Truy cập hiện tại

Đang có 162 khách và không thành viên đang online

Thế giới rúng động vì vụ tấn công khủng bố ở Pháp

Cả thế giới đã bàng hoàng trước thông tin về hàng loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra tại thủ Paris (Pháp) và một số điểm lân cận đêm 13-11 làm ít nhất 158 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.


Tổng thống Pháp Francois Hollande đến dự khán trận đấu giữa Pháp và Đức lúc các vụ khủng bố xảy ra

Tấn công khủng bố tại thủ Paris (Pháp)

Người ta đã nghe thấy một số tiếng nổ gần một sân vận động Stade de France, nơi đang diễn ra trận thi đấu giao hữu giữa Đức và Pháp, với sự tham dự của Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Hai sĩ quan cảnh sát Pháp giấu tên cho biết, những vụ đánh bom, nổ súng và bắt giữ con tin vừa xảy ra tại thủ đô Paris ngày 13-11 là các vụ tấn công đẫm máu nhất tại Pháp trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

Trong đó, theo một sĩ quan cảnh sát khác, ít nhất 11 người đã thiệt mạng tại một nhà hàng Pháp ở quận 10 và khoảng 15 người khác đã thiệt mạng ở Nhà hát Bataclan, nơi khoảng 100 con tin đang bị bắt giữ. Tại hiện trường các vụ tấn công, người ta thấy các máy bay trực thăng Pháp đang quần thảo trên sân vận động phía Bắc Paris, trong khi đó Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đang hối thúc Bộ Nội vụ nước này khẩn trương giải quyết tình huống.

Theo các nhân chứng, cảnh sát đã đóng cửa một khu vực tại trung tâm thủ đô Paris, nơi giới truyền thông cho hay các tay súng đã tấn công vào một nhà hàng, gây ra khá nhiều thương vong.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ra lệnh cho các lực lượng an ninh nhanh chóng triển khai tấn công vào Nhà hát Bataclan. Các nhân chứng đã nghe thấy có 5 tiếng nổ liên tiếp và nhiều tiếng súng vang lên sau đó. Theo kênh truyền hình France 24 của Pháp, chiến dịch tấn công Nhà hát Bataclan hiện đã kết thúc, những kẻ tấn công đã bị tiêu diệt. Trong đó, 118 người thiệt mạng tại Nhà hát Batacan - nhà hát lâu đời và nổi tiếng bậc nhất của Paris và hơn 40 người ở những địa điểm khác. Tuy nhiên, đây có thể không phải con số thương vong cuối cùng.

Trong khi đó, chính quyền Pháp đã cho đóng cửa tất cả các trường phổ thông và đại học trong ngày 14-11. Giới chức ngành giao thông vận tải Pháp cũng đã ra lệnh đóng một số tuyến tàu điện ngầm tại Paris sau khi xảy ra các vụ tấn công. Cảnh sát Pháp cho biết, có ít nhất hai vụ tấn công liều chết và một vụ đánh bom trong một loạt vụ tấn công làm rung chuyển thủ đô Paris rạng sáng 13-11 (giờ Việt Nam). Tổng thống Hollande đã hủy chuyến công du tới Thổ Nhĩ Kỳ tham dự hội nghị nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 trong tuần này. Ông cũng ra lệnh tăng cường triển khai các biện pháp quân sự để đảm bảo không có thêm bất kỳ vụ tấn công nào tiếp tục xảy ra.


Người hâm mộ nán lại sân nhằm tránh tình trạng hỗn loạn bên ngoài.

Binh sĩ Pháp được triển khai tại hiện trường một vụ tấn công. Ảnh: BBC
 
Văn phòng Tổng thống Pháp ngày 14-11 cho biết, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã lên đường tới Nhà hát Bataclan ở thủ đô Paris, nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vào đêm 13 rạng sáng 14-11 (theo giờ Việt Nam) khiến hơn 100 con tin thiệt mạng.

Cùng đi với Tổng thống Hollande tới hiện trường vụ tấn công gồm có Thủ tướng Pháp Manuel Valls, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve và Bộ trưởng Tư pháp Christiane Taubira.

Tổng thống Pháp đã ra lệnh triển khai thêm 1.500 binh sĩ tại thủ đô Paris sau loạt vụ tấn công đẫm máu nhất tại Pháp kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

8 kẻ tấn công đã bị tiêu diệt

Theo kết quả điều tra sơ bộ, 8 kẻ tấn công đã thiệt mạng, trong đó 4 tay súng bị tiêu diệt ngay trong nhà hát Bataclan, 3 tay súng bị tiêu diệt gần sân vận động quốc gia và 1 tay súng thiệt mạng trên một đường phố ở khu vực Đông thủ đô Paris.


Lực lượng cứu hộ chuyển người bị thương trong vụ tấn công ở Nhà hát Bataclan ngày 13-11. Ảnh: TTXVN

Văn phòng Tổng thống Pháp sáng 14-11 cho biết nước này sẽ khôi phục lại các hoạt động kiểm soát biên giới thay vì đóng cửa biên giới sau hàng loạt vụ tấn công đẫm máu ở Paris làm hơn 300 người thương vong.

Trong một thông cáo báo chí sau cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bộ trưởng, Điện Elysee cho biết: "Tổng thống Francois Hollande đã quyết định khôi phục ngay lập tức các hoạt động kiểm soát biên giới".

Trước đó, trong một tuyên bố ngắn trên truyền hình đêm 13-11, Tổng thống Hollande đã ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp trên cả nước và cho biết "các cửa khẩu biên giới đều bị đóng cửa". Điện Elysee nêu rõ tình trạng khẩn cấp có hiệu lực "ngay lập tức ở lục địa Pháp và đảo Corse", theo đó mọi người bị cấm đi lại và các vùng bảo vệ an ninh được thiết lập.

Theo nguồn tin của Bộ Ngoại giao Pháp, các sân bay và ga tàu hỏa vẫn được mở, trong khi an ninh được siết chặt.

Nhà chức trách Pháp ngày 14-11 đã mở cuộc điều tra sơ bộ về một loạt vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Paris.

Phát biểu với báo giới, Trưởng Công tố Francois Molins cho biết, cuộc điều tra nhằm truy tìm những kẻ tòng phạm cũng như những kẻ chủ mưu đứng đằng sau vụ tấn công. Các công tố viên xác định đây là cuộc điều tra liên quan tới "những vụ giết người có dính líu tới một tổ chức khủng bố, đồng thời cho biết thêm có ít nhất 7 kẻ tấn công tham gia các vụ khủng bố.

Một số nguồn tin cho hay 4 kẻ tấn công nhà hát Bataclan đã kích hoạt các đai thuốc nổ đeo trên mình khi cảnh sát đột kích vào tòa nhà. Một nguồn tin nói: “Ba trong số chúng đã cho nổ tung thân mình, tên thứ 4 cũng đeo một dây đai thuốc nổ đã bị cảnh sát bắn, nhưng sau đó cũng kích hoạt khối thuốc nổ khi ngã xuống”.

Những tên khủng bố được cho là đã dùng súng tiểu liên AK-47S, loại súng AK-47 đời mới nhất để khống chế các con tin. Người đứng đầu lực lượng cảnh sát Paris cho hay tất cả các kẻ tấn công được cho là đã chết. Theo lời kể của một nhân chứng, một trong những tên khủng bố đã đề cập đến việc Pháp tham gia vào chiến dịch chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Syria. Ngoài ra, các tay súng cũng đề cập đến vấn đề Iraq.

An ninh được tăng cường cao độ ở Italy, Mỹ, Bỉ

An ninh đã được tăng cường cao độ ở Italy, Mỹ và Bỉ ngay sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Paris của Pháp.

Tại Rome, Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano đã ban bố mức báo động cao nhất để đảm bảo an ninh cho nước này và Tòa thánh Vatican. Cảnh sát và quân đội đã được tăng cường trước các cơ quan chính phủ, Tòa thánh Vatican và các cơ quan đại diện các nước đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở thủ đô Rome và các thành phố lớn trong cả nước. Các cơ sở ngoại giao, văn hóa và giáo dục có liên quan đến Pháp cũng được tăng cường bảo vệ. Bộ trưởng Alfano tuyên bố triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng an ninh quốc gia vào trưa 14-11.
Italy đã được đặt trong tình trạng báo động kể từ đầu năm nay sau khi xảy ra vụ tấn công vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo cũng tại Paris của Pháp, khiến 12 người thiệt mạng. Mối lo ngại lúc này đang tăng lên, bởi vụ xả súng ở Paris đêm 13-11 xảy ra khi Năm thánh chỉ còn ba tuần lễ nữa là bắt đầu.

Trong khi đó, tại thành phố New York (Mỹ), nhà chức trách cũng lập tức ban bố tình trạng báo động cao, đồng thời cho triển khai lực lượng cảnh sát chống khủng bố ngay sau khi xảy ra vụ việc. Trong một tuyên bố, Sở Cảnh sát New York cho biết các đơn vị chống khủng bố đã được tăng cường tới các khu vực đông người xung quanh thành phố, đặc biệt tại những nơi đặt trụ sở các cơ quan đại diện chính phủ Pháp tại Mỹ. Cơ quan chức năng Mỹ hiện đang tiếp tục theo sát vụ việc và phối hợp chặt chẽ với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và cảnh sát Pháp.

Cùng ngày, người phát ngôn Thủ tướng Bỉ cho biết nước này cũng đã triển khai các biện pháp kiểm soát biên giới đối với các hoạt động giao thông đường bộ, đường sắt và hàng không đối với các chuyến đi xuất phát từ Pháp sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Paris. Thủ tướng Bỉ Charles Michel sẽ triệu tập cuộc họp nội các an ninh trong ngày 14-11 để xem xét các phản ứng đối với loạt vụ tấn công khủng bố ở quốc gia láng giềng.

Người phát ngôn Thủ tướng Bỉ nhấn mạnh nước này sẽ không đóng cửa biên giới mà sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra các hành khách tới từ Pháp. Trong khi đó, thành phố New York (Mỹ) đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Lực lượng cảnh sát chống khủng bố đã được tăng cường tới các địa điểm đông người và các nơi đặt các cơ quan đại diện Pháp.

Dư luận quốc tế kịch liệt lên án

Ngay trong ngày 13-11, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã ra thông cáo mạnh mẽ lên án các vụ tấn công khủng bố “dã man và hèn nhát” tại Paris, trong đó, nhấn mạnh “sự cần thiết phải đưa các thủ phạm của những hành động khủng bố này ra công lý”.

Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng khẳng định liên minh quân sự này sẽ sát cánh với Pháp chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết Nga lên án các vụ tấn công “thù hận” và những kẻ tấn công “mất nhân tính” trong các vụ khủng bố tại Paris. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã gửi lời chia buồn và sự ủng hộ tới Tổng thống Pháp Francois Hollande và người dân nước này.

Nhiều quan chức của Liên minh châu Âu (EU) trong đó Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cũng đã lên tiếng bày tỏ sự đoàn kết với người dân Pháp sau các vụ tấn công trên.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà bị “sốc” trước thông tin các vụ tấn công ở thủ đô Paris của Pháp, đồng thời nhấn mạnh: “Tôi bị sốc trước các thông tin và hình ảnh từ Paris. Ở thời điểm này, tâm trí tôi chỉ nghĩ về các nạn nhân trong những vụ tấn công khủng bố vừa xảy ra, gia đình họ cùng toàn thể người dân Pháp”.

Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ nước láng giềng và nỗ lực hết sức để có thể phục vụ công tác điều tra.

Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án đêm bạo lực tại Paris, coi đây là vụ "tấn công nhằm tất cả nhân loại" khi mọi giá trị tự do, bình đẳng, tín ngưỡng đều bị phá vỡ. Phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng, ông Obama nói: "Tất cả những ai nghĩ rằng họ có thể đe dọa được nhân dân Pháp hoặc giá trị mà nước Pháp đã xây dựng là sai lầm".

Cùng ngày, chính phủ các nước Nam Mỹ đồng loạt lên án mạnh mẽ các vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris.

Tại Nam Mỹ, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff “vô cùng sốc” trước những gì đang diễn ra tại Pháp và bày tỏ tình đoàn kết với chính phủ và người dân Pháp. Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro lên án vụ khủng bố và khẳng định người dân nước này sẽ luôn sát cánh cùng nước Pháp. Trong khi đó, Tổng thống Ecuador Rafael Correa nhấn mạnh đây là một hành động “dã man”. Tổng thống Peru Ollanta Humala cũng khẳng định tình đoàn kết với nhân dân Pháp.

Mỹ tạm ngừng các chuyến bay tới Pari

Trong khi đó, phản ứng trước các cuộc tấn công vừa xảy ra tại Paris, ngày 13-11, Tập đoàn Hàng không Mỹ - hãng vận tải hành khách lớn nhất thế giới - đã quyết định tạm ngừng các chuyến bay tới Paris, mặc dù sân bay Pháp vẫn mở cửa hoạt động bình thường.

Người phát ngôn của American Airlines Joshua Freed nhấn mạnh: “Hiện sân bay quốc tế Charles de Gaulle vẫn mở cửa, tuy nhiên chúng tôi sẽ tạm ngừng khởi hành các chuyến bay trong tối nay (13-11, giờ Mỹ) tới Paris cho tới khi có thêm thông tin mới”. Tuy nhiên, Hãng hàng không United Continental Holdings cho hay 3 chuyến bay dự kiến khởi hành sang Paris vào tối 13-11 từ Chicago, Newark và Washington D.C sẽ vẫn tiếp tục cất cánh.

Trong khi đó, bất chấp các vụ tấn công khủng bố ở Paris, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết các sân bay sẽ tiếp tục mở cửa và các chuyến bay vẫn được vận hành bình thường.

Việt Nam lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào dân thường

Ngày 14-11, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những vụ tấn công tại Pháp ngày 13-11-2015 khiến nhiều người thiệt mạng, bị thương và bị bắt làm con tin, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:


Người Phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình. Ảnh: Bộ Ngoại giao

“Chúng tôi hết sức bàng hoàng và lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào dân thường xảy ra vào ngày 13-11-2015 tại Pháp khiến nhiều người bị thiệt mạng và bị thương. Việt Nam xin chia sẻ những đau thương, mất mát to lớn mà Chính phủ, nhân dân Pháp cũng như gia đình những nạn nhân đang phải hứng chịu. Chúng tôi tin tưởng rằng với những nỗ lực mà Chính phủ và nhân dân Pháp đang triển khai, những kẻ thủ ác phải bị trừng trị đích đáng.

Ngày 14-11-2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi điện chia buồn và thăm hỏi tới Tổng thống Pháp Francois Hollande; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi điện chia buồn và thăm hỏi tới Thủ tướng Pháp Manuel Valls. Cùng ngày Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện chia buồn tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có hay không công dân Việt Nam là nạn nhân của những vụ tấn công nói trên, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết:

“Ngay sau khi được tin về những vụ tấn công xảy ra tại Paris ngày 13-11-2015, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp ngay lập tức làm việc cụ thể với các cơ quan chức năng sở tại để tìm hiểu những thông tin liên quan đến công dân Việt Nam tại những khu vực xảy ra tấn công. Trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp bằng mọi cách phối hợp với các cơ quan chức năng của Pháp hỗ trợ, tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân.

Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp sáng ngày 14-11-2015 cho biết theo Cơ quan xử lý khủng hoảng của Bộ Ngoại giao Pháp, hiện chưa có thông tin cụ thể về quốc tịch của những nạn nhân bị thiệt mạng và bị thương. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp hiện đang khẩn trương theo sát những diễn biến liên quan để có thể kịp thời tiến hành các biện pháp bảo hộ trong trường hợp xác định có công dân Việt Nam là nạn nhân những vụ tấn công.

Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng đã mở 2 đường dây nóng 00.33.67.7622624 và 00.33.66.3541759 cùng hoạt động với tổng đài Bảo hộ công dân trong nước 084.4.62844844 để sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin liên quan đến công dân Việt Nam là nạn nhân của những vụ tấn công nêu trên”.

Tổng hợp nguồn: QĐND
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37027085