốc, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu đang diễn ra trên diện rộng, trong đó tất cả các nền kinh tế chủ chốt ở cả nhóm nước phát triển và các nền kinh tế đang nổi đều tăng trưởng tích cực. Các nền kinh tế phát triển dự kiến đạt tăng trưởng 2,1% trong năm 2018. Các thị trường mới nổi dự kiến đạt 3,8% trong năm 2018, song có sự chênh lệch đáng kể giữa các quốc gia. Trung Quốc dự kiến tăng trưởng năm 2018 cao hơn năm 2017, nhờ xuất khẩu phục hồi và chính phủ tích cực hỗ trợ nền kinh tế trước và sau Đại hội Đảng lần thứ XIX. Ấn Độ sẽ cải thiện được tốc độ tăng trưởng trong năm 2018, chủ yếu nhờ tiêu dùng.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, những nguy cơ về chính sách và địa chính trị cũng có thể cản trở xu hướng tăng trưởng trong năm 2018 của nền kinh tế thế giới. Trong số các nguy có đó, có nguy cơ liên quan đến chính sách đối nội, nhất là ở Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc. Một số yếu tố khác mang tính chất địa chính trị và địa kinh tế, như hậu quả của những cuộc đàm phán kéo dài về Brexit; những mối đe dọa khác đối với sự ổn định của châu Âu; làn sóng chủ nghĩa bảo hộ lên cao; chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; sự xuất hiện nhiều nguy cơ nổ ra xung đột chính trị, quân sự tại nhiều nước trên thế giới.

P.H (tổng hợp)

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40128745