Truy cập hiện tại

Đang có 245 khách và không thành viên đang online

Kết quả 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TU về quản lý và tổ chức lễ hội

(TGAG)- An Giang là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo. Chính sự đa dạng ấy tạo nên nét sinh động, đa dạng nhiều màu sắc của đời sống lễ hội. Toàn tỉnh có trên 160 lễ hội truyền thống với nhiều loại hình phong phú như: lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội các dân tộc, lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội văn hóa du lịch… Sinh hoạt văn hoá cộng đồng, lễ hội của tỉnh chính là một trong những sinh hoạt văn hoá quan trọng nhất. Thông qua hoạt động lễ hội mà các giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh được giới thiệu, tôn vinh, bồi đắp và tiếp nối.

Nhằm tăng cường lãnh đạo về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ An Giang đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 02-12-2015 về “Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh” (gọi tắt là Chỉ thị 03-CT/TU). Sau 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TU, đời sống lễ hội trên địa bàn đã có bước phát triển mới về tầm vóc, quy mô và hiệu quả xã hội mà nó mang lại.



Trước hết, công tác quán triệt tuyên truyền Chỉ thị 03-CT/TU đã được các cấp các ngành quan tâm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Nhận thức về lễ hội nói chung, ý nghĩa, vị trí, vai trò công tác quản lý, tổ chức lễ hội nói riêng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội được nâng lên. Thông qua tuyên truyền giáo dục, hoạt động lễ hội được tổ chức đơn giản hơn và giảm tần suất; cán bộ, đảng viên gương mẫu, chấp hành các quy định về tham gia lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Xóa bỏ dần tình trạng mất an ninh trật tự, chèo kéo khách tại nhiều khu điểm du lịch, đặc biệt khu vực Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam - một lễ hội với quy mô lớn của khu vực và cả nước. Tình trạng lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan đã từng bước được đẩy lùi.

Công tác tổ chức lễ hội được cấp ủy, chính quyền các địa phương, ngành văn hóa, ban quản lý khu điểm di tích; ban tổ chức lễ hội quan tâm tổ chức theo hướng lành mạnh, an toàn, với tính chất xã hội hoá cao, tạo điều kiện phục vụ tốt đời sống tinh thần, góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội. Bên cạnh bảo tồn được những giá trị truyền thống, nhiều lễ hội còn tiếp thu, bổ sung thêm những giá trị mới, văn minh, hiện đại.. tạo được dấu ấn tích cực của người dân, đặc biệt là du khách ngoài tỉnh. Nhiều lễ hội ngày càng có sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, xã hội hoá lễ hội được quan tâm đẩy mạnh, đặc biệt là các lễ hội truyền thống, dân gian. Một số lễ hội truyền thống của tỉnh tầm vóc đã vươn ra khu vực, cả nước, thậm chí vượt qua biên giới như: Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam; lễ hội Đua bò Bảy Núi An Giang.. hay những lễ hội tuy mới gầy dựng, khôi phục nhưng đã tạo được nhiều dấu ấn, thu hút du khách gần xa như: Lễ hội Trần Văn Thành; lễ hội mùa nước nổi Búng Bình Thiên.. đã góp phần quan trọng, tạo nên con số khá ấn tượng, với 8,5 triệu lượt du khách đến với An Giang trong năm 2018.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh ta củng còn một số bất cập, hạn chế. Đó là thực trạng “tính thiêng” của phần lễ đã ít nhiều suy giảm trước sự xâm lấn của yếu tố xã hội hóa, thương mại hóa và các hiện tượng tiêu cực khác. Tệ nạn xã hội như: trộm cắp, móc túi, chèo kéo, mê tín dị doan vẫn xảy ra vào các dịp cao điểm lễ tết, những nơi tập trung đông người. Một số di tích và các giá trị truyền thống của di tích và lễ hội vẫn còn tình trạng bị xâm hại..

Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà nó còn là động lực để phát triển. Đặc biệt trong phát triển bền vững, vai trò của văn hóa càng mang tính quyết định. Trong thời gian tới, công tác quản lý và tổ chức lễ hội cần quan tâm quy hoạch lại, rà soát và tạo điều kiện tổ chức thật tốt các lễ hội theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống vốn có. Làm tốt công tác xã hội hóa lễ hội, phát huy vai trò của cộng đồng, gắn hệ thống lễ hội với phát triển du lịch. Ngoài ra, quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện, đặt hàng cho các nhà khoa học trong ngoài tỉnh có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa các dân tộc, các thực hành văn hóa, nhất là hệ thống lễ hội trên địa bàn, làm cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn và phát triển. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, những người làm công tác quản lý văn hóa, tổ chức các sự kiện văn hóa, người hoạt động trong lĩnh vực quản lý lễ hội. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng, phát huy hết ý nghĩa, vai trò và bản sắc văn hóa vốn có, trở thành hạt nhân, là động lực quan trọng góp phần cho quá trình xây dựng và phát triển quê hương.

Văn An
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40828511